3.101. Để trái phiếu không bị xem là “trái đắng”

(GT) – Thị trường trái phiếu chững lại sau vụ việc liên quan đến Tân Hoàng Minh, khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn, bị động về vốn.

Các chuyên gia cho rằng, để lành mạnh hoá thị trường, cần đẩy mạnh xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp phát hành.

Để lành mạnh hóa thị trường trái phiếu, cẩn đẩy mạnh xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp phát hành (Ảnh minh họa)

Cần vốn gấp vẫn không thể vội

Ngày cuối cùng của năm 2021, Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán DXG) đã hoàn tất đợt phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu khi hoàn tất phân phối và thu tiền mua trái phiếu từ nhà đầu tư.

Nhờ huy động vốn thuận lợi qua kênh trái phiếu, Đất Xanh tiếp tục lên kế hoạch huy động vốn như trái phiếu trong nước, trái phiếu quốc tế với trị giá khoảng 15.000 tỷ đồng.

Không lâu sau đó, trung tuần tháng 2/2022, Hội đồng quản trị DXG đã thông qua nghị quyết phê duyệt phương án chào bán trái phiếu ra công chúng với tổng mệnh giá tối đa 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, cho tới nay, phương án chào bán cụ thể vẫn chưa được công bố.

Thay vào đó, Hội đồng quản trị công ty đã đưa ra phương án phát hành 300 triệu USD trái phiếu cho đối tác chiến lược nước ngoài.

Lô trái phiếu có thời hạn 5 năm, không có tài sản bảo đảm nhưng là trái phiếu chuyển đổi. Lãnh đạo công ty cho biết, sẽ bổ sung tờ trình phương án vào chương trình họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 trong tháng 5 tới.

Rất có thể đây chính là phương án thay thế cho đợt huy động vốn qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ được phê duyệt hồi tháng 6/2021 nay bị dừng lại.

Một công ty bất động sản khác là Công ty CP DRH Holdings (mã chứng khoán DRH) cũng phải thay đổi kế hoạch huy động vốn.

Cụ thể, ngày 21/2, Hội đồng quản trị công ty này đã thống nhất và công bố ban hành nghị quyết thông qua phương án phát hành trái phiếu năm 2022.

Theo đó, DRH dự kiến phát hành trái phiếu riêng lẻ không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có bảo đảm bằng tài sản lần 1 năm 2022 với tổng mệnh giá 400 tỷ đồng.

Đợt gọi vốn qua kênh trái phiếu này có kỳ hạn 24 tháng. Nếu thuận lợi, DRH sẽ chào bán trái phiếu ngay I/2022. Tuy nhiên, chỉ sau chưa đầy 1 tháng, Hội đồng quản trị DRH lại phải nhóm họp và đưa ra quyết định lùi đợt phát hành này sang quý II.

“Dấu hiệu nguy hiểm”

Một thống kê đáng chú ý của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam cho thấy, kể từ sau vụ việc liên quan trái phiếu Tân Hoàng Minh, trị trường trái phiếu doanh nghiệp có sự chuyển động mạnh.

Cụ thể, trong tháng 2 có 4 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ, gọi được 1.300 tỷ đồng. Sang tháng 3, số đợt phát hành tăng lên 10 đợt nhưng chỉ gọi được 2.130 tỷ đồng.

Đáng chú ý, nếu so với cùng kỳ năm ngoái, tổng giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng kể từ đầu năm đã tăng 13,78%, nhưng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ lại giảm 24,17%. Số lượng phát hành trái phiếu riêng lẻ quý I/2022 cũng giảm 50% so với quý I năm ngoái, giá trị phát hành chỉ tương đương 1/4 so với cùng kỳ 2021.

Theo báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong năm 2021 và quý I/2022 tổng giá trị đăng ký phát hành trái phiếu doanh nghiệp là 919.308 tỷ đồng, tổng giá trị thực tế phát hành là 750.317 tỷ đồng. Trong đó, phát hành riêng lẻ chiếm 94,7% và phát hành ra công chúng chiếm 5,3%.

  1. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho biết, tác động vụ hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ của 3 công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh là rất lớn.

“Sau đó, tất cả các vụ đấu giá đất phải trì hoãn, hoạt động trái phiếu chững lại. Đây là điều rất nguy hiểm. Chúng tôi đã đề nghị với cơ quan Nhà nước nên xử lý theo hướng lựa chọn việc đáng làm nhất để làm nhưng vẫn giữ bằng được hệ thống ổn định và giữ tài sản các tập đoàn lớn.

Bây giờ, bất cứ hành động nào đều phải cẩn trọng. Xử lý con người nhưng phải giữ được tài sản”, ông Nghĩa nói.

Một nhân viên môi giới mảng trái phiếu của một công ty chứng khoán có trụ sở Hà Nội cho biết, nhiều nhà đầu tư của công ty này “dính” phải trái phiếu bị huỷ của Tân Hoàng Minh, đã mang cả hợp đồng mua trái phiếu đến để nhờ tư vấn cách xử lý.

“Lúc mua thấy lãi suất cao nên không đọc kỹ nhưng vẫn ký. Nay những người đó chỉ đợi cách xử lý để nhận lại tiền thôi”, nam nhân viên nói và cho biết, sau vụ việc của Tân Hoàng Minh, nhà đầu tư mà anh tư vấn vẫn rất quan tâm tới trái phiếu nhưng đã cẩn thận hơn trước rất nhiều.

Nhà đầu tư trước kia đưa hợp đồng lướt qua số tiền và lãi suất là ký luôn, thậm chí còn không nhớ tên công ty hay mã trái phiếu. Nhưng nay, họ yêu cầu đầy đủ thông tin về đợt phát hành, thông tin về doanh nghiệp và đọc từng điều khoản hợp đồng rồi sau đó còn cân nhắc mãi mới ký.

Xếp hạng tín nhiệm có phải “cây đũa thần”?

Đối với định hướng quản lý thị trường trái phiếu, luật sư Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty Luật ANVI) cho rằng, các quy định pháp luật quản lý thị trường trái phiếu đến nay đã khá chặt chẽ.

“Không nên bàn đến chuyện thắt chặt hơn nữa, kể cả phát hành riêng lẻ và phát hành công chúng. Còn nếu có đơn vị nào vi phạm thì phạt nặng thậm chí nâng khung phạt lên đến cả trăm tỷ đồng, với điều kiện là phải kiên quyết xử lý”, ông Đức đề nghị.

Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng hướng xử lý của cơ quan chức năng hiện vẫn chưa trúng: “Không nên loay hoay vào câu chuyện giám sát mục đích sử dụng vốn. Người phát hành dùng vốn vào việc gì, đố ai giám sát được.

Khi ngân hàng cho vay, ngân hàng giám sát và giải ngân theo tiến độ. Có ngân hàng còn cử cả cán bộ xuống doanh nghiệp, công trình. Còn với trái phiếu, hàng triệu người mua thì ai là người giám sát?”, ông Nghĩa phân tích.

Ông Nghĩa cho rằng, với trình độ của nhà đầu tư và thói quen đầu tư thì không phải ai cũng có đủ trình độ, kiến thức, thời gian và sự chuyên nghiệp để phân tích và đánh giá chính xác thông tin, số liệu tài chính của doanh nghiệp.

Do đó, thay vì bắt nhà đầu tư phải đau đầu nghiên cứu thì hãy để các công ty xếp hạng tín nhiệm thực hiện. Trên thế giới, cách tiếp cận hoàn toàn khác với Việt Nam vì có công ty xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp với vô số tiêu chí khác nhau. Từng tiêu chí được tính toán rất cẩn thận.

“Cần phải đẩy nhanh chương trình xếp hạng tín nhiệm này. Chúng ta hiện chỉ có 2 công ty nhưng hoạt động rất hạn chế, chưa có đủ kinh nghiệm và tín nhiệm.

Do đó, tôi đề nghị cơ chế cấp phép đặc biệt với các công ty xếp hạng, cũng có thể liên doanh với công ty quốc tế để phát triển thị trường trái phiếu trong tương lai”, ông Nghĩa góp ý.

Đánh giá hoạt động xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam, đại diện Bộ Tài chính cho rằng lĩnh vực này vẫn còn rất hạn chế do chưa có quy định về bắt buộc sử dụng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm khi phát hành trái phiếu ra thị trường.

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm giúp nhà đầu tư nhận thức được tốt hơn khả năng tài chính, khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp được xếp hạng cũng như những rủi ro có liên quan để có định hướng đầu tư. Tuy nhiên nhà đầu tư chưa có thói quen lựa chọn đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Công ty CP FiinGroup, đơn vị xếp hạng tín nhiệm Việt Nam cho rằng, xếp hạng tín nhiệm tuy không phải là “cây đũa thần” giúp giải quyết mọi vấn đề của thị trường trái phiếu. Tuy nhiên, đây sẽ là “tín hiệu đèn giao thông” để tất cả các chủ thể tham gia thị trường tương tác với nhau một cách hiệu quả và bền vững.

Theo đại diện Bộ Tài chính, Bộ đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quy định việc xếp hạng tín nhiệm đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng.

Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán đang được trình Chính phủ ban hành theo hướng quy định các trường hợp phải xếp hạng tín nhiệm đi kèm lộ trình thực hiện. Theo kế hoạch, từ nay tới 2030, Bộ Tài chính sẽ cấp phép tối đa cho 5 đơn vị xếp hạng tín nhiệm.

Cao Sơn 

————–

Giao thông (Tài chính) 22-4-2022:

https://www.baogiaothong.vn/de-trai-phieu-khong-bi-xem-la-trai-dang-d549921.html

(95/1.666)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,468