3.037. Không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự: Tạo niềm tin, thu hút vốn đầu tư

(ĐT) – Một trong những điểm đáng chú ý tại Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vừa được Chính phủ ban hành là không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự.

 

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, cam kết này được kỳ vọng sẽ tạo niềm tin, thúc đẩy người dân và doanh nghiệp (DN) đổ vốn vào sản xuất kinh doanh.

Theo các luật sư, hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự không đơn thuần tiềm ẩn những hệ lụy khôn lường đối với môi trường đầu tư kinh doanh mà còn đi ngược lại cam kết bảo vệ DN của Chính phủ. Trong bối cảnh cộng đồng DN Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, cam kết không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự của Chính phủ trong Nghị quyết số 84/NQ-CP có ý nghĩa rất lớn với người dân và DN.

Theo luật sư Lê Xuân Hiền, Trưởng phòng Đấu thầu, Thẩm định và Giám sát đầu tư thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, thành viên Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, cam kết này tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư kinh doanh. Khi họ tin rằng các quan hệ kinh tế, dân sự được giải quyết bằng dân sự, tranh chấp hợp đồng được giải quyết bằng hợp đồng thì đương nhiên giúp DN tự tin kinh doanh. Nếu trong giai đoạn khó khăn như hiện nay mà hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự thì không còn ai dám đầu tư, ký kết hợp đồng…

Ông Hiền cũng cho rằng, cam kết không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự nếu được các cơ quan chấp pháp (công an, tòa án, thi hành án…) thực thi với “cái tâm” của người bảo vệ pháp luật sẽ tạo niềm tin cho DN. “Khi không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự thì nhà đầu tư mới có niềm tin bỏ tiền đầu tư vào sản xuất kinh doanh thay vì đem tiền gửi ngân hàng, hoặc đưa dòng tiền này chảy ra bên ngoài”, ông Hiền nói.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI hy vọng, cam kết này sẽ cổ vũ tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong DN. “Hệ lụy của việc hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự là khiến người dân và DN sợ đầu tư kinh doanh; sợ đầu tư lớn dài hạn cũng như sợ đổi mới sáng tạo… Khi đẩy quan hệ kinh tế, dân sự lên mức cao hơn sẽ làm thui chột, thậm chí tiêu diệt ý muốn khởi sự kinh doanh, đổi mới sáng tạo”, ông Đức nhấn mạnh.

Để thực hiện cam kết không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, hỗ trợ thiết thực cho các DN vượt qua giai đoạn khó khăn cũng như tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn nữa, ông Đức cho rằng, còn rất nhiều việc phải làm.

Trước hết, theo ông Đức, hệ thống luật pháp cần phải rõ ràng, dễ tuân thủ. “Cách giải thích, áp dụng các quy định của pháp luật chỗ này, chỗ kia còn thiếu sự thống nhất do có cách hiểu khác nhau là nguy cơ rủi ro rất lớn với DN. Vì vậy, các cơ quan thực thi pháp luật phải thực sự làm việc trên tinh thần hỗ trợ, ủng hộ DN, tránh tình trạng tìm cách để xử lý, đe dọa, gây khó khăn cho DN. Hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự chỉ khi có yếu tố gian lận, lừa đảo, chiếm đoạt…”, Giám đốc Công ty Luật ANVI đề nghị.

Trong khi đó, luật sư Lê Xuân Hiền cho rằng, ngoài các cơ quan chấp pháp, các cơ quan khác cũng phải có tư duy làm lành mạnh hóa quan hệ kinh tế, dân sự để có thể hòa giải, thỏa thuận giải quyết các quan hệ kinh tế, dân sự.

Đối với DN, ông Hiền cũng đề nghị phải làm ăn nghiêm túc, tuân thủ pháp luật. Khi có khó khăn, vướng mắc cần báo cáo kịp thời cơ quan chức năng, người có thẩm quyền để sớm có hướng giải quyết. Cùng với đó, các hiệp hội DN phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình. Hiệp hội phải là nơi nói lên tiếng nói thực của cộng đồng DN, bảo vệ DN chứ không thể là địa chỉ để “trang trí” hay “đánh bóng” tên tuổi của một số người.

“Nếu làm tốt những việc này trong nỗ lực chung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh thì câu chuyện thu hút dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước có chất lượng cao không còn là vấn đề lớn”, ông Hiền bày tỏ.

Việt Anh

—————–

Đấu thầu (Pháp luật) 05-6-2020:

https://baodauthau.vn/phap-luat/khong-hinh-su-hoa-quan-he-kinh-te-dan-su-tao-niem-tin-thu-hut-von-dau-tu-130664.html

(271/909)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,744