3.045. Ls Trương Thanh Đức: ‘Bộ Công Thương đã tư duy sai khi dự thảo Thông tư xác định xuất xứ hàng Việt’

(VNF) – Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng chỉ có hàng hóa xuất khẩu mới cần ghi rõ xuất xứ, còn hàng tiêu dùng trong nước thì không cần, vì đã có yêu cầu cao hơn thay thế.

Luật sư Trương Thanh Đức

Tháng 6/2019, vụ Asanzo xảy ra, làm dấy lên những tranh luận về chủ đề thế nào là hàng Việt Nam. Cùng với quá trình điều tra của các cơ quan chức năng đối với trường hợp của Asanzo, Bộ Công Thương đã “trình làng” bản dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam.

Bản dự thảo này đã gây ra những tranh luận về tính cần thiết, nội dung quy định và hình thức văn bản. Cho đến nay, 1 năm đã trôi qua nhưng số phận của dự thảo thông tư nói trên vẫn còn là dấu hỏi chấm.

Để nhìn lại một bản dự thảo gây tranh cãi cũng như gợi mở một hướng xử lý vấn đề, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với luật sư Trương Thanh Đức, trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, Giám đốc Công ty Luật ANVI:

– 1 năm có lẽ là quãng thời gian đủ dài để những ồn ào lắng xuống và để có thể nhìn rõ hơn về tính khả thi của ý tưởng chính sách. Cá nhân ông, đến giờ phút này, có quan điểm như thế nào về việc ban hành một thông tư quy định cách xác định hàng Việt Nam?

Luật sư Trương Thanh Đức: Tôi cho rằng cách tiếp cận vấn đề của Bộ Công Thương là không chính xác và việc ban hành một thông tư như trên là không cần thiết.

Nói một cách hình ảnh thì như trong nghệ thuật múa rối nước, nhân vật Tễu có câu nói quen thuộc “Tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ?”, tức là hàng hóa đi ra nước ngoài thì mới phải xưng danh, để phân biệt giữa mấy trăm quốc gia khác nhau, còn hàng hóa sản xuất, lắp ráp, chế biến và tiêu dùng trong nước thì đã phải xác định theo rất nhiều yếu tố, là mặc định rồi thì cần gì phải giới thiệu là hàng Việt Nam nữa.

– Ý của Bộ Công Thương là muốn ngăn chặn các công ty lợi dụng danh hiệu “hàng Việt Nam” để treo đầu dê, bán thịt chó – nhập các cấu kiện từ nước ngoài về lắp ráp rồi gắn mác hàng Việt Nam để bán – khiến người tiêu dùng nhầm lẫn?

Hàng tiêu dùng trong nước đã phải ghi tên và địa chỉ của nhà sản xuất, thậm chỉ cả số điện thoại liên lạc, số đăng ký kinh doanh, đăng ký chất lượng… Điều đó không những xác định là nó ra đời ở Việt Nam mà còn cụ thể đến đường phố, phường xã, quận huyện và tỉnh thành nào. Đồng thời, thành phẩn sản phẩm, nguyên liệu, chi tiết linh kiện của nước nào thì cần phải ghi rõ hoặc giữ nguyên xuất xứ. Nếu thay đổi thì là gian, thậm chí lừa đảo người tiêu dùng.

Còn việc quảng cáo sản phẩm đó hay ho, tốt đẹp như thế nào là việc của mỗi công ty theo quy định của pháp luật. Nếu quảng cáo sai sự thật thì cơ quan chức năng cứ xử phạt theo luật định.

Cái sai của ta là tư duy không đúng và không rõ ràng, thể hiện trong quy định từ Luật Thương mại năm 2005 cho đến Nghị định 43/2017/NĐ-CP về “Nhãn hàng hóa” và rồi Bộ Công Thương tiếp tục muốn hướng dẫn cách xác định hàng Việt Nam để tiêu thụ tại Việt Nam.

Khoản 14, Điều 3, Luật Thương mại năm 2005 đã sai khái niệm “chế biến” khi quy định một trong những điều điện xác định xuất xứ hàng hoá là “nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng”. Cụ thể áp vào trường hợp lắp ráp tivi của Asanzo thì không thể giải thích “chế biến” là gì.

Khoản 2, Điều 15 về “Xuất xứ hàng hóa”, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về “Nhãn hàng hóa” trong nước là thừa, khi quy định xuất xứ hàng hóa được ghi theo một trong các cách như sau: Ghi cụm từ “sản xuất tại” hoặc “chế tạo tại”, “nước sản xuất”, “xuất xứ” hoặc “sản xuất bởi” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó. Vì hàng hóa tiêu thụ trong nước mà ghi sản xuất tại Việt Nam thì rất tù mù, không cần thiết bằng cách đã phải ghi chi tiết hơn nhiều là ở nhà máy, đường phố, quận huyện, tỉnh thành nào.

Tôi khẳng định là hoàn toàn không cần hướng dẫn các ghi xuất xứ hàng hóa Việt Nam, nếu như không phải để xuất, nhập khẩu (trở lại). Nếu là hàng hóa xuất, nhập khẩu thì thực hiện theo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 của Chính phủ “Quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xử hàng hóa” cũng như các cam kết, hiệp ước song phương và đa phương.

– Như vậy, theo ý ông, cứ hàng tiêu dùng trong nước thì mặc nhiên là hàng Việt Nam, bất kể các cấu kiện được nhập từ nước ngoài?

Tôi không chỉ nói là hàng Việt Nam, vì như vậy có thể gây nhầm lẫn, mà khi đó tùy theo tình trạng thực tế mà gọi là sản xuất, chế tạo, chế biến, lắp ráp, gia công, đóng gói… tại Việt Nam. Ví dụ trường hợp của VinFast, bên cạnh việc sản xuất, họ cũng nhập nhiều  chi tiết, linh kiện về lắp ráp, vậy xe ô tô VinFast có phải hàng Việt Nam không? Khẳng định luôn, nó là hàng Việt Nam 100% hiểu theo mọi quy định cũng như thực tế.

Còn trường hợp của Asanzo, theo quy định hiện hành thì ông Phạm Văn Tam (Chủ tịch Asanzo – PV) phải ghi xuất xứ thế nào lên sản phẩm của ông ấy? Ghi xuất xứ Trung Quốc là không thể được, ghi xuất xứ Việt Nam cũng không xong, chẳng nhẽ phải ghi là “ti vi ông Tam”? Khi đó đương nhiên cần ghi là tivi lắp ráp ở địa chỉ nào, mà không nhất thiết  cứ buộc phải gắn với xuất xứ Việt Nam, Trung Quốc hay nước nào khác.

Lại ví dụ Công ty Samsung là của Hàn Quốc nhưng họ đặt công ty lắp ráp tại Việt Nam, vậy điện thoại Samsung xuất ra từ Bắc Ninh, Thái Nguyên mà bán ra nước ngoài thì có thể ghi là xuất xứ Việt Nam hay thậm chí là Samsung, nhưng nếu bán trong ở Việt Nam thì nó đã được xác định rõ là Samsung Việt Nam.

Rồi đặt ra trường hợp, một công ty Việt Nam nhập linh kiện từ 10 nước về sản xuất, mỗi nước 10%, vậy ghi xuất xứ thế nào? Ghi xuất xứ Liên hợp quốc hay đa quốc gia à? Nếu cứ phải áp đặt vào xuất xứ theo quy định hiện hành thì bó tay trong việc này cũng như trong nhiều trường hợp khác. Tất nhiên, nếu hàng đó mang xuất khẩu thì hẳn phải ghi rõ là “Made in Viet Nam” hoặc một cách khác như xưa nay vẫn đang làm, về cơ bản không có vướng mắc.

– Bộ Tư pháp cho rằng việc quy định cách xác định hàng hóa, sản phẩm là hàng Việt Nam phải được thể hiện ở cấp nghị định. Điều này đồng nghĩa Bộ Tư pháp phủ nhận dự thảo thông tư của Bộ Công Thương…

Điều đó không quan trọng, vì chỉ đơn thuần là hình thức, là thẩm quyền ban hành quy định thôi. Vấn đề cốt lõi vẫn là nội dung cách ghi xuất xứ mà cứ quy định như hiện nay thì vẫn không chính xác, không hợp lý và không cần thiết.

– Vậy theo ông, để quản lý thì cơ quan chức năng nên yêu cầu gì đối với các sản phẩm tiêu thụ trong nước?

Tôi cho rằng chỉ cần yêu cầu các công ty ghi rõ nguồn gốc như vẫn làm từ trước đến nay. Ví dụ ghi là sản xuất tại Việt Nam, nhưng không thể giấu thông tin 90% linh kiện của Trung Quốc. Tức là, không chỉ ghi mỗi xuất xứ, mà cần phải ghi một số yêu cầu khác như thành phần, hàm lượng sản phẩm. Ví dụ ta có thể bắt buộc ghi những thành phần chiếm tỷ lệ từ 5% trong sản phẩm trở lên chẳng hạn. Yêu cầu này cụ thể, chính xác và minh bạch hơn nhiều so với cách ghi xuất xứ theo quốc gia.

– Bộ Công Thương nói thông tư này nếu ra đời cũng sẽ không làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp, ông nghĩ sao?

Bất cứ một quy định nào của pháp luật đòi hỏi phải làm điều này, điều kia thì cũng đều làm phát sinh chi phí, chỉ nhiều hay ít mà thôi. Trường hợp này thậm chí có nguy cơ còn gây ra sự rắc rối, phức tạp, tranh cãi không cần thiết, vì vậy, sẽ mất nhiều chi phí để triển khai và bảo đảm việc thực thi.

– Ông có thông điệp gì muốn gửi tới Bộ Công Thương trong vấn đề quản lý hàng Việt Nam?

Bộ Công Thương cần thay đổi quan niệm về các ghi nhãn hàng hóa chỉ lưu thông trong nước khác với yêu cầu và điều kiện ghi xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu, cũng khác với việc xác định tiêu chí hàng Việt Nam.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Ái Châu Tử –

—————–

Vietnam Finance (Diễn đàn VNF ) 09-6-2020:

https://vietnamfinance.vn/ls-truong-thanh-duc-bo-cong-thuong-da-tu-duy-sai-khi-du-thao-thong-tu-xac-dinh-xuat-xu-hang-viet-20180504224239577.htm

(1.311/1705)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,738