(CFF) – Theo Luật sư Trương Thanh Đức, cơ quan quản lý hoàn toàn có thể rút gọn được rất nhiều thời gian so với quy trình thông thường. Nội dung này không giống những quy định trước bởi Chính phủ đã quyết rồi, tức là chốt mức giảm 50% lệ phí trước bạ. Hiện tại, công việc còn lại chỉ là thủ tục hành chính.
Trước thắc mắc của người dân về thời điểm áp dụng quyết định giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, luật sư Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty Luật ANVI) cho rằng, văn bản chính thức nếu được ban hành theo trình tự rút gọn thì có thể ra đời trong một, hai tuần. Theo ông, đây là vấn đề vô cùng cấp bách bởi nếu không làm sớm, hiệu ứng với nền kinh tế sẽ là khó tưởng tượng.
Thời điểm cấp bách, có thể rút gọn quy trình từ vài tháng xuống vài ngày
– Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP với nội dung đáng chú ý là quyết định giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020. Đây là thông tin được rất nhiều người mong chờ và liệu chúng ta có thể hiểu, ngay từ bây giờ, nếu mua xe, người dân sẽ được hưởng mức lệ phí mới này, thưa ông?
Đó là điều mọi người đều mong muốn nhưng thực tế là chúng ta vẫn phải đợi, vì Nghị quyết không phải là văn bản quy phạm pháp luật để thay thế Nghị định 140/2016/NĐ-CP về Lệ phí trước bạ. Vì Bộ Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Nghị định của Chính phủ để sửa đổi, bổ sung Nghị định hiện hành.
Nếu theo trình tự thông thương thì trước hết, Bộ Tài chính sẽ phải lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập để soạn dự thảo nghị định. Dự thảo này sẽ gửi các bộ, ngành và công khai để lấy ý kiến các nơi. Thông thường, thời gian để lấy ý kiến này có thể là 30-45 ngày tùy từng loại văn bản. Văn bản sau khi được góp ý sẽ trình lên để lấy ý kiến các thành viên Chính phủ thông qua. Tổng thời gian đối với riêng công đoạn lấy ý kiến và thẩm định đã mất khoảng 6 tháng, thậm chí có văn bản mất tới cả năm, chưa kể thời gian soạn thảo, chỉnh lý, hoàn thiện.
– Nhưng, điều đáng lưu ý là Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ triển khai xây dựng Nghị định theo hướng thủ tục rút gọn. Với thời điểm cấp bách như hiện tại, liệu chúng ta có thể mong chờ một Nghị định mới sớm hơn?
Tôi nghĩ rằng cơ quan quản lý hoàn toàn có thể rút gọn được rất nhiều thời gian so với quy trình thông thường. Nội dung này không giống những quy định trước bởi Chính phủ đã quyết rồi, tức là chốt mức giảm 50% lệ phí trước bạ. Hiện tại, công việc còn lại chỉ là thủ tục hành chính.
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 chỉ quy định các thời hạn tối đa để thực hiện các quy trình xây dựng văn bản mà không có tối thiểu đối với quy trình rút gọn. Điều đó tức là, trong những trường hợp khẩn cấp như hiện tại, thời gian này hoàn toàn có thể rút ngắn lại rất nhiều. Đơn cử như thời gian lấy ý kiến các bộ, ngành, đơn vị có thể chỉ cần vài ngày thay vì vài tuần như trước. Và Nghị định có thể có hiệu lực ngay trong ngày ký chứ không cần thời gian chờ ít nhất 45 ngày như thông thường. Như thế, nếu thực hiện tốt, thời gian để có văn bản hướng dẫn theo tôi có thể chỉ cần khoảng 2 tuần.
– Có thông tin mới đây cho rằng, việc giảm 50% lệ phí trước bạ chỉ là chủ trương của Chính phủ, thẩm quyền quyết định là Quốc hội. Tức là, người mua xe có thể phải đợi lâu hơn để được mua xe giá rẻ?
Tôi nghĩ đây là sự nhầm lẫn. Trong Luật Phí và lệ phí năm 2015 không có quy định nào về khung sàn hay trần của lệ phí trước bạ, mà giao cho Chính phủ quyết định. Như vậy mức lệ phí trước bạ cao hay thấp, tăng hay giảm bao nhiêu là thuộc toàn quyền của Chính phủ quyết định.
Cảnh báo hiệu ứng ngược từ tâm lý ngồi chờ
– Có ý kiến lo rằng, việc giảm mạnh lệ phí trước bạ sớm sẽ gây ảnh hưởng tới ngân sách vốn đang khó khăn. Cái được so với cái cái mất thì sao, thưa ông?
Tôi cho rằng, điểm lợi là vô cùng lớn. Trước hết, người dân sẽ cảm nhận được tinh thần, quan điểm, chủ trương hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của Chính phủ đến được với mọi người một cách sát sườn, cụ thể nhất.
Cụ thể hơn, điều ai cũng thấy rõ là người dân sẽ giảm được một số tiền khá lớn. Khoản lệ phí trước bạ trước nay là con số đáng kể với người mua xe. Với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có mức lệ phí trước bạ lên tới 12%, giảm một nửa đồng nghĩa người mua xe sẽ tiết kiệm được hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng.
Trong các quy định để tháo gỡ khó khăn, tôi cho rằng, đây là nội dung thực sự thiết thực, đáng “đồng tiền bát gạo”. Nhìn lại một số nội dung tháo gỡ, chúng ta sẽ thấy, một số khoản thuế chỉ gia hạn 5 tháng, lãi suất thấp cũng không dễ tiếp cận vì các ngân hàng phải cân đối và xem xét. Riêng với việc giảm 50% lệ phí trước bạ, người dân và doanh nghiệp được hưởng lợi ngay với số tiền đáng kể.
Đây là một chủ trương kích cầu quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến ngành vận tải và lưu thông hàng hóa, vật tư, tác động đến sản xuất, thương mại và tiêu dùng giúp tồn tại, phát triển để nộp thuế trong tương lai gần.
– Rất nhiều người đang có tâm lý chờ quy định mới rồi mới mua xe. Trong hoàn cảnh cần sớm vực dậy nền kinh tế như hiện tại, ông có lo điều ấy vô tình sẽ gây tác dụng ngược?
Đó chính là điều tôi lo lắng. Việc giảm lệ phí trước bạ, nếu chậm một ngày cũng là thiệt hại lớn. Nguyên nhân vì khác với chính sách miễn giảm khác, nhanh chậm một chút vẫn được hưởng, chủ trương này đã được Chính phủ thông qua, nhưng khả năng là vẫn phải nộp đủ lệ phí trước bạ cho đến ngày nào có Nghị định chính thức. Vậy thì mọi người sẽ có tâm lý chờ đợi thời điểm chính thức được áp dụng.
Vì vậy, về cơ bản người ta sẽ tạm ngừng việc mua bán ô tô hoặc mua rồi cũng chưa đi đăng ký vội. Điều đó không chỉ xảy ra đối với cá nhân mà cả doanh nghiệp, sẽ ảnh hưởng không tốt đến hoạt động sản xuất, lưu thông, nhất là ngành vận tải, du lịch – nơi có những đơn vị thường mua ô tô với số lượng lớn.
Vậy nên, tôi lo rằng, nếu quy định này 1-2 tháng nữa mới có thì sẽ vô hình trung sẽ gây thêm lực cản, sức ỳ cho nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn cần gấp rút phục hồi. Một quy định để kích thích tiêu dùng không kịp thời có thể ngược lại, gây ảnh hưởng lớn tới sản xuất, kinh doanh và chính tiêu dùng.
– Xin cảm ơn ông!
Trương Lương
Theo Trí thức trẻ
—————–
CafeF (Doanh nghiệp) 01-6-2020: