3.076. Quản lý thị trường trái phiếu doanh nghiệp – Bài 2: ‘Cú hích’ nâng cao chất lượng

(TT) – Nhiều chuyên gia tài chính nhận định: Việc hủy kết quả 9 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trị giá hơn 10.000 tỷ đồng tại nhóm công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh về ngắn hạn sẽ tác động đến việc huy động vốn của nhóm doanh nghiệp cùng ngành. Tuy nhiên đây sẽ là cơ hội để các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) chất lượng khẳng định được chỗ đứng với nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Việc xếp hạng tín nhiệm là điều tất yếu và nên có để nhà đầu tư có cơ sở để đánh giá được chất lượng tín dụng của doanh nghiệp tốt hay xấu. Ảnh: CTV.

Gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư

Việt Nam đang mở cửa nền kinh tế sẽ là động lực thúc đẩy nhu cầu đầu tư mở rộng của doanh nghiệp, qua đó kéo theo nhu cầu vốn tăng mạnh. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất năm 2022 vẫn ở mức thấp sẽ tiếp tục giúp thị trường TPDN hấp dẫn đối với nhà đầu tư với mức lợi suất cao hơn. Tuy nhiên ngược lại, thị trường TPDN sẽ phải chịu sự giám sát chặt chẽ hơn từ các cơ quan chức năng và sự hoàn thiện khung pháp lý đối với việc phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp.

Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), các động thái gần đây của các cơ quan quản lý với các sai phạm trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán sẽ góp phần thanh lọc thị trường, gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán nói riêng và dòng vốn đầu tư vào Việt Nam nói chung.

Quyết định hủy toàn bộ trái phiếu phát hành sử dụng trái mục đích của Tân Hoàng Minh được coi là cú hích để nâng cao chất lượng thị trường TPDN, đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư. Dự báo quy mô thị trường TPDN năm 2022 sẽ không còn “sáng” như năm trước nhưng thị trường sẽ thay đổi về chất, tăng lượng phát hành đại chúng để minh bạch thông tin và chất lượng nhà phát hành.

Ông Đỗ Bảo Ngọc – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho biết: “Trong 2 năm gần đây, thị trường TPDN Việt Nam phát triển mạnh cả về số lượng các đợt phát hành và giá trị phát hành, góp phần giúp đa dạng nguồn vốn huy động của doanh nghiệp cho mục đích phát triển kinh doanh, ngoài việc tận dụng tốt nguồn vốn vay từ hệ thống ngân hàng. Việc phát triển thị trường TPDN giúp tạo kênh huy động vốn dài hạn cho doanh nghiệp là điều cần thiết, mặc dù vậy thì trong giai đoạn đầu phát triển mạnh, thị trường này cũng ẩn chứa những rủi ro cho nhà đầu tư”.

Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, không chỉ Tân Hoàng Minh, trước đó là VsetGroup, APEC Group, Công ty Chứng khoán VIS cũng từng bị Uỷ ban Chứng khoán (UBCK) xử phạt nặng vì chào bán trái phiếu “chui”. Việc các cơ quan quản lý mạnh tay xử lý là việc đúng đắn nhằm chấn chỉnh, giúp thị trường phát triển ngày càng hoàn thiện hơn. “Các cơ quan quản lý cần gia tăng thêm các điều kiện cho việc phát hành; nâng cao chế tài xử phạt các chủ thể vi phạm là doanh nghiệp phát hành, đơn vị kiểm toán, đơn vị định giá tài sản đảm bảo; quy định cao hơn với việc công bố thông tin đầy đủ, kịp thời… để đảm bảo nhà đầu tư có đủ thông tin, hiểu được quyền được tiếp cận thông tin trước khi mua TPDN”, lãnh đạo CSI đề xuất.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, đại diện lãnh đạo UBCK cho biết: Với hành vi công bố thông tin sai lệch, sai sự thật hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chào bán trái phiếu riêng lẻ, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1 tỷ đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên.

Do vậy, “các doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ, các tổ chức trung gian phải đảm bảo tuân thủ chặt chẽ, đầy đủ các quy định tại Luật Chứng khoán, Nghị định 155/2020/NĐ-CP, Nghị định 153/2020/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn, đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư”, lãnh đạo UBCKNN nhấn mạnh.

Theo quy định, TPDN phát hành riêng lẻ chỉ được phát hành và giao dịch giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. “Nhà đầu tư cần nắm bắt các quy định pháp luật liên quan, tìm hiểu đầy đủ thông tin về tổ chức phát hành, thông tin liên quan đến đợt phát hành để có nhận định, đánh giá và quyết định đầu tư an toàn, tránh rủi ro thiệt hại phát sinh”, lãnh đạo UBCK khuyến nghị.

Hiện nay, với nhiều điểm mới được sửa đổi và bổ sung, Dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP sẽ góp phần hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường TPDN.

Theo bà Hoàng Thị Minh Huyền – chuyên gia phân tích vĩ mô, Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), với nhiều điểm mới được sửa đổi và bổ sung, dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 153 cũng sẽ góp phần hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Dự thảo này tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc sử dụng lượng vốn thu về cũng như trong việc công bố thông tin về kết quả đợt chào bán tới nhà đầu tư và sở giao dịch chứng khoán.
“Dự thảo cũng sửa đổi và bổ sung các quy định về xếp hạng tín nhiệm của một số loại TPDN. Những thay đổi này có thể sẽ làm giảm lượng phát hành TPDN nhưng sẽ giúp tăng tính công khai, minh bạch, cũng như giúp tăng chất lượng trái phiếu phát hành trên thị trường này. Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung nội dung về việc giao dịch TPDN trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội năm 2022. Sự bổ sung này một phần giúp hoàn thiện và chuẩn hoá việc phát hành và giao dịch TPDN; đồng thời, kỳ vọng sẽ hỗ trợ thu hút dòng vốn gián tiếp đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tới”, bà Hoàng Thị Minh Huyền chia sẻ.

Kênh dẫn vốn quan trọng

TPDN là kênh huy động vốn khá tốt trong những năm gần đây. “Những doanh nghiệp sai phạm, lừa đảo nhà đầu tư qua phát hành trái phiếu không phải nhiều mà chỉ là thiểu số, còn lại hầu hết các doanh nghiệp phát hành trái phiếu huy động vốn để phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh. Không thể vì số ít mà siết lại thị trường này”, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết.

Theo ông Trương Thanh Đức, chính sách ban hành của Việt Nam cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển. Chẳng hạn cần phải xem xét, bổ sung quy định đối với TPDN phát hành công chúng đều phải thông qua quá trình thẩm định, cấp phép của cơ quan quản lý. Đối với TPDN phát hành riêng lẻ, nếu quy định siết chặt sẽ sai nguyên tắc thị trường. Cơ quan chức năng cần phát hiện nhanh, xử lý nghiêm những trường hợp lừa đảo, gian lận để thị trường TPDN phát triển lành mạnh.

Trong 5 năm qua, thị trường TPDN có tốc độ tăng trưởng bình quân 46%/năm. Tính đến cuối năm 2021, thị trường có gần 1,2 triệu tỷ đồng được doanh nghiệp huy động qua thị trường trái phiếu, chiếm khoảng 12% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế vào khoảng 15% GDP sau điều chỉnh. Mặc dù có tốc độ tăng trưởng bình quân tới 46%/năm, nhưng quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam chỉ chiếm khoảng 15% GDP, thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực.

Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), thị trường TPDN đã hạ nhiệt trong 3 tháng đầu năm nay khi các quy định mới bắt đầu có hiệu lực. Tổng giá trị phát hành trong quý đầu năm đạt xấp xỉ 40.000 tỷ đồng; trong đó phần lớn là phát hành riêng lẻ với giá trị gần 31.000 tỷ đồng và phần còn lại là phát hành ra công chúng. Ngoài ra, lãi suất của cả thị trường trái phiếu Chính phủ và thị trường TPDN trong quý đầu năm đều có áp lực tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 do lo ngại lạm phát.

“Tiềm năng phát triển thị trường TPDN vẫn còn nhưng đây cũng là giai đoạn cần có những điều chỉnh về mặt chính sách để phát triển đồng đều lượng và chất. Cần cần nhanh chóng đưa các công ty xếp hạng tín nhiệm có chất lượng đi vào hoạt động”, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký VBMA cho biết.

Theo ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, cần có những tổ chức xếp hạng độ tín nhiệm của TPDN. Việc trái phiếu được xếp hạng theo mức độ rủi ro và có dự phòng rủi ro có ý nghĩa rất quan trọng trong đầu tư. Phía ngân hàng ADB cũng đang làm việc với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm phát hành trái phiếu toàn cầu về vấn đề này.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư TPDN, nhiều ý kiến cho rằng: Cần chú ý tới các quy định về điều kiện phát hành trái phiếu, về công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành và về quyền của nhà đầu tư trái phiếu. Trong đó, đáng chú ý, về điều kiện phát hành trái phiếu, yếu tố phải có xếp loại của tổ chức định mức tín nhiệm chưa phải là bắt buộc trong hồ sơ phát hành trái phiếu trong nước. Trong khi đó, ở các thị trường trái phiếu phát triển như: Hàn Quốc, Trung Quốc… điều kiện bắt buộc để doanh nghiệp phát hành trái phiếu là doanh nghiệp phải được xếp hạng tín nhiệm bởi một tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập trước khi phát hành.

Ngoài ra, các thông tin của doanh nghiệp công bố trước và sau đợt phát hành trái phiếu chính là cơ sở xem xét thực trạng tài chính của doanh nghiệp và khả năng bảo đảm an toàn cho nhà đầu tư trái phiếu. Các thông tin trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp được kiểm tra và xác nhận bởi công ty kiểm toán độc lập khẳng định độ tin cậy đối với trái phiếu của doanh nghiệp phát hành.

Minh Phương/Báo Tin tức

————-

Tin tức (Tài chính – Ngân hàng) 17-4-2022:

https://baotintuc.vn/tai-chinh-ngan-hang/quan-ly-thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-bai-2-cu-hich-nang-cao-chat-luong-20220417082749645.htm

(182/1.941)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,468