3.078. Chiêu trò “ve sầu thoát xác” của Tập đoàn tự xưng ERG

(VTV.vn) – Sau chiêu trò lãi suất khủng 180%/năm, tập đoàn tự xưng ERG tiếp tục chào mời người dân với hình thức mua cổ phiếu với ưu đãi hấp dẫn.

Huy động vốn lãi suất “khủng” 180%/năm, nhưng nửa năm nay, ứng dụng ERG của Tập đoàn tự xưng ERG, đến từ Anh Quốc đã dừng việc rút tiền. Hàng chục nghìn nhà đầu tư có nguy cơ mất trắng tiền đã đầu tư.

Các nhà đầu tư tuyến trên của tập đoàn này tiếp tục ra 1 chiêu trò mới theo kiểu “ve sầu thoát xác”, mời chào người dân chuyển sang 1 hình thức kinh doanh mới cùng ERG. Đó là mua cổ phiếu của tập đoàn, với ưu đãi hấp dẫn.

Sau chiêu trò lừa đảo lãi suất khủng 180%/năm, phương thức lừa dân của ERG tiếp tục được biến hoá sang loại hình mới.

Chia cổ tức “cơm bữa” ngày 2 lần

Cuối năm 2019, ứng dụng ERG đã bắt đầu dừng việc rút tiền với lý do bảo dưỡng hệ thống. Thỉnh thoảng ứng dụng được mở ra để các nhà đầu tư rút tiền. Nhưng sau 1 vài lệnh rút tiền được thực hiện, ứng dụng lại tiếp tục khóa.

Để lôi kéo thêm những nhà đầu tư mới, các nhà môi giới của ERG đi khắp nơi vào tận các khu công nghiệp, vận động mọi người mua cổ phiếu của ERG. Chiêu thức để đánh vào “lòng tham” của người dân lại được ERG lôi ra để áp dụng. Trước kia là mua tiền ảo, nay mua cổ phiếu.

Đánh vào “lòng tham”, ERG tiếp tục vận động mọi người mua cổ phiếu ERG.

“Tập đoàn hiện nay đang chia cổ tức ngày 2 lần, buổi sáng và buổi chiều. Chia 1 lần đã nhiều, còn chia tới 2 lần, ăn sao hết”, một môi giới của ERG cho hay.

Những bất thường từ việc chia cổ tức “cơm bữa”

“Đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy việc 1 doanh nghiệp trả cổ tức như vậy. Chưa hiểu hệ thống kế toán nội bộ của doanh nghiệp tính toán như thế nào để ra được kết quả kinh doanh 1 ngày 2 lần mà trả cổ tức cho cổ đông?”, ông Phạm Thanh Tùng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trí Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Trí Việt ngạc nhiên, sau khi nghe về sự kiện “ngày chia cổ tức 2 lần” của ERG.

Ông Phạm Thanh Tùng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trí Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Trí Việt.

Ông Tùng cho biết hiện nay đa phần các doanh nghiệp thường chỉ trả cổ tức từ 1 đến 2 lần trong 1 năm. Có doanh nghiệp chỉ trả cổ tức 1 lần sau đại hội cổ đông thường niên và cũng có doanh nghiệp tạm ứng cổ tức trước 6 tháng đầu năm, sau khi có báo cáo tài chính kiểm soát về kết quả kinh doanh.

Nhưng trước đó, việc này đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua về mặt chủ trương và ủy quyền cho Hội đồng quản trị (HĐQT) thực hiện. Thông thường, việc trả cổ tức cần có kết quả về tình hình sản xuất kinh doanh, HĐQT mới quyết định về việc chi trả cổ tức cho cổ đông, cho dù đã được Đại hội cổ đông thông qua ủy quyền quyết định.

Các nhà môi giới của ERG vẫn đi khắp nơi vào tận các khu công nghiệp, vận động mọi người mua cổ phiếu của ERG.

Việc trả cổ tức phải được HĐQT họp để thông qua, nếu trả cổ tức ngày 2 lần, đồng nghĩa với việc Hội đồng quản trị sẽ phải họp 2 lần. Với những quy định chặt chẽ như vậy, rất khó cho việc 1 ngày trả được cổ tức 2 lần.

“Với 1 tập đoàn mà các nhà đầu tư không biết được rõ về nguồn gốc, tư cách pháp nhân của doanhh nghiệp, ngành nghề kinh doanh, báo cáo kiểm toán, cơ sở hoạt động kinh doanh như của ERG, việc đầu tư nên rất thận trọng. Việc hứa hẹn chi trả cổ tức theo 1 cách bất thường như trên là những điểm đáng ngờ. Việc đầu tư vào cổ phiếu là hoạt động đầu tư không chịu các chế tài hoàn vốn như hoạt động cho vay vốn, người dân cần lưu ý bảo vệ tài sản cá nhân khi mua những cổ phiếu của những doanh nghiệp như ERG”, ông Tùng nhấn mạnh.

Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết theo khoản 2, Điều 132 về “Trả cổ tức”, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định, công ty chỉ được trả cổ tức khi có đủ 4 điều kiện. Đó là phải có nguồn lợi nhuận ròng đã thực hiện; đã hoàn thành nghĩa vụ thuế cũng như các nghĩa vụ tài chính khác; đã trích lập các quỹ công ty và bù đắp đủ lỗ trước đó; và ngay sau khi trả hết số cổ tức đã định, vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.

Như vậy, sau khi đã quyết toán tài chính của năm trước để cho ra được con số lỗ lãi thì mới được chia cổ tức. Nếu tạm ứng trước cổ tức mà sau này không có lãi, “các cổ đông phải hoàn trả cho công ty số tiền, tài sản khác đã nhận” theo quy định tại Điều 133 về “Thu hồi tiền thanh toán cổ phần mua lại hoặc cổ tức”. (Luật Doanh nghiệp năm 2014).

“Trên thực tế, chỉ có công ty đã chắc chắn có lãi và mức lãi cũng tương đối cao thì mới tạm ứng cổ tức 1 – 2 lần/năm. Còn việc chia cổ tức mỗi ngày 2 lần thì là điều đặc biệt bất thường, vô cùng phi lý”, luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.

Luật sư Trương Thanh Đức cảnh báo người dân về việc huy động vốn mua cổ phiếu ERG.

Nếu việc chia cổ tức không cần dựa vào kết quả kinh doanh, chỉ có thể xảy ra đối với loại “cổ phần ưu đãi cổ tức”. Tuy nhiên, nếu công ty không có lãi, sẽ “ăn” vào vốn của cổ đông khác. Nếu gần như 100% cổ đông đều được chia cổ tức mà không dựa trên cơ sở lợi nhuận kinh doanh, chỉ có lấy từ tiền gốc là vốn cổ phần của chính họ, tức “lấy mỡ họ rán họ”, hoặc vay mượn, chiếm dụng, lùa gạt tiền của người khác. Như vậy, sẽ nhanh chóng đi đến tình trạng vỡ nợ, phá sản, mất cả vốn lẫn lời.

“Việc người dân tham gia vào việc huy động vốn, giờ đây là mua cổ phiếu của ERG không có gì để chứng minh. Sau này khi ứng dụng ERG sập, cũng là lúc tiền của nhà đầu tư sẽ mất, mà không có bằng chứng để kiện cáo”, luật sư Trương Thanh Đức cảnh báo.

Dù việc hứa hẹn chia cổ tức như “cơm bữa” ngày 2 lần khó tin, nhưng 6 tháng đầu năm nay, ERG vẫn tiếp tục lôi kéo được thêm những nhà đầu tư mới. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư đã trên 70, 80 tuổi vẫn đổ tiền vào ERG.

Đến chuyện bịa đặt chuyện VTV nhận 47 tỷ đồng

Trước đó, vào tháng 10/2019, Bản tin tài chính kinh doanh của VTV phát sóng 1 loạt các phóng sự điều tra về những bất thường của Tập đoàn tự xưng ERG đến từ Anh Quốc. Sau khi phát sóng, nhiều nhà đầu tư đã liên tục rút tiền khiến cho ứng dụng của ERG phải dừng hoạt động 1 thời gian với lý do để bảo dưỡng, sau đó dừng hoạt động cho đến hiện nay.

ERG bịa đặt chuyện VTV nhận 47 tỷ đồng.

Để trấn an các nhà đầu tư, 1 số nhà đầu tư tuyến trên của ERG đã bịa đặt ra chuyện VTV nhận 47 tỷ đồng của các sân sàn khác để đưa tin nói xấu về ERG. Một số nhà đầu tư đã tin vào chuyện bịa đặt này, nhưng có 1 số nhà đầu tư tỉnh táo hơn, không tin và quay ra chất vấn ERG thì bị đe dọa, cảnh cáo.

“Họ gọi điện, nhắn tin, yêu cầu tôi phải tuyển thêm người mới, họ sẽ có hoa hồng. Tôi không đồng ý, họ đuổi ra khỏi nhóm, chặn tài khoản của tôi. Nhóm chat của chúng tôi ban đầu có hơn 12.000 thành viên, giờ họ block gần hết chỉ còn hơn 4000 người”, một nhà đầu tư tuyến dưới của ERG tâm sự.

Khánh Huyền – Quỳnh Anh

—————–

VTVNews (Kinh tế) 07-7-2020:

https://vtv.vn/kinh-te/chieu-tro-ve-sau-thoat-xac-cua-tap-doan-tu-xung-erg-20200707163443693.htm

(430/1.509)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Truy quét hàng giả cuối năm.

Truy quét hàng giả cuối năm. (NLĐ) - Các cơ quan chức năng sẽ tập trung...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,946