3.047. Vay tiền qua App với lãi ‘cắt cổ’: Chưa có chế tài cụ thể, khó xử lý vi phạm

(CL) – Theo nhận định của Luật sư Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, việc xuất hiện tình trạng cho vay tiền qua App với lãi suất cắt cổ đang tràn lan hiện nay là do chưa có chế tài cụ thể dẫn đến việc khó xử lý vi phạm.

Trả khoản nợ gấp 50 lần số đã vay

Chia sẻ với PV, chị L.N.H (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, vào đầu tháng 1/2020 vừa qua, chị H. đã tìm đến App cho vay được quảng cáo trên mạng.  Với số tiền vay lần đầu chỉ là 1 triệu đồng và được trả đúng hạn nên hạn mức vay của chị tăng dần lên 3 – 5 triệu đồng.

Tuy nhiên, rắc rối bắt đầu từ thời điểm chị không trả đúng hạn khoản vay 5 triệu đồng. Để có tiền trả nợ, chị Hân đã liên tục vay tiền từ hơn 20 App khác nhau và cuối cùng tổng số tiền mà chị bắt buộc phải trả đã gấp gần 50 lần con số ban đầu.

Ảnh minh họa

Những nạn nhân phải gánh một khoản nợ khổng lồ sau quãng thời gian ngắn vay tiền qua App như chị H. không phải là hiếm. Có thể kể đến những App vay tiền phổ biến như: DoctorDong, Scash, Atome, VĐồng, Bagang… Điểm chung của những App này là dễ sử dụng, thủ tục đơn giản chỉ cần chứng minh nhân dân hoặc sổ hộ khẩu, đồng thời quá trình giải ngân khoản vay cũng khá nhanh chóng.

Tuy nhiên, người vay sẽ không được nhận đầy đủ số tiền mình vay mà phải cắt lại một khoản gọi là phí dịch vụ. Cụ thể, nếu vay 1,5 triệu đồng, người vay sẽ chỉ cầm về từ 900.000 – 1.000.000 đồng nhưng khi trả vẫn phải trả đủ 1,5 triệu đồng. Thời gian phải trả thường là trong 1 tuần, nếu trả chậm sẽ tính lãi suất khoảng 5%/ngày, tương đương với 150%/tháng.

Và khi người vay không trả đúng hạn, “cơn ác mộng” sẽ thực sự bắt đầu. Họ sẽ gặp tình trạng lãi chồng lãi và bị “siết nợ”, họ bị xúc phạm nhân phẩm thậm chí là đe dọa tính mạng nếu như không trả hết số tiền gốc và số lãi đã vay.

Chưa có chế tài cụ thể

Phân tích vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI khẳng định, có thể nói chị H. là một nạn nhân của tín dụng đen vay tiền qua App. Trên thực tế, không có định nghĩa nào của pháp luật về tín dụng đen, nhưng có thể xác định tín dụng đen là một hoạt động cho vay thường là có ít nhất 2 trong số 3 yếu tố bất hợp pháp là: cho vay bất hợp pháp, lãi suất trái luật và đòi nợ phạm pháp.

Thứ nhất, cho vay bất hợp pháp là hoạt động cho vay thường xuyên, với mục đích kinh doanh, nhưng không có giấy phép kinh doanh về dịch vụ tín dụng hoặc dịch vụ cầm đồ và kể cả trường hợp tuy được phép cho vay, nhưng lại cho vay vượt phạm vi được phép hoạt động.

Cho vay bất hợp pháp cũng có thể là việc lừa dối, đe dọa, cưỡng ép người vay làm cho khách hàng nhận thức nhầm rằng việc đi vay là sự tự nguyện thỏa thuận, việc cho vay và các điều kiện kèm theo là hợp pháp.

Thứ hai, lãi suất trái luật là mức vượt quá 20%/năm theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên, tín dụng đen thì thường là lãi suất cao gấp đôi mức này trở lên. Từ 05/11/2010 đến 31/12/2016, lãi suất trái luật là vượt quá 13,5%/năm (quá 150% lãi suất cơ bản).

Thứ ba, đòi nợ phạm pháp là việc bên cho vay hoặc thông qua bên thứ ba đòi nợ bằng cách gây sức ép kiểu đe doạ, cưỡng ép, khủng bố tinh thần, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng của người vay và thân nhân họ.

Cũng theo luật sư Trương Thanh Đức, một trong các cách thức hoạt động tín dụng đen là lập lờ sử dụng các cụm từ “công ty tài chính” hoặc “dịch vụ tài chính” đã vi phạm vào quy định, nếu không phải là tổ chức tín dụng thì “không được phép sử dụng cụm từ hoặc thuật ngữ “công ty tài chính”.

Ngoài các lý do như nhu cầu vay vốn của người dân rất lớn, lợi nhuận tín dụng đen rất cao hay thường có sự bảo kê, v.v.. thì còn một trong các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tín dụng đen hoành hành là do có chưa có chế tài cụ thể, dẫn đến việc khó xử lý vi phạm, cả hành chính cũng như hình sự.

Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự (tức 100%), thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu – 1 tỷ đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Theo chia sẻ từ Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Nguyễn Ngọc Dũng, về bản chất, mô hình cho vay qua App là rất tiện. Tuy nhiên trên thực tế, vay qua App đang bị biến tướng thành tín dụng đen với khoản lãi vay có thể lên tới trên 1.000%/năm. Vì vậy, mô hình này cần có sự giám sát kịp thời từ cơ quan chức năng nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững của loại hình này cũng như đảm bảo quyền lợi cho người vay.

T. Nhi

—————–

Công lý (Doanh nghiệp) 10-6-2020:

https://congly.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep/vay-tien-qua-app-voi-lai-cat-co-chua-co-che-tai-cu-the-kho-xu-ly-vi-pham-346590.html

(607/1.073)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,739