3.084. Thế khó của các cổ đông nhỏ tại Eximbank

(Zing) – Mâu thuẫn giữa các cổ đông lớn tại Eximbank đang khiến những cổ đông nhỏ lẻ tại nhà băng này gặp khó khi hoạt động kinh doanh của ngân hàng chưa ổn định.

“Tôi đầu tư vào Eximbank từ cuối năm 2007. Thời điểm đó, thu nhập từ nhận cổ tức ngân hàng đã góp phần quan trọng giúp gia đình trang trải cuộc sống. Nhưng trong 5 năm gần đây, tôi không nhận được một đồng cổ tức nào từ Eximbank. Qua tìm hiểu, tôi được biết công tác quản trị tại Eximbank đang bị khủng hoảng nghiêm trọng”, cổ đông P.C.H của ngân hàng cho biết.

“Một số thành viên HĐQT đã không còn nhiệt huyết vì sự phát triển chung của ngân hàng, kéo theo sự chia rẽ, tranh giành lợi ích giữa các nhóm cổ đông lớn”. Chia sẻ của cổ đông P.C.H cho thấy tình thế khó khăn mà các cổ đông nhỏ lẻ tại Eximbank đang vướng phải.

Tình huống hy hữu diễn ra khi nội bộ cổ đông ngân hàng không thể tìm được tiếng nói chung, đặc biệt là các nhóm cổ đông lớn khiến Eximbank không thể tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2 năm liên tiếp 2019-2020.

Cổ đông nhỏ lẻ mắc kẹt giữa mâu thuẫn nội bộ

Thực tế, mâu thuẫn nội bộ tại Eximbank đã diễn ra từ nhiều năm trước nhưng bắt đầu gay gắt từ năm 2019. Ban kiểm soát tại Eximbank cũng chỉ ra những mâu thuẫn nội bộ trong HĐQT từ năm 2019 đã gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động của ngân hàng.

Cụ thể, Ban kiểm soát cho biết trong nhiệm kỳ vừa qua (đặc biệt năm 2019) hoạt động của HĐQT đã thiếu nhịp nhàng. Các thành viên còn nhiều ý kiến trái chiều, các cuộc họp thường xuyên kéo dài mà không đưa ra được quyết định cuối cùng.

Mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông khiến Eximbank nhiều lần tổ chức đại hội cổ đông bất thành vì không đủ tỷ lệ tham dự. Ảnh: Thy Thơ.

Lý do trên dẫn tới việc chậm ra quyết định đối với các vấn đề hệ trọng của ngân hàng, điển hình là vấn đề bổ nhiệm tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật.

Bên cạnh đó, các vấn đề về tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên, đại hội bất thường theo yêu cầu của cổ đông, và cung cấp hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng… cũng không được xử lý kịp thời.

Điều này đã dẫn đến việc Eximbank bị xử phạt hành chính, ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của ngân hàng. Đầu tư vào Eximbank từ năm 2007, theo cổ đông P.C.H, nội bộ ngân hàng đang có sự xung đột gay gắt giữa các cổ đông/nhóm cổ đông lớn dẫn đến các cuộc họp không thể diễn ra.

Năm 2019, Eximbank đã 2 lần tổ chức đại hội bất thành do không đủ số lượng cổ đông dự họp và không thông qua chương trình đại hội. Năm 2020, đại hội thường niên dự kiến diễn ra vào ngày 30/6 cũng không thành công với lý do tương tự.

“Điều này cho thấy sự bất ổn nghiêm trọng trong việc quản trị và điều hành Eximbank”, cổ đông này nhấn mạnh.

Kể từ khi bà Lương Thị Cẩm Tú, nguyên Tổng giám đốc NamABank tham gia HĐQT Eximbank năm 2019 cũng là thời điểm mâu thuẫn tại ngân hàng trở lên gay gắt.

Sự kiện này cũng khởi đầu cho quá trình tranh chấp chức chủ tịch HĐQT ngân hàng. Trong chưa đầy 1 năm, Eximbank đã thay chủ tịch đến 5 lần giữa các thành viên ông Lê Minh Quốc, bà Lương Thị Cẩm Tú, ông Cao Xuân Ninh và hiện tại là ông Yasuhiro Saitoh.

Đặc biệt, các nhóm cổ đông còn liên tiếp đề nghị triệu tập đại hội để bãi nhiệm chức chủ tịch ngân hàng.

Trong thông báo mới nhất, Eximbank cho biết sẽ tổ chức đại hội thường niên 2020 lần 2 vào ngày 29/7. Ở chiều ngược lại, SMBC (cổ đông nắm 15% vốn) tiếp tục yêu cầu tổ chức họp bất thường trước khi đại hội thường niên diễn ra và vẫn giữ nội dung giảm số lượng thành viên HĐQT, miễn nhiệm chức chủ tịch HĐQT của ông Yasuhiro Saitoh.

Ai bảo vệ cổ đông nhỏ lẻ?

Theo LS Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, hiện nay có rất ít quy định và luật bảo vệ cổ đông nhỏ lẻ trong các trường hợp tương tự Eximbank. Các quy định hiện nay tinh thần chung đều là phải bảo vệ cổ đông nhỏ lẻ nhưng thực tế lại không có nhiều ý nghĩa.

Với hình thức công ty cổ phần, khi bầu bán tại đại hội phải đủ điều kiện trên 50% cổ phần có mặt và bầu dồn phiếu từ cao đến thấp. Với các nội dung quan trọng như sửa điều lệ, bầu HĐQT thì phải trên 65% cổ phần tham dự.

Tuy nhiên, luật lại cho phép nếu không họp trực tiếp mà lấy ý kiến thì trong mọi trường hợp chỉ cần cổ phần biểu quyết quá bán.

“Cổ đông mà nắm trên 50% vốn có thể sửa điều lệ bằng cách không thông qua nội dung cuộc họp, nhưng lại lấy ý kiến về việc sửa điều lệ, bầu HĐQT, hoặc mọi thứ quan trọng nhất vẫn quyết định được mà không cần đáp ứng tỷ lệ 65% khi bầu ngoài đại hội”, ông Đức nói.

Đại hội cổ đông thường niên ngày 30/6 vừa qua của Eximbank cũng không có đủ số lượng cổ đông tham dự cần thiết. Ảnh: Thy Thơ.

Với trường hợp của Eximbank, vị luật sư cho biết, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ không can thiệp vào tranh chấp nội bộ của ngân hàng. Cơ quan quản lý tiền tệ thường phạt rất nặng các hành vi sai trái, vi phạm kể cả về đạo đức, nhân sự trong ngành ngân hàng, nhưng việc cổ đông “đánh nhau” thì không can thiệp được.

“Hợp tác mà không nói chuyện được với nhau thì tất cả đều thiệt hại”, ông nói, đồng thời nhấn mạnh việc Eximbank cũng như cổ đông chiến lược SMBC yêu cầu triệu tập tới 2 cuộc họp cổ đông là không cần thiết.

Nguyên nhân do đại hội đồng cổ đông là cấp cao nhất đối với công ty cổ phần, có thể quyết định mọi vấn đề trong hoạt động ngân hàng. Thường niên tức là ấn định hàng năm phải họp để giải quyết các vấn đề, còn họp bất thường là để triệu tập khi các vấn đề xảy ra bất thường trong ngày, trong tháng.

“Đến ngày, đến giờ họp thường niên thì gộp chung các nội dung vào 1 cuộc họp, không cần phân biệt thường niên hay bất thường vì đây là đại hội cấp cao nhất có thể quyết định mọi vấn đề. Đây là nguyên lý sơ đẳng của việc làm ngân hàng mà cổ đông cần hiểu”, ông Đức nhấn mạnh.

Về việc Eximbank vẫn chưa được NHNN phê duyệt nhân sự tổng giám đốc, vị luật sư cho biết, có thể nhân sự đề xuất không đủ tiêu chuẩn vì liên quan mâu thuẫn nội bộ, vi phạm quy định nên phải xem xét.

Việc chấp thuận nhân sự cấp cao ngành ngân hàng khác với doanh nghiệp vì có tính chất chịu trách nhiệm. Nếu ngân hàng có vấn đề, đổ bể thì NHNN sẽ phải chịu trách nhiệm chứ không như kinh doanh, hợp tác bên ngoài nếu dự án, công ty phá sản thì chỉ nhà đầu tư mất vốn.

Quang Thắng

—————–

Zing (Tài chính) 16-7-2020:

https://zingnews.vn/the-kho-cua-cac-co-dong-nho-tai-eximbank-post1107506.html

(538/1.337)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,723