(GT) – TS. Lê Xuân Nghĩa cho hay, vụ việc của Tân Hoàng Minh chưa phải ghê gớm so với những bê bối trái phiếu trên thế giới.
Nhà đầu tư không nên quá hoang mang
Ngày 20/4, Hội Truyền thông số Việt Nam phối hợp với báo Giao thông tổ chức toạ đàm “Góp phần lành mạnh hoá thị trường Chứng khoán Việt Nam”.
TS. Lê Xuân Nghĩa (trái) và luật sư Trương Thanh Đức tại toạ đàm. Ảnh: Tạ Hải
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty TNHH Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC, cho rằng vụ Tân Hoàng Minh là vụ việc chưa có tiền lệ.
Chính vì vậy, sau khi bị huỷ phát hành 9 lô trái phiếu, doanh nghiệp vẫn đang gửi văn bản xin Bộ tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước xin hướng dẫn quy trình thu hồi trái phiếu và trả lại tiền cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, theo đánh giá của TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia, vụ việc tại Tân Hoàng Minh chưa phải ghê gớm nếu so với các vụ việc về trái phiếu doanh nghiệp khác trên thế giới, đơn cử như so với vụ vỡ nợ trái phiếu tại Tập đoàn Bất động sản Evergrande tại Trung Quốc.
Do đó, ông Nghĩa cho rằng nhà đầu tư không cần quá hoang mang.
Liên quan tới việc xử lý hậu quả, TS. Lê Xuân Nghĩa kiến nghị phải sử dụng tài sản của Tân Hoàng Minh để trả nợ cho nhà đầu tư đã mua trái phiếu bị huỷ bỏ.
“Quyết định này là vì thị trường trái phiếu nói chung và vì niềm tin của nhà đầu tư vĩnh viễn trong tương lai. Từ đó, nhà đầu tư có thể tin rằng Chính phủ luôn đồng hành dù có bất cứ rủi ro nào”, TS. Nghĩa nói.
“Chúng tôi đã kiến nghị với cấp rất cao của Chính phủ, làm sao giữ bằng được uy tín, sự ổn định của thị trường chứng khoán trong nước và niềm tin của nhà đầu tư”, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa nói.
Mấu chốt là xếp hạng tín nhiệm
Nhìn lại vụ việc này và pháp luật về trái phiếu nói chung, ông Đức cho rằng Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu trong và ngoài nước là kết hợp của Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp.
“Các chính sách được sửa đổi liên tục và có thể nói là tương đối hoàn thiện”, luật sư Đức đánh giá.
Tuy nhiên đối với chào bán trái phiếu riêng lẻ, cả Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán đều quy định không bán cho quá 100 nhà đầu tư, không công bố rộng rãi…
Theo luật sư Đức, điều này vô lý vì càng phải công khai thì mới minh bạch thông tin ra thị trường.
- Lê Xuân Nghĩa kiến nghị đẩy mạnh hoạt động xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Ảnh: Tạ Hải
Ngoài công khai thông tin, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, phải tăng cường công tác xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành.
Ông Nghĩa cho rằng, với đa số nhà đầu tư việc tiếp nhận và phân tích số liệu tài chính vẫn là khó khăn và càng khó khăn khi đánh giá các số liệu đó.
“Đúng đắn nhất là đẩy nhanh các công ty xếp hạng, thậm chí cho phép liên doanh với các công ty quốc tế”, TS. Nghĩa đề xuất.
Bởi ông Nghĩa cho rằng khi nhà đầu tư nhìn vào xếp hạng của doanh nghiệp sẽ biết doanh nghiệp này được xếp hạng ở mức A, B hay C.
Trên cơ sở đó, nếu nhà đầu tư muốn an toàn thì đầu tư vào trái phiếu của doanh nghiệp được xếp hạng tốt và cũng đồng nghĩa với chấp nhận lãi suất thấp.
Còn nếu muốn lãi suất cao thì đầu tư vào trái phiếu của những doanh nghiệp có xếp hạng thấp hơn và chấp nhận rủi ro cao hơn.
“Chúng ta hiện có 2 đơn vị thực hiện vai trò này nhưng hoạt động xếp hạng còn hạn chế, chưa có đủ tín nhiệm và kinh nghiệm để hoạt động tốt”, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa nói.
Trên cơ sở đó, nhà đầu tư rót vốn và tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình.
Do đó, hướng phát triển đối với trường trái phiếu hiện nay mà TS. Lê Xuân Nghĩa kiến nghị là phải đẩy mạnh hoạt động xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp phát hành thay vì “lệch pha” vào các yếu tố như yêu cầu phải có lãi, phải đảm bảo an toàn tài chính, nợ xấu… bởi đây là việc của công ty xếp hạng tín nhiệm.
Cao Sơn – Bạch Dương
———–
Giao thông (Thị trường) 20-4-2022:
(196/846)