3.056. Chế độ kế toán nào cho hộ kinh doanh?

(ĐT) – Việc đơn giản hoá chế độ kế toán đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là rất cần thiết, giúp giảm chi phí tuân thủ cho các chủ thể này. Tuy nhiên, chế độ kế toán phải tương ứng với quy mô hoạt động của chủ thể kinh doanh và hướng dẫn dễ hiểu, dễ thực hiện.

Hiện có 1,6 triệu hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được cơ quan thuế quản lý, cấp mã số thuế. Ảnh: Huế Nguyễn

Yêu cầu này vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đặt ra đối với Ban soạn thảo Dự thảo Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thay thế Quyết định 169/2000/QĐ-BTC (được sửa đổi bởi Quyết định 131/2002/QĐ-BTC) về chế độ kế toán hộ kinh doanh. Dự thảo Thông tư đang được Bộ Tài chính tổ chức lấy ý kiến hoàn thiện.

Theo Dự thảo Thông tư, chế độ kế toán được áp dụng chung cho tất cả các loại hình và quy mô hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Trên thực tế, đa số các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có quy mô rất nhỏ, không có hoặc có một vài lao động. Tuy nhiên, cũng có tình trạng một số hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh phát triển đến quy mô lớn tương ứng với doanh nghiệp nhỏ, thậm chí tương ứng doanh nghiệp vừa. Do đó, việc áp dụng chung chế độ kế toán đơn giản đối với tất cả các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không còn phù hợp.

VCCI cho rằng, việc xây dựng Dự thảo Thông tư cần tuân thủ nguyên tắc là chế độ kế toán phải tương ứng với quy mô hoạt động, chứ không nên phụ thuộc vào loại hình chủ thể kinh doanh. Luật Quản lý thuế đã quy định: Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có quy mô về doanh thu, lao động đáp ứng từ mức cao nhất về tiêu chí của doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thực hiện chế độ kế toán và nộp thuế theo phương pháp kê khai. Vì vậy, Ban soạn thảo cần bổ sung quy định phân loại hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo quy mô và áp dụng chế độ kế toán phù hợp với từng loại.

Mặt khác, đối tượng áp dụng của Dự thảo Thông tư này khá đặc thù, là hàng triệu hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên cả nước, với trình độ quản trị kinh doanh không cao. Do đó, việc yêu cầu các chủ thể này phải nghiên cứu quy định tại Thông tư, sau đó lại phải dẫn chiếu đến các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan, có thể sẽ gây khó khăn và làm giảm mức độ tuân thủ của họ. Hiện nhiều quy định trong Dự thảo Thông tư đang dẫn chiếu tới Luật Kế toán, pháp luật về thuế, Thông tư số 132/2018/TT-BTC…

Theo VCCI, cơ quan soạn thảo cần xác định đây là trường hợp đặc thù và quy định rõ luôn trong Dự thảo Thông tư để thuận tiện cho người đọc (chấp nhận việc quy định lại các vấn đề đã quy định tại văn bản khác). Thêm vào đó, cần nghiên cứu bổ sung quy định giao cho một đơn vị đầu mối trong Bộ Tài chính chịu trách nhiệm xây dựng hướng dẫn tuân thủ cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Đồng thuận với quan điểm này, luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, do hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là đối tượng đặc thù nên đòi hỏi câu chữ hướng dẫn phải thật đơn giản, dễ hiểu và dễ thực hiện. Việc nhắc lại các quy định có liên quan đã được nêu trong luật, nghị định, thông tư khác là rất cần thiết, tạo thuận lợi cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Theo ông Đức, hiện có 1,6 triệu hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh mà cơ quan thuế đang quản lý, cấp mã số thuế và 3,4 triệu hộ không có đăng ký kinh doanh. Do đó, cần phân vai rõ theo quy mô và chỉ nên áp dụng chế độ kế toán với 1,6 triệu hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh gần như với doanh nghiệp siêu nhỏ, nhưng đơn giản hơn, chỉ cần ghi nhận phát sinh giao dịch chủ yếu (mua vào, bán ra, xuất ra, nhập vào…) để quản lý ở mức độ tối thiểu, chứ không cần kế toán trưởng, báo cáo tài chính…

Cho rằng việc phân tầng chế độ kế toán theo quy mô là cần thiết, nhưng luật sư Hà Huy Phong – Giám đốc Công ty Luật TNHH Interco lại quan ngại về vấn đề triển khai thực hiện. Một trong những đặc trưng của hộ kinh doanh là tư cách chủ thể chưa thực sự rõ ràng, không hẳn là một cá nhân, nhưng cũng không hẳn là một pháp nhân, nên việc quản lý không thể áp dụng như đối với doanh nghiệp hoặc cá nhân hành nghề. Việc kê khai, báo cáo về hoạt động kinh doanh và nghĩa vụ thuế cũng chưa có cơ chế thực sự hoàn thiện, chưa tính đến tính ổn định của loại hình kinh doanh này.

“Quy định về quản lý thuế không phải chỉ có một mục đích là thu thuế, mà quan trọng là bồi dưỡng, hỗ trợ các điều kiện cần thiết để hộ kinh doanh phát triển tốt, định hướng cho loại hình này thực hiện các hoạt động kinh doanh phù hợp, từ đó có năng lực nội tại đóng góp vào ngân sách nhà nước. Do đó, quy định mới không nên tạo thêm các gánh nặng về thủ tục, về nghĩa vụ thuế, mà cần chấn chỉnh tình trạng quản lý lỏng lẻo, thiếu hiệu quả trong quá khứ”, ông Phong khuyến nghị.

Lê Xuân

—————–

Đấu thẩu (Doanh nghiệp) 16-6-2020:

https://baodauthau.vn/doanh-nghiep/che-do-ke-toan-nao-cho-ho-kinh-doanh-131413.html

(196/1.054)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,736