3.045. Cắt bỏ “ung nhọt” để lành mạnh hóa thị trường chứng khoán 

(ANTĐ) – Sự việc cơ quan công an ra quyết định khởi tố hình sự, bắt tạm giam Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC về hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán” đã làm rúng động dư luận. Dù gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư trước mắt, nhưng đó là việc cần thiết để trả lại sự lành mạnh của thị trường.

Làm giá tinh vi để “đánh úp” nhà đầu tư

Ngày 29-3, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC, các cá nhân thuộc Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan về hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” xảy ra ngày 10-1-2022. Theo cơ quan điều tra, từ ngày 1-12-2021 đến 10-1-2022, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo các cá nhân có quan hệ gia đình (hoặc thân thiết) điều hành nhân viên Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty con, công ty vệ tinh, sử dụng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức.

Cơ quan quản lý cần quyết tâm làm trong sạch thị trường chứng khoán để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư

Tại Kỳ họp thứ 13, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy Cơ quan Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBNCNN) nhiệm kỳ 2015-2020. Theo đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đưa ra kết luận hàng loạt lãnh đạo cấp cao nhất, nguyên lãnh đạo ngành chứng khoán Việt Nam vi phạm nghiêm trọng, tới mức phải xem xét, thi hành kỷ luật Đảng. Các cá nhân này bao gồm các ông: Vũ Bằng – nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch UBCKNN; Trần Văn Dũng – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBCKNN; Nguyễn Thành Long – Bí thư Đảng ủy Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng thành viên Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam; Lê Hải Trà – Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM; Nguyễn Sơn – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam…

Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận: “Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán, giảm niềm tin của các nhà đầu tư, uy tín của tổ chức đảng và UBCKNN, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Các tài khoản này thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán với tần suất lớn nhằm tạo ra cung – cầu giả tạo để đẩy giá chứng khoán FLC từ 14.650 đồng/cổ phiếu ngày 1-12-2021 lên giá “trần” cao nhất 24.050 đồng/cổ phiếu (trung bình là 22.586 đồng/cổ phiếu, tăng 64%). Sau đó, Trịnh Văn Quyết giao cho người thân trong gia đình đặt lệnh bán 175 triệu cổ phiếu FLC và đã khớp lệnh bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC với giá 22.586/cổ phiếu, nhưng không công bố thông tin trước khi giao dịch chứng khoán, với số tiền 1.689 tỷ đồng, thu lợi bất chính số tiền khoảng 530 tỷ đồng.

Ngày 10-1-2022, khi sàn HOSE phát hiện hành vi trên, báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ra quyết định phong tỏa các tài khoản chứng khoán đứng tên Trịnh Văn Quyết. Đến ngày 11-1-2022, UBCKNN yêu cầu hủy giao dịch đối với 74,8 triệu cổ phiếu FLC trên. Ngày 18-1-2022, cơ quan này đã ban hành quyết định xử phạt Trịnh Văn Quyết 1,5 tỉ đồng và đình chỉ hoạt động chứng khoán 5 tháng về hành vi trên. Đáng nói, sau khi bị phát hiện, ngày 11-1-2022, để đối phó với cơ quan chức năng, Trịnh Văn Quyết vẫn tiếp tục giao cho người thân sử dụng các tài khoản chứng khoán liên tục đặt lệnh mua cổ phiếu FLC với số lượng lớn để đẩy giá cổ phiếu, tạo thanh khoản giả.

Có thể nói, vụ việc thao túng chứng khoán xảy ra tại Tập đoàn FLC là vụ việc có quy mô và sức ảnh hưởng lớn nhất đối với thị trường chứng khoán đến thời điểm này. Bởi cổ phiếu FLC là một trong những cổ phiếu thường xuyên có mức thanh khoản lớn, thu hút rất nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia. Sau quyết định khởi tố của cơ quan công an, cổ phiếu FLC và các cổ phiếu liên quan trong “hệ sinh thái” FLC đã diễn biến tiêu cực. Nhiều cổ phiếu giảm sàn liên tục trong 4 phiên liền nhau (với biên độ giảm lớn nhất là 10%/phiên) khiến nhà đầu tư nắm giữ các cổ phiếu này thiệt hại nghiêm trọng. Không chỉ vậy, tâm lý tiêu cực đã ảnh hưởng lan rộng đến nhóm cổ phiếu đầu cơ khiến các cổ phiếu này bị bán tháo, liên tục sụt giảm. Nhiều nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư cá nhân vốn ưa thích các dòng cổ phiếu đầu cơ đã “nếm trọn trái đắng” chỉ trong 1 tuần giao dịch vừa qua.

Cơ quan điều tra niêm phong tài liệu, chứng cứ về việc phạm tội của bị can Trịnh Văn Quyết

Cần xử nghiêm, làm rõ trách nhiệm

Ngay sau sự việc nêu trên, lãnh đạo Bộ Tài chính, UBCKNN đã có những tuyên bố khẳng định quyết tâm làm trong sạch thị trường chứng khoán. Bộ Tài chính khẳng định: “Tinh thần chỉ đạo của Bộ là thượng tôn pháp luật, thực hiện đúng quy định của pháp luật, sai đến đâu sẽ xử lý nghiêm tới đó, giữ vững kỷ cương, kỷ luật và tính minh bạch của thị trường chứng khoán”.

Còn lãnh đạo UBCKNN cũng khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra để xử lý vụ việc. “Dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, bên cạnh các giải pháp quan trọng để thị trường chứng khoán phát triển ổn định, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường tính minh bạch, kỷ cương, kỷ luật, hỗ trợ thúc đẩy tính bền vững của thị trường trong năm 2022 và những năm tới” – Chủ tịch UBCNNN Trần Văn Dũng nói.

Đây không phải lần đầu tiên các cơ quan quản lý Nhà nước đối với thị trường chứng khoán khẳng định quyết tâm này. Còn nhớ, hồi tháng 9 năm ngoái, ông Nguyễn Công Minh – Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát thị trường chứng khoán (UBCKNN) đã cho biết, tất cả các cổ phiếu có dấu hiệu bất thường, trong đó có các cổ phiếu tăng giá đột biến, đều được cơ quan quản lý giám sát, theo dõi chặt chẽ. Theo Luật Chứng khoán mới, công tác giám sát thị trường chứng khoán được nâng lên theo 3 cấp (công ty chứng khoán, Sở Giao dịch chứng khoán và UBCKNN).

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế thị trường chứng khoán thời gian qua đang tiềm ẩn những dấu hiệu bất thường khiến nhà đầu tư phải đặt câu hỏi về năng lực quản lý, giám sát của các cơ quan, đơn vị nêu trên. Hàng loạt những cổ phiếu doanh nghiệp làm ăn bết bát nhưng thị giá được kéo lên chót vót. Nhiều cổ phiếu tăng “trần” liên tục hàng chục, nhiều chục phiên bất chấp kết quả sản xuất kinh doanh không có gì đột biến, rồi sau đó lại “rơi” không phanh khiến nhà đầu tư thiệt hại. Có hay không “đội lái” thao túng những cổ phiếu này? Cậu trả lời từ phía cơ quan quản lý, thông qua những vụ việc thao túng chứng khoán bị phát hiện là không đáng kể. Phần lớn các cá nhân, tổ chức vi phạm chỉ bị xử lý hành chính với mức phạt khiêm tốn từ 550 triệu đồng trở xuống, số vụ xử lý hình sự chỉ “đếm trên đầu ngón tay”.

Ngay cả đối với trường hợp Trịnh Văn Quyết, hành vi thao túng giá cổ phiếu FLC được cơ quan công an chỉ ra là từ 1-12-2021. Thậm chí, việc các cổ phiếu liên quan đến nhân vật này biến động mạnh còn đặt ra khả năng hành vi thao túng không chỉ nhất thời mà đã kéo dài trước đó. Nhưng phải đến ngày 10-1-2022, với cú “đánh úp” lịch sử của vị tỷ phú này, trước sự phản ứng gay gắt của dư luận, các cơ quan quản lý chứng khoán mới vào cuộc phong tỏa tài khoản và có những động thái tiếp theo. Đã đến lúc quyết tâm làm trong sạch thị trường chứng khoán phải được cơ quan quản lý quyết liệt hơn nữa để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư cả trong nước và quốc tế, không chỉ bằng việc xử lý các vụ việc đơn lẻ mà cần xem xét trách nhiệm của các cơ quan quản lý, giám sát thị trường.

Giải tỏa khúc mắc cho nhà đầu tư

Hành vi thao túng thị trường chứng khoán không chỉ gây thiệt hại cho các nhà đầu tư, làm méo mó giá một vài mã chứng khoán, mà còn ảnh hưởng rất xấu đến cả thị trường. Điều nguy hiểm nhất là nó sẽ làm mất lòng tin vào thị trường chứng khoán, một thị trường hoạt động dựa trên lòng tin. Nếu nhà đầu tư quay lưng lại với thị trường thì mục tiêu huy động vốn và khả năng thanh khoản chứng khoán sẽ bị ảnh hưởng xấu. Việc Trịnh Văn Quyết bị xử lý hình sự sẽ mang tính răn đe rất cao cho các nhà đầu tư chứng khoán hiện nay, cũng phần nào giải tỏa khúc mắc cho dư luận, nhà đầu tư thời gian qua. Mức phạt cao nhất của tội “Thao túng thị trường chứng khoán” là 7 năm tù. Tuy nhiên, vụ án sẽ nghiêm trọng, phức tạp hơn trong trường hợp cơ quan công an mở rộng điều tra. Vì vậy, khó có thể tiên lượng chính xác được mức xử phạt đối với Chủ tịch Tập đoàn FLC.

Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI

Nếu không chấn chỉnh, thị trường chứng khoán sẽ có lúc sụp đổ

Tôi rất đồng tình với việc làm vừa qua của cơ quan chức năng và cho rằng đây là động thái rất cần thiết, mang tính răn đe cho các đối tượng khác đang có những ý đồ tương tự trên thị trường chứng khoán. Hiện nay, trên thị trường đang có rất nhiều cổ phiếu “rác”, song những cổ phiếu này lại rất dễ bị các đối tượng tung chiêu trò làm giá, thổi giá nhằm lừa gạt nhà đầu tư. Các “đội lái” chuyên nghiệp thường sử dụng chiêu thức mua công ty chứng khoán nhỏ để làm công cụ thổi giá, rồi lập hàng ngàn tài khoản chứng khoán, thậm chí giả cả tài khoản nhà đầu tư nước ngoài để tạo cung – cầu ảo. 

Tinh vi hơn, các đối tượng còn thành lập nhiều công ty “ma” để thực hiện các giao dịch giả nhằm đẩy giá chứng khoán; làm giả báo cáo tài chính, tạo doanh thu, lợi nhuận ảo để dễ “bán giấy lấy tiền”. Trong khi đó, thị trường hiện nay đang bùng nổ các nhà đầu tư F0, là những người thiếu kiến thức, kinh nghiệm đầu tư, càng làm cho các “đội lái” dễ dàng lộng hành. Trước đây, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) từng nhiều lần đề xuất các biện pháp làm trong sạch thị trường chứng khoán. Mới đây nhất là hồi tháng 6-2021, chúng tôi đã có một loạt kiến nghị đến tân Bộ trưởng Bộ Tài chính. Tuy nhiên đáng buồn là chúng tôi đã không nhận được sự hồi đáp.

Tôi cũng hoàn toàn nhất trí kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Đây cũng là định hướng để các cơ quan luật pháp, cơ quan quản lý vào cuộc quyết liệt hơn. Nhà đầu tư cũng rất hoan nghênh tinh thần đấu tranh của cơ quan công an, không chỉ làm rõ sai phạm của các cá nhân, tổ chức trên thị trường mà cũng cần làm rõ hơn có hay không sự buông lỏng quản lý, thậm chí là bao che của các cơ quan quản lý, của các Sở Giao dịch. 

Bởi vì hành vi “thổi” giá chứng khoán của Trịnh Văn Quyết và nhiều người liên quan xảy ra liên tiếp trong một thời gian dài nhưng Sở Giao dịch chứng khoán và UBCKNN không phát hiện và ngăn chặn kịp thời, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế cũng như niềm tin của nhà đầu tư. Tức là UBCKNN đã không làm tốt nhiệm vụ chính là giám sát thị trường chứng khoán. Theo tôi, hành vi bán chui cổ phiếu chỉ là một việc và là bề nổi. Chúng tôi kiến nghị phải làm tận gốc, cắt bỏ “ung nhọt” của thị trường, để những chuyện tiêu cực, gian lận chứng khoán bớt đi. 

Điều này nhằm bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư chân chính, làm môi trường đầu tư tốt lên. Lúc này, các nhà đầu tư F0 đang chạy theo các cổ phiếu đầu cơ, “thổi” giá rất nhiều, việc xử lý những vụ việc thế này phần nào ảnh hưởng đến họ, nhưng nếu không hành động thì hậu quả sẽ còn nhiều hơn nữa. Bởi vì dòng tiền đầu cơ lớn quá, lừa đảo nhiều quá thì ai dám vào thị trường, nếu không chấn chỉnh, thị trường chứng khoán sẽ có lúc sụp đổ.

Ông Nguyễn Hoàng Hải – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI)

—————

An ninh Thủ đô (Kinh doanh) 03-4-2022:

https://www.anninhthudo.vn/cat-bo-ung-nhot-de-lanh-manh-hoa-thi-truong-chung-khoan-post500414.ant

(201/2.424)

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,481