3.082. TS Lê Xuân Nghĩa: ‘Yếu kém nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là tính minh bạch’

(DNT) – “Tôi kiến nghị phải để Uỷ Ban Chứng khoán trở thành cơ quan độc lập trực thuộc Chính Phủ, không thể nằm trong Bộ Tài chính được, bởi Bộ Tài chính là cơ quan quản lý ngân khố của nhà nước thì không thể ôm cả đống thị trường rủi ro lớn nhất như thế được, điều này không ổn”, TS Lê Xuân Nghĩa nhận định.

Đã đến lúc phải lành mạnh thị trường để đảm bảo sự minh bạch, quyền lợi của nhà đầu tư. Ảnh: TL.

Phát biểu tại tọa đàm “Góp phần lành mạnh hóa thị trường chứng khoán Việt Nam”, ngày 20/4, TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ và ngân hàng, nhận định, thị trường chứng khoán hữu hiệu giúp nền kinh tế và thị trường tài chính, bất động sản lành mạnh hơn bởi nếu thiếu nó, các ngân hàng thương mại sẽ phải một mình “oằn mình” huy động và cho vay nền kinh tế với những rủi ro về an ninh tài chính có thể phát sinh.

Tuy nhiên, hiện nay, yếu kém nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là tính minh bạch. Điều này dẫn đến tình trạng khi thông tin được đưa tới nhà đầu tư thì đã trễ. Từ đó khiến tính hiệu quả của thị trường chứng khoán suy giảm.

Ông Nghĩa dẫn chứng, thị trường chứng khoán Việt Nam đã 2 lần rúng động vì những thông tin, vụ việc liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch FLC. Vụ thứ nhất là “bán chui” 74,8 triệu cổ phiếu FLC của ông này. Vụ việc thứ 2 là thông tin ông Quyết bị tạm hoãn xuất cảnh…

“Cả 2 lần, thị trường chứng khoán Việt Nam đều lao dốc và mất hàng chục điểm. Bài học rút ra là, thị trường chỉ lung lay, diễn biến tiêu cực khi các thông tin tiêu cực liên quan tới cá nhân hay một vài doanh nghiệp nào đó còn chưa rõ ràng, chưa được cơ quan chức năng xác nhận và còn thiếu động thái trấn an từ các cơ quan quản lý…”, ông Nghĩa nhìn nhận.

Việc cơ quan chức năng mạnh tay thanh lọc các hành vi không lành mạnh, sai phạm trên thị trường chứng khoán, cần được nhìn nhận là đáng mừng, tích cực, và nên mạnh tay kiên quyết hơn nữa. Nếu chúng ta xử lý không tốt có thể dẫn đến các hiệu ứng xấu lan rộng. Do đó, cần xử lý vấn đề “rung lắc” thị trường bằng các điều chỉnh thông minh, thích ứng.

“Việc xử lý các cá nhân vi phạm là cần thiết, nhưng sẽ tốt hơn nếu có các cơ chế giám sát đủ chặt, ngăn chặn từ sớm tình trạng trục lợi bất chính từ kẽ hở pháp lý, gây rủi ro thị trường, bởi bài toán lớn hơn và tác động trực tiếp tới thị trường chứng khoán từ ngắn hạn đến dài hạn chính là yếu tố kinh tế vĩ mô, sức khỏe của doanh nghiệp, sức mua của người dân…”, ông Nghĩa nhìn nhận.

Cần cuộc thanh lọc để cải tổ lại thị trường chứng khoán Việt Nam. Ảnh: TL.

Để “xốc” lại thị trường chứng khoán, ông Nghĩa cho rằng, phải tái cấu trúc tài chính của các công ty phát hành, cần phải thay đổi cơ chế điều hành của Uỷ ban chứng khoán. Bên cạnh đó, hoạt động giám sát thị trường chứng khoán hiện nay vẫn rất lỏng lẻo, tạo ra nhiều khoảng trống. Do vậy, Uỷ ban chứng khoán cần giám sát chặt chẽ hơn là điều mong mỏi của nhà đầu tư.

“Điều này làm tốt khiến lượng cổ phiếu được kiểm soát, dòng tiền ở lại doanh nghiệp, tránh tình trạng lũng đoạn thị trường. Như vậy, nhà đầu tư sẽ tin tưởng mạnh mẽ hơn và đổ phần tài sản lớn vào thị trường chứng khoán, để đây thực sự là kênh huy động vốn lớn cho doanh nghiệp một cách bền vững”, ông Nghĩa cho hay.

Đặc biệt, để tăng “sức mạnh” cho thị trường tài chính, ông Nghĩa kiến nghị phải để Uỷ Ban Chứng khoán trở thành cơ quan độc lập trực thuộc Chính phủ. “Triết lý quản lý của Bộ Tài chính là cơ quan quản lý ngân sách nhà nước, nên nền cảng của nó là an toàn, không có rủi ro, thậm chí tài chính còn có dự phòng, nhưng nay lại quản lý một thị trường rủi ro “khủng khiếp nhất”, biến động thị trường thường nhật, lại chịu tác động rất lớn từ các thị trường khác vào thị trường chứng khoán. Điều này không ổn”, ông Nghĩa nói.

“Đã đến lúc chúng ta phải tạo cho Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước vị thế tương xứng với tốc độ phát triển hiện nay của nó và trong thập kỷ tới đây. Bởi chỉ khi được đứng độc lập, họ mới có khả năng thanh tra giám sát, và quan trọng nhất là có chức năng điều tra. Hiện nay thẩm quyền của họ chỉ dừng lại ở việc nghe ngóng, có dấu hiệu vi phạm rồi chuyển qua cơ quan của Bộ Công An, trong khi đây không phải là cơ quan có chuyên môn sâu về điều tra chứng khoán, thành ra mọi thứ rối tung, rối mù. Phải xác định rõ cơ quan nào xử lý đúng chức năng chuyên môn của cơ quan đấy, thì mới có hiệu quả”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Nêu quan điểm, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC, cho hay, quản lý thị trường của ta còn chưa kiểm soát được những nhà đầu tư là chủ của các tập đoàn. Họ chưa đăng ký giao dịch nhưng vẫn giao dịch, còn chúng ta lại không kiểm soát được, khiến tồn tại rất nhiều cổ phiếu rác, cổ phiếu lừa đảo. Đây cũng là một bất cập lớn của thị trường chứng khoán.

“Bởi vậy, rất cần sửa đổi Luật Chứng khoán để dẫn dắt thị trường tốt hơn. Chúng ta cần thay đổi chính sách để phù hợp hơn với thực tế. Vừa qua một số nhà đầu tư đã thu lợi từ phần chênh lệch quá nhiều so với mức xử phạt hành chính. Như vậy rõ ràng chế tài hiện không đủ tính răn đe…”, ông Đức phản ánh.

Hồng Gấm

———–

Doanh nhân trẻ (Tài chính –  Thị trường) 20-4-2022:

https://doanhnhantrevietnam.vn/ts-le-xuan-nghia-yeu-kem-nhat-cua-thi-truong-chung-khoan-viet-nam-van-la-tinh-minh-bach-d14616.html

(152/1.127)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Truy quét hàng giả cuối năm.

Truy quét hàng giả cuối năm. (NLĐ) - Các cơ quan chức năng sẽ tập trung...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,940