3.071. Truy thuế dòng tiền chảy qua cổng thanh toán quốc tế

(LĐ) – Thực hiện đề án quản lý thuế với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam, Tổng cục thuế vừa yêu cầu các cục thuế tăng cường quản lý, chống thất thu thuế với thương mại điện tử, siết chặt quản lý dòng tiền qua cổng thanh toán quốc tế (trong đó có Paypal).

Tổng cục Thuế yêu cầu siết chặt kiểm tra thuế với các giao dịch qua Paypal. Ảnh: Lan Hương

Siết quản lý thuế giao dịch qua Paypal

Cụ thể, để ngăn ngừa các giao dịch trên cổng thanh toán quốc tế (trong đó có liên quan đến Paypal) không phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam (như thanh toán hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam…), Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức phát hành thẻ Việt Nam, Văn phòng đại diện các tổ chức thẻ quốc tế tại Việt Nam phối hợp, trao đổi, nghiên cứu các biện pháp nhận diện giao dịch liên quan Paypal đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam, với mục tiêu quản lý và cung cấp theo quy định pháp luật cho các cơ quan chức năng.

Do vậy, Tổng cục Thuế đề nghị các Cục Thuế tiếp tục tăng cường rà soát, thực hiện phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan trong việc phát hiện các hành vi kê khai, nộp thuế chưa đúng quy định và các hành vi trốn thuế, gian lận thuế liên quan đến các giao dịch trên cổng thanh toán quốc tế nói chung và liên quan đến Paypal nói riêng để có các biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, các cơ quan thuế tỉnh thành cần rà soát, phân loại và cập nhật thông tin của các công ty hoạt động kinh doanh, phát sinh thu nhập từ các hình thức kinh doanh thương mại điện tử theo các nhóm gồm doanh nghiệp có thu nhập từ các tổ chức nước ngoài như Google, Facebook, Apple, Amazon…

Các nhóm khác cần rà soát như doanh nghiệp kinh doanh bán hàng trực tuyến, kinh doanh hoạt động cho thuê nhà trực tuyến qua ứng dụng như Booking.com, Agoda…; chi trả thanh toán cho các dịch vụ điện tử của đơn vị nhà thầu nước ngoài; tổ chức điều hành sàn giao dịch thương mại điện tử (Sendo, Lazada, Shoppe…); điều hành các ứng dụng trung gian thanh toán (Vnpay, Airpay, Napas…); ứng dụng trung gian vận chuyển (Grab, Now, Baemin…).

Để quản lý thu thuế, Tổng cục Thuế yêu cầu các cơ quan thuế địa phương phối hợp ngân hàng thương mại, các công ty tài chính, công ty cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán để thu thập thông tin doanh nghiệp, dữ liệu dòng tiền giao dịch qua tài khoản của các tổ chức trong nước với các công ty nước ngoài sở hữu, vận hành các nền tảng trực tuyến như Facebook, Google, YouTube…

Cần công nghệ kỹ thuật cao để nhận diện 

Theo Bộ Tài chính, thời gian qua việc quản lý thu thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới, theo quy định hiện hành được thực hiện thu thuế thông qua các tổ chức tại Việt Nam (thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài) với số thu trung bình trên 1.000 tỉ đồng/năm.

Từ năm 2018 đến hết tháng 12.2021, các đơn vị này đã khai, nộp thuế với tổng số tiền là hơn 4.400 tỉ đồng.

Một số tập đoàn lớn như Facebook là 1.694,77 tỉ đồng; Google là 1.618,42 tỉ đồng; Microsoft là 576,62 tỉ đồng. Năm 2020, số thu thuế từ dịch vụ số xuyên biên giới đạt 1.143,76 tỉ đồng, năm 2021 đạt 1.317,78 tỉ đồng (tức đạt 115,2% so với năm 2020).

Theo PGS.TS Lê Xuân Trường (Học viện Tài chính) đề xuất, có thể thành lập trung tâm phòng chống trốn lậu thuế công nghệ cao thuộc Tổng cục Thuế, hoặc giao bổ sung chức năng này cho Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) để làm đầu mối triển khai hệ thống phần mềm quản lý thuế đối với thương mại điện tử, đồng thời, tăng cường áp dụng công nghệ hiện đại.

Trong đó, công nghệ thông tin là nòng cốt gắn với các công nghệ hiện đại khác để kiểm soát các giao dịch kinh doanh của người nộp thuế, như xây dựng phần mềm dò tìm tự động để phát hiện các giao dịch đáng ngờ trên Internet làm cơ sở yêu cầu người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế; phát triển hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ việc kê khai, tính thuế, nộp thuế điện tử một cách thuận tiện nhất; ứng dụng các công nghệ tích hợp hiện đại (vật lý, sinh học…) để phát hiện.

Về lâu dài, cùng với việc sửa đổi quy định pháp luật về kê khai, nộp thuế, cần phát triển hệ thống tính thuế tự động gắn với không gian và thời gian thực của giao dịch trong nền kinh tế số

Đồng quan điểm, theo luật sư Trương Thanh Đức (Đoàn luật sư TP Hà Nội), để giám sát các giao dịch qua cổng thanh toán quốc tế buộc phải dùng đến công nghệ, kĩ thuật cao để lần theo dấu vết các giao dịch bất thường.

“Bởi không có một ai tự tạo ra được tiền trong tài khoản mà phải có đầu vào mới có đầu ra. Anh phải dùng tiền mặt hay tham gia một giao dịch mua bán trung gian nào đấy, phát sinh thu nhập rồi mới chuyển sang cái tài khoản đó. Điều này trước sau cũng thể hiện bằng những giao dịch thông qua các kênh hợp pháp, các con đường vật chất, bên ngoài thì mới lên mạng điện tử. Rồi cả việc lấy tiền về, rút tiền ra, tiêu dùng, thanh toán” – ông Đức nói về những hoạt động có thể lưu lại vết mà cơ quan chức năng có thể lần theo.

Trước đó, vào tháng 12.2020, Báo Lao Động từng có loạt bài viết “Trốn thuế qua cổng thanh toán quốc tế”, phản ánh hiện tượng đằng sau sự tiện lợi của những giao dịch xuyên biên giới trên các cổng thanh toán quốc tế (như Paypal, Payoneer,…) là cả một thị trường ngầm mua bán, trao đổi tiền.

ĐÌNH TRƯỜNG

————-

Lao Động (Kinh doanh) 14-4-2022:

https://laodong.vn/kinh-te/truy-thue-dong-tien-chay-qua-cong-thanh-toan-quoc-te-1033775.ldo

(162/1.111)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,468