3.055. Ủng hộ cấm dịch vụ đòi nợ: Liệu có phải không quản được thì cấm?

(NĐT) – Vừa qua, 77,51% ĐBQH đưa ý kiến ủng hộ cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có ý kiến cho rằng cần nhìn vào thực tế để nhận thấy đây là một nhu cầu của xã hội, cần xem xét toàn diện chứ không phải cứ không quản được thì cấm.

Cụ thể, trong khi bàn về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), do còn nhiều ý kiến khác nhau việc cấm hay không dịch vụ kinh doanh đòi nợ, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về nội dung này. Kết quả, trong 409 phiếu phát ra, có 317 phiếu (77,51%) ủng hộ cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Ghi nhận của PV Đời sống & Pháp luật đối với một số doanh nghiệp, ngân hàng, chuyên gia kinh tế, chuyên gia pháp lý cho thấy vẫn còn đó những băn khoăn…

Nhu cầu có thật

Ngày 21/11/2019, ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – chi nhánh Thanh Hóa đã tiến hành thu giữ tài sản đảm bảo của công ty Cổ phần Hồng Phúc với sự hỗ trợ của một số vệ sĩ thuộc công ty Thành Long. Tại đây, các vệ sĩ được BIDV Thanh Hóa thuê để bảo vệ trật tự đã có hành vi khóa tay, khống chế, “áp giải” cán bộ, ông chủ doanh nghiệp khi thu giữ tài sản. Sự việc được phản ánh trên hàng loạt tờ báo là một minh chứng cho thấy nhu cầu cần hỗ trợ đòi nợ của các ngân hàng là có thật.

Song hầu như không có ngân hàng nào chịu thừa nhận đang sử dụng dịch vụ thu nợ. Chia sẻ với PV ĐS & PL, một lãnh đạo ngân hàng thương mại có doanh số bán lẻ thuộc hàng top hiện nay cho biết: “Không thể không sử dụng dịch vụ đòi nợ ngoài ngân hàng bởi vì bản thân ngân hàng không có đủ nguồn lực và kỹ năng để xử lý hết nợ xấu nội tại”.

Ủng hộ việc cho phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ, vị lãnh đạo nêu quan điểm: “Sở dĩ ngân hàng phải thuê đòi nợ là vì tiết kiệm nguồn lực. Nếu tự chúng tôi đi đòi nợ mà hiệu quả cao hơn thì không lý gì dịch vụ đòi nợ tồn tại phát triển bao nhiêu năm qua. Việc này cũng giống như các gia đình bận rộn buộc phải thuê người giúp việc mà thôi”.

Một cán bộ tín dụng thuộc ngân hàng trong nhóm Big4 khác cũng chia sẻ: “Mặc dù không ngân hàng nào thừa nhận nhưng thực tế việc các ngân hàng trực tiếp hoặc gián tiếp thuê dịch vụ đòi nợ là có. Thậm chí, vì mỗi cán bộ tín dụng phải chịu trách nhiệm với các khoản cho vay của mình nân phải thuê đòi nợ khi có nợ xấu”.

Và ngay cả các doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề khác cũng thừa nhận có nhu cầu thuê dịch vụ đòi nợ. Trao đổi với PV ĐS & PL, ông Nguyễn Huy Long – Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Huy Lâm (Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hoá) kinh doanh ngành Xây dựng, cho hay: “Trong hợp tác kinh doanh không thể không phát sinh nợ và càng không tránh khỏi việc đối tác chây ì nợ. Mà không phải vụ việc nào cũng có thể lôi nhau ra Toà án vì có khi giá trị vay nợ không lớn, chi phí kiện cáo và thời gian chờ đợi quá tội. Do đó tôi ủng hộ hợp pháp hoá dịch vụ đòi nợ thuê để quản lý hoạt động này tốt hơn”.

Ông Phan Trung Khánh – Giám đốc một công ty kinh doanh vật liệu xây dựng ở Xuân Trường (Nam Định) cũng cho hay: “Thực tế bạn bè tôi đang phải thuê dịch vụ đòi nợ rất nhiều, họ chấp nhận chi 10 – 15% giá trị khoản nợ cho dịch vụ này để có thể thu hồi nợ nhanh, thậm chí 30 – 40% cho những khoản cho vay có chứng lý yếu, khó có cơ sở kiện ra Toà án” – ông Khánh nói.

“Vừa rồi, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XIV, vẫn còn 77,51% đại biểu Quốc hội ủng hộ quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Khi nêu ý kiến của mình, tôi đã kiến nghị Chính phủ và các đại biểu cân nhắc. Thứ nhất, dịch vụ đòi nợ phản ánh nhu cầu tất yếu của thị trường, chúng ta có cấm hay không thì nó vẫn tồn tại. Thứ hai, ngành Công an chưa hề đưa ra một số liệu điều tra, thống kê nào cho thấy đơn vị kinh doanh dịch vụ đòi nợ hợp pháp gây ra những vụ hành xử giang hồ. Bởi vậy tôi đề nghị công nhận và đổi tên là “kinh doanh dịch vụ thu hộ nợ”. Chỉ có công nhận và đưa cho nó điều kiện hoạt động thì chúng ta mới quản lý được tốt. Còn khi đã có hành lang pháp lý để hoạt động, sai đến đâu chúng ta xử lý đến đó”

(ĐBQH Phạm Văn Hòa – Ủy viên UB Pháp luật của Quốc hội)

“Cấm dịch vụ đòi nợ khác nào hạn chế cho vay?”

Trên thực tế, các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã xuất hiện từ lâu và đang ngày càng phát triển. Theo Báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ, tính đến hết tháng 8/2019, cả nước có 29 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ với 217 doanh nghiệp đăng ký, trong đó tập trung chủ yếu tại TP. Hồ Chí Minh (84 doanh nghiệp) và Hà Nội (62 doanh nghiệp).

“Cấm dịch vụ đòi nợ để triệt tiêu nạn giang hồ xiết nợ chẳng khác gì cấm đi ô tô vì ô tô hay gây tai nạn giao thông”.

(Chuyên gia kinh tế – TS. Nguyễn Trí Hiếu )

Dưới góc độ kinh tế thị trường, chuyên gia kinh tế – TS. Nguyễn Trí Hiếu (người đầu tiên thành lập ngân hàng Việt Nam tại Mỹ) chia sẻ với PV ĐS & PL rằng dịch vụ đòi nợ là một dịch vụ đặc biệt mà hầu hết các quốc gia trên thế giới hiện nay đang sử dụng.

“Việt Nam bây giờ mà còn bàn vấn đề có nên hợp pháp hoá dịch vụ đòi nợ hay không là một chuyện không thể tưởng tượng nổi. Vấn đề cần bàn không phải là có cho phép nó hay không (vì không cho phép thì nó vẫn tồn tại) mà là bàn xem nên quản lý nó như thế nào cho hiệu quả”.

“Các ngân hàng, các doanh nghiệp hiện nay rất yếu kiến thức, kỹ năng và cả tâm lý để đi đòi nợ cho nên đòi nợ không hiệu quả bằng công ty chuyên nghiệp. Nên coi dịch vụ đòi nợ như một đơn vị trung gian giúp việc cho các giao dịch dân sự, tương tự như các văn phòng luật sư trợ giúp pháp lý cho thân chủ” – ông Hiếu nói.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc công ty Luật Minh Bạch, đoàn luật sư TP Hà Nội) chia sẻ: “Thay vì cấm đoán, chúng ta nên công nhận hoạt động này là một nghề nằm trong nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trên thực tế, điều kiện để kinh doanh dịch vụ này đã được pháp luật quy định tại các Nghị định 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ và Nghị định 96/2016/NĐ-CP về điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

“Việc hình thức kinh doanh đòi nợ biến tướng theo kiểu xã hội đen có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân sâu xa là công tác quản lý, xử lý vi phạm trong thu hồi nợ còn thờ ơ, dung túng, chưa nghiêm minh. Mà trên thực tế, phần lớn các vụ giang hồ đòi nợ đến từ dịch vụ tín dụng đen bất hợp pháp chứ không phải dịch vụ đòi nợ chuyên nghiệp.” – ông Tuấn Anh nói.

Cũng đứng trên góc tiếp cận như vậy, luật sư Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty Luật ANVI, nguyên Phó Tổng giám đốc ngân hàng Hàng hải Việt Nam – MaritimeBank) đặt câu hỏi: “Cấm dịch vụ đòi nợ khác nào hạn chế cho vay?”.

“Ngay cả Ngân hàng Nhà nước vẫn cần có công ty Quản lý tài sản (VAMC) trong đó hoạt động chính là đòi nợ, mua bán nợ xấu của các tổ chức tín dụng thì tại sao lại cấm dịch vụ này ở các ngân hàng và doanh nghiệp khác?”.

(Luật sư Trương Thanh Đức)

Vị chuyên gia có hơn 30 năm quản lý và tư vấn lĩnh vực tài chính ngân hàng nêu quan điểm: “Ngay cả Ngân hàng Nhà nước vẫn cần có Công ty Quản lý Tài sản (VAMC) trong đó hoạt động chính là đòi nợ, mua bán nợ xấu của các tổ chức tín dụng thì tại sao lại cấm dịch vụ này ở các ngân hàng và doanh nghiệp khác?”.

Trong khi đó, theo ông Đức, đòi nợ là việc khó hơn rất nhiều so với việc cho vay, vì vậy rất cần phải thuê bên có chuyên môn, nghề nghiệp, kỹ năng, nghệ thuật một cách chuyên nghiệp.

“Chúng ta không nên chỉ nghĩ tới giải pháp bảo vệ con nợ mà bỏ qua quyền lợi hợp pháp của chủ nợ. Cũng không nên vì bảo vệ con nợ mà tạo ra tác dụng ngược, thậm chí khuyến khích sự chậm trễ, chây ỳ, từ chối nghĩa vụ trả nợ” – ông Đức nói.

Cần phân định giữa “dịch vụ đòi nợ” biến tướng vi phạm pháp luật

Đó là quan điểm của TS Cao Vũ Minh (Giảng viên khoa Luật Hành chính – Trường ĐH Luật TP.HCM, Phó Tổng biên tập tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam) chia sẻ với PV Đời sống & Pháp luật trong cuộc trò chuyện với chủ đề: Có nên luật hoá dịch vụ đòi nợ hay không?

TS Cao Vũ Minh (Giảng viên khoa Luật Hành chính – Trường ĐH Luật TP.HCM, Phó Tổng biên tập tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam)

Ông Cao Vũ Minh cho rằng, khi tồn tại giao dịch cho vay nợ sẽ tất yếu phát sinh nhu cầu đòi nợ. Người cho vay có thể tự mình đòi hoặc ủy quyền cho người khác đi đòi nợ. Tại Khoản 2 Điều 34 Nghị định 96/2016 ghi nhận: “Cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ chỉ được hoạt động dịch vụ đòi nợ trong phạm vi pháp luật cho phép và phải có hợp đồng ủy quyền của chủ nợ”. Với tư duy đó thì dịch vụ đòi nợ thực chất là thực hiện công việc do chủ nợ ủy quyền và là hợp pháp.

Thưa TS Cao Vũ Minh, nhưng hiện nay vẫn có nhiều ý kiến cho rằng nên cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ vì những hậu quả nó gây ra cho xã hội như xã hội đen trấn áp, khủng bố tinh thần, gây thương tích trong quá trình đòi nợ. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Giữa “dịch vụ đòi nợ” và “sự biến tướng của dịch vụ đòi nợ” là hai phạm trù không thể đồng nhất. “Dịch vụ đòi nợ” thực hiện một công việc ủy quyền hợp pháp. Trong khi đó, biến tướng của dịch vụ đòi nợ như đe dọa mang tính chất xã hội đen hay xúc phạm, chửi mắng, hành hung, gây thương tích cho người vay nợ là những hành vi trái pháp luật. Thực tế là khoản 4 Điều 34 Nghị định 96/2016 cũng đã quy định “khi thực hiện đòi nợ không được sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực và không được sử dụng các phương tiện làm ảnh hưởng đến trật tự công cộng”.

Do đó, nếu xảy ra các hành vi này thì hoàn toàn có thể sử dụng chế tài hành chính, thậm chí là chế tài hình sự để xử lý. Hiện nay, các chế tài này được điều chỉnh cụ thể trong Nghị định 167/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội và trong Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Cái cần cấm đoán chính là biến tướng của dịch vụ đòi nợ chứ không phải là cấm dịch vụ đòi nợ.

Ông nghĩ thế nào về quan điểm không cần thiết phải có dịch vụ đòi nợ khi mà Nhà nước ta đã có đầy đủ các cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật như tòa án, viện kiểm sát, thi hành án?

Đúng là Nhà nước đã có các cơ quan trên để giúp người dân giải quyết việc đòi nợ. Tuy nhiên, đi theo thủ tục này, người cho vay có thể thu hồi được nợ nhưng mất thời gian. Trong khi đó, “dịch vụ đòi nợ”nhanh hơn, mang tính dân sự hơn mà tránh được cảnh “vô phúc đáo tụng đình”. Dịch vụ này đặc biệt phát huy tác dụng trong bối cảnh thi hành án dân sự ở nước ta hoạt động chưa thật sự hiệu quả, tỉ lệ thi hành án thành công chưa cao.

Tóm lại, đa dạng hóa các hình thức thu hồi nợ (qua thi hành án, thừa phát lại, dịch vụ đòi nợ …) giúp cho chủ thể có nhiều sự lựa chọn, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Theo ông, nếu cấm dịch vụ đòi nợ thuê sẽ gây ra hậu quả gì cho xã hội?

Cấm kinh doanh một loại hình dịch vụ mà thị trường có nhu cầu là đi ngược lại quy luật thị trường. Trước đây từ những vụ vỡ hụi gây tan cửa nát nhà nhiều gia đình, thậm chí xảy ra thương tích và án mạng, chúng ta đã có thời gian cấm “hụi họ bưu phường”. Nhưng thực tế nó vẫn tồn tại hụi họ và đến Bộ luật Dân sự 2015 chúng ta phải công nhận trở lại dịch vụ đó. Thì với đòi nợ thuê cũng vậy, việc bị cấm không thể khiến dịch vụ này biến mất mà nó sẽ vẫn tồn tại với những biến tướng tinh vi phức tạp hơn.

Vậy theo ông chúng ta nên ứng xử thế nào để phù hợp quy luật thị trường?

Cần phân định rạch ròi giữa “dịch vụ đòi nợ” với biến tướng vi phạm pháp luật của nó để có cách ứng xử phù hợp. Thực tế thời gian qua, biến tướng của đòi nợ thuê có thể phát sinh là do quá trình quản lý chưa hiệu quả của các cơ quan Nhà nước. Nghị định 96/2016 quy định rất chặt chẽ về điều kiện, trách nhiệm… đối với kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Nếu việc quản lý chưa được thực hiện tốt thì phải tăng cường chứ không nên tạo ra sự cấm đoán thiếu cơ sở.

Xin trân trọng cảm ơn ông.

Minh Minh(thực hiện)

—————–

Người đưa tin 16-6-2002:

https://www.nguoiduatin.vn/ung-ho-cam-dich-vu-doi-no-lieu-co-phai-khong-quan-duoc-thi-cam-a478921.html

(266/2.629)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,739