3.104. Không vì những sự cố phát hành trái phiếu mà siết quá chặt, gây khó khăn cho việc huy động vốn

(CL) Theo một số chuyên gia, đừng vì vài sự cố như vừa rồi mà nghĩ trái phiếu đang có vấn đề gì đó ghê gớm về pháp lý. Nếu quá thắt chặt, nay mở, mai đóng, nay thả ra, mai giám sát thì thị trường không thể phát triển, doanh nghiệp khó huy động vốn.

Quy định càng chặt, càng siết càng sai nguyên tắc thị trường

Trước đây Bộ Tài chính đã từng nhiều lần cảnh báo trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) có dấu hiệu phát triển nóng, tiềm ẩn nguy cơ gây rủi ro cho nhà đầu tư. Các nhà đầu tư cẩn trọng, đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua TPDN.

Sau việc cơ quan chức năng xử lý sai phạm về phát hành Trái phiếu doanh nghiệp tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, nhiều doanh nghiệp khác “chùng tay” trong việc phát hành trái phiếu để huy động vốn. Ảnh minh họa.

Mới đây, với việc trái phiếu của 9 đợt chào bán trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh khiến nhiều nhà đầu tư bất an, thị trường nhiều lo lắng. Một lần nữa các ý kiến đề nghị siết chặt việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp, trái phiếu phải có tài sản bảo đảm, và phải giám sát việc sử dụng tiền trái phiếu của doanh nghiệp lại được nêu lên.

Nhưng, là một chuyên gia ở hàng đầu về lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đang là thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia TS.Lê Xuân Nghĩa cho rằng đừng vì vài sự cố vừa rồi mà nghĩ TPDN đang có vấn đề gì đó ghê gớm.

Chuyên gia này cho rằng, những vụ liên quan đến chứng khoán hay TPDN vừa xảy ra chẳng có gì là ghê gớm nếu so với các vụ việc trên thế giới.

Hơn nữa, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo thực hiện ngay các biện pháp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động thị trường tài chính, tiền tệ, chấn chỉnh và ổn định thị trường TPDN. Thông điệp của Chính phủ rất rõ ràng, là củng cố hệ thống thể chế pháp luật theo hướng minh bạch, bảo vệ các nhà đầu tư, tránh những rủi ro như những chuyện vừa rồi.

Cũng cùng góc nhìn, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam VIAC cho rằng cái gốc quản trị rủi ro không nằm ở quy định phải thắt chặt mà phải ở nhận thức và cách ứng xử và hành vi của các chủ thể tham gia thị trường…

“Thị trường bị ảnh hưởng là do cách hành xử, là do tâm lý. Những vụ việc vừa rồi lời cảnh tỉnh nhưng nhà đầu tư đừng hoang mang, khung pháp luật và quy định đã khá đầy đủ. Quan trọng vẫn là nhận thức và hành vi của các chủ thể tham gia thị trường”, luật sư Đức nói.

Theo ông Đức, để thị trường ổn định, lành mạnh, minh bạch, an toàn, quan trọng là phải sớm cảnh báo, phát hiện sớm các sai phạm, phải có chế tài thật mạnh, phạt thật nặng để răn đe và ngăn chặn sai phạm. Theo ông, quy định hiện nay đã khá chặt chẽ, nhưng mức phạt chưa đủ để sợ không dám vi phạm.

“Các doanh nghiệp muốn phát hành chứng khoán ra công chúng phải trải qua quá trình thẩm định, cấp phép của cơ quan quản lý bởi nó ảnh hưởng đến lợi ích của số đông, nhưng với trái phiếu riêng lẻ thì quy định càng chặt, càng siết sẽ càng sai nguyên tắc thị trường”, theo Luật sư Đức.

Luật không hạn chế các cá nhân, doanh nghiệp vay vốn từ bạn bè, từ ngân hàng, từ các tổ chức, cá nhân để phát triển kinh doanh, nên việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ không thể bị quản bằng thẩm định, cấp phép như cách mà nhiều người nêu lên.

Đồng thời cũng không thể giám sát dòng vốn huy động từ kênh trái phiếu được doanh nghiệp sử dụng ra sao.

Cần nhìn thoáng hơn về TPDN

Cũng cùng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa, cho rằng đừng vì vài sự cố vừa rồi mà nghĩ trái phiếu đang có vấn đề gì đó ghê gớm và nếu cứ loay hoay với việc giám sát sử dụng vốn và căn ke về tài sản bảo đảm thì sẽ bị sa lầy.

“Đố ai giám sát được” là lời vị chuyên gia này nói khi đề cập đến “yêu cầu giám sát vấn đề sử dụng tiền phát hành trái phiếu của doanh nghiệp”.

“Các ngân hàng luôn kiểm soát rất chặt chẽ dòng vốn cho vay như giải ngân theo tiến độ dự án… thậm chí cử cả nhân viên tới “ngồi cạnh kế toán doanh nghiệp” nhưng cũng không thể kiểm soát hết được huống chi TPDN có cả triệu người mua, ai là người giám sát được. Thông lệ quốc tế cũng không đặt vấn đề từ trái phiếu đó được sử dụng thế nào”, TS.Lê Xuân Nghĩa nói.

Với vấn đề tài sản bảo đảm của trái phiếu và quyền lợi của nhà đầu tư, TS.Lê Xuân Nghĩa cho rằng “tài sản bảo đảm không ý nghĩa với nhà đầu tư cá nhân”. Xử lý tài sản bảo đảm của trái phiếu là vấn đề hết sức phức tạp.

“Tài sản thế chấp là của doanh nghiệp – của tổ chức. Người mua là cá nhân. Không thể xử lý tài sản của tổ chức cho cá nhân được. Và nếu mọi trái phiếu phát hành phải có tài sản bảo đảm thì làm sao có được doanh nghiệp khởi nghiệp, làm sao doanh nghiệp khởi nghiệp huy động được vốn để phát triển”, ông Nghĩa nói.

TS.Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh, để thị trường trái phiếu phát triển và phát triển lành mạnh, phải thực hiện như Chính phủ đã chỉ đạo bên cạnh đó, phải đẩy mạnh việc sử dụng các biện pháp giám sát khác như đẩy mạnh việc xếp hạng tín nhiệm.

“Cần có cái nhìn thoáng hơn về TPDN. Nếu thị trường này phát triển èo uột trong khuôn khổ pháp lý chật hẹp, quá thắt chặt, lại nay mở, mai đóng, nay thả ra, mai tăng giám sát, kỳ hạn thì ngắn, lãi suất lại cao thì doanh nghiệp khó có thể tiếp cận được nguồn vốn để phát triển, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp sản xuất”, ông Nghĩa nói.

Thế giới có cách tiếp cận trái phiếu hoàn toàn khác. Với họ trái phiếu của doanh nghiệp chỉ phát hành được khi có được chứng chỉ xếp hạng của công ty xếp hạn có uy tín. Để được xếp hạng A, doanh nghiệp phải trải qua vô số tiêu chí, từng tiêu chí đó tính toán rất cẩn thận, rất kỹ.

Đẩy nhanh việc xếp hạng tín nhiệm là giải pháp quan trọng làm nền tảng cho phát triển thị trường trái phiếu. Việt Nam đã có 2 công ty xếp hạng tín nhiệm nhưng đang hoạt động hạn chế. Nên chăng Chính phủ cho phép các công ty xếp hạng tín nhiệm Việt Nam liên doanh với các công ty quốc tế để tăng năng lực.

Hà Nguyễn

—————

Công luận (Kinh tế) 22-4-2022:

https://congluan.vn/khong-vi-nhung-su-co-phat-hanh-trai-phieu-ma-siet-qua-chat-gay-kho-khan-cho-viec-huy-dong-von-post191133.html

(324/1.301)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,468