3.021. Vệ sỹ được BIDV thuê có hành vi “khống chế, bắt nợ” chủ doanh nghiệp?

(BĐS) –  Một số Luật sư cho rằng, vệ sỹ được Ngân hàng BIDV Thanh Hóa thuê để bảo vệ trật tự có hành vi khóa tay, khống chế, “áp giải” cán bộ, ông chủ doanh nghiệp khi thu giữ tài sản là… quá đà.

Vệ sỹ khóa tay, khống chế, áp giải chủ doanh nghiệp ra khỏi phòng làm việc

Công ty Cổ phần Hồng Phúc (cụm làng nghề Hà Phong, Hà Trung, Thanh Hóa) có quan hệ tín dụng với Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam – Chi nhánh Thanh Hóa (gọi tắt là BIDV Thanh Hóa) từ năm 2001. Từ năm 2001 đến năm 2011, quan hệ tín dụng giữa hai bên được cho là hết sức “đằm thắm”. Các bên đảm bảo thời gian vay, thời gian trả gốc và lãi theo quy định.

Tuy nhiên, mối quan hệ tín dụng giữa hai bên được cho là “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” bắt đầu từ năm 2012 đến nay. Thời điểm này, phía Công ty Hồng Phúc lao đao vì mất cân đối tài chính, dẫn đến khoản nợ mà Công ty vay của ngân hàng BIDV khó có khả năng thanh toán.

“Công ty Hồng Phúc xác định, nợ vay là phải trả. Chúng tôi đã có công văn đề nghị BIDV Thanh Hóa xử lý khoản nợ vay giữa hai bên thông qua phán quyết của tòa án, nhưng không được Ngân hàng chấp nhận”, ông Trần Tiến Quân, Giám đốc Công ty Hồng Phúc thể hiện thái độ bất lực.

Ngày 21/11/2019, BIDV Thanh Hóa đã tiến hành thu giữ tài sản đảm bảo của doanh nghiệp Hồng Phúc, mà theo họ là đúng quy định của pháp luật, trước sự chứng kiến của Công an huyện Hà Trung, UBND xã Hà Phong, Công an xã Hà Phong, huyện Hà Trung…

Theo tìm hiểu của phóng viên, để đảm bảo an ninh trong quá trình thực hiện việc thu giữ tài sản, phía Ngân hàng BIDV Thanh Hóa đã ký hợp đồng bảo vệ với Công ty Thành Long, cắt cử vệ sỹ thực hiện nhiệm vụ.

Trong khi đó, tại buổi thu giữ tài sản đảm bảo, đại diện doanh nghiệp không đồng ý với hành vi kiểm kê, thu giữ tài sản của Ngân hàng vì cho rằng BIDV Thanh Hóa thu giữ tài sản khi chưa được sự đồng ý của Công ty Hồng Phúc. Tất cả các văn bản, giấy tờ thu giữ tài sản không được Công ty Hồng Phúc xác nhận.

“Không những vậy, Ngân hàng còn niêm phong luôn cả những tài sản không thuộc trong danh sách tài sản thế chấp ngân hàng như hàng hóa tồn kho, thiết bị văn phòng… thu giữ luôn cả văn phòng làm việc cùng tất cả sổ sách chứng từ, khiến Công ty không có nơi làm việc suốt mấy tháng trời, cùng với việc không thể hoàn thành nghĩa vụ báo cáo số liệu với cơ quan chức năng”, ông Trần Tiến Quân thông tin.

Vì lẽ đó, nhiều cán bộ, nhân viên Công ty Hồng Phúc đã lên tiếng phản ứng với cán bộ ngân hàng và lực lượng vệ sỹ được thuê để bảo đảm trận tự, an ninh. Sự việc được đẩy lên cao trào khi vệ sỹ của Công ty Thanh Long khóa tay, khống chế, áp giải ông chủ, cán bộ của Công ty Hồng Phúc, ra khỏi phòng khi họ phản ứng với hành vi thu giữ tài sản của ngân hàng, trước sự chứng kiến lực lượng chức năng và nhiều người có mặt tại đây.

Đoạn clip thể hiện rõ việc lực lượng vệ sỹ (mặc đồng phục áo xanh, quần đen, mũ đen) thực hiện nhiệm vụ do Ngân hàng BIDV Thanh Hóa giao trong buổi thu giữ tài sản, đồng thời đề nghị phía Công ty Hồng Phúc phối hợp.

Nhóm thanh niên “không mời mà đến” có mặt tại buổi thu giữ tài sản với hành vi lạ.

Ngoài lực lượng vệ sỹ mặc đồng phục được thuê làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trong buổi kiểm tra, thu giữ tài sản của doanh nghiệp còn xuất hiện một nhóm thanh niên lạ mặt, trạc tuổi khoảng 20 – 30 tuổi. Thái độ và phản ứng của họ khiến người ta không khỏi nghi ngờ rằng, đây là nhóm người của ngân hàng được thuê để “nắn gân” doanh nghiệp?

Theo clip phóng viên có được, bất cứ phản ứng nào từ phía doanh nghiệp cũng bị nhóm thanh niên lạ mặt này chú ý, thậm chí họ có thái độ thách đố khi vị chủ doanh nghiệp này kiên quyết không cho phép ngân hàng thực hiện kiểm kê, thu giữ thu tài sản. Ngay lập tức, hành vi trên của nhóm thanh niên lạ mặt được lực lượng vệ sỹ can ngăn.

Nhận được thông tin này, phóng viên đã trực tiếp gọi điện cho Công an huyện Hà Trung để thông báo sự việc. Không lâu sau đó, lực lượng chức năng được “tiếp ứng”, có mặt tại hiện trường, đồng thời yêu cầu những thành phần không được mời trong buổi kiểm tra, tịch thu tài sản rời khỏi hiện trường. Nhóm thanh niên “lạ mặt” sau đó cũng tự nguyện rời đi sau đó ít phút sau khi có “lệnh”.

Ngân hàng phủ nhận thuê xã hội đen “bắt nợ” doanh nghiệp

Phía ngân hàng BIDV Thanh Hóa cho rằng, việc thu giữ tài sản của Công ty Hồng Phúc là đúng quy định của pháp luật, đồng thời phủ nhận các khiếu nại của doanh nghiệp Hồng Phúc như nội dung nêu trên.

“Các biên bản làm việc cho thấy, Công ty đã đồng ý nội dung, bên thế chấp đồng ý chấp thuận vô điều kiện cho ngân hàng được toàn quyền thu giữ tài sản thế chấp để xử lý khi phát sinh trường hợp xử lý tài sản thế chấp theo quy định. Bên thế chấp đồng ý và cam kết không có khiếu nại, khiếu kiện hoặc có bất cứ hành vi cản trở, gây trở ngại, làm ảnh hưởng đến việc thu giữ của ngân hàng”, văn bản của BIDV Thanh Hóa cho hay.

Tuy nhiên, phía Công ty Hồng Phúc không thực hiện được phương án kinh doanh, chây ì việc trả nợ. Do đó, căn cứ theo Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng, Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 20/7/2017 về việc thực hiện Nghị quyết 42; Điều 63, Nghị định 161/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm và các văn bản liên quan, hợp đồng thế chấp và các biên bản làm việc giữa hai bên, BIDV Thanh Hóa đủ cơ sở pháp lý thu giữa tài sản đảm bảo để thu hồi nợ”, BIDV Thanh Hóa thông tin.

Giải thích về khiếu nại Ngân hàng BIDV đã chiếm giữ cả tài sản không thuộc trong danh sách tài sản thế chấp: “Trước và sau thời điểm tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, BIDV Thanh Hóa đã gửi văn bản đến Công ty Hồng Phúc và các bên có liên quan về việc di dời các tài sản không thuộc tài sản đảm bảo ra khỏi tài sản thu giữ. Tuy nhiên, Công ty Hồng Phúc không chủ động di dời tài sản, không có phản hồi với BIDV. Ngân hàng không chịu trách nhiệm đối với mất mát, hư hỏng đối với tài sản không thuộc danh mục thế chấp”, văn bản của BIDV nêu.

Đội vệ sỹ được thuê có hành vi khóa tay, khống chế, “áp giải” ông chủ là quá đà, có dấu hiệu vi phạm pháp luật?

Về nghi vấn BIDV Thanh Hóa “dùng” xã hội đen (ngoài lực lượng vệ sỹ được Ngân hàng thuê mặc trang phục áo xanh, quần đen, mũ đen) thu giữ tài sản doanh nghiệp, phía Ngân hàng cho rằng đây là thông tin là sai sự thật.

“BIDV Thanh Hóa tiến hành thu giữ tài sản theo đúng các quy định của pháp luật trước sự chứng kiến của đại diện Công an huyện Hà Trung, UBND xã Hà Phong, Công an xã Hà Phong, huyện Hà Trung và được Văn phòng thừa phát lại thành phố Thanh Hóa lập vi bằng diễn biến vụ việc”, văn bản của BIDV Thanh Hóa cho hay.

Về việc nhóm thanh niên lạ (ngoài lực lượng vệ sỹ được thuê) xuất hiện trong buổi thu giữ tài sản doanh nghiệp Hồng Phúc, ông Lê Ngọc Vân, Giám đốc BIDV Thanh Hóa cho biết, ông không biết nhóm người lạ “không mời mà đến” này: “Trong quá trình thu giữ, người dân có thể tò mò nên đến xem. Người dân thì không thể nói trước được. Các thành phần đó tôi làm sao biết được”.

Ông Lê Ngọc Vân, Giám đốc BIDV Thanh Hóa.

Về phản ứng của nhóm thanh niên lạ mặt có thái độ “ủng hộ” Ngân hàng BIDV thực hiện thu giữ tài sản, ông Vân cho rằng: “Chúng tôi yêu cầu đơn vị vệ sỹ được thuê bảo vệ mặc đồng phục để nhận diện. Người ta (chỉ nhóm thanh niên lạ mặt-PV) ngồi ngoài, không tham gia gì cả. Về phía Ngân hàng làm sao chúng tôi đi làm việc đó”.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, hành vi vệ sỹ của Công ty Thành Long được thuê để thực hiện nhiệm vụ, có hành động khóa tay, khống chế, “áp giải” người của Công ty Hồng Phúc ra khỏi phòng làm việc để ngân hàng thực hiện thu tài sản là có dấu hiệu vi phạm.

“Chỉ được thu giữ tài sản theo quy định tại Điều 7, Nghị quyết số 42 với điều kiện hợp đồng thế chấp (đã công chứng và đăng ký thế chấp) phải có nội dung thoả thuận rõ về việc Ngân hàng “có quyền thu giữ tài sản bảo đảm”.

Luật sư Trương Thanh Đức.

Việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm thuộc về trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp và cơ quan công an.

Ngân hàng không được phép cưỡng chế, đe doạ, ép buộc, trấn áp, khống chế, bắt giữ người trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm. Nếu bên thu giữ tài sản thực hiện các hành vi này hoặc xâm phạm đến sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của người khác là phạm pháp

Cơ quan công an cần làm rõ, xem xét dấu hiệu hình sự về hành vi này. Nếu cho rằng ngân hàng được quyền làm việc này là không hiểu vấn đề. Việc này là của cơ quan chức năng”, Luật sư Trương Thanh Đức nói.

Những vấn đề liên quan tới pháp lý về quan hệ tín dụng theo kiểu “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa Công ty Hồng Phúc và Ngân hàng BIDV Thanh Hóa sẽ được chúng tôi đề cập rõ hơn trong bài viết tới.

Quốc Toản –  Thiên Vân

—————–

Bất động sản (Thời sự) 30-5-2020:

http://reatimes.vn/ve-sy-duoc-bidv-thue-co-hanh-vi-khong-che-bat-no-chu-doanh-nghiep-20200530101626373.html

(255/1.910)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Truy quét hàng giả cuối năm.

Truy quét hàng giả cuối năm. (NLĐ) - Các cơ quan chức năng sẽ tập trung...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,978