(MT) – “Không nên đặt ra yêu cầu về tài sản bảo đảm khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu vì các doanh nghiệp phát hành trái phiếu phần lớn là không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng”, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI nhìn nhận.
Ngoài vay vốn từ ngân hàng, doanh nghiệp không có giải pháp nào khác nên bắt buộc phải phát hành trái phiếu.
Tại tọa đàm “Góp phần lành mạnh hóa thị trường chứng khoán Việt Nam” diễn ra ngày 20/4, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, việc Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước giám sát mục đích sử dụng vốn của doanh nghiệp phát hành trái phiếu là rất khó thực hiện.
Trái phiếu – “sân chơi” nên dành riêng cho doanh nghiệp.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty TNHH Luật ANVI – Trọng tài viên VIAC cho rằng, việc phát hành trái phiếu chỉ nên dành riêng cho doanh nghiệp. Bản chất ngân hàng có rất nhiều công cụ, biện pháp và sản phẩm thay thế trong việc huy động vốn. Trong khi đó, ngoài vay vốn từ ngân hàng, doanh nghiệp không có giải pháp nào khác nên bắt buộc phải phát hành trái phiếu”, Luật sư Trương Thanh Đức .
Cũng theo Luật sư Trương Thanh Đức, cơ quan quản lý không nên đặt ra yêu cầu về tài sản bảo đảm khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Vị luật sư này cho rằng, yêu cầu về tài sản bảo đảm khi vay vốn ngân hàng là cần thiết, song các doanh nghiệp phát hành trái phiếu phần lớn là không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng, do đó tài sản bảo đảm trong trường hợp này là không hợp lý.
Chuyên gia kinh tế – TS. Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, thông lệ quốc tế không quy định về việc phát hành trái phiếu phải có bảo đảm bằng tài sản như cổ phiếu hay bất động sản. Người mua trái phiếu đa phần là cá nhân, còn bên phát hành là tổ chức, nên việc xử lý tài sản bảo đảm cho trái phiếu là vô cùng phức tạp.
Cũng theo vị chuyên gia này, việc Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước giám sát mục đích sử dụng vốn của doanh nghiệp phát hành trái phiếu là rất khó thực hiện.
TS. Lê Xuân Nghĩa còn cho rằng, nếu cứ loay hoay trong việc giám sát mục đích sử dụng vốn và tài sản đảm bảo thì thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ nhanh chóng sa lầy.
Thay vào đó, cần đẩy nhanh việc sử dụng các biện pháp giám sát khác trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp như thông qua các công ty xếp hạng tín nhiệm.
“Hiện Việt Nam đã có hai công ty xếp hạng tín nhiệm, nhưng hoạt động còn nhiều hạn chế, chưa đủ sự tín nhiệm. Chúng tôi đang đề nghị Chính phủ cấp phép cho các công ty này được phép liên doanh với các công ty xếp hạng tín nhiệm quốc tế để tăng sự hiệu quả”, ông Nghĩa nói.
Cuối cùng, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng cần phải có cái nhìn thoáng hơn trong quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nếu quá thắt chặt thì các doanh nghiệp khó có thể tiếp cận được nguồn vốn để phát triển.
Luật sư Trương Thanh Đức cũng nhận định, những quy định hiện hành về phát hành trái phiếu doanh nghiệp là khá chặt chẽ, yêu cầu hiện nay là cần phát hiện, xử lý kịp thời và nghiêm minh những vụ việc vi phạm
“Làm sạch” là ưu tiên hàng đầu.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng người ta hay nói “nước trong thì không có cá”. Nhưng với riêng thị trường chứng khoán thì làm xanh sạch thị trường lại là ưu tiên hàng đầu.
“ Việc làm trong sạch thị trường sẽ không làm mất con cá nào, mà có cá sạch, cá an toàn và cá ngon hơn cho nhà đầu tư”, luật sư Trương Thanh Đức nhận định.
Chia sẻ quan điểm trên, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, chìa khóa để lành mạnh hóa và làm trong sạch tài chính, chứng khoán trước tiên phải xuất phát từ nhà đầu tư khi có sự thấu hiểu và thông tin nhất định.
“Nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân không phải ai cũng có khả năng tiếp nhận và xử lý thông tin tốt. Đây chính là sự bất cân xứng trong tiếp cận và phân tích thông tin. Vấn đề trước mắt chúng ta cần làm là giải quyết vấn đề bất cân xứng này”, TS. Lê Xuân Nghĩa nói.
Bên cạnh đó, TS. Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, điểm yếu kém nhất của thị trường Việt Nam là minh bạch. Nếu minh bạch ngay được từ báo cáo tài chính, kiểm toán khi phát hành thì trong tương lai số người tham gia thị trường sẽ còn nhiều hơn.
“Độc lập hóa” Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.
Chia sẻ về giải pháp trọng tâm nhằm hỗ trợ thị trường chứng khoán nói chung và trái phiếu doanh nghiệp nói riêng phát triển lành mạnh, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng cần sớm “độc lập hóa” Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.
Theo đó, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nếu Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước được độc lập, có đủ tài lực, nhân lực, cơ sở vật chất sẽ tạo được nền tảng thị trường chứng khoán minh bạch.
Ngoài ra, TS. Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng hiện nay số lượng tài khoản chứng khoán cá nhân tại Việt Nam tính trên đầu người là khoảng 5% dân số. Nhưng xét về thực chất thì mới chỉ có khoảng 3% dân số Việt Nam đầu tư chứng khoán thực sự. Trong khi con số này tại một số nước trong khu vực như Thái Lan… cao hơn rất nhiều.
Theo đó, TS. Lê Xuân Nghĩa kiến nghị cần có cơ chế ổn định thị trường cũng như hỗ trợ đào tạo nhà đầu tư song song với hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng kế hoạch định hướng phát triển.
Lê Sáng
———-
MarketTimes (Tài chính) 20-4-2022:
(335/1.085)