3.071. Cấm dịch vụ đòi nợ thuê: Khó tránh khỏi biến tướng? 

(ĐBND) – Luật Đầu tư (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã chính thức cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, nhu cầu đòi nợ sẽ luôn tồn tại trong xã hội nên có nguy cơ phát sinh những biến tướng. Điều này đòi hỏi Chính phủ phải có hướng dẫn cụ thể và không nên cấm hoàn toàn dưới mọi hình thức đòi nợ.

Chọn thuê dịch vụ thay vì ra tòa

Anh Nguyễn Văn Linh làm chủ một công ty chuyên kinh doanh, lắp đặt cửa kính cho các tòa nhà, hộ gia đình ở quận Hà Đông, Hà Nội. Cách đây chừng nửa năm, công ty của anh Linh hoàn thiện việc lắp đặt cửa kính cho một tòa nhà với giá trị hợp đồng là 150 triệu. Tuy vậy, dù đã quá thời hạn theo hợp đồng, phía đối tác vẫn chưa thanh toán khoản tiền này. Bất đắc dĩ, anh Linh phải thuê dịch vụ đòi nợ và chỉ sau hơn 1 tháng đã nhận được toàn bộ số tiền gốc cùng tiền lãi theo điều khoản hợp đồng. “Nếu làm đơn tố cáo, kiện ra tòa sẽ rất mất thời gian, chưa kể tòa tuyên án rồi nhưng công tác thi hành án liệu có nhanh không? Chúng tôi rất băn khoăn điều đó nên thuê dịch vụ đòi nợ, chấp nhận chia một phần tiền nhưng đổi lại sẽ nhanh chóng hơn, thủ tục đơn giản hơn”, anh Linh cho biết.

Sẽ phát sinh nhiều biến tướng khi cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ?
Nguồn: ITN

Với việc Luật Đầu tư (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua chính thức cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ từ ngày 1.1.2021 (khi Luật bắt đầu có hiệu lực), “những khoản nợ quá hạn hợp đồng mà chúng tôi gặp phải sẽ chỉ còn cách tự hòa giải hoặc kiện ra tòa, mà cách nào cũng có những rủi ro về mặt thời gian”, anh Linh nhận định.

Có nhiều năm tư vấn cho các doanh nghiệp, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI chia sẻ với ý kiến trên khi xác nhận: Trường hợp doanh nghiệp phải đưa ra tòa để giải quyết tranh chấp thường phải mất tới 2 – 3 năm mới xong một vụ kiện. Trong thời gian đó, doanh nghiệp phải chịu nhiều chi phí phát sinh, mất không chỉ thời gian mà cả cơ hội. Song, đối với dịch vụ đòi nợ thuê, dù nhiều khi không đòi được 100% số tiền nhưng vẫn nhanh hơn ra tòa. Do vậy, nhiều doanh nghiệp có xu hướng chọn giải quyết tranh chấp bằng việc thuê dịch vụ đòi nợ hơn là kiện cáo.

Nên áp dụng thủ tục rút gọn

Thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, các doanh nghiệp khởi kiện ra tòa và thu nợ thông qua cơ quan thi hành án chỉ đạt hiệu quả khoảng 50%, trong khi sử dụng dịch vụ đòi nợ thuê hiệu quả lên tới 90% (năm 2014). “Việc cấm dịch vụ đòi nợ thuê sẽ khiến các doanh nghiệp kinh doanh chuyên nghiệp dịch vụ này không còn, song sẽ khó tránh khỏi những hình thức biến tướng. Điều này đồng nghĩa cơ quan quản lý rơi vào thế khó khi đáng ra chỉ phải quản lý gần 300 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ chuyển sang phải quản lý hàng nghìn người tự phát đi đòi nợ”, Luật sư Trương Thanh Đức nhìn nhận.

Ông Đức chỉ rõ, trong thực tế nhu cầu đòi nợ vẫn luôn tồn tại. Nếu như trước đây, người dân, doanh nghiệp có thể thuê các công ty đòi nợ chuyên nghiệp, có đăng ký hoạt động thì bây giờ họ có thể chuyển sang hình thức mua – bán nợ, ủy quyền thực hiện công việc đòi nợ theo quy định của Bộ luật Dân sự mà không cần bất kỳ điều kiện nào, thậm chí ký hợp đồng lao động 1 – 2 tháng để đòi nợ và sẽ trả lương theo kết quả…

“Sẽ có rất nhiều phương kế được sử dụng một cách hợp pháp để đòi nợ như vừa chỉ ra. Do vậy, Chính phủ cần có hướng dẫn cụ thể để người dân, doanh nghiệp làm đúng luật, không nên mở rộng phạm vi cấm dưới mọi hình thức (như mua – bán nợ, ủy quyền nợ…), chỉ cấm các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ chuyên nghiệp. Thực tế, trong quá trình đòi nợ, nếu xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự, ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng thì đã có chế tài cụ thể để xử lý và phải bảo đảm xử lý kịp thời, đúng quy định”, Giám đốc Công ty Luật ANVI nêu ý kiến.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Công ty Luật SBLaw bổ sung, khi Luật Đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực, các doanh nghiệp kinh doanh đòi nợ thuê không còn, người dân, doanh nghiệp có thể tự thỏa thuận hoặc kiện ra tòa, hoặc nhờ cơ chế trọng tài để giải quyết tranh chấp. Trong trường hợp kiện ra toàn, hiện các thủ tục rất khó, không thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… có lượng việc đối với mỗi thẩm phán tương đối lớn, lên tới hàng chục vụ/tháng/người, khiến nhiều vụ có khi phải mất cả năm mới xử xong. Khi tòa tuyên án, bản án mới chỉ nằm trên giấy, phải chờ công tác thi hành án mà nhiều khi rất gian nan.

Từ thực tế hiện nay, ông Hà cho rằng, trước nhu cầu của xã hội, ngành tòa án cũng cần cải cách, chẳng hạn những khoản nợ có tài liệu liên quan rõ ràng có thể áp dụng thủ tục rút gọn xét xử nhanh trong vòng 1 – 2 tháng như quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự.

Đan Thanh

—————–

Đại biểu Nhân dân 29-6-2020:

http://daibieunhandan.vn/kho-tranh-khoi-bien-tuong-pfqtt2syzi-23436

(424/1.054)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,736