3.028. Gánh nặng thông tư ‘đè’ doanh nghiệp 

(TP) – Cộng đồng doanh nghiệp (DN) chưa kịp phục hồi vì dịch bệnh, nay thêm điêu đứng vì hàng loạt thông tư bất hợp lý. Một số quy định bổ sung, dù là rất nhỏ, nhưng gây ra rào cản lớn, nhất là phát sinh chi phí đè nặng DN. 

Quy định nhỏ, rào cản lớn

Ngày 29/3, Liên đoàn thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2021. Theo đó, nhiều quy định pháp luật không phù hợp áp dụng trong bối cảnh dịch bệnh đã gây khó khăn, bất cập rất lớn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tiêu biểu như việc thiếu vắng quy định về bán thuốc online, khám bệnh từ xa, chế độ cho người làm việc ở nhà …

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI), đang tồn tại nghịch lý liên quan đến việc Chính phủ thúc đẩy hoạt động cải cách, cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp (thông qua đơn giản hóa, cắt bỏ điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính) nhưng một số chính sách đề xuất soạn thảo mới trong năm 2021 lại có xu hướng gia tăng thêm điều kiện kinh doanh mới.

Thanh tra giao thông Hà Nội kiểm tra, xử lý xe khách lắp camera trên đường Hà Nội

ảnh: Trọng đảng

Hàng loạt kiến nghị của DN, hiệp hội về các quy định bất hợp lý, gia tăng chi phí cho DN đã được gửi tới VCCI. Tiêu biểu như Nghị định số 10/2020 yêu cầu lắp camera trên xe ô tô có sức chứa từ 9 chỗ trở lên, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo từ ngày 01/7/2021. Theo kết quả khảo sát của VCCI (trước khi thời điểm Nghị định có hiệu lực), yêu cầu lắp camera tạo ra gánh nặng rất lớn về chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Để thực hiện quy định này, một xe ô tô có thể phải gánh các chi phí khoảng 17 triệu đồng (chi trả chi phí lắp camera 5,8 triệu đồng; chi phí truyền dữ liệu 1,2 triệu đồng, chi phí thải bỏ camera 5 triệu đồng, chi phí để tháo dỡ camera 5 triệu đồng (đối với các doanh nghiệp đã lắp camera trước đó nhưng không tương thích với yêu cầu truyền dẫn của quy định). Nếu trên cả nước có 200.000 xe khách, xe ô tô đầu kéo, container, chi phí ước tính để doanh nghiệp vận tải phải tuân thủ riêng phần lắp camera là 1.160 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí truyền dẫn dữ liệu hàng tháng vào khoảng 240 tỷ đồng.

“Mục tiêu quản lý của cơ quan nhà nước nhằm giám sát, cảnh báo vi phạm đối với tài xế , đảm bảo an toàn giao thông. Nhưng phân tích vào từng mục tiêu thì thấy rằng: camera lắp trên xe có thể giám sát hành vi của lái xe nhưng chỉ là hình ảnh tĩnh không phản ánh chính xác hành vi của tài xế. Ngoài ra, yếu tố hình ảnh của hành khách thuộc về quyền hình ảnh riêng tư chưa được bảo vệ một cách hợp lý trong các quy định liên quan. Trong khi đây lại là vấn đề quan trọng mà các quốc gia trên thế giới quan tâm khi quy định về lắp camera trên xe ô tô vận tải hành khách”, ông Tuấn cho biết.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá, quy trình soạn thảo thông tư thường khép kín trong một bộ, trong khi nhiều vấn đề lại liên quan giữa các bộ ngành. Thông tư vô cùng quan trọng vì trực tiếp ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Nếu làm tốt sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, còn không sẽ trở thành “ngược đãi”.

Ngoài ra, còn nhiều quy định gây khó khăn cho DN như nghị định về xuất khẩu gạo. Sau hơn ba năm bãi bỏ điều kiện về diện tích tối thiểu của kho chuyên dùng, công suất tối thiểu của cơ sở xay, xát hoặc chế biến thóc gạo tại Nghị định số 107/2018, mới đây Bộ Công Thương đang đề xuất quay trở lại quy định về điều kiện kinh doanh này với mục tiêu “tiêu chuẩn hóa đối với việc đầu tư cơ sở hạ tầng đầu vào nhằm đảm bảo sự đồng bộ hóa về năng lực chế biến của cả ngành”, “tạo cơ sở cho các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo sẵn sàng đáp ứng các quy định về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc của các thị trường nhập khẩu”.

Báo động chất lượng thông tư, công văn “hành” DN 

Một trong những điểm báo động được VCCI phản ánh là chất lượng thông tư, công văn – 2 dạng văn bản liên quan sát sườn đến hoạt động của doanh nghiệp. Hiện quy định tại nhiều thông tư vẫn còn tình trạng chưa rõ ràng, thiếu thống nhất, chưa hợp lý và khả thi. Mặc dù, những quy định này tưởng là “nhỏ” nhưng do liên quan đến hoạt động hàng ngày, thường xuyên của doanh nghiệp, nên trở thành rào cản, gây khó khăn đáng kể cho doanh nghiệp.

Quy định yêu cầu lắp camera giám sát khiến doanh nghiệp phải gánh thêm nhiều chi phí ảnh minh hoạ

Ngoài ra, quy trình ban hành thông tư chủ yếu thực hiện giữa các đơn vị chuyên môn của bộ. Mặc dù, trong quá trình soạn thảo, các bộ phải lấy ý kiến đối với đối tượng chịu tác động và có giải trình tiếp thu, nhưng ban soạn thảo, đơn vị thẩm định, người có thẩm quyền ký ban hành đều là của bộ. Nếu so với quy trình ban hành nghị định, luật, pháp lệnh, mức độ kiểm soát về chất lượng và tính minh bạch trong quy trình ban hành thông tư sẽ hạn chế hơn.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá, quy trình soạn thảo thông tư thường khép kín trong một bộ, trong khi nhiều vấn đề lại liên quan giữa các bộ ngành. Thông tư vô cùng quan trọng vì trực tiếp ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Nếu làm tốt sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, còn không sẽ trở thành “ngược đãi”.

Từ 2016 đến 20/7/2020, số lượng thông tư chiếm hơn 68% tổng số lượng văn bản quy phạm pháp luật ban hành. Tính trung bình, mỗi luật (gộp chung luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội) có 6,8 nghị định, 1,8 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và có tới 25,8 thông tư, 1,9 Thông tư liên tịch hướng dẫn.

Một trong những ví dụ điển hình của công văn khiến DN điêu đứng là câu chuyện Hiệp hội Sắn Việt Nam kêu cứu Chính phủ vì Công văn số 632 ngày 07/3/2022 chỉ đạo nội bộ Cơ quan Thuế thực hiện các công việc liên quan đến công tác quản lý hoàn thuế. Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, công văn này lấy lí do không tìm được thông tin của DN Trung Quốc nhập khẩu sắn mà không cho hoàn thuế với DN xuất khẩu tinh bột sắn của Việt Nam là không hợp lý. Bởi việc, xuất khẩu tinh bột sắn là có thật, thể hiện qua tờ khai thông quan của hải quan. Nếu áp dụng theo văn bản này, nguy cơ tạo tiền lệ xấu, có thể khiến nhiều ngành nông sản của Việt Nam điêu đứng.

Quỳnh Nga

——————–

Tiền phong (Kinh tế) 30-3-2022:

https://tienphong.vn/ganh-nang-thong-tu-de-doanh-nghiep-post1426909.tpo

(143/1.312)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Truy quét hàng giả cuối năm.

Truy quét hàng giả cuối năm. (NLĐ) - Các cơ quan chức năng sẽ tập trung...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,981