3.057. Tranh chấp nội bộ Coteccons: Chuyên gia phân tích các khía cạnh pháp lý và “ số phận” HĐQT đương nhiệm trước sức ép bãi nhiệm

(PL) – Xung đột nội bộ giữa các nhóm cổ đông ngoại ủng hộ Kustocem Pte. Ltd. (Kusto) với ban lãnh đạo công ty Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Sự vụ đặt ra những tình huống pháp lý kinh doanh cần giải quyết. Và đặc biệt mục đích “phế truất” HĐQT đương nhiệm của nhóm cổ đông ngoại ủng hộ Kustocem Pte. Ltd. (Kusto) liệu có đạt được? Phóng viên Pháp lý và LS. Trương Thanh Đức cùng LS. Trần Hồng Cường sẽ giải đáp bạn đọc câu hỏi này trong bài phân tích dưới đây.

Mâu thuẫn được đẩy lên cao trào ngay trước thềm đại hội đồng cổ đông

Mới đây nhất, Coteccons vừa lấy ý kiến bằng văn bản về việc tổ chức ĐHĐCĐ trực tuyến. Với hình thức này, cổ đông được quyền bỏ phiếu biểu quyết, bầu cử từ xa, trực tuyến và các hình thức bỏ phiếu khác.

Mâu thuẫn các cổ đông lớn và ban lãnh đạo Coteccons được đẩy lên cao trào ngay trước thềm ĐHĐCĐ thường niên

Tuy nhiên, Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông doanh nghiệp này vừa công bố cho thấy kết quả là 14 cổ đông, đại diện 51,07% cổ phần không tán thành với đề xuất trên 255 cổ đông đại diện 29,4% cổ phần đồng ý với đề xuất này. Như vậy, cuộc họp thường niên dự kiến vào ngày 30/6 sắp tới sẽ được tiến hành theo hình thức trực tiếp như thường lệ.

Tuy vậy, thực tế là cuộc họp thường niên 2020 của Coteccons thậm chí đang đứng trước nguy cơ không thể diễn ra nếu nhóm cổ đông ủng hộ Kusto không tham gia, dẫn đến việc không đủ số cổ phần cần thiết (51%) để tổ chức.

Trước đó, Kusto (cổ đông nước ngoài đang nắm giữ 18,32% cổ phần của Coteccons) đã gửi văn bản tới HĐQT và Ban kiểm soát (BKS) của Coteccons, yêu cầu tổ chức họp ĐHCĐ bất thường với mục đích nhằm bổ nhiệm HĐQT mới từ ứng viên được đề cử bởi các cổ đông có quyền của Coteccons theo quy tắc đề cử ứng viên HĐQT và chỉ định kiểm toán độc lập hoạt động của Coteccons từ 2017 đến nay để làm rõ vấn đề xung đột lợi ích, giao dịch với các bên liên quan. Tuy nhiên, HĐQT hiện tại của Coteccons đã không tổ chức ĐHĐCĐ bất thường theo yêu cầu của cổ đông trong thời hạn quy định.

Ngày 2/6, Kusto thông báo bắt đầu việc tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường, đồng thời đã có văn bản gửi đến Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam về ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền tham dự cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường, dự kiến tổ chức vào ngày 13/7/2020 tới.

Chưa dừng lại đó, tiếp theo việc trên, trong thông báo ra ngày 9/6, The8th – nhà đầu tư tài chính đến từ Singapore hiện là cổ đông lớn thứ 3 ở Coteccons cho biết The8th đã gửi thư tới HĐQT của Coteccons để yêu cầu đưa thêm vấn đề bãi nhiệm tư cách là thành viên Hội đồng quản trị ở Coteccons của ông Nguyễn Bá Dương và ông Nguyễn Sỹ Công vào chương trình họp Đại hội cổ đông thường niên của Coteccons, dự kiến được tổ chức vào ngày 30.6. The8th yêu cầu các nội dung bổ sung này phải được công bố công khai đến tất cả cổ đông và được đăng trên website của Coteccons theo quy định tại Điều lệ và Luật Doanh nghiệp vào trước ngày 15/6/2020.

The8th cũng yêu cầu “Coteccons mời đại diện các cơ quan thẩm quyền có liên quan bao gồm Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam và Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM tới tham dự và giám sát cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên”.

Theo The8th, lý do yêu cầu bổ sung chương trình họp đại hội cổ đông vì “vấn đề lớn nhất hiện đang làm xói mòn Coteccons là vấn đề về quản trị doanh nghiệp…. Các vi phạm liên tục trong vấn đề quản trị doanh nghiệp của lãnh đạo Coteccons đã gây ra tổn thất đáng kể cho Coteccons và các cổ đông của công ty khi doanh thu và lợi nhuận tiềm năng bị chuyển vào các công ty khác do một số lãnh đạo Coteccons sở hữu và kiểm soát”.

Sau sự kiện chấn động với Coteccons khi hai quỹ ngoại đồng loạt yêu cầu tổ chức ĐHĐCĐ bất thường để phế truất ban lãnh đạo của Coteccons, thì mới đây Ban kiểm soát (BKS) của Coteccons đã làm đơn kiến nghị gửi lên Ủy ban chứng khoán nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán TPHCM tố cáo hàng loạt hành động trái luật pháp của ban lãnh đạo Coteccons; đề nghị tiến hành công bố thông tin sai phạm theo quy định.

Theo văn bản gửi Ủy ban chứng khoán nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán TPHCM vào ngày 5/6/, ông Luis Fernando Garcia Agraz – Trưởng BKS Conteccons tố ban điều hành Coteccons đã cắt xén, chỉnh sửa sai sự thật trong báo cáo của BKS, thậm chí là trái ngược với báo cáo gốc của BKS.

Theo BKS, ngày 5/5/, BKS đã gửi lên HĐQT báo cáo thường niên về phần của BKS nhưng vào ngày 29/5/2020, ông Nguyễn Sỹ Công – Tổng Giám đốc Coteccons đã ký công bố thông tin về Báo cáo thường niên năm 2019, trong đó phần báo cáo của BKS hoàn toàn khác với bản báo cáo do BKS soạn thảo.

Ngoài ra, báo cáo của Trưởng Ban kiểm soát Coteccons còn tố ban lãnh đạo Conteccons đã cắt xén, chỉnh sửa 8 nội dung trong báo cáo của BKS để không công bố cho cổ đông. Đó là những nội dung thể hiện sự lũng đoạn của ban lãnh đạo, thành lập hàng loạt công ty khác nhau và sở hữu chéo, trong đó đưa người nhà và người của Coteccons sở hữu cổ phần nhưng không công bố theo quy định của pháp luật, dẫn đến sự suy giảm quyền lợi của công ty cũng như quyền lợi của cổ đông.

Trong đó, báo cáo của BKS còn nêu một số vấn đề như: Một số quản lý cấp cao của Coteccons và người có liên quan lại nắm giữ quyền sở hữu đáng kể tại các công ty khác hoạt động trong cùng ngành nghề kinh doanh với Coteccons hoặc các ngành nghề kinh doanh liên quan; hay câu chuyển cản trở một số hoạt động của BKS; Điều chuyển nguồn nhân lực từ Coteccons sang công ty “hệ sinh thái”; Vi phạm trong việc giao thầu phụ; Thành lập công ty trùng tên Coteccons…

Phản hồi các thông tin trên, Ban lãnh đạo của Coteccons cho biết sẵn sàng lắng nghe ý kiến từ các cổ đông lớn, sẵn sàng chuyển giao vị trí của mình cho những ứng cử viên (do cổ đông lớn tiến cử) với điều kiện họ có đủ uy tín và năng lực để dẫn dắt Công ty phát triển lâu dài, bền vững.

Ngoài ra, Coteccons rất mong các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc để làm sáng tỏ những vấn đề nêu trên với mục tiêu bảo vệ thương hiệu Coteccons, quyền lợi của hơn 4.000 cổ đông, công ăn việc làm của gần 2.000 CBNV và hơn 30.000 người lao động.

Kusto triệu tập ĐHĐCĐ có đúng luật?

Trao đổi với PV Pháp lý, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, yêu cầu triệu tập họp ĐHĐCĐ là quyền cơ bản của cổ đông, theo quy định điều 114 Luật Doanh nghiệp cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng trở lên có yêu cầu quyền triệu tập ĐHĐCĐ. Trường hợp Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát không triệu tập thì cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng trở lên sẽ tự đứng ra triệu tập. Trong trường hợp điều lệ có quy định thậm chí tỉ lệ nắm giữ cổ phần thấp hơn 10% cũng có quyền triệu tập.

Trong trường hợp này chắc chắn Kuston nắm giữ hợp 10% cổ phần của Cotecons, do đó việc Kuston yêu cầu triệu tập ĐHĐCĐ hoàn toàn là quyền của Kuston theo quy định của pháp luật. Nếu trường hợp triệu tập mà các cổ đông khác không tham gia, triệu tập lần thứ nhất không đủ 51%, triệu tập lần thứ 2 không đủ 32%[1] thì sẽ triệu tập lần thứ 3 và có thể một mình cổ đông triệu tập có quyền quyết định hết, thậm chí giải tán công ty, luật cho phép như vậy – Luật sư Trương Thanh Đức cho biết.

Cùng quan điểm, Luật sư Trần Hồng Cường, Công ty Luật Hợp danh Đông Nam Á cho rằng, theo quy định Luật Doanh nghiệp 2014, đại hội đồng cổ đông bao gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết, có quyền quyết định các vấn đề quan trọng của công ty. ĐHĐCĐ phải họp thường niên mỗi năm một lần.

Luật sư Trần Hồng Cường, Công ty Luật Hợp danh Đông Nam Á

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, HĐQT phải triệu tập cuộc họp bất thường đại hội đồng cổ đông. Việc này được quy định cụ thể tại khoản 3, điều 136 Luật Doanh nghiệp 2014. Theo đó, Hội đồng quản trị phải triệu tập họp bất thường Đại hội đồng cổ đông trong một số trường hợp như theo yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông cũng được quy định tại khoản 2, điều 114 của Luật Doanh nghiệp; Theo yêu cầu của Ban kiểm soát…

Viện dẫn khoản 2, Điều 114, Luật Doanh nghiệp, Luật sư Hồng Cường cho biết cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại điều lệ công ty thì có quyền yêu cầu triệu tập ĐHĐCĐ trong các trường hợp: HĐQT vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông; nghĩa vụ của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao; nhiệm kỳ của HĐQT đã vượt quá 6 tháng mà HĐQT mới chưa được bầu thay thế và các trường hợp khác theo quy định của điều lệ công ty. Kusto là cổ đông đang nắm giữ 18,32% cổ phần của Coteccons nên họ có thẩm quyền yêu cầu triệu tập họp ĐHĐCĐ bất thường.

Mục đích “phế truất” HĐQT đương nhiệm liệu có đạt được?

Theo Luật sư Trần Hồng Cường , căn cứ theo điều 135, Luật Doanh nghiệp quy định thì ĐHĐCĐ có quyền bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên HĐQT, ban kiểm soát. Do đó, trong trường hợp ĐHĐCĐ bất thường theo triệu tập của Kusto được diễn ra thì việc bãi nhiệm tư cách là thành viên Hội đồng quản trị ở Coteccons hoàn toàn có thể xảy ra.

Tuy nhiên về trình tự, thủ tục phải đảm bảo đúng theo quy định pháp luật cũng như quy định tại Điều lệ công ty. Và thực tế điều này không đơn giản, thậm chí là khó khả thi. Bởi theo Điều 139 Luật Doanh nghiệp 2014, người triệu tập họp ĐHĐCĐ phải gửi thông báo mời họp đến tất cả các cổ đông trong danh sách cổ đông có quyền dự họp chậm nhất mười ngày trước ngày khai mạc nếu Điều lệ công ty không quy định thời hạn dài hơn….

Song, việc tiếp cận danh sách cổ đông đầy đủ của công ty đặc biệt là công ty đại chúng như Coteccons lại không hề đơn giản. Vì Kusto không phải là người quản lý hiện tại của công ty nên sẽ khó tiếp cận danh sách cổ đông đầy đủ của công ty.

Nếu không có được danh sách cổ đông thì rất khó để thực hiện đúng thủ tục mời họp và nếu không tuân thủ đúng thủ tục này thì cuộc họp ĐHĐCĐ khó có thể diễn ra. Hoặc nếu có diễn ra thì tính pháp lý của cuộc họp, của Nghị quyết ĐHĐCĐ khó đảm bảo – Luật sư Trần Hồng Cường phân tích.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, tương lai HĐQT của Coteccons hoàn toàn phụ thuộc vào tỉ lệ biểu quyết tại cuộc họp ĐHĐCĐ hợp lệ. Nếu như Điều lệ công ty không quy định gì khác thì 51% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành phế truất HĐQT cũ và bầu mới thì là được. Nếu trường hợp không đủ tỉ lệ 51% biểu quyết thì sẽ giữ nguyên HĐQT.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI

Về nguyên tắc, với các công ty đại chúng thì quyền sở hữu thuộc về cổ đông và các quyết định phải được đưa ra dựa theo ý chí của đa số. Người sở hữu cổ phần nhiều hơn có quyền quyết định lớn hơn. Doanh nghiệp Việt Nam cần tư duy sòng phẳng về quyền cổ đông, cần chấp nhận cuộc chơi kể cả có đào thải vì điều đó thể hiện tính chuyên nghiệp, đã tham gia cuộc chơi thì cần chấp nhận những nguyên tắc và điều lệ đã đặt ra – Luật sư Trương Thanh Đức nêu quan điểm.

Đinh Chiến

—————–

Tạp chí Pháp lý (Pháp lý & Kinh doanh) 16-6-2020:

https://phaply.net.vn/tranh-chap-noi-bo-coteccons-chuyen-gia-phan-tich-cac-khia-canh-phap-ly-va-so-phan-hdqt-duong-nhiem-truoc-suc-ep-bai-nhiem/

(455/2.379)

[1] 33%

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Truy quét hàng giả cuối năm.

Truy quét hàng giả cuối năm. (NLĐ) - Các cơ quan chức năng sẽ tập trung...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,957