3.080. TS Lê Xuân Nghĩa: ‘Nếu loay hoay giám sát mục đích sử dụng vốn, tài sản đảm bảo của TPDN thì sẽ sa lầy’

(VNF) – TS Lê Xuân Nghĩa cho biết thông lệ quốc tế không có quy định phát hành trái phiếu phải có bảo lãnh là tài sản, vì người mua trái phiếu là cá nhân còn bên phát hành là tổ chức, nên việc xử lý tài sản bảo đảm cho trái phiếu là vô cùng phức tạp.

TS. Lê Xuân Nghĩa

Tại toạ đàm “Góp phần lành mạnh hoá thị trường chứng khoán Việt Nam”, TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ và ngân hàng, đã đề cập về một trong những vấn đề nhức nhối trên thị trường hiện nay là câu chuyện xung quanh trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, TS Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh về mục đích sử dụng vốn và tài sản bảo đảm của trái phiếu.

Thứ nhất, theo TS Nghĩa, thông lệ quốc tế không quy định về việc phát hành trái phiếu phải bảo lãnh bằng tài sản, vì người mua trái phiếu là cá nhân, còn bên phát hành là tổ chức, nên việc xử lý tài sản bảo đảm cho trái phiếu là vô cùng phức tạp.

Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước đang được Chính phủ yêu cầu phải giám sát mục đích sử dụng vốn của trái phiếu. Theo TS Nghĩa, đây là việc không thể làm được.

“Bản thân các ngân hàng khi cho vay vốn, dưới sự giám sát sát sao, giải ngân theo tiến độ, vẫn xảy ra những trường hợp không thể lường trước. Trong khi đối tượng mua trái phiếu lên đến hàng triệu người, thì ai giám sát?”, vị chuyên gia này cho hay.

TS Nghĩa cho rằng nếu cứ loay hoay trong việc giám sát mục đích sử dụng vốn và tài sản đảm bảo thì sẽ nhanh chóng sa lầy.

Thay vào đó, thông lệ quốc tế có những cách giám sát hoàn toàn khác, thông qua các công ty xếp hạng tín nhiệm vì từng tiêu chí xếp hạng sẽ được xét duyệt rất cẩn thận.

“Hiện chúng ta đã có 2 công ty xếp hạng tín nhiệm, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Chúng tôi đang đề nghị Chính phủ cấp phép liên doanh cho các công ty xếp hạng để hợp tác với các công ty nước ngoài, qua đó tăng sự hiệu quả”, TS Nghĩa nói.

Đồng quan điểm, LS Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC, cũng cho rằng không nên đặt ra vấn đề tài sản đảm bảo khi phát hành trái phiếu. Vị luật sư này cho rằng yêu cầu về tài sản bảo đảm khi vay ngân hàng là đúng, nhưng các doanh nghiệp huy động vốn từ phát hành trái phiếu một phần lý do là vì không vay được ngân hàng, nên tài sản đảm bảo trong trường hợp này là không hợp lý.

Trên thị trường trái phiếu, chiếm phần lớn trong các nhà phát hành là doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng. Với lãi suất cao và thời gian đáo hạn ngắn, theo TS Lê Xuân Nghĩa, chỉ có những doanh nghiệp có lợi suất cao như bất động sản mới chịu được. Các ngành như dệt may hay công nghệ chế tạo hầu như không thể trụ nổi.

Do đó, TS Nghĩa cho rằng cần phải có cái nhìn thoáng hơn, nếu quá thắt chặt (về thể chế) thì các doanh nghiệp khởi nghiệp khó có thể phát triển. Doanh nghiệp dần dần phải “cai” ngân hàng, chỉ lệ thuộc vào ngân hàng ở vốn lưu động (ngắn hạn), còn vốn dài hạn phải từ cổ phiếu, trái phiếu.

LS Trương Thanh Đức cũng nhận định những quy định của pháp luật hiện nay là đã quá chặt chẽ và chỉ cần phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh những vụ việc vi phạm, cùng với đó là tăng mức xử phạt hành chính, xử phạt tiền.

Kiến nghị đưa UBCKNN thành cơ quan độc lập thuộc Chính phủ

Cũng tại toạ đàm, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết đã nhiều lần kiến nghị để Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thành cơ quan độc lập thuộc Chính phủ, chứ không chỉ nằm trong Bộ Tài chính.

“Bộ Tài chính là cơ quan quản lý ngân sách nhà nước. Không thể để UBCKNN –  cơ quan quản lý thị trường có mức độ rủi ro lớn nhất (thị trường chứng khoán) nằm trong cơ quan quản lý ngân sách – nơi mà mức độ rủi ro phải là thấp nhất”, vị chuyên gia này cho hay.

Khi trở thành cơ quan quản lý độc lập, UBCKNN vừa có khả năng thanh tra, giám sát, vừa có chức năng điều tra, xử phạt. Theo TS Lê Xuân Nghĩa, mỗi khi có dấu hiệu vi phạm, UBCKNN chuyển vụ việc sang cơ quan Công an nhưng cơ quan này thiếu chuyên môn về điều tra chứng khoán, ngân hàng… dẫn đến sự việc trở nên “rối tung rối mù”.

Cùng với đó, TS cũng đề xuất về việc cần có đơn vị xây dựng thị trường, để đảm bảo thị trường triển đều và ổn định, tránh các trường hợp tăng “nóng” quá nhanh hoặc giảm quá sâu.

Hải Đường

—————-

Vietnamfinace (Diễn đàn VNF) 20-4-2022:

https://vietnamfinance.vn/ts-le-xuan-nghia-neu-loay-hoay-giam-sat-muc-dich-su-dung-von-tai-san-dam-bao-cua-tpdn-thi-se-sa-lay-20180504224267681.htm

(139/920)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,468