(DĐDN) – Theo Luật sư Trương Thanh Đức, nếu Tân Hoàng Minh không thể mua lại lập tức cả 9 lô trái phiếu bị hủy do tiền đã được đẩy vào dự án thì sẽ rất khó xử lý, các bên phải ra tòa để tiếp tục vụ việc.
Nhiều lỗ hổng trên thị trường
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có quyết định hủy các đợt phát hành trái phiếu của một số doanh nghiệp thuộc tập đoàn Tân Hoàng Minh do “che giấu, công bố thông tin sai sự thật”. Đồng thời, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Đỗ Anh Dũng – Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Ông Dũng bị điều tra về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ông Dũng, Cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can, bắt tạm giam 6 người khác là các nhân sự trong nhóm công ty của Tập đoàn này. Đây được xem là một vụ việc cảnh báo các nhà phát hành “chui” và thức tỉnh các nhà đầu tư “tay mơ” thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Nhiều ngân hàng khẳng định không bảo lãnh phát hành, không bảo lãnh thanh toán, không thực hiện dịch vụ phân phối các lô trái phiếu, mà chỉ cung ứng dịch vụ quản lý tài khoản
Sự việc trên cũng liên quan đến nhiều ngân hàng và các công ty chứng khoán, tuy nhiên các đơn vị này đã lên tiếng xác nhận các thông tin. Tương tự SHB trước đó đã thông tin, liên quan đến vụ việc, VietinBank cũng phát đi thông báo rằng: “VietinBank khẳng định không bảo lãnh phát hành, không bảo lãnh thanh toán, không thực hiện dịch vụ phân phối các lô trái phiếu trên. VietinBank thực hiện cung ứng dịch vụ quản lý tài khoản và quản lý tài sản cho các đợt phát hành trái phiếu của Công ty Cổ phần Đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil, Công ty CP Đầu tư BĐS Ngôi Sao Việt và Công ty CP Cung điện Mùa Đông với tổng số tiền 6.530 tỷ đồng.
Việc cung ứng dịch vụ được thực hiện trên cơ sở Luật Các Tổ chức tín dụng 2010 và Giấy phép hoạt động số 142/GP-NHNN ngày 03/7/2009 của NHNN cấp cho VietinBank, theo đó, VietinBank được phép thực hiện cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản và quản lý tài sản.
Đối với dịch vụ quản lý tài khoản, VietinBank cung ứng dịch vụ mở tài khoản để phục vụ việc nhận và thanh toán cho các nghĩa vụ của Tổ chức phát hành liên quan đến trái phiếu theo Hợp đồng giữ, quản lý tài khoản trái phiếu và theo quy định của pháp luật. Đối với quản lý tài sản, VietinBank chỉ có trách nhiệm quản lý hồ sơ tài sản bảo đảm, kiểm tra, theo dõi tình trạng tài sản bảo đảm và đại diện cho các Nhà đầu tư sở hữu trái phiếu xử lý tài sản bảo đảm theo Hợp đồng quản lý tài sản bảo đảm và theo quy định của pháp luật”.
Trong khi đó, CTCK Bảo Việt cũng khẳng định là tổ chức tư vấn phát hành trái phiếu cho Ngôi Sao Việt, BVSC không liên quan đến bất kỳ sản phẩm hợp tác đầu tư trái phiếu nào do Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh chào bán.
Đáng chú ý, các đợt phát hành của 2 công ty thuộc nhóm Tân Hoàng Minh kể trên, lại do thành viên khác là Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh mua trọn.
Quyền lợi trái chủ khó đảm bảo
Từ các vấn đề bảo lãnh thanh toán, hay bảo lãnh phát hành đã gây ra sự nhầm lẫn cho các nhà đầu tư. Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital, để hiểu thêm về thị trường trái phiếu, chúng ta có thể nhìn ở một số góc độ như về khung pháp lý của việc phát hành. Có hai hình thức phát hành đó là phát hành riêng lẻ và hình thức phát hành ra công chúng, đối với mỗi hình thức này đều có những quy định rất cụ thể và có những tiêu chuẩn hoàn toàn khác nhau.
Nếu Tân Hoàng Minh không thể mua lại lập tức cả 9 lô trái phiếu bị hủy do tiền đã được đẩy vào dự án thì sẽ rất khó xử lý
Cụ thể, phát hành ra công chúng cần có điều kiện như vốn điều lệ 30 tỷ đồng, năm liền trước năm đăng ký phải có lãi, không có lỗ lũy kế, không có các khoản nợ phải trả có hạn trên một năm, và có xếp hạng tín nhiệm. Còn phát hành riêng lẻ, điều kiện đơn giản hơn là thanh toán đủ gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành, hoặc các khoản nợ đến hạn trong 3 năm, có tỷ lệ lệ an toàn báo cáo tài chính được kiểm toán
Bên cạnh đó, hai loại hình phát hành trái phiếu còn có sự khác biệt đó là, phát hành trái phiếu riêng lẻ là phát hành cho một số ít các nhà đầu tư; trong khi phát hành trái phiếu ra công chúng giống như việc IPO của doanh nghiệp, tất cả mọi người đều có thể đăng ký mua và điều kiện, tính minh bạch tính giám sát của các cơ quan chức năng đối với phát hành trái phiếu ra công chúng chặt chẽ hơn.
Về yêu cầu của nhà đầu tư với trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, thì cần phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp, có chứng chỉ hành nghề chứng khoán còn hiệu lực, giá trị thị trường của các danh mục chứng khoán lớn hơn hoặc bằng 2 tỷ đồng, thu nhập chịu thuế lớn hơn hoặc bằng 1 tỷ đồng có xác nhận của cơ quan thuế. Riêng với trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng thì mọi nhà đầu tư đều có thể tham gia.
“Khi thị trường phát hành riêng lẻ như vậy, nhưng có rất ít người đạt đủ điều kiện của nhà đầu tư chuyên nghiệp, dẫn đến việc nhà đâu tư có thể mua thông qua đại lý phát hành, nhưng đa số theo hướng hợp đồng hợp tác đầu tư, chứng chỉ quỹ trái phiếu hoặc các công ty chứng khoán”, ông Tuấn cho biết.
Vị CEO cũng phân tích thêm, hiện nay, do lượng trái phiếu “ba không”, không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán, được phát hành rất phổ biến trên thị trường, nhưng mọi người thường cho rằng, việc mua trái phiếu thông qua ngân hàng hay công ty chứng khoán là đã được ngân hàng bảo đảm, nhưng đó mới chỉ là bảo lãnh phát hành.
Vấn đề mà các trái chủ cần lưu tâm đó là, phần lớn các trường hợp phát hành trái phiếu riêng lẻ thì không có bảo lãnh thanh toán, khái niệm này được hiểu là nếu doanh nghiệp không trả được nợ, thì ngân hàng trong điều khoản bảo lãnh sẽ trả cho nhà đầu tư. Còn bảo lãnh phát hành là chỉ làm các thủ tục phát hành mà thôi.
“Các nhà đầu tư cần phải tư duy rằng, gia sản của chúng ta là một danh mục các tài sản, trong danh mục các tài sản đó sẽ có phần trăm về trái phiếu, phần trăm về cổ phiếu nhất định. Chúng ta phải cũng phải xác định, mình không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp và khi đầu tư, cần có nhận thức độc lập về rủi ro, như rủi ro về pháp lý, về hợp tác, cũng như về thị trường…”, ông Tuấn chia sẻ.
Như câu chuyện 10.00 tỷ đồng huy động từ phát hành trái phiếu của Tân Hoàng Minh bị thu hồi, thì tập đoàn này lấy đâu ra để trả cho các trái chủ? Vì khi phát hành riêng lẻ, doanh nghiệp sẽ phải sử dụng số tiền đã huy động được. Cho nên, khi người mua trái phiếu với mức lãi suất cao, nhưng phần gốc không được trả thì coi như nhà đầu tư cũng bị mất tiền, chuyên gia lưu ý.
Theo LS. Trương Thanh Đức, Giám đốc công ty Luật ANVI cho biết, quy định tại Khoản 3, Điều 28, Luật Chứng khoán, trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày đợt chào bán chứng khoán ra công chúng bị hủy bỏ, tổ chức phát hành phải công bố việc hủy bỏ chào bán chứng khoán ra công chúng trên 01 tờ báo điện tử hoặc báo in trong 03 số liên tiếp và phải thu hồi chứng khoán đã phát hành. Đồng thời, tổ chức phát hành phải hoàn trả tiền cho nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đợt chào bán bị hủy bỏ. Hết thời hạn này, tổ chức phát hành phải bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư theo các điều khoản đã cam kết với nhà đầu tư.
“Nếu Tân Hoàng Minh không thể mua lại lập tức cả 9 lô trái phiếu bị hủy do tiền đã được đẩy vào dự án thì sẽ rất khó xử lý, các bên sẽ phải ra tòa để tiếp tục vụ việc”, vị luật sư cho biết thêm.
Diễm Ngọc
—————-
Diễn đàn Doanh nghiệp (Tài chính) 07-4-2022:
(237/1.668)