(KTĐT) – “Một trong những điểm yếu của thị trường chứng khoán Việt Nam là minh bạch. Nếu minh bạch ngay được từ báo cáo tài chính khi phát hành thì trong tương lai số người tham gia thị trường sẽ còn nhiều hơn”, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa nói.
Ngày 20/4, Hội Truyền thông số Việt Nam phối hợp với báo Giao thông tổ chức Tọa đàm “Góp phần lành mạnh hoá thị trường chứng khoán Việt Nam”.
Luôn giám sát, xử lý, tạo niềm tin thị trường
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, không chỉ Việt Nam mà các thị trường quốc tế đều trải qua những giai đoạn phát triển nóng như thị trường chứng khoán thời gian gần đây. Ông Nghĩa tin tưởng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ vẫn tiến lên cùng với đà tăng trưởng của thị trường thế giới.
Cơ sở của niềm tin này được TS. Lê Xuân Nghĩa đưa ra là kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh, kinh tế vĩ mô khá ổn định. “Đây là điểm tựa vô cùng quan trọng với thị trường chứng khoán. Thị trường vẫn sẽ rất tiềm năng nếu kinh tế phục hồi với tốc độ nhanh và mạnh, nhất là ở các ngành dịch công nghiệp chế biến, chế tạo”, TS. Lê Xuân Nghĩa phân tích.
Tọa đàm “Góp phần lành mạnh hoá thị trường chứng khoán Việt Nam”.
Để thị trường nhiều tiềm năng này ngày càng phát triển, theo Luật sư Trương Thanh Đức, làm xanh sạch thị trường phải là ưu tiên hàng đầu.
Đồng quan điểm, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, hiện thị trường bức xúc khi các nhóm “thổi giá”, các nhóm thường được gọi là “tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp” đang hoạt động mạnh mẽ mà chúng ta không có động thái giám sát, cảnh báo. Phải luôn giám sát, có biện pháp xử lý để tạo niềm tin thị trường.
“Yếu kém nhất của thị trường Việt Nam là minh bạch. Nếu minh bạch ngay được từ báo cáo tài chính khi phát hành thì trong tương lai số người tham gia thị trường sẽ còn nhiều hơn”, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa nói.
Trong các giải pháp hỗ trợ thị trường chứng khoán phát triển, các chuyên gia cho rằng, phải để Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan độc lập thuộc Chính phủ chứ không thể để thuộc Bộ Tài chính như lâu nay. Nguyên nhân là vì thị trường chứng khoán có tính rủi ro cao không thể để cùng sự quản lý với một bên là ngân sách vốn có rủi ro thấp nhất, an toàn nhất. “Trong tương lai, nếu Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước được độc lập, có đủ tài lực, nhân lực, cơ sở vật chất mới có thể tạo được nền tảng thị trường chứng khoán minh bạch. Việc này sẽ diễn ra nhanh chóng hơn nếu có sự thay đổi về tổ chức”, ông Nghĩa đề xuất.
Đẩy nhanh xếp hạng tín nhiệm với doanh nghiệp phát hành trái phiếu
Về thị trường trái phiếu DN, các chuyên gia đánh giá, Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu trong và ngoài nước là kết hợp của Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp. “Các chính sách được sửa đổi liên tục và có thể nói là tương đối hoàn thiện”, luật sư Trương Thanh Đức đánh giá.
Tuy nhiên, đối với chào bán trái phiếu riêng lẻ, cả Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán đều quy định không bán cho quá 100 nhà đầu tư, không công bố rộng rãi… Theo luật sư Đức, điều này vô lý vì càng phải công khai thì mới minh bạch thông tin ra thị trường.
Ngoài công khai thông tin, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, phải tăng cường công tác xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành.
Ông Nghĩa cho rằng, với đa số nhà đầu tư việc tiếp nhận và phân tích số liệu tài chính vẫn là khó khăn và càng khó khăn khi đánh giá các số liệu đó. “Đúng đắn nhất là đẩy nhanh các công ty xếp hạng, thậm chí cho phép liên doanh với các công ty quốc tế”, TS. Nghĩa đề xuất.
Khi nhà đầu tư nhìn vào xếp hạng của doanh nghiệp sẽ biết doanh nghiệp này được xếp hạng ở mức A, B hay C. Trên cơ sở đó, nếu muốn an toàn thì đầu tư vào trái phiếu của doanh nghiệp được xếp hạng tốt và cũng đồng nghĩa với chấp nhận lãi suất thấp. Còn nếu muốn lãi suất cao thì đầu tư vào trái phiếu của những doanh nghiệp có xếp hạng thấp hơn và chấp nhận rủi ro cao hơn.
Hà Lâm
————
Kinh tế & Đô thị (Kinh tế) 20-4-2022:
https://kinhtedothi.vn/thi-truong-chung-khoan-phai-sach-va-minh-bach.html
(116/839)