3.029. Chuyên gia phân tích cơ sở pháp lý và những tác động nếu tạm dừng hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp

(PL) – Trước lo ngại những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid -19 khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam rơi vào tình trạng khó khăn sẽ cần gọi vốn đầu tư hoặc sự hỗ trợ bên ngoài để cứu nguy dẫn đến nguy cơ các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam có thể bị thâu tóm với giá rẻ, mới đây Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã kiến nghị Thủ tướng xem xét tạm thời dừng hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) nhằm bảo vệ doanh nghiệp trong nước. Vậy kiến nghị này dựa trên cơ sở pháp lý kinh tế nào và nếu được thông qua sẽ có những tác động gì ?

Cần xem xét kĩ kiến nghị tạm thời dừng giao dịch M&A

Lo ngại doanh nghiệp Việt dễ rơi vào tay nhà đầu tư ngoại

Tại hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 9/5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho rằng tình trạng gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị vẫn chưa được khắc phục ngay, sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến nhiều doanh nghiệp. Ông cho rằng hiện tượng mua bán, sáp nhập thời gian tới còn diễn ra mạnh mẽ hơn dẫn đến nguy cơ các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam có thể bị thâu tóm với giá rẻ.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ KH-ĐT, số dự án FDI đăng ký mới giảm gần 10% so với cùng kỳ nhưng nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn đẩy mạnh các thương vụ mua cổ phần, góp vốn. Tính đến 20/4, các doanh nghiệp nước ngoài thực hiện hơn 3.210 lượt mua cổ phần, góp vốn, tăng khoảng 33% so với cùng kỳ năm ngoái và gấp 3,3 lần so với số lượt đăng ký vốn FDI mới.

Trong đó, có tới hơn 2.600 thương vụ mua lại cổ phần mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,6 tỷ USD và hơn 580 giao dịch góp vốn làm tăng vốn 0,9 tỷ USD.

Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc là ba nước tăng tới 40% số vụ mua cổ phần, góp vốn vào doanh nghiệp Việt. Về giá trị các thương vụ, Nhật Bản đứng đầu với 743 triệu USD, tiếp theo là Hàn Quốc (356 triệu USD), Singapore (333 triệu USD) và Trung Quốc là 230 triệu USD.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ KH-ĐT, số liệu 4 tháng đầu năm nay ghi nhận những bất thường khi các vụ mua bán sáp nhập theo hình thức này gia tăng mạnh, nhất là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp trong nước cạn kiệt dòng tiền và bị “tổn thương” vì dịch Covid-19.

Trước vấn đề này, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết đã có kiến nghị gửi lên Thủ tướng. Theo đó, một số công ty, quỹ đầu tư nước ngoài đang xem xét mua lại doanh nghiệp trong ngành bất động sản, bán lẻ… trong bối cảnh doanh nghiệp nội gặp khó khăn, có nguy cơ phá sản. Nhằm bảo vệ các doanh nghiệp nội, Chủ tịch VCCI đề xuất phương án tạm thời dừng việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh.

Có nên tạm dừng hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp ?

Trao đổi với Phóng viên Pháp lý, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu (chuyên gia kinh tế) cho rằng, tại thời điểm hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang lọt vào tầm ngắm của nhà đầu tư nước ngoài. Điều này, vừa tạo ra cơ hội và tạo ra những rủi ro.

Theo Tiến sĩ Hiếu, cơ hội là hiện nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang lâm vào tình trạng “suy yếu” thậm chí nguy cơ phá sản rất cao. Chính vì thế cần sự đầu tư ở trong nước cũng như nước ngoài đối với những doanh nghiệp đang bị tác động mạnh. Nếu có được nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài thì đây có thể được coi là liều “vắc xin” kịp thời cứu doanh nghiệp đang “lâm trọng bệnh”, và cũng có thể coi là một trong những động lực giúp vực dậy nền kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn khôi phục nền kinh tế sau dịch bệnh…

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu (chuyên gia kinh tế) trao đổi với PV Pháp lý

Thế nhưng, đi kèm với cơ hội luôn luôn có những rủi ro. Ở đây, rủi rõ hiện hữu nếu như chúng ta mở cửa một cách mạnh mẽ quá có thể là các doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng bị các nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm với giá rẻ, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu lo ngại.

Bởi tại thời điểm này, nguồn lực đầu tư ở trong nước rất yếu, trong khi đó các nhà đầu tư nước ngoài thì nguồn lực dĩ nhiên là rất mạnh mẽ, thành ra hiện tượng họ dễ dàng thâu tóm các doanh nghiệp Việt Nam có thể xảy ra.

Vấn đề nằm ở chỗ về phía cơ quan quản lý nhà nước cần phải có kế hoạch, định hướng chính sách để chấp nhận những đầu tư từ nước ngoài ở những lĩnh vực, ngành nghề nào, với mức đội nào theo kênh M&A… Những lĩnh vực “nhạy cảm” hoặc doanh nghiệp trong nước sản xuất được thì không nên khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài , để bảo vệ cho nền kinh tế nội địa.

Tuy nhiên cũng cần lưu ý, những cơ hội đầu tư không phải lúc nào nó cũng hiện hữu mà nó đến tùy từng thời điểm, nếu không kịp thời nắm bắt nó sẽ đi mất. Đặc biệt là đối với những ngành nghề mà chúng ta đang tích cực kêu gọi đầu tư nước ngoài, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu phân tích.

Không riêng Việt Nam, một số nước trên thế giới cũng lo ngại các nhà đầu tư nước ngoài tranh thủ cơ hội cổ phiếu lao dốc, thị trường bất ổn do Covid-19 để thâu tóm các doanh nghiệp với giá rẻ.

Tuy nhiên trên thực tế, ở các nước như Đức, Nhật Bản… việc Chính phủ các nước này đưa ra biện pháp ngăn chặn nguy cơ thâu tóm doanh nghiệp trong thời gian khủng hoảng kinh tế nhằm để bảo vệ các ngành kinh tế quan trọng, doanh nghiệp trọng điểm hoặc có liên quan đến an ninh quốc gia… chứ không phải áp dụng với tất cả các doanh nghiệp và lĩnh vực kinh doanh.

Cơ sở pháp lý chưa rõ ràng để tạm dừng các hoạt động M&A

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, theo số liệu của Bộ KH-ĐT cho thấy tính chung trong 4 tháng đầu năm, số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng gần 34%, đạt hơn 3.200 lượt. Đây là con số rất lớn trong bối cảnh dịch bệnh khiến phần lớn các hoạt động kinh tế chững lại. Do đó, lo ngại là chính đáng và nguy cơ là có thật.

Tuy nhiên, Theo Luật sư Trương Thanh Đức biện pháp đề xuất tạm dừng hoạt động mua bán sáp nhập tại thời điểm hiện nay thì không hợp lý và không đúng pháp luật. Bởi để cấm đoán, hạn chế quyền của nhà đầu tư, của doanh nghiệp, cá nhân thì phải có cơ sở pháp lý rõng ràng, có quy định pháp luật cụ thể.

Xét ở góc độ quyền của doanh nghiệp, nhà đầu tư… cho đến thời điểm hiện tại, các quy định pháp luật của Việt Nam như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Bộ luật Dân sự, Luật Các tổ chức tín dụng… đã công nhận quyền thực hiện giao dịch M&A của nhà đầu tư.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI trao đổi với PV Pháp lý

Quyền này được thể hiện thông qua một số quyền như: quyền được chào bán cổ phần, hoặc giá trị phần góp vốn của người chủ sở hữu vốn, hoặc giá trị phần vốn được quyền chào bán của doanh nghiệp, quyền bán doanh nghiệp (bao gồm bán tài sản của doanh nghiệp, chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp đang sở hữu, hoặc bán toàn bộ doanh nghiệp nhà nước), quyền mua lại doanh nghiệp của các tổ chức kinh tế Việt Nam… Do đó, việc cấm đoán, hạn chế quyền chỉ được thực hiện trong một số trường hợp đặc biệt như: lý do an ninh quốc phòng, sức khỏe cộng đồng…

Mặt khác theo Luật sư Trương Thanh Đức, trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn thì sẽ cần gọi vốn đầu tư hoặc sự hỗ trợ bên ngoài để cứu nguy. Do đó, không thể tước đi quyền giao dịch của họ trong tình hình khó khăn này. Nếu dừng giao dịch M&A chưa biết được lợi gì, trong khi doanh nghiệp đang khó khăn sẽ không biết huy động vốn ở đâu, dẫn đến hoạt động của doanh nghiệp có thể bị tê liệt và thậm chí rơi vào tình trạng phá sản.

Nếu có, thì chỉ có thể khi xem xét thủ tục phải xét các điều kiện mà pháp luật hiện nay đã có quy định như: nhà đầu tư nước ngoài được bao nhiêu phần trăm, giới hạn thế nào, dự án thuộc lĩnh vực an ninh quốc phòng điều kiện ra sao… phải quản lý chặt, xem xét cẩn trọng, phải lựa chọn nhà đầu tư và đối tác cho hình thức đầu tư này, Luật sư Trương Thanh Đức khuyến cáo.

Lo ngại các nhà đầu tư nước ngoài tranh thủ cơ hội cổ phiếu lao dốc, thị trường bất ổn do Covid-19 để thâu tóm các doanh nghiệp với giá rẻ. Chính phủ nhiều nước trên thế giới đã đưa ra biện pháp ngăn chặn.

Điển hình như tại Nhật Bản, để ngăn chặn các công ty nước ngoài thâu tóm các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm và sản xuất thiết bị y tế, các công ty trên sẽ được đưa vào danh sách các lĩnh vực được coi là quan trọng đối với an ninh quốc gia…

Văn Thư – Đinh Chiến

—————–

Tạp chí Pháp lý 02-6-2020:

https://phaply.net.vn/chuyen-gia-phan-tich-co-so-phap-ly-va-nhung-tac-dong-neu-tam-dung-hoat-dong-mua-ban-sap-nhap-doanh-nghiep/

(534/1.814)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,748