3.086. Vụ khách hàng tố mất tiền khi gửi tiết kiệm tại OCB: Ngân hàng có phải chịu trách nhiệm?

(ANTĐ) – Chuyên gia cho rằng, nếu khách hàng giao dịch với đúng nhân viên ngân hàng được giao nhiệm vụ huy động vốn, ký đầy đủ và đúng các giấy tờ thì khi xảy ra mất mát ngân hàng phải chịu trách nhiệm. Còn ngược lại, nếu khách hàng ký vào các giấy tờ không đúng, ký khống… và đặc biệt nhận diện sai cán bộ để đối tượng xấu lợi dụng thì rất khó quy trách nhiệm cho ngân hàng.

“Giao trứng cho ác”

Như Báo An ninh Thủ đô đã đưa tin, theo phản ánh của bà Huỳnh Tuyết Hằng, từ tháng 9/2011, bà đến Hội sở ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) tại địa chỉ 41-45 Lê Duẩn (phường Bến Nghé, quận 1, TP. HCM) để thực hiện các giao dịch tiền gửi.

Cho đến thời điểm tháng 1/2019, bà Hằng đứng tên 1 sổ tiết kiệm trị giá 4,7 tỷ đồng và chồng bà Hằng đứng tên một sổ tiết kiệm với giá trị 1 tỷ đồng (tổng cộng 2 số tiết kiệm có trị giá 5,7 tỷ đồng).

Các giao dịch trên, bà Hằng thực hiện với bà Vũ Phương Thảo, từng là nhân viên ngân hàng. Trong quá trình gửi tiền tiết kiệm tại OCB từ năm 2011 đến năm 2019, bà vẫn nhận lãi hàng tháng đúng kỳ hạn.

Nhưng đến năm 2019, khi không nhận được số tiền lãi như thường lệ, bà Hằng phản hồi lại phía OCB thì biết được bà Vũ Phương Thảo đã thôi việc tại ngân hàng từ tháng 5/2018. Đặc biệt, phía Ngân hàng cho biết 2 sổ tiết kiệm trị giá 5,7 tỷ đồng của bà Hằng và chồng là sổ tiết kiệm giả.

Về phía OCB, ngân hàng này cho biết sau khi nhận được yêu cầu của bà Hằng, OCB đã kiểm tra và xác định sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi đứng tên bà Hằng là giả (phôi sổ tiết kiệm bị làm giả, chữ ký của đại diện OCB trên các chứng từ không đúng và mẫu dấu sử dụng không phải mẫu dấu thật của OCB).

Do vậy, theo OCB, không có căn cứ xác định Ngân hàng có nhận tiền huy động của bà Hằng và cho rằng giao dịch giữa bà Thảo và bà Hằng có thể xem như các giao dịch cá nhân, hoàn toàn không trong tầm kiểm tra, kiểm soát của OCB.

Trên thực tế, bà Hằng và bà Thảo có mối quan hệ thân thiết (dì – cháu). Đây có thể là mấu chốt vấn đề khiến bà Hằng tin tưởng cháu mình để gửi tiền, dù Vũ Phương Thảo khi còn là nhân viên của OCB không được giao bất kỳ nhiệm vụ, quyền hạn gì liên quan đến việc huy động vốn (bà Thảo cán bộ tại bộ phận xử lý giao dịch tín dụng, thuộc khối hỗ trợ).

Vụ việc tại OCB đang được cơ quan Công an điều tra, làm rõ (Ảnh minh họa)

Trên thực tế, bà Hằng không phải là nạn nhân duy nhất của Thảo. Khi phát hiện các hành vi lừa đảo của Thảo, phía OCB đã tố cáo đến cơ quan công an và Cơ quan điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Vũ Phương Thảo, tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức.

Theo điều tra ban đầu, Vũ Phương Thảo đã lợi dụng mối quan hệ quen biết với nhiều nạn nhân, dụ dỗ các nạn nhân chuyển tiền cho Thảo để hưởng lãi suất cao. Sau đó, Thảo đã lập sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi giả để chuyển cho các cá nhân này.

Khách hàng liệu có đòi được tiền?

Có thể thấy, thời gian gần đây xảy ra rất nhiều vụ việc nhân viên ngân hàng lừa đảo, chiếm tiền của khách hàng. Đa phần là do khách hàng có mối quan hệ thân thiết, tin tưởng nhân viên ngân hàng, dẫn đến giao dịch bất cẩn như: không giao dịch trực tiếp tại quầy giao dịch, ký khống các giấy tờ, ký ủy nhiệm chi, cầm cố sổ tiết kiệm… Điều này khiến kẻ lừa đảo dễ dàng lợi dụng để chiếm đoạt tiền khách hàng.

Phân tích về các vụ việc lừa đảo gần đây, luật sư Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty Luật ANVI) cho rằng, có hai trường hợp mà tùy vào các yếu tố mà có thể hoặc không thể quy trách nhiệm cho ngân hàng.

Trường hợp thứ nhất, nếu khách hàng chọn đúng ngân hàng; đúng nhân viên ngân hàng có thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ huy động vốn; ký đúng các giấy tờ… thì nếu xảy ra mất mát, toàn bộ trách nhiệm sẽ thuộc về ngân hàng.

Trường hợp còn lại, nếu khách hàng giao dịch với người không có thầm quyền; hay ký vào các giấy tờ khống như hợp đồng tiền gửi, ủy nhiệm chi, hợp đồng cầm cố sổ tiết kiệm… để đối tượng lợi dụng lừa đảo thì khó có thể quy trách nhiệm cho ngân hàng.

Đặc biệt, trường hợp nhận diện sai cán bộ, giao dịch với cán bộ, nhân viên không có trách nhiệm huy động tiền gửi để nhờ gửi hộ thì rủi ro rất cao.

“Mấu chốt trong vụ việc này, nếu khách hàng có cơ sở, căn cứ tin chắc mình giao dịch với đúng người có thẩm quyền thì mới quy trách nhiệm cho ngân hàng được. Còn nếu nhận diện nhầm, “giao trứng cho ác”, lại gửi tiền cho người không có thẩm quyền thì rất khó. Vì nhân viên ngân hàng rất nhiều, người ta ra ngoài lừa thì ngân hàng không kiểm soát được” – luật sư Trương Thanh Đức nói.

Vị luật sư minh họa thêm: “Nói ví dụ thế này, anh vào ngân hàng, anh gửi xe cho bảo vệ, là người có trách nhiệm trông xe, nếu mất xe thì anh bắt đền được ngân hàng. Nhưng nếu vì quen anh bảo vệ, rồi đưa tiền cho bảo vệ nhờ gửi vào ngân hàng thì mất anh phải chịu. Chức năng nhiệm vụ mỗi người khác nhau nên khách hàng phải giao dịch đúng người có trách nhiệm”.

Về việc các ngân hàng thường có một quy trình gửi tiết kiệm, nếu không tuân thủ các quy trình đó thì khách hàng có gặp rủi ro, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng khi khách hàng đến ngân hàng nếu giao dịch đúng với người có thẩm quyền thì không cần khái niệm quy trình.

“Khi tôi đến ngân hàng, giao dịch với nhân viên có thẩm quyền thì anh hướng dẫn thế nào tôi làm vậy thôi, tôi không cần biết quy trình của ngân hàng ra sao. Khi xảy ra sai sót, ngân hàng vẫn phải chịu trách nhiệm” – vị luật sư nêu quan điểm.

Về phía OCB, sau khi xảy ra vụ việc trên, sau sự việc trên, ngân hàng này đã đưa ra khuyến cáo khách hàng khi có nhu cầu mở tài khoản tiết kiệm tại quầy, cần tự thực hiện trực tiếp các giao dịch; đồng thời liên hệ trực tiếp các chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng.

Ngoài ra, khách hàng có thể kiểm tra thông tin về các sổ tiết kiệm đã mở của mình cả tại quầy và trên các kênh online của ngân hàng như website và app OCB OMNI.

Hà Loan

—————–

An ninh Thủ đô (Kinh doanh) 17-7-2020:

https://anninhthudo.vn/kinh-doanh/vu-khach-hang-to-mat-tien-khi-gui-tiet-kiem-tai-ocb-ngan-hang-co-phai-chiu-trach-nhiem/860574.antd

(533/1.307)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,728