3.030. Đường sắt Cát Linh – Hà Đông: Chỉ định thầu là nguyên nhân đội vốn, trễ hẹn 8 lần chạy tàu và tham nhũng?

(DV) – Câu chuyện Tổng thầu Trung Quốc “đòi” 50 triệu USD tại dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông rồi mới tiếp tục triển khai khiến nhiều ý kiến lại đặt ra câu hỏi về phương thức chỉ định thầu. Có phải do phương thức chỉ định thầu khiến dự án này bị đội vốn hơn 200%, trễ hẹn 8 lần chạy tàu và có thể tham nhũng?

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông lại một lần nữa khiến dư luận phải xôn xao. Dù chưa biết rõ ngày vận hành chính thức, nhưng mới đây Tổng thầu Trung Quốc đã “đòi” thanh toán 50 triệu USD.

Theo các báo cáo của Bộ GTVT và Ban Quản lý dự án, thì 99% Đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã hoàn thành. Thế nhưng, chỉ 1% còn lại, đó là yêu cầu thanh toán 50 triệu USD của Tổng thầu Trung Quốc có nguy cơ khiến dự án này lại trễ hẹn thêm nhiều lần nữa.

Bởi, điều gì sẽ xảy ra nếu Tổng thầu Trung Quốc nhất quyết đòi bằng được tiền mới hoàn thiện dự án? Nếu hai bên không thống nhất được điều kiện này, vậy đường sắt Cát Linh – Hà Đông bao giờ mới chạy?

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được thực hiện theo phương thức chỉ định thầu và sự việc này khiến cho “giọt nước tràn ly” khiến nhiều người đặt dấu hỏi về phương thức này. Có hay không những tiêu cực phát sinh như tham nhũng, đội vốn, chậm tiến độ xảy ra ở nhiều dự án chỉ định thầu? Có hay không nên chỉ đầu cho những dự án lớn sử dụng ngân sách như hiện nay, mà cụ thể là dự án Sân bay Long Thành?

Xung quanh vấn đề này, Góc nhìn chuyên gia của Dân Việt đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI.

Luật sư Trương Thanh Đức,Giám đốc Công ty Luật ANVI.

Có đến 90% dấu hiệu bất thường như móc nối, ăn chia, tham nhũng

Thưa ông, mặc dù Tổng thầu Trung Quốc “đòi” 50 triệu USD chỉ là ý kiến trong cuộc thảo luận, không phải là văn bản chính thức, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu họ nhất quyết “đòi” đủ tiền mới tiếp tục triển khai, bàn giao hồ sơ, dự án? Liệu ta có thể kiện họ vì không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng không?

Khi đã thảo ra hợp đồng thì bất cứ bên nào, bất cứ lúc nào cũng có thể khởi kiện đối phương vì phá vỡ cam kết. Tuy nhiên, có thắng được hay không lại là câu chuyện khác.

Những vấn đề phát sinh trong thực hiện hợp đồng xây dựng, đặc biệt với những công trình lớn không phải là chuyện hiếm thấy, nếu không muốn nói là 100% đều có vướng mắc. Bởi những công trình xây dựng lớn như dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông rất phức tạp. Các thiết kế, vật liệu, máy móc đòi hỏi nhiều yêu cầu, công đoạn nên rất dễ xảy ra sai lệch trong quá trình thực hiện.

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã đội vốn 3 lần, trễ hẹn tới 8 lần.

Nếu trước đó trong hợp đồng đã dự liệu được những vấn đề có thể phát sinh như: thanh toán tiền thế nào, tự ý thay đổi thiết kế, kéo dài thời gian thực hiện, không đảm bảo kỹ thuật… thì dễ dàng. Tuy nhiên, nếu các vấn đề chưa đưa ra trong hợp đồng, chưa được thỏa thuận ký kết thì chắc chắn khó khăn trong giải quyết. Đặc biệt, nếu hai bên không thống nhất được điều kiện đó thì vụ việc sẽ còn kéo dài.

Như với với vấn đề hiện tại của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, nếu đôi bên không thỏa thuận, đàm phán được thì có thể dẫn đến khởi kiện, đưa nhau ra tòa hoặc nhờ trọng tài phân xử. Tuy nhiên, như tôi nói ở trên, có thắng kiện được hay không lại là câu chuyện khác. Bởi còn phụ thuộc vào rất nhiều thứ như hồ sơ, trách nhiệm, lỗi nằm ở đâu…

Nếu đưa Tổng thầu Trung Quốc ra kiện, có 3 yếu tố có thể khiến chúng ta có thể xảy ra thua thiệt hoặc “hòa cả làng” đó là: Thứ nhất, hồ sơ chào thầu đã có vấn đề. Thứ hai, kinh nghiệm về đàm phán, tư duy, thảo luận hợp đồng ký kết về luật pháp đều yếu kém. Thứ 3, khả năng phải đến 80-90% là có sự bất thường thực hiện chỉ định thầu như móc nối, bắt tay, ăn chia, tham nhũng…

Luật sư Trương Thanh Đức

Đôi khi ta cảm thấy đúng rồi, chắc chắn là có lý rồi nhưng khi khởi kiện vẫn bị thua. Tôi ví dụ như trường hợp CTCP Dịch vụ và Kỹ thuật cơ điện lạnh REE kiện tổng thầu Trung Quốc BUGG tại Dự án Hồ Tây vàng. Khi đó, REE là nhà thầu phụ đã kiện tổng thầu BUGG đòi thanh toán phí bảo hành và một số khoản phát sinh tăng.

Khi ra tòa, phía tổng thầu Trung Quốc thừa nhận có phát sinh một số khoản nhưng thấp hơn mà phía REE đưa ra. Sau đó, không những REE không đòi được tiền mà còn bị BUGG đề nghị tòa xem xét phạt hợp đồng vì đã để xảy ra chậm tiến độ. Và kết quả, REE đã bị phạt hợp đồng trị giá hơn 5 tỷ đồng.

Vì vậy, quan trọng hợp đồng thỏa thuận phải rõ ràng, cụ thể từng chi tiết. Nếu không đến khi xảy ra tranh chấp, ai phải chịu trách nhiệm, trách nhiệm thế nào đều không có trong hợp đồng rất dễ khiến ta chịu thua thiệt.

Chỉ định thầu dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông dễ xảy ra tham nhũng?

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được thực hiện theo phương thức chỉ định thầu. Nhiều ý kiến cho rằng, chính vì phương thức này là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến dự án đội vốn , chậm tiến độ và làm nảy sinh nhiều vấn đề đến vậy.  Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Phải nói rõ rằng, không phải cứ chỉ định thầu là xấu, đấu thầu là tốt. Chỉ định thầu hay đấu thầu đều không khác nhau là mấy. Tất cả đều phải thực hiện theo một nguyên lý chung là phải hoàn thành công trình thế nào, thời gian, chất lượng ra sao.

Tôi khẳng định rằng, cơ chế chỉ định thầu là một chủ trương không sai, nếu kiểm soát tốt thì đây còn là một phương thức rất tốt. Nó thúc đẩy doanh nghiệp vươn lên để khẳng định mình. Vấn đề nằm ở chỗ do cách thức thực hiện không minh bạch của ta đã tạo ra những vấn đề tiêu cực như tham nhũng…

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông sau nhiều lần “hứa hẹn” nhưng vẫn chưa thể đưa vào khai thác, sử dụng.

Như tôi nói ở trên, quan trọng nhất vẫn là hợp đồng. Dù là chỉ định thầu hay đấu thầu thì các điều khoản trong hợp đồng cần rõ ràng, cụ thể. Ai phải chịu trách nhiệm, trách nhiệm đến đâu bởi nếu không mình sẽ luôn luôn thua thiệt.

Còn về đấu thầu, tất nhiên về lý thuyết đấu thầu là phương án tốt nhất bởi nó là cạnh tranh, chúng ta có thể chọn ra mức giá tốt nhất. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu vẫn thực hiện đấu thầu theo kiểu lâu nay ở nước ta có khi còn tồi tệ, nguy hiểm hơn rất nhiều so với chỉ định thầu.

Bởi chỉ định thầu, vẫn còn gắn liền với trách nhiệm cá nhân, khi đặt bút đề xuất phê duyệt thì vẫn phải dè chừng cái đúng, cái sai. Khi dự án có vấn đề, người ta sẽ chẻ ra tại sao anh lại chọn doanh nghiệp đó, nếu không giải trình thỏa đáng anh phải chịu trách nhiệm.

Còn với đấu thầu, hợp pháp trong bỏ phiếu bỏ thầu rồi quân xanh, quân đỏ… tiêu cực đầy rẫy. Ví dụ câu chuyện Công ty Dương Đường thao túng giá đất ở Thái Bình những năm gần đây. Đây là minh chứng cho thấy đấu thầu có chuyện “quân xanh, quân đỏ”. Khi ấy giá vẫn chính danh vì họ công khai tham gia đấu thầu. Tôi khẳng định rằng, phải có đến 90% đấu thầu xảy ra như câu chuyện ở Thái Bình.

Như vậy, không phải cứ đấu thầu là tốt, chỉ định thầu là xấu hơn. Dù chỉ định thầu hay đấu thầu thì quan trọng nhất vẫn là công khai, minh bạch để công chúng biết giá mà so sánh, đối chiếu. Khi đã công khai, minh bạch thì sẽ không có ai dám làm sai nữa.

Nhiều ý kiến cho rằng tham nhũng, tiêu cực đang xảy ra tại dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, ông bình luận gì về ý kiến này?

Dư luận hoàn toàn có quyền nghi ngờ. Vì chỉ cần du di đi một chút thôi thì có thể hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng biến mất chơi. Vậy lấy gì để chứng minh được sự vô tư, trong sạch, là không có tham nhũng? Chỉ có kết quả mới chứng minh được điều đó. Nhưng hiện kết quả của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông thì…

Trách nhiệm để xảy ra tình trạng như hiện nay tại dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã nhắc đến nhiều lần, nhưng rốt cuộc ai là người phải chịu trách nhiệm vẫn rất chung chung, mờ mờ ảo ảo, không ai rõ. Có thể, tất cả đều đúng. Có thể chỉ có dân sai và rồi dân phải gánh chịu!

Luật sư Trương Thanh Đức

Như ông nói ở trên, chỉ định thầu có khi là phương án tốt hơn so với đấu thầu, nhưng lại từng phản đối rất nhiều dự án khi thực hiện bằng phương thức chỉ định thầu, như: dự án Sân bay Long Thành, dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất được Bộ GTVT chỉ định thầu thực hiện. Tại sao vậy?

Đúng là tôi đã phản đối khi Bộ GTVT chỉ định, giao các dự án như Sân bay Long Thành, Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất cho ACV. Lý do vì sao? Đây là doanh nghiệp nhà nước, việc giao này hoàn toàn không hợp lý. Bởi không có gì thể hiện được cam kết về trách nhiệm của bất kỳ cá nhân nào với dự án.

Họ thực hiện theo tư duy nhiệm kỳ, lỗ lãi chẳng quan tâm. Nếu làm tốt thì vỗ tay khen thưởng còn không, ông tư túi cũng rất vui vẻ. Chất lượng thì cũng chưa thể đảm bảo, còn hậu quả thì người kế nhiệm phía sau sẽ gánh, rồi truyền từ đời này sang đời khác.

Vậy tại sao không chỉ định cho tư nhân làm? Vì nói thẳng, có khi giao cho tư nhân có khi còn yên tâm hơn là giao cho doanh nghiệp nhà nước. Bởi họ có động lực để thực hiện, đó có khi là lẽ sống, danh dự, thương hiệu… họ làm dự án vừa để lấy lãi vừa tính toán lâu dài. Hơn nữa, có khi dự án với thương nhân chỉ làm trong 1 tháng, còn với doanh nghiệp nhà nước lại mất 1 năm rồi lại đội vốn, từ rẻ hóa đắt. Tiếp đó là các khâu thủ tục, thì nhà nước gấp đôi, gấp 5, gấp 10 lần tư nhân…

Vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể nới lỏng các điều kiện để tạo cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân. Kinh nghiệm thực hiện dự án cũng chỉ là một phần, cái chính vẫn là cái khả năng hiện thực và tương lai, chứ không nên quá khắt khe đòi hòi năng lực, kinh nghiệm.

Tất nhiên, không vì tạo điều kiện mà bỏ qua các yêu cầu chất lượng, tiến độ thực hiện. Phải kiên quyết loại bỏ những nhà thầu có trình độ chuyên môn và quản lý thấp, thường xuyên mắc lỗi như chậm tiến độ, không bảo đảm chất lượng công trình.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc thực hiện dự án nhờ vào nguồn vốn ODA khiến chúng ta quá thụ động và phụ thuộc nhiều, ví dụ như dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Vốn ODA giống như một khoản đi vay trước với lãi vay đắt do phải kèm rất nhiều các điều khoản ràng buộc. Thậm chí, có cả những khoản bất lợi cho sự phát triển của đất nước, trong đó có việc sử dụng nhà thầu, lao động và vật tư, hàng hoá, dịch vụ của nước ngoài.

Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần hạn chế thực hiện dự án nhờ vào nguồn vốn ODA. Bài học đường sắt Cát Linh – Hà Đông chính là một minh chứng cho sự phụ thuộc đó. Vì thế, hiện chúng ta không quá thiếu thốn, thì không cần thiết phải sử dụng nhiều nguồn vốn ODA để tránh phải vay vốn rồi bị “dẫn dắt” như hiện tại.

Ong Lý

—————–

Dân Việt (Kinh tế) 03-6-2020:

https://danviet.vn/duong-sat-cat-linh-ha-dong-chi-dinh-thau-la-nguyen-nhan-doi-von-tre-hen-8-lan-chay-tau-va-tham-nhung-20200603021319835.htm

(1.679/2.334)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Truy quét hàng giả cuối năm.

Truy quét hàng giả cuối năm. (NLĐ) - Các cơ quan chức năng sẽ tập trung...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,963