(TBTC) – Ngân hàng Nhà nước đang muốn lùi lộ trình “siết” tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 6 tháng đến 1 năm. Đề xuất này đã thu hút sự quan tâm, góp ý cụ thể của một số chuyên gia uy tín trong lĩnh vực ngân hàng.
Do áp lực của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh, lượng tiền gửi của khách hàng tại các ngân hàng dự kiến sẽ còn giảm.
Đề xuất lùi thời hạn 6 tháng đến 1 năm
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2020/TT-NHNN về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng (Thông tư 22). Theo đó, dự thảo đề xuất 2 phương án lùi thời hạn “giảm” tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn thêm 6 tháng hoặc 12 tháng, so với quy định tại Thông tư 22.
Cụ thể, phương án 1, lùi thời hạn áp dụng tỷ lệ này thêm 6 tháng, như sau: từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 31/3/2021 là 40%; từ 1/4/2021 đến hết ngày 31/3/2022 là 37%; từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/3/2023 là 34% và từ ngày 1/4/2023 là 30%.
Phương án 2 là lùi thời hạn áp dụng tỷ lệ này thêm 1 năm, như sau: từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 30/9/2021 là 40%; từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022 là 37%; từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 30/9/2023 là 34% và từ ngày 1/10/2023 là 30%.
Theo quy định tại Thông tư số 22/2020/TT-NHNN, các tổ chức tín dụng phải đưa tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn về mức 40% trong khoảng thời gian từ 1/1/2020 đến 30/9/2020 và về mức 37% từ 1/10/2020. Tỷ lệ này tiếp tục được kéo giảm theo lộ trình và đến 1/10/2022 tỷ lệ này chỉ còn 30%.
Theo NHNN, lý do cơ quan này đưa ra đề xuất lùi thời gian áp dụng “siết” tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn là bởi, trong bối cảnh hiện nay, để giảm chi phí vốn và triển khai lãi suất ưu đãi cho khách hàng, các ngân hàng cần tiếp tục duy trì tỷ trọng nguồn vốn ngắn hạn trong cơ cấu huy động vốn. Do vậy, việc giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn từ mức 40% về 37% kể từ ngày 1/10/2020 theo lộ trình tại Thông tư 22 có thể dẫn đến phương án cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, do áp lực của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh, lượng tiền gửi của khách hàng tại các ngân hàng dự kiến sẽ còn giảm. Do đó, để đảm bảo thực hiện các chính sách ưu đãi lãi suất, duy trì dư nợ trung dài hạn ổn định cho khách hàng, NHNN thấy rằng, có thể xem xét lùi lộ trình áp dụng tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn từ 6 tháng đến 1 năm.
“Việc xem xét lùi lộ trình đối với tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn là cần thiết, để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng hỗ trợ tốt hơn cho khách hàng vay vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19” – thuyết minh dự thảo thông tư của NHNN nêu.
Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn vẫn đang ở mức cao
Đưa ra quan điểm về đề xuất này của NHNN, luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, không nên lùi thời hạn “giảm tỷ lệ” vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, bởi 3 lý do. Thứ nhất, hiện nay, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 40% vẫn đang là quá cao. “Ở nước ta, mấy năm trước đây tỷ lệ này cao “ngất ngưởng” lên đến 60%, rồi giảm dần còn 45% và hiện nay đang là 40%. Việc tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn còn cao sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hệ thống các tổ chức tín dụng, đe dọa đến sự an toàn của các ngân hàng. Theo thông lệ quốc tế, tỷ lệ này thường chỉ trong khoảng 10 – 20%. Do đó, cần thực hiện giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung, dài hạn theo đúng lộ trình đã được quy định tại Thông tư 22” – ông Đức nói.
Thứ hai, việc đề xuất lùi thời hạn thực hiện lộ trình “siết” vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn có thể sẽ gây hiệu ứng không tốt về việc ban hành và thực thi quy định pháp luật. “Khi quy định đã ban hành nhưng không được thực thi đúng thời hạn mà lại đề xuất thay đổi, có thể sẽ tạo nên tình trạng “nhờn” luật. Các chủ thể sẽ không có ý thức tuân thủ đúng quy định đã ban hành. Do đó, cần hạn chế việc thay đổi thời hạn áp dụng các quy định đã ban hành, việc lùi thời hạn chỉ nên xem xét trong trường hợp thật sự cần thiết” – ông Đức nói.
Hơn nữa, theo ông Đức, quy định về lộ trình giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đã được nghiên cứu từ rất lâu rồi, cũng như đã “cân đo đong đếm” về thời gian áp dụng hợp lý. Do đó đến thời điểm này các ngân hàng cũng đã phải chuẩn bị sẵn sàng cho việc áp dụng quy định này, chứ không phải quy định mới được nghiên cứu, vì thế cần thực hiện theo đúng quy định đã ban hành.
Đồng quan điểm trên, chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, không nên lùi thời hạn thực hiện lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Bên cạnh những nguyên nhân như ông Trương Thanh Đức chỉ ra, ông Hiếu chia sẻ thêm lý do: Hiện thanh khoản của các ngân hàng đang rất dồi dào, thể hiện ở mức tăng trưởng tín dụng khá thấp trong khi tăng trưởng vốn huy động cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng. Mặt khác, nếu không “siết” tỷ lệ này trong bối cảnh lãi suất đang có xu hướng giảm và các hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn còn khó khăn, thì có thể dòng vốn có thể sẽ chảy vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán…, từ đó sẽ có nguy cơ làm gia tăng nợ xấu và hình thành “bong bóng” giá tài sản, ảnh hưởng đến toàn hệ thống ngân hàng cũng như nền kinh tế…
Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng, nếu “chiếu cố” xem xét đến yếu tố dịch bệnh khiến ngân hàng gặp những khó khăn nhất định trong bối cảnh hiện nay, thì có thể xem xét lùi thời hạn thực hiện lộ trình giảm tỷ lệ trên, song nếu lùi lộ trình này chỉ nên lùi với thời hạn 6 tháng chứ không nên lùi 1 năm. “Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng phần nào đến “sức khỏe” tài chính của các ngân hàng. Vì vậy, việc các ngân hàng giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn cũng chính là cách để các ngân hàng giảm bớt những rủi ro có thể gặp phải trong hoạt động tín dụng, trong bối cảnh các khách hàng cũng đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh và ảnh hưởng đến khả năng trả nợ trong tương lai” – ông Hiếu nhấn mạnh.
Đề xuất 2 phương án lùi thời hạn Phương án 1, lùi thời hạn áp dụng tỷ lệ này thêm 6 tháng, như sau: từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 31/3/2021 là 40%; từ 1/4/2021 đến hết ngày 31/3/2022 là 37%; từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/3/2023 là 34% và từ ngày 1/4/2023 là 30%. Phương án 2 là lùi thời hạn áp dụng tỷ lệ này thêm 1 năm, như sau: từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 30/9/2021 là 40%; từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022 là 37%; từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 30/9/2023 là 34% và từ ngày 1/10/2023 là 30%. |
Diệu Thiện
————–
Thời báo Tài chính (Tiền tệ – Bảo hiểm) 16-8-2020:
(401/1.482)