3.042. Giảm 50% phí trước bạ ôtô: Chính sách quan trọng, sao Bộ Tài chính vẫn loay hoay xin ý kiến các bộ?

(DV) – Nếu được giảm 50% phí trước bạ, các mẫu xe hot tại thị trường Việt nam như Toyota Vios, Mazda 3, Kia Cerato, Hyundai Accent, Kia Morning hay Hyundai Grand i10… sẽ có phí “lăn bánh” giảm vài chục triệu đồng. Một chính sách quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế sao đến nay Bộ Tài chính vẫn loay hoay xin ý kiến các Bộ?

Mới đây, Bộ Tài chính đã công bố dự thảo Nghị định giảm  50% phí trước bạ ôtô để xin ý kiến các bộ ngành, cơ quan có liên quan cũng như đề nghị những cơ quan này có ý kiến tham gia góp ý trước ngày 9/6 tới đây. Tại thời điểm phí trước bạ ô tô trong nước được giảm 50%, người mua xe sẽ tiết kiệm từ hàng chục triệu đến cả trăm triệu đồng so với quy định cũ và so với việc mua xe nhập khẩu.

Nhiều loại xe được giảm vài chục triệu đồng

Theo đó, trường hợp phí trước bạ giảm 50%, các mẫu xe hot tại thị trường Việt nam như Toyota Vios, Mazda 3, Kia Cerato, Hyundai Accent, Kia Morning hay Hyundai Grand i10…  sẽ có phí “lăn bánh” giảm vài chục triệu đồng

Cụ thể, đối với xe Mazda 3, hiện giá tính phí trước bạ của Bộ Tài chính đang quy định là 829 đến 927 triệu đồng/chiếc. Trường hợp phí trước bạ giảm 50%, khách mua xe này sẽ tiết kiệm được khoảng từ 37 đến 55 triệu đồng so với quy định tính phí trước bạ 10-12%.

Nhiều loại xe sẽ được giảm giá hàng chục triệu đồng.

Đối với Mazda CX5, hiện giá tính phí trước bạ của Bộ Tài chính đang quy định là 849 đến 939 triệu đồng. Trường hợp phí trước bạ giảm, khách mua xe này có thể tiết kiệm chi phí từ 42 đến 56 triệu đồng/chiếc.

Tương tự, số tiền được giảm đối với xe Mazda CX8; xe Toyota, mẫu Vios bản 1.5E và 1.5E-VCT lần lượt là 56 đến 77 triệu đồng và 24 đến hơn 31 triệu đồng.

Mẫu Fortuner bản lắp ráp trong nước, hiện mức giá tính phí trước bạ của Bộ Tài chính quy định gần 1,2 tỷ đồng. Nếu phí giảm 50%, chắc chắn người mua xe lắp ráp trong nước sẽ lợi hơn từ 60 đến  72 triệu đồng so với người mua chính chiếc xe này nhưng mà là bản nhập khẩu.

Đối với phân khúc xe sang, cao cấp hơn lắp ráp trong nước, trường hợp phí trước bạ giảm 50% thì người mua xe sẽ tiết kiệm được cả trăm triệu đồng.

Ví dụ như Mercedes, hiện hãng xe này đang duy trì lắp ráp nhiều bản C, E và GLC tại thị trường Việt Nam. Với mức giá Mercedes C2 có giá tính phí là trên 1,7 tỷ đồng, nếu phí giảm, người mua sẽ tiết kiệm chi phí lăn bánh xe hơn từ 86 đến 103 triệu đồng. Bản Mercedes E180, hiện có giá quy định là 2 tỷ đồng, phí giảm, người mua sẽ tiết kiệm khoảng 102 đến 123 triệu đồng.

Mẫu Mercedes GLC 300 hiện được lắp ráp, giá tính phí trước bạ dao động 2,4 tỷ đồng, nếu phí giảm, người mua xe tiết kiệm chi phí thêm từ 119 đến 143 triệu đồng. Mức tiết kiệm khá lớn đối với tình hình hiện nay.

Tuy nhiên, một điểm khách hàng cần lưu ý là căn cứ để tính phí trước bạ đối với xe lăn bánh là giá quy định của Bộ Tài chính chứ không căn cứ trên hợp đồng bán hàng giữa các đại lý với nhau. Khách hàng trước khi mua xe cần tìm hiểu giá tính phí trước bạ đối với các mẫu xe ở các Quyết định 452/QĐ-BTC ngày 31/3/2020, Quyết định 1112/ngày 28/6/2019 và Quyết định 2064 ngày 25/10/2019 của Bộ Tài chính.

Thông thường các hãng xe, đại lý xe sẽ niêm yết mức giá bán thấp hơn so với giá đăng ký tính phí trước bạ đối với Bộ Tài chính, vì vậy, số tiền giảm phí trước bạ sẽ không được giảm quá nhiều như kỳ vọng.

Thay vì kích cầu, có thể sẽ làm tê liệt nhiều hoạt động

Liên quan đến dự thảo Nghị định này, trao đổi với Dân Việt, Luật sư, chuyên gia kinh tế Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng việc giảm 50% phí trước bạ phải được tính toán, cân nhắc cách đây một thời gian rồi, chứ không phải bây giờ mới phát sinh. Ngoài ra, vấn đề này đã được Chính phủ đưa vào nghị quyết rồi, và trên thực tế cũng có nhiều trường hợp có thể áp dụng ngay nghị quyết thay cho quy định phải sửa đổi.

Theo vị Luật sư này, vấn đề bây giờ nằm ở chỗ, hiện giờ Bộ Tài chính vẫn đang loay hoay với việc xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan, rồi làm theo quy trình trước khi ban hành. Để hoàn thiện thủ tục cũng mất phải 1,2 tháng nữa trong khi ưu đãi chỉ được áp dụng tới cuối năm 2020 và giờ đã là tháng 6.

Qua đó, sẽ phát sinh những yếu tố tiêu cực. Trường hợp Chính phủ không đưa ra ý kiến gì liên quan đến giảm phí trước bạ, người dân và doanh nghiệp vẫn sẽ tiến hành mua – bán theo quy luật cung cầu, các doanh nghiệp cũng có chính sách khuyến mãi cho người tiêu dùng như trước đây.

Tuy nhiên, trước thông tin được giảm phí trước bạ, thời điểm này người tiêu dùng sẽ ghim nhu cầu mua sắm lại để chờ thời điểm nghị định có hiệu lực nhằm tránh thiệt thòi về quyền lợi. Dẫn đến hệ quả trì trệ, tê liệt nhiều hoạt động đáng lẽ đang diễn ra như hoạt động sản xuất, khởi nghiệp, nhà máy ô tô, salon ô tô không bán được hàng.

Thay vì kích cầu, nếu để quá lâu mới thông qua nghị định có thể sẽ có tác dụng ngược lại cho nền kinh tế vốn dĩ đang bị tổn thương nghiêm trọng bởi dịch Covid-19.

“Giảm 50% phí trước bạ ô tô là vấn đề cấp bách để hỗ trợ, kích cầu nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề của Covid-19 chứ không phải là chính sách bình thường để cần thời gian làm theo quy trình, quy định. Thà rằng anh không nói, nhưng đã nói cần có cơ chế nhanh, hợp lý để nghị định sớm có hiệu lực”, Luật sư Trương Thanh Đức nói.

Theo ông Đức, thực chất lệ phí trước bạ này chính là “thuế” chứ không phải là “phí”, bởi tỷ lệ và tỷ trọng thu vào ngân sách rất nhiều. Đặc biệt, nguyên lý của nó là thu theo %, theo các mức 2%; 5%; 10% thậm chí có lúc lên đến 20%.

“Nếu cứ duy trì như hiện tại, cần ngay lập tức chuyển phí trước bạ ô tô sang phí hoặc tính lại cơ chế cho phù hợp. Ví dụ, quy định rõ loại xe 50 triệu có mức thu 50.000 đồng; xe 3 tỷ thu 1 triệu; xe trên 3 tỷ thu 3 triệu… thì mới được xem là phí”, ông Đức nêu quan điểm.

Trường hợp chuyển thành thuế thì không thay đổi nhiều, còn vẫn gọi là phí thì cần thay đổi quan điểm để phù hợp với bản chất của vấn đề. Đồng thời, có mức giảm cụ thể nhằm gia tăng sản xuất trong bối cảnh xe ô tô sắp trở thành phương tiện thiết yếu của người dân như xe đạp, xe máy ở những thời kỳ trước đó.

Ông Đức cho rằng, một chính sách rất quan trọng có mục đích kích cầu, thúc đẩy nền kinh tế. Liên quan đến nhiều ngành nghề như sản xuất, nghành phụ trợ, thương mại, tiêu dùng. Đặc biệt hơn nữa là nâng cấp ngành giao thông, bởi đây là dọc xương sống luân chuyển mạch kinh tế tới những thứ khác và hoàn toàn hợp lý, tính khả thi cao nhưng lại không được thông qua một cách nhanh chóng thì thật khó hiểu.

PVKT

—————–

Dân Việt (Kinh tế) 06-6-2020:

https://danviet.vn/giam-50-phi-truoc-ba-oto-chinh-sach-quan-trong-sao-bo-tai-chinh-van-loay-hoay-xin-y-kien-cac-bo-20200606104140464.htm

(689/1.428)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Truy quét hàng giả cuối năm.

Truy quét hàng giả cuối năm. (NLĐ) - Các cơ quan chức năng sẽ tập trung...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,963