3.103. Thị trường bất động sản du lịch – Hoàn thiện pháp lý để thúc đẩy phát triển

(KTMT) – Nhận diện những điểm nghẽn pháp lý và đề xuất các giải pháp để gỡ khó cho doanh nghiệp, từ đó hoàn thiện chính sách, pháp luật để thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản du lịch. Các chuyên gia đã đưa ra những kiến giải rõ ràng tại Tọa đàm ngày 20/4.

Tại tọa đàm “Điểm nghẽn pháp lý và giải pháp khơi thông nguồn lực BĐS du lịch, nghỉ dưỡng Việt Nam” diễn ra ngày 21/4/2022, các chuyên gia đã chỉ ra những điểm nghẽn pháp lý và đề xuất các giải pháp để gỡ khó cho doanh nghiệp. Việc nhận diện những điểm nghẽn này khi được các cơ quan quản lý nhà nước tiếp thu, sẽ góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật để thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản (BĐS) du lịch.

Về trước mắt, khắc phục những khoảng trống pháp lý ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh BĐS  du lịch đang gây ra những tác động tiêu cực và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư (như vấn đề cấp giấy chứng nhận cho BĐS du lịch xây dựng trên đất ở nông thôn – đất ở không hình thành đơn vị ở).

Về lâu dài, xây dựng được hệ thống pháp luật kinh doanh bất động sản du lịch đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững cho hoạt động của thị trường, tương xứng với tiềm năng và lợi thế cũng như chiến lược phát triển của đất nước.

Bất động sản du lịch có vai trò thúc đẩy phát triển ngành du lịch, góp phần phát triển cơ sở hạ tầng tại địa phương, khu vực, tạo công ăn việc làm trong cả quá trình đầu tư cơ sở nghỉ dưỡng lẫn quá trình vận hành cơ sở du lịch. (Ảnh minh họa)

“Điểm nghẽn” pháp lý cản trở sự phát triển của BĐS du lịch

Tại buổi Tọa đàm, các chuyên gia đánh giá, trong những năm qua, thị trường BĐS du lịch, nghỉ dưỡng phát triển sôi động với nhiều sản phẩm đẳng cấp như: Biệt thự nghỉ dưỡng (villa), condotel, shophouse, shoptel, resort, homestay, farmstay… ra đời không chỉ đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, giải trí ngày càng cao của du khách mà còn tạo thêm nhiều cơ hội kinh doanh hấp dẫn cho các nhà đầu tư thứ cấp và người dân, đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước, là động lực quan trọng cho sự tăng trưởng của thị trường BĐS và phát triển cơ sở hạ tầng.

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV.

Theo TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, BĐS du lịch có vai trò thúc đẩy phát triển ngành du lịch, góp phần phát triển cơ sở hạ tầng tại địa phương, khu vực, tạo công ăn việc làm trong cả quá trình đầu tư cơ sở nghỉ dưỡng lẫn trong quá trình vận hành cơ sở du lịch.

“Các sản phẩm nghỉ dưỡng mới – là sự kết hợp giữa khách sạn và nhà ở như biệt thự nghỉ dưỡng, condotel, shophouse… đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, đem lại cảm giác mới cho khách du lịch, cảm nhận sự tự do thoải mái hơn so với không gian gò bó của các mô hình khách sạn nghỉ dưỡng truyền thống”, TS. Cấn Văn Lực đánh giá.

GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cũng nhìn nhận, BĐS du lịch, nghỉ dưỡng là sản phẩm rất phổ biến trên thế giới. Trong xu thế phát triển thì đây là sản phẩm có đóng góp quan trọng của nền kinh tế, đặc biệt là khi Việt Nam lấy du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn. Việc khai thác các tiềm năng từ tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan, văn hóa để phát triển du lịch rất cần những dự án BĐS du lịch, nghỉ dưỡng.

GS.TS. Hoàng Văn Cường.

“Trên thực tế, tốc độ phát triển của BĐS du lịch nghỉ dưỡng trong những năm qua rất mạnh. Phân khúc này đã tạo ra sự thay đổi lớn cho diện mạo của nhiều vùng miền trên cả nước. Đây cũng là kênh đầu tư sinh lời hiệu quả cho các nhà đầu tư”, GS.TS. Hoàng Văn Cường nhìn nhận.

Đánh giá cao tiềm năng phát triển và vai trò của BĐS du lịch, nghỉ dưỡng, tuy nhiên, theo các chuyên gia, chính sách, pháp luật về kinh doanh BĐS du lịch chưa đầy đủ, thống nhất, đồng bộ đã và đang gây lúng túng cho công tác quản lý Nhà nước ở các địa phương và là “điểm nghẽn” cho hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, cho biết, hiện nay BĐS du lịch chịu sự điều chỉnh của nhiều hệ thống quy định khác nhau, từ hoạt động đầu tư, kinh doanh đến việc quản lý, sử dụng. Tuy nhiên, quy định của pháp luật đất đai hay pháp luật kinh doanh BĐS hiện hành không có các khái niệm riêng cho loại hình BĐS du lịch, trong đó có biệt thự nghỉ dưỡng (villa), condotel, shophouse, farmhouse… mà chỉ có khái niệm chung, đó là nhà, công trình xây dựng với mục đích thương mại, dịch vụ.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà phát biểu tại Tọa đàm.

Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà: Có trường hợp địa phương xác định đây là loại hình nhà ở nhưng không hình thành đơn vị ở. Dẫn đến dễ gây lúng túng trong quá trình thực hiện của cả chủ đầu tư, nhà đầu tư và chính quyền địa phương. Như tại Khánh Hòa, Phú Quốc, Bình Thuận, Vũng Tàu… nhìn lại thực tế trong số hàng chục dự án nghỉ dưỡng đã được cấp phép đầu tư, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ngoài một số chưa triển khai xây dựng thì nhiều dự án đã hoàn thành, nghiệm thu và đi vào hoạt động.

Tại một số dự án, các khách hàng mua sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng và tài sản trên đất. Tuy nhiên, một số dự án khác đã hoàn thành, được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy và đưa vào sử dụng, nhà đầu tư thứ cấp vẫn chưa được cấp “sổ đỏ”.

Chính sự thiếu nhất quán trong thực thi chính sách, sự chậm trễ của các cơ quan chức năng chức về thực hiện cấp Giấy chứng nhận cho các khách hàng mua bất động sản xây dựng trên phạm vi đất ở tại nông thôn (đất ở không hình thành đơn vị ở) đã gây ra nhiều bức xúc cho nhà đầu tư, khách hàng. Điều đó khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng về uy tín, thiệt hại tài chính, mất niềm tin vào chủ trương, chính sách ban hành của một số cơ quan quản lý Nhà nước.

Phải hoàn thiện hành lang pháp lý cho BĐS du lịch

PGS.TS. Doãn Hồng Nhung, Phó Trưởng ban Pháp chế – Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho biết, để thu hút đầu tư vào phát triển BĐS du lịch tại Bãi Dài, Bắc bán đảo Cam Ranh, vào giai đoạn 2013-2017, tỉnh Khánh Hòa đã chuyển đổi một phần đất thương mại dịch vụ tại các dự án sang đất ở nông thôn với điều kiện “không hình thành đơn vị ở” để tạo điều kiện cho các nhà phát triển bất động sản có thể huy động vốn từ nhà đầu tư thứ cấp.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhiều dự án vẫn chưa cấp sổ đỏ cho các sản phẩm BĐS du lịch như căn hộ du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng… Sự thiếu nhất quán từ cơ chế thu hút đầu tư đến thực thi chính sách đã gây ra nhiều hệ lụy cho thị trường, chủ đầu tư và nhà đầu tư tham gia vào phát triển các dự án tại Bắc bán đảo Cam Ranh. Đồng thời cũng bộc lộ một thực tế, rằng “chiếc áo choàng” pháp lý đang “chật hẹp” so với thực tế phát triển của thị trường.

Do đó, theo chuyên gia này, tạo dựng một khung khổ pháp lý đầy đủ, ổn định cho loại hình bất động sản du lịch là yêu cầu cấp thiết cần đặt ra trong bối cảnh ngành du lịch đang đứng trước nhiều cơ hội phục hồi sau tác động của đại dịch. Tuy nhiên, điều trước mắt cần phải làm là gỡ rối cho các dự án có “đất ở không hình thành đơn vị ở” đang “mắc kẹt” tại Phú Quốc, Khánh Hòa, Đà Nẵng…. tránh mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và nhà đầu tư liên quan đến vấn đề cấp sổ đỏ lâu dài cho các sản phẩm bất động sản du lịch xây trên đất ở nông thôn (không hình thành đơn vị ở) tại dự án.

PGS.TS. Doãn Hồng Nhung nêu ý kiến tại Tọa đàm.

PGS.TS. Doãn Hồng Nhung khẳng định: “Xuất phát từ hệ thống chính sách thực hiện không nhất quán mà nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư đang chịu thiệt. Mặc dù thuật ngữ “đất ở không hình thành đơn vị ở” chưa được quy định trong pháp luật hiện hành song để khơi thông, “phá băng” thị trường cũng như giữ niềm tin với các nhà đầu tư, chúng ta cần khơi thông điểm nghẽn này.

Địa phương cần tạo niềm tin cho chủ đầu tư và khách hàng vào các chủ trương chính sách nhất quán về đầu tư BĐS du lịch để thu hút được nguồn lực đầu tư. Nếu không có những giải pháp kịp thời tháo gỡ cho doanh nghiệp hoặc chậm trễ vào cuộc, sẽ phá hỏng môi trường đầu tư, làm cho khả năng thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng của địa phương kém đi. Doanh nghiệp e dè triển khai dự án, nhà đầu tư ngần ngại không dám tham gia, địa phương mất đi cơ hội phát triển”.

GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, chia sẻ, ngành du lịch phục hồi dù có tạo ra cơ hội cho BĐS du lịch tăng trưởng trở lại đến mấy thì nếu không có khung pháp lý hoàn chỉnh, không gỡ được các điểm nghẽn đang có thì không thể gọi vốn từ các nhà đầu tư thứ cấp. Ngược lại, nếu bất động sản du lịch không có vốn để phát triển và tái khởi động lại các dự án đang dang dở thì cũng không thể nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú cho ngành du lịch – một trong những yếu tố mang tính quyết định đến việc thu hút và giữ chân du khách.

GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

GS.TSKH. Võ đặt vấn đề: “Tôi cho rằng, tất cả những rắc rối, hệ lụy của sự phát triển thiếu khung pháp lý điều chỉnh của BĐS du lịch – nghỉ dưỡng trong thời gian qua đều xuất phát từ sự quanh quẩn mang tính “tù hãm” của tư duy phát triển. Chúng ta cần phải mạnh mẽ hơn trong việc thay đổi tư duy, mà bắt đầu từ các nhà quản lý.

Hiện nay còn nhiều thủ tục quá phức tạp theo hướng thuận lợi cho cơ quan quản lý, nhưng mang tính gây khó khăn cho người tham gia, làm cho thị trường khó phát triển, kinh tế thiếu minh bạch. Đáng lẽ ra chúng ta phải tạo điều kiện dễ chịu nhất cho các nhà đầu tư. Họ đã chịu khó bỏ tiền, nhưng sau đó thì vốn bị “mắc” tại các dự án, không cách nào giải quyết nổi. Vậy thì khi ngân sách không đủ để phát triển, ai sẽ chịu bỏ tiền để đầu tư, để triển khai những dự án lớn?”.

Khung pháp luật cho BĐS du lịch phải tạo sự hấp dẫn để hút nguồn vốn đầu tư

GS.TSKH. Đặng Hùng Võ cho biết, hiện nay, việc cho phép triển khai dự án và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho BĐS du lịch nghỉ dưỡng diễn ra đa dạng ở các địa phương.

Ngay tại Khánh Hòa, có dự án được cấp, có dự án lại không, có dự án lại nằm chờ quyết định của chính quyền. Ở Đà Nẵng hay Phú Quốc cũng vậy, có nhiều dự án được cấp sổ ở dạng này hay dạng khác, rồi cũng nhiều dự án phải nằm chờ.

Chuyên gia này đánh giá, Việt Nam muốn trở thành một cường quốc du lịch thì phải ưu ái cho loại hình BĐS du lịch nghỉ dưỡng. Tháo gỡ khó khăn về pháp lý theo hướng tạo sự hấp dẫn về lợi ích để thu hút đa dạng nguồn vốn đầu tư chính là chìa khóa tạo ra động lực cho loại hình bất động sản này.

“Để tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo điều kiện phát triển bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, làm nền tảng để thúc đẩy phục hồi và nâng tầm vị thế ngành du lịch Việt Nam, điều đầu tiên, tôi cho rằng, Chính phủ nên có một văn bản sau khi đã xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (bởi hiện nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan có trách nhiệm giải thích pháp luật) về cách áp dụng pháp luật hiện hành để giải quyết các dự án đang bị ách tắc. Văn bản như vậy cũng là cơ sở để sửa đổi triệt để các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan”, GS.TSKH. Đặng Hùng Võ khẳng định.

Theo GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, để khơi thông thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, phát triển du lịch, về lâu về dài đòi hỏi phải có chính sách thu hút vốn đầu tư một cách hiệu quả. Từ thực tế, có thể khẳng định rằng nếu chúng ta cho các BĐS du lịch nghỉ dưỡng được sử dụng đất lâu dài thì đây chính là sự hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.

GS.TSKH. Đặng Hùng Võ đề xuất: “Có thể cân nhắc sửa đổi Luật Đất đai 2013 theo hướng cho phép người cần đất được lựa chọn giữa hai hình thức mua lâu dài quyền tài sản đất đai hoặc thuê đất với mọi loại đất. Nếu mua quyền tài sản đất đai lâu dài sẽ phải chịu thuế tài sản với tỷ suất cao, thuê quyền sử dụng đất có thời hạn thì chỉ phải chi trả tiền thuê đất cho Nhà nước. Từ lý luận, người ta có thể thấy trả tiền thuê đất 70 năm tương đương với tiền sử dụng đất mua quyền tài sản đất đai lâu dài. Vì vậy, nếu muốn sử dụng đất vô thời hạn thì phải nộp thuế tài sản sao cho Nhà nước thu được lợi ích tương đương với nhiều chu kỳ sử dụng đất ngắn hạn.

Không nên dựa vào mục đích sử dụng đất để quy định đất đó là dài hạn hay ngắn hạn. Cách quy định đó là hoàn toàn manh mún và bất hợp lý, việc quản lý sẽ vất vả hơn nhiều. Chúng ta phải thay đổi tư duy quản lý, từ đó việc phân loại đất sẽ dễ dàng, đơn giản hơn”.

Cùng với đó, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, trong ngắn hạn, cần thiết nghiên cứu ban hành những quy định đảm bảo nhà đầu tư thứ cấp có những giấy tờ có giá trị khẳng định quyền quyết định đối với BĐS du lịch nghỉ dưỡng mà họ đã đầu tư. Những loại giấy tờ đó có thể là chuyển nhượng quyền sử dụng, thế chấp… mà các cơ quan, tổ chức liên quan đến thừa nhận. Nói cách khác chính là tài sản của nhà đầu tư được pháp luật bảo vệ.

Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam.

“Đối với việc vướng mắc như tại Khánh Hoà, thiết nghĩ cơ quan chính quyền cần phải báo cáo Chính phủ và các bộ ngành chuyên môn liên quan để bàn thảo, đưa ra giải quyết khắc phục mọi điểm nghẽn của các bên liên quan. Như vậy, mới lấy lại niềm tin cho thị trường, nhà đầu tư”, ông Đính cho hay.

GS.TS. Hoàng Văn Cường đánh giá, tâm lý của nhà đầu tư Việt Nam luôn mong muốn biệt thự, căn hộ du lịch đó trở thành tài sản sở hữu lâu dài, vĩnh viễn. Trong khi, dự án BĐS du lịch xây trên đất thương mại, dịch vụ chỉ có quyền sử dụng có thời hạn và được gia hạn khi có nhu cầu. Do đó, nếu chỉ có quyền sử dụng có thời hạn trong 50 năm, hay 70 năm thì không ai muốn bỏ tiền đầu tư một sản phẩm có giá trị lớn như bất động sản du lịch. Từ đây, các vướng mắc hình thành.

Theo GS.TS. Cường, khái niệm “đất ở không hình thành đơn vị ở” rất hay. Và nên thừa nhận nó, vì đây là một giải pháp để tạo điều kiện phát triển thị trường. Tuy nhiên, chủ đầu tư không được bắt các nhà đầu tư thứ cấp chuyển lại sản phẩm để chủ đầu tư kinh doanh. Song, chủ đầu tư có quyền đưa ra các tiêu chí cho những sản phẩm nghỉ dưỡng nhằm đảm bảo quy hoạch được đồng bộ, thống nhất.

GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

GS.TS. Cường khẳng định: “Tóm lại, chúng ta nên cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài cho những loại hình này. Và đơn giản chỉ là quyền sở hữu tài sản và quyền này thì đã được quy định; có thể hợp pháp hóa thành đất ở để đảm bảo quyền lợi các bên”.

Theo TS. Cấn Văn Lực, cần thay đổi tư duy phát triển; có chính sách định hướng và quy hoạch phát triển bất động sản du lịch, cần coi đây là một lĩnh vực kinh tế, kinh doanh, vừa đáp ứng nhu cầu của người dân, khách du lịch, vừa là cảnh quan, nghỉ dưỡng… đồng thời, bất động sản du lịch cần được xem là một thành phần quan trọng trong ngành kinh tế mũi nhọn như du lịch.

Như vậy, sớm bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý cho BĐS du lịch như: Định danh chính thức các loại BĐS du lịch trong luật kinh doanh BĐS, xây dựng; Bổ sung quy định cụ thể đối với lĩnh vực BĐS du lịch trong hoạt động xây dựng, đầu tư và tín dụng như về thủ tục, trình tự đầu tư xây dựng; Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Chuyển nhượng hợp đồng mua bán BĐS du lịc trong tương lai;

Quy định cụ thể về tín dụng BĐS du lịch, quy định về huy động vốn đầu tư phát triển BĐS du lịch trên thị trường cổ phiếu, trái phiếu, tín dụng, đầu tư; Xem xét quy định chế tài cụ thể đối với chủ đầu tư và các bên liên quan trong việc đưa ra và thực hiện các cam kết với nhà đầu tư trên thị trường; Tháo gỡ vướng mắc do thiếu đồng bộ, nhất quán.

Đề xuất giải pháp gỡ vướng cho “đất ở không hình thành đơn vị ở”, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, cho rằng, với các dự án đã hoàn thành và chuyển nhượng BĐS du lịch cho nhà đầu tư thứ cấp, cơ quan chức năng cần xem xét và tạo điều kiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất cho các chủ sở hữu theo hiện trạng đất ở tại nông thôn, thời hạn sử dụng lâu dài với điều kiện không được đăng ký hộ khẩu, không được hình thành làng xóm, ở đây là các căn biệt thự nghỉ dưỡng trong dự án xây dựng trên đất ở nông thôn theo hồ sơ pháp lý đã cấp cho doanh nghiệp.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà nhận định: “Việc cấp đất ở tại nông thôn đi kèm điều kiện “đất ở không hình thành đơn vị ở” tại khu du lịch nghỉ dưỡng theo quan điểm của tôi là cần thiết và phù hợp nhằm đáp ứng mục đích chung của dự án là du lịch, nghỉ dưỡng. Đã đến lúc các nhà làm luật cần phải luật pháp hóa loại hình đất ở tại nông thôn (đất ở không hình thành đơn vị ở) bằng văn bản cụ thể để cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp có cơ sở thực hiện, tránh gây khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, các doanh nghiệp cũng như người mua”.

Chung quan điểm này, ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, phân tích, nếu thực hiện cấp sổ đỏ, sổ hồng cho các dự án đã hoàn thành, được nghiệm thu, sẻ bảo đảm được quyền lợi của các bên là chính quyền địa phương, chủ đầu tư (doanh nghiệp), khách hàng (nhà đầu tư thứ cấp). Điều đó vừa giữ được uy tín của chính quyền, uy tín của doanh nghiệp và quyền lợi của khách hàng, đặc biệt vừa khơi thông được thị trường, dòng vốn và tháo gỡ ngòi nổ tiềm tàng nguy cơ gây bất ổn trật tự địa phương từ những bức xúc của số đông khách hàng.

Ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam.

Đáng chú ý, lợi ích quan trọng nhất của khách hàng được đảm bảo là quyền sở hữu khi mua sản phẩm được xây dựng trên đất ở lâu dài, điều này đã được Hiến pháp bảo hộ. Đồng thời, điều này sẽ góp phần tạo xung lực mới và góp phần hồi phục thị trường bất động sản cho các địa phương vốn đã chịu cú sốc về pháp lý và đại dịch Covid-19 suốt hơn hai năm qua.

“Việc cấp sổ đỏ cho những khách hàng đã mua căn hộ trong các dự án thuộc loại hình “đất ở không hình thành đơn vị ở” chỉ có lợi chứ không có hại.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam khẳng định: “Nếu chúng ta lại tự tạo thêm trở ngại cho mình thì việc phục hồi và phát triển kinh tế sẽ càng thêm khó khăn chồng chất. Do đó, việc gỡ bỏ những điểm nghẽn, những nút thắt về pháp lý và những bất hợp lý gây thất thoát tài nguyên, nguồn lực, để khơi thông cho dòng chảy kinh tế là hết sức cần thiết và mang tính cấp bách, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm của các bộ, ngành”.

Còn luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC cho hay, biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch (bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng) là một loại nhà ở, đúng ra phải được xây dựng trên đất ở. Việc “bắt” căn hộ du lịch phải xây dựng trên đất thương mại, dịch vụ là trái với quy định tại khoản 4, Điều 6 về “Các hành vi bị nghiêm cấm”, Luật Nhà ở năm 2014 là:

“Xây dựng nhà ở trên đất không phải là đất ở. Vì vậy, việc Khánh Hòa gọi là “đất ở không hình thành đơn vị ở” là rất hợp lý, rất đúng quy định của Luật Đất đai 2013, Luật Nhà ở 2014 và Luật Du lịch 2017″, luật sư Đức nói.

Theo luật sư Đức, nếu nói rằng, đã có đủ các quy định pháp lý về căn hộ du lịch (bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng), thì đang “đi trên mây trên gió”, nếu có thì quy định có cũng gần như không, là bỏ mặc chủ đầu tư và nhà đầu tư tranh cãi nhau bất phân thắng bại, thiệt hại cho nền kinh tế, xã hội và ngành du lịch. Do đó, Nhà nước muốn tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân đầu tư, kinh doanh, phát triển kinh tế để thu thuế thì cần nhanh chóng tháo gỡ, không tốn tiền, mà chỉ bằng cơ chế luật lệ hợp lý.

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong khẳng định, thực tiễn cho thấy sự phát triển của nền kinh tế thị trường đòi hỏi phải có sự điều chỉnh từ các bộ luật, văn bản quy phạm pháp luật để tạo sự thuận lợi trong phát triển của các địa phương, các doanh nghiệp và người dân. Chúng ta làm việc trên nguyên tắc cái gì có lợi cho người dân, lợi cho doanh nghiệp, lợi ích chung cho quốc gia thì cần ưu tiên.

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong

Đối với thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng, thực tế cho thấy đang có rất nhiều vướng mắc cản trở sự phát triển kinh tế, đây là vấn đề cần phải được thực sự quan tâm tháo gỡ càng nhanh càng tốt. Theo tôi, sửa đổi luật hay điều chỉnh bất cứ điều luật nào đều cần hướng tới sự thay đổi nhận thức, thay đổi để phát triển; buộc phải sửa đổi trên tinh thần vướng đến đâu phải gỡ đến đó.

Thuật ngữ “đất ở không hình thành đơn vị ở” dù không được quy định nhưng thực tiễn diễn ra tốt, phù hợp với thực tế, vậy tại sao chúng ta không tiếp thu và hiện thực hoá. Nên bổ sung các quy định cụ thể, chi tiết và thống nhất về khái niệm, bản chất và hình thức BĐS du lịch nghỉ dưỡng; cơ chế quản lý, sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quyền sở hữu tài sản cho người mua; các hình thức và điều kiện huy động vốn đầu tư… dựa trên việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với thực tiễn Việt Nam, TS. Phong nhấn mạnh thêm.

Trong hội thảo góp ý cho dự thảo nghị định do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức sáng 20/4 tại Hà Nội, bà Hoàng Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng cục Đất đai cho biết, dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Đất đai lần này sẽ bổ sung quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu (sổ đỏ) cho các dự án BĐS nghỉ dưỡng. Các địa phương sẽ tiến hành thẩm định kỹ tính pháp lý các dự án trước khi thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho người mua BĐS nghỉ dưỡng.

Sau khi được cấp sổ đỏ, chủ sở hữu các loại hình BĐS nghỉ dưỡng được chuyển quyền sở hữu, thực hiện các giao dịch mua bán, sang tên bình thường như các giao dịch loại hình BĐS nhà ở.

Bùi Hằng

————-

Kinh tế & Môi trường (Bất động sản xanh) 22-4-2022:

https://kinhtemoitruong.vn/thi-truong-bat-dong-san-du-lich-hoan-thien-phap-ly-de-thuc-day-phat-trien-66339.html

(253/4.753)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Truy quét hàng giả cuối năm.

Truy quét hàng giả cuối năm. (NLĐ) - Các cơ quan chức năng sẽ tập trung...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,918