3.081. Thị trường chứng khoán: “Làm sạch” là ưu tiên hàng đầu!

(GT) – Nhìn lại những vụ việc trên TTCK vừa qua, các chuyên gia cho rằng, thị trường cần nhất là sự trong sạch, minh bạch.

Tại “Tọa đàm Góp phần lành mạnh hoá thị trường Chứng khoán Việt Nam” do Hội Truyền thông số Việt Nam phối hợp với báo Giao thông tổ chức ngày 20/4, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia và luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty TNHH Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC đồng quan điểm cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam rất cần sự minh bạch và trong sạch.

TS. Lê Xuân Nghĩa và luật sư Trương Thanh Đức tại Toạ đàm. Ảnh: Tạ Hải

“Thị trường chứng khoán sẽ tiến lên”

Đây là nhận định của TS. Lê Xuân Nghĩa trong bối cảnh thị trường tài chính hiện nay.

Ông Nghĩa cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển “nóng” giai đoạn vừa rồi. Tuy nhiên, đây không phải diễn biến mới mà chứng khoán thế giới và Việt Nam cũng đều có những giai đoạn phát “nóng” như vậy bất chấp rủi ro.

Liên hệ với các vụ việc trên thị trường chứng khoán Việt Nam mới nhất là vụ việc của ông Trịnh Văn Quyết hay vụ việc tại Tân Hoàng Minh, ông Nghĩa cho rằng “chưa phải ghê gớm”.

Trích dẫn lời một chuyên gia quốc tế cho rằng “Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên hỗn loạn, hỗn loạn mới là bình thường”, TS Nghĩa phân tích chúng ta đang chứng kiến những thay đổi ghê gớm bởi công nghệ, những thay đổi quá nhanh của nền kinh tế và do tác động của con người với môi trường cực kỳ tồi tệ.

Trước diễn biến thị trường hiện nay, ông Nghĩa vẫn tin tưởng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ vẫn tiến lên cùng với đà tăng trưởng của thị trường thế giới.

Cơ sở của niềm tin này được TS. Lê Xuân Nghĩa đưa ra là kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh, kinh tế vĩ mô khá ổn định. “Đây là điểm tựa vô cùng quan trọng với thị trường chứng khoán. Thị trường vẫn sẽ rất tiềm năng nếu kinh tế phục hồi với tốc độ nhanh và mạnh, nhất là ở các ngành dịch công nghiệp chế biến, chế tạo”, TS. Lê Xuân Nghĩa phân tích.

Thị trường chứng khoán: Nước trong thì không có cá?

Theo luật sư Trương Thanh Đức, người ta hay nói “nước trong thì không có cá”. Nhưng với riêng thị trường chứng khoán, làm xanh sạch thị trường lại là ưu tiên hàng đầu.

“Trong sạch không làm mất con cá nào, mà có cá sạch, cá an toàn và cá ngon hơn”, ông Đức nói.

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, làm sạch thị trường là ưu tiên hàng đầu hiện nay. Ảnh: Tạ Hải

Song, để “làm sạch” thị trường, ông Đức cho rằng đây cũng là một bài toán không dễ.

Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, để làm được điều này, trước tiên phải xuất phát từ nhà đầu tư khi có sự thấu hiểu và thông tin nhất định.

“Nhưng nhà đầu tư không phải ai cũng có khả năng tiếp nhận và xử lý thông tin tốt. Đây chính là sự bất cân xứng. Vấn đề trước mắt chúng ta cần làm là giải quyết vấn đề bất cân xứng này”, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa nói.

Ông Nghĩa cho rằng, hiện thị trường bức xúc khi các nhóm “thổi giá”, các nhóm thường được gọi là “tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp” đang hoạt động mạnh mẽ mà chúng ta không có động thái giám sát, cảnh báo. Phải luôn giám sát, có biện pháp xử lý để tạo niềm tin thị trường.

“Yếu kém nhất của thị trường Việt Nam là minh bạch. Nếu minh bạch ngay được từ báo cáo tài chính khi phát hành thì trong tương lai số người tham gia thị trường sẽ còn nhiều hơn”, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa nói.

“Ủy ban Chứng khoán phải độc lập”

Trong các giải pháp hỗ trợ thị trường chứng khoán phát triển, ông Nghĩa nhắc lại một kiến nghị đã cũ từ cách đây cả chục năm là phải để Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan độc lập thuộc Chính phủ chứ không thể để thuộc Bộ Tài chính như lâu nay.

Bởi theo ông Nghĩa, thị trường chứng khoán có tính rủi ro cao không thể để cùng sự quản lý với một bên là ngân sách vốn có rủi ro thấp nhất, an toàn nhất.

“Trong tương lai, nếu Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước được độc lập, có đủ tài lực, nhân lực, cơ sở vật chất mới có thể tạo được nền tảng thị trường chứng khoán minh bạch. Việc này sẽ diễn ra nhanh chóng hơn nếu có sự thay đổi về tổ chức”, ông Nghĩa đề xuất.

Ngoài ra, ông Nghĩa cho hay, mới chỉ có khoảng 3% dân số Việt Nam đầu tư chứng khoán. Trong khi con số này tại một số nước trong khu vực như Thái Lan, Đài Loan hay trên thế giới như Mỹ… cao hơn hàng chục lần.

Do đó, chuyên gia này kiến nghị cần có cơ chế hỗ trợ đào tạo nhà đầu tư song song với hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng kế hoạch định hướng phát triển.

Ngoài ra, ông Nghĩa cũng kiến nghị một cơ chế bình ổn thị trường. “Hiện nay, chúng ta rơi vào tình trạng khi chứng khoán giảm không có ai mua, khi tăng không ai bán. Trong khi Mỹ có 11 công ty, Nhật có 4 công ty chuyên làm nhiệm vụ để bình ổn thị trường chứng khoán”, ông Nghĩa phân tích.

Cao Sơn – Bạch Dương

————–

Giao thông (Thị trường) 20-4-2022:

https://www.baogiaothong.vn/thi-truong-chung-khoan-lam-sach-la-uu-tien-hang-dau-d549743.html

(130/1.019)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,468