3.029. Thuế thu nhập cá nhân: Cần sự chia sẻ với người dân 

(TP) – Bất chấp ảnh hưởng dịch COVID-19 khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống; thất nghiệp tăng, thu nhập giảm… số thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) trong năm qua vẫn tăng mạnh. Điều này, theo các chuyên gia có nhiều điều chưa ổn. Thực tế đó phản ánh thuế TNCN còn nhiều bất hợp lý, thu thuế như vậy là chưa có sự chia sẻ với người dân. 

Thuế TNCN vẫn tăng 

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), năm 2021, thuế TNCN đạt khoảng 123.000 tỷ đồng, vượt 14% dự toán và tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả này thực sự gây bất ngờ cho nhiều người, khi năm qua nền kinh tế và người dân gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19, tỷ lệ lao động mất việc làm, giảm thu nhập gia tăng. Bộ Tài chính cũng tiếp tục khẳng định, thuế TNCN mức giảm trừ gia cảnh được điều chỉnh tăng từ năm 2020 đã phù hợp, đã giảm trừ các khoản bảo hiểm xã hội, y tế, từ thiện, trợ cấp… Còn người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19 mất việc làm, không có thu nhập nên không phải nộp thuế.

Bộ này tính toán, với cá nhân có 1 người phụ thuộc, sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, giảm trừ gia cảnh, thu nhập từ tiền lương tiền công mức 17 triệu đồng/tháng chưa phải chịu thuế. Người có 2 người phụ thuộc thì mức 22 triệu đồng/tháng chưa phải chịu thuế.

Tuy nhiên, anh Lê Văn Thu (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, lương anh hiện 24 triệu đồng/tháng, thêm lương của vợ 10 triệu đồng/tháng, sau khi trừ các khoản đóng góp, như bảo hiểm, mỗi tháng tổng nhận về trên 30 triệu đồng. Bình thường, hai con học cấp 1 và 2, chi phí ăn học đã vào khoảng 10-13 triệu đồng/tháng, vay mua nhà mỗi tháng trả nợ gốc và lãi thêm 10 triệu đồng. Khi chưa có dịch COVID-19, cuộc sống còn dễ thở, từ khi bị tác động của dịch, vợ chồng anh sống khó khăn hơn. “Vợ tôi mất việc làm, tất cả chỉ trông chờ vào lương của tôi nên không đủ trang trải hằng tháng. Dù vậy, tôi vẫn phải nộp thuế TNCN, dù mức thuế hằng tháng không nhiều, nhưng vẫn cảm thấy có sự mất công bằng. Tại sao những chi phí rất hợp lý là vay mua nhà, thậm chí là tiền thuê nhà, con cái học thêm… không được xem là chi phí hợp lý để trừ thuế. Ảnh hưởng dịch bệnh doanh nghiệp được hỗ trợ giảm thuế, còn người dân lại không được. Chưa kể không may gia đình có người ốm đau, bệnh tật, người lao động cũng không được dùng chi phí đó để kê khai trừ thuế”, anh Thu nói.

Mức giảm trừ gia cảnh để tính thuế thu nhập cá nhân chưa hợp lý Ảnh minh hoạ: Như Ý

Thuế TNCN hướng tới điều tiết thu nhập của người có thu nhập cao, tính trên tổng thu nhập trừ chi phí lo cho cuộc sống bản thân và gia đình người lao động. Tuy nhiên, hiện thuế này cơ bản dựa trên tiền công, tiền lương của người làm công ăn lương (với 7 bậc, thấp nhất 5% và cao nhất 35%). Mức giảm trừ gia cảnh được điều chỉnh tăng từ năm 2020 (sau 11 năm không đổi), trong đó giảm trừ cho cá nhân tăng từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng, giảm trừ cho 1 người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng. Với mức giảm trừ này, nhiều ý kiến cho rằng, mức giảm trừ này còn ít, bởi cuộc sống của người dân đã có nhiều thay đổi, chi phí nuôi con ăn học ngày càng tăng.

Giảm trừ gia cảnh chưa phù hợp

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Đinh Thế Hiển cho rằng, thu thuế TNCN tính với người thu nhập cao song nên theo hướng người dân cần được tạo điều kiện để nâng cao chất lượng cuộc sống. Các chi phí hợp lý cần được tính tới để giảm trừ cho người dân như tiền nhà (thuê hoặc vay mua nhà), nuôi con ăn học, chăm lo bố mẹ không có lương hưu, chi phí y tế, giải trí, du lịch… Thực tế, nếu một người sống ở TPHCM, nếu thu nhập của 2 vợ chồng 50 triệu đồng/tháng, nuôi 2 con ăn học, thu nhập đó không còn cao, do chi phí sinh hoạt đắt đỏ. Do đó, ông Hiển đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh của cá nhân lên 15 triệu đồng/tháng, mức giảm trừ với người phụ thuộc cũng phải tăng. Thuế TNCN cần tính tổng thu nhập trừ chi phí, không chỉ tách tính riêng tiền lương, tiền công.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nêu quan điểm, thuế TNCN cần phải tính trên tổng thu nhập trừ đi chi tiêu bản thân và gia đình người nộp thuế, các chi tiêu có hoá đơn. Thay vì chỉ tính với tiền công, tiền lương, một số khoản thu thuế kiểm soát được và một mức giảm trừ gia cảnh áp dụng chung. Mức giảm trừ gia cảnh hiện không rõ về nguyên tắc, tiêu chí, không thay đổi theo thu nhập bình quân đầu người, lương tối thiểu, các khoản chi hợp lý khác của người dân. Chưa kể, khi dịch COVID-19 xảy ra, có gia đình chồng thu nhập phải nộp thuế, nhưng vợ mất việc, thất nghiệp kéo dài. Với người phụ thuộc, ông Đức đề nghị tăng mức giảm trừ từ 4,4 triệu đồng/người/tháng lên ngưỡng trên 7 triệu đồng, để phù hợp với chi phí nuôi con ăn học hiện nay.

Theo quy định hiện hành, biểu thuế TNCN từ tiền công, tiền lương được chia làm 7 bậc (sau khi giảm trừ gia cảnh), cụ thể: Thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở xuống mức thuế 5%; từ 5 đến 10 triệu đồng/tháng mức thuế 10%; trên 10 – 18 triệu đồng mức 15%; từ trên 18 – 32 triệu đồng mức 20%; từ trên 32 – 52 triệu đồng mức 25%; trên 52 – 80 triệu đồng mức 30%; trên 80 triệu đồng mức 35%.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đề xuất, Nhà nước nên xem xét lại mức giảm trừ gia cảnh của cá nhân, vì mức hiện hành chưa hợp lý, khi thu nhập, nhu cầu cuộc sống tối thiểu của người dân, lạm phát đều tăng. Việc xác định mức giảm trừ gia cảnh không rõ về tiêu chí càng gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Bên cạnh việc tăng mức giảm trừ gia cảnh, trong bối cảnh COVID-19, nên điều chỉnh tăng giảm trừ với cá nhân kinh doanh, cụ thể không nên tính thuế từ 100 triệu đồng/năm mà nên đánh thuế từ ngưỡng doanh thu 150 triệu đồng/năm.

Về bậc tính thuế TNCN, Luật sư Trương Thanh Đức đề xuất giảm từ 7 bậc hiện hành xuống 4-5 bậc; tăng khoảng cách bậc từ 5 lên 10 triệu đồng; giảm mức thuế với bậc 1 từ 5% hiện hành xuống 1-2%. Với thang thuế hiện hành, theo luật sự trên, những người trong nhóm thu nhập 30-100 triệu đồng đang chịu thuế bình quân khoảng 20%, trong khi thuế thu nhập doanh nghiệp hiện chỉ 18-20%. “Thuế TNCN không có lý do gì để cao ngang bằng, thậm chí hơn (mức cao nhất lên tới 35% – PV) thuế thu nhập doanh nghiệp như vậy”, ông Đức nói. 

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển đề xuất Bộ Tài chính nghiên cứu bỏ bớt bậc với thuế TNCN; sửa quy định về thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ, thay vì căn cứ vào tổng mức lạm phát 20% sẽ điều chỉnh thì nên quy định 3-5 năm xem xét điều chỉnh 1 lần, hoặc điều chỉnh theo các lần tăng lương.

LÊ HỮU VIỆT

——————-

Tiền phong (Kinh tế) 30-3-2022:

https://tienphong.vn/thue-thu-nhap-ca-nhan-can-su-chia-se-voi-nguoi-dan-post1426889.tpo

(271/1.405)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,533