3.112. Cổ tức, tín dụng bất động sản và trái phiếu “hun nóng” mùa ĐHĐCĐ ngân hàng

(ĐT) – Tuần qua, hàng loạt ngân hàng TMCP tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 với tâm điểm là câu chuyện cổ tức và nỗi lo tín dụng trái phiếu, bất động sản.

Chủ tịch Techcombank: Không chia cổ tức cũng vì lợi ích cổ đông

Sáng 23/4, Techcombank tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2022. Hàng chục cổ đông đã đặt câu hỏi chất vấn lãnh đạo Techcombank tại ĐHĐCĐ sáng nay, chủ yếu bày tỏ bức xúc về cổ tức cũng như nỗi lo lắng về tín dụng bất động sản, trái phiếu.

Sau các bài trình bày lợi nhuận ấn tượng của lãnh đạo Techcombank, nhiều cổ đông đặt câu hỏi, tại sao kết quả kinh doanh của ngân hàng “đẹp như mơ” mà ngân hàng lại không chia cổ tức.

“Không biết Techcombank muốn mơ đến đâu, và trong giấc mơ đó có nghĩ đến lợi ích cổ đông không”, một cổ đông đặt câu hỏi.

Với lợi nhuận giữ lại chưa phân bổ lên tới hơn 40.000 tỷ đồng, cổ đông cho rằng, Techcombank nên chia cổ tức bằng cổ phiếu, tăng vốn để mở rộng dư địa tăng trưởng trong tương lai. Suốt 11 năm qua (tính cả năm nay), năm 2018 là năm duy nhất Techcombank chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông trước thềm niêm yết lên sàn HoSE.

Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh cho rằng, chia hay không chia phụ thuộc vào chiến lược phát triển của ngân hàng.

“Tất cả đều mang lại lợi ích cho cổ đông. Phát hành ra bên ngoài cũng mang lại lợi nhuận cho cổ đông. Quan trọng là bền vững. Cổ phiếu không lên được nhưng bền và kháng cự tốt. Cả thị trường hiểu đó là giá trị thật”- ông Hùng Anh nói.

Trên thị trường, cổ phiếu TCB của Techcombank đã giảm 13,4% kể từ đầu năm và giảm hơn 18% kể từ giữa tháng 2/2022.

Tiếp đó, lãnh đạo Techcombank chia sẻ ngân hàng có nợ xấu thấp, chi phí huy động vốn, thu nhập từ mảng dịch vụ tăng trưởng tốt và cho biết đang sở hữu nền tảng vốn mạnh mẽ, thanh khoản dẫn đầu thị trường.

Bên cạnh câu chuyện cổ tức, nhiều cổ đông cũng tỏ ra băn khoăn với chất lượng cho vay bất động sản của ngân hàng khi Techcobank có tỷ trọng cho vay bất động sản cao nhất hệ thống và vừa phải “phanh” mảng này.

Lãnh đạo Techcombank khẳng định, ngân hàng “không có một vấn đề gì với cho vay bất động sản” trong 5 năm qua và cho rằng, thời gian qua, các động thái của cơ quan chức năng về việc thanh lọc thị trường tài chính, bất động sản là cần thiết để minh bạch thị trường.

“Cách chúng tôi quản trị rủi ro với tín dụng bất động sản hay trái phiếu DN là rất đáng tin cậy. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều cuộc làm việc, kiểm toán, thanh kiểm tra Techcombank về lĩnh vực này nhưng không phát hiện sai phạm về vấn đề này. Chúng tôi khẳng định, 5 năm qua, Techcombank không có vấn đề gì với cho vay bất động sản”- ông Jens Lottner- CEO Techcombank nhấn mạnh.

Hiện Techcombank là ngân hàng nắm giữ khối lượng TPDN lớn nhất hệ thống với hơn 62.000 tỷ đồng cuối năm 2021.

Tuy vậy, trả lời tới những quan ngại của cổ đông, lãnh đạo Techcombank khăng định hoàn toàn tự tin với mục tiêu phát hành trái phiếu của doanh nghiệp. Đối với ngân hàng, việc thẩm định trái phiếu cũng như thẩm định một khoản vay trung và dài hạn, thẩm định nguồn và khả năng trả nợ rất chặt chẽ. Các Dự án Techcombank đầu tư đều thuộc các chủ DN uu tín.

Theo Techcombank, việc Chính phủ siết thị trường TPDN gần dây sẽ làm lành mạnh thị trường, tạo cơ hội cho các DN và tổ chức làm việc 1 cách chỉn chu.

Tháng 4/2022, OCB sẽ thu hồi 1.200 -1.500 tỷ đồng từ khoản nợ của nhóm FLC

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 của OCB tuần qua, ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc OCB cho hay, FLC có các dự án bất động sản và OCB phát triển khách hàng bán lẻ như liên kết với các chủ đầu tư dự án, với tổng dư nợ khoảng 1.800 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong năm qua, OCB cũng cho vay một số nhà đầu tư bất động sản khác như: Nam Kim, Khang Điền, Nam Long…

Các dự án của FLC đang quá trình triển khai các dự án tại Quảng Ninh và OCB cho vay dựa trên dự án đã hình thành. Ngoài việc kiểm soát mục đích sử dụng vốn thì để cho vay OCB cũng phải đòi hỏi có tài sản đảm bảo.

Các dự án bất động sản cho vay cũng đều có sổ chứng nhận quyền sử dụng đất của chủ đầu tư. Tài sản đảm bảo khoản vay của FLC mà OCB đang nắm giữ có giá trị lên trên 2.000 tỷ đồng, cao hơn so với khoản vốn OCB cho Tập đoàn này vay.

Trước và sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt thì tập đoàn này đều có lịch sử trả nợ rất tốt và nguồn trả nợ (việc bán sản phẩm từ các dự án) của FLC sẽ đảm bảo khả năng trả khoản nợ cho OCB, đó là chưa nói đến tài sản đảm bảo.

Ngoài FLC, thì OCB cũng cho Bamboo Aways vay khoảng 1.000 tỷ đồng và tài sản đảm bảo cũng là bất động sản, cổ phiếu.Tuy nhiên, khoản vay này được OCB đánh giá cao về nguồn tiền trả nợ cũng như khả năng thanh toán nợ của khách hàng.

Đến thời điểm này, OCB đã thu hồi nợ được khoảng 1.200 – 1.500 tỷ đồng dư nợ của nhóm khách hàng FLC và sẽ đảm bảo thu hồi được khoản nợ này trong thời gian tới. Tập đoàn FLC cũng đang trong quá trình xử lý các khoản nợ liên quan đến các ngân hàng.

Bên cạnh đó, OCB cũng cho dự án Đại Nam vay. Tổng giám đốc OCB cho biết, khoản vay của OCB cấp cho Đại Nam đều có tài sản đảm bảo và ngày 22/4 khách hàng này đã trả nợ cho Ngân hàng khoảng 450 tỷ đồng.

Đại Nam cũng đã làm việc với OCB và đang trong quá trình trả nợ theo tiến độ cho ngân hàng nên OCB cũng không quá lo ngại trong việc thu hồi nợ khoản nợ này.

 Chủ tịch SHB: “Các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của SHB là an toàn tuyệt đối”

Tại ĐHĐCĐ diễn ra tuần qua, lãnh đạo SHB đã trả lời cổ đông về tín dụng trái phiếu, bất động sản. Ông Võ Đức Tiến, Phó chủ tịch HĐQT kiêm phụ trách điều hành SHB cho hay, hiện dư nợ cho vay bất động sản của ngân hàng chiếm 6,75% trên tổng dư nợ. Lượng trái phiếu doanh nghiệp mà ngân hàng nắm giữ tại thời điểm cuối năm 2021 là 6.600 tỷ đồng trong đó có 4.100 tỷ đồng là trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản.

“Đây đều là những trái phiếu của các doanh nghiệp, dự án có tài chính và thanh khoản tốt. Tôi khẳng định các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của SHB là an toàn tuyệt đối và thanh khoản cao”, Chủ tịch Đỗ Quang Hiển khẳng định thêm.

Năm nay, SHB đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận rất cao (tăng trưởng 87%), trước băn khoăn của cổ đông về tính khả thi của con số này, Chủ tịch SHB cho hay, khi đặt kế hoạch kinh doanh, SHB đã phải tính toán đến các căn cứ cơ sở và dựa trên các phương pháp tính toán hợp lý để đưa ra được một con số cuối cùng. Trong chiến lược phát triển của SHB có tư vấn BCG, IFC… đồng hành với mục tiêu phát triển tệp khách hàng hệ sinh thái, chuỗi cung ứng.

Ông Tiến cho hay, lợi nhuận quý I/2022 của SHB đạt 3.226 tỷ đồng, bằng khoảng 30% con số kế hoạch lợi nhuận cả năm của ngân hàng. Năm 2021, SHB trích lập hơn 4.700 tỷ đồng để xử lý nợ VAMC, năm nay, SHB dự kiến trích lập 4.700 tỷ đồng, giảm hơn 3.000 tỷ so với năm 2021, do đó, khả năng đạt được con số lợi nhuận là khả thi

Ông Đỗ Quang Hiển cho biết, mục tiêu của SHB là nhấn mạnh về hiệu quả với vị trí Top 3 về lợi nhuận trong nhóm ngân hàng tư nhân.

Năm nay, SHB trình cổ đông thông qua phương án bán tối đa 20% vốn cho đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, Chủ tịch SHB cho biết, rất khó để nói về xác xuất thành công của thương vụ.

“Xác suất thành công là 50:50, có thể thành công hoặc không”, ông Hiển nói.

Trong phương án bán vốn cho đối tác ngoại có nêu giá bán cho cổ đông chiến lược không thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu trong khi với phương án chào bán năm nay giá dự kiến đã là 12.500 đồng/cổ phiếu. Cổ đông đềnghị ban lãnh đạo ngân hàng xem xét lại mức giá bán cho cổ đông chiến lược là giá trung bình 30 phiên liên tiếp để tránh thiệt hại cho cổ đông.

Về vấn đề này, ông Hiển cho biết, giá bán cho cổ đông chiến lược nước ngoài theo tờ trình đang là đề xuất khiêm tốn. Ban lãnh đạo ngân hàng sẽ đàm phán trên cơ sở đối tác có uy tín, có thương hiệu giúp SHB quản trị điều hành và phát triển.

“Ban điều hành SHB  đang đàm phán với một số đối tác trên tinh thần là họ tham gia vào quản trị điều hành với SHB một cách công khai minh bạch, lâu dài. Về giá, chúng tôi sẽ đàm phán mức giá cao nhất có lợi cho SHB và cổ đông”, ông Hiển khẳng định.

Năm nay, SHB đặt mục tiêu tăng vốn 35% thông qua chia cổ tức 15% bằng cổ phiếu và thực hiện quyền mua cổ phiếu ưu đãi tỷ lệ 20%. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán điều chỉnh mạnh, việc chia mạnh cổ tức bằng cổ phiếu khiến nhiều cổ đông không vui.

Về vấn đề này, Chủ tịch SHB khẳng định: “Cổ đông là những người chủ của ngân hàng. Chúng ta phải hướng đến nâng cao sức khoẻ, năng lực tài chính cho ngân hàng. Do đó, vẫn cần tăng vốn để đảm bảo chuẩn mực quốc tế, an toàn, bền vững.

Đúng là giá cổ phiếu có xuống thời gian gần đây. Giá trên thị trường sẽ có lên có xuống. Tuy nhiên, cổ đông có thể phân tích sẽ thấy giá trị cao hơn thị giá thời điểm hiện tại. Chúng ta nên có niềm tin và sự phân tích để đầu tư cổ phiếu có giá trị, bền vững”, Chủ tịch SHB trấn an nhà đầu tư.

Tín dụng bán lẻ tăng mạnh, lợi nhuận quý I/2022 của LienVietPostBank tăng 62%

Ngân hàng TMCP Liên Việt (LienVietPostBank; HOSE: LPB) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2022 với lợi nhuận trước thuế tăng 62% so với cùng kỳ, đạt hơn 1.795 tỷ đồng.

Tổng thu nhập hoạt động quý I/2022 của Ngân hàng đạt 3.260 tỷ đồng, tăng gần 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thu nhập thuần từ lãi tăng trưởng 40% so với cùng kỳ do quy mô cho vay bán lẻ, thu hồi lãi của các khoản vay cơ cấu Covdi-19 do khách hàng đã khôi phục được hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh đó, phía ngân hàng cho biết đã linh hoạt cân đối nguồn vốn để phù hợp với tốc độ tăng tín dụng do vậy tối ưu được hiệu quả sử dụng nguồn.

Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng 34,4%, đạt 217,4 tỷ đồng nhờ các dịch vụ như bảo hiểm, thẻ, ngân hàng số.

Tăng trưởng mạnh nhất là hoạt động khác (chủ yếu là xử lý, thu hồi nợ xấu) với mưức tăng tới 2.112% (tăng 22 lần).

Tổng thu nhập hoạt động tăng mạnh trong khi chi phí kiểm soát tốt, chỉ tăng hơn 12% nên mặc dù ngân hàng đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro (tăng 48% lên 311 tỷ đồng) song lợi nhuận trước thuế và sau thuế đều tăng 62%.

Tính đến 31/3/2022, tổng tài sản của ngân hàng giảm 1,5% so với cùng kỳ xuống còn 284.918 tỷ đồng. Trong đó cho vay khách hàng giảm nhẹ 0,6%, dự phòng rủi ro cho vay tăng 9,7%. Huy động tiền gửi từ khách hàng giảm mạnh 35,8% so với đầu năm, đạt 177.460 tỷ đồng do ngân hàng tối ưu hóa tỷ lệ cho vay/huy động.

Năm 2021, lợi nhuận trước thuế của LienVietPostBank đạt trên 3.600 tỷ đồng – mức cao kỷ lục trong 13 năm hoạt động của ngân hang, chủ yều nhờ sự bứt phát của tín dụng bán lẻ và bảo hiểm nhân thọ.

Dư nợ vay ký quỹ vượt trần, chuyên gia cảnh báo rủi ro

Trong khi dư nợ cho vay lĩnh vực chứng khoán của một số ngân hàng TMCP đã chạm trần, thì dư nợ cho vay ký quỹ của không ít công ty chứng khoán đã vượt trần, gây nhiều hệ lụy.

Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có chứng khoán, không phải là chủ trương mới của Ngân hàng Nhà nước, mà đã thực hiện nhiều năm gần đây. Đầu tháng này, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có gửi văn bản đến các ngân hàng thương mại, nhắc nhở lại nội dung tương tự.

Được biết, hiện tổng dư nợ cho vay chứng khoán của các ngân hàng thương mại nằm trong khoảng 450.000 – 460.000 tỷ đồng, tương đương 0,46 – 0,47% tổng dư nợ, tương ứng với khoảng 5% vốn điều lệ của hệ thống ngân hàng, tức đang ở ngưỡng cho phép.

 

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV cho hay, lượng cho vay chứng khoán của ngân hàng thương mại luôn bị Ngân hàng Nhà nước kiểm soát bằng hạn mức cụ thể. Theo Thông tư 22/20219/TT-NHNN, hạn mức cho vay cổ phiếu, trái phiếu của các ngân hàng không được quá 5% vốn điều lệ.

Trên thị trường tuần qua đã có lúc xuất hiện tin đồn Ngân hàng Nhà nước yêu cầu ngân hàng thương mại ngừng cấp tín dụng cho công ty chứng khoán. Tuy đây là thông tin thất thiệt, song theo nguồn tin của Báo Đầu tư, thời gian qua, một số ngân hàng đã có thời điểm vượt trần cho vay chứng khoán và đã phải “giảm bớt” vào cuối kỳ báo cáo với Ngân hàng Nhà nước.

Tuy vậy, kiểm soát chặt tín dụng chứng khoán không phải là nguyên nhân chính khiến thị trường chứng khoán lao dốc.

“Thị trường chứng khoán phản ứng tiêu cực gần đây về cơ bản là do tâm lý của nhà đầu tư. Hơn nữa, năm ngoái, thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, nên năm nay, thị trường sẽ có lúc phải điều chỉnh theo hướng phù hợp và thực chất hơn”, TS. Cấn Văn Lực cho biết.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư của Maybank Investment cho rằng, VN-Index sụt giảm gần đây là do chứng khoán Mỹ cũng đang trải qua giai đoạn điều chỉnh mạnh, ngân hàng trung ương toàn cầu thắt chặt hơn chính sách tiền tệ. Bên cạnh đó, trên thế giới, dòng tiền có xu hướng chuyển từ kênh đầu tư rủi ro như chứng khoán sang các kênh đầu tư an toàn hơn như tiết kiệm, bảo hiểm, trái phiếu, vàng…

Thị trường Việt Nam cũng đang trong xu hướng tương tự khi tiền gửi vào ngân hàng có xu hướng tăng, trong khi nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng. Sự suy yếu của dòng tiền chính là nguyên nhân khiến chứng khoán hụt hơi. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang hướng dòng tiền quay lại sản xuất – kinh doanh, giúp nền kinh tế duy trì phục hồi, thay vì chảy vào các kênh đầu tư. Chính vì vậy, theo ông Khánh, về ngắn hạn, xu hướng dòng tiền chưa thể thay đổi.

Theo ước tính của Công ty Chứng khoán VNDirect, quy mô dư nợ cho vay ký quỹ toàn thị trường đang ghi nhận ở mức kỷ lục 230.000 tỷ đồng, tương đương 10 tỷ USD. Như vậy, quy mô cho vay ký quỹ của các công ty chứng khoán đã gần bằng một nửa dư nợ cho vay chứng khoán của các ngân hàng.

Hiện nay, tổng số tài khoản nhà đầu tư trong nước mới chiếm xấp xỉ 5% dân số và dự báo còn tăng mạnh thời gian tới. Thêm vào đó, các công ty chứng khoán đang rầm rộ tăng vốn. Vì vậy, dự báo dư nợ cho vay ký quỹ của khối công ty chứng khoán sẽ còn tăng mạnh thời gian tới.

Hiện tại, dư nợ cho vay ký quỹ mới chiếm 3% vốn hóa của toàn thị trường – con số không lớn. Tuy vậy, cho vay ký quỹ tăng quá nhanh và chất lượng danh mục cho vay ký quỹ của nhiều công ty chứng khoán có vấn đề đang gây nhiều lo ngại.

Theo GS-TS Phạm Hồng Chương và PGS-TS Tô Trung Thành (Trường đại học Kinh tế quốc dân) cho vay ký quỹ đang tiềm ẩn rủi ro lớn cho các công ty chứng khoán, nếu hoạt động quản trị rủi ro không tốt.

Báo cáo của các giáo sư này cho biết, tỷ trọng cho vay ký quỹ tăng lên 50% tổng tài sản của các công ty chứng khoán trong năm 2021; tỷ lệ nợ vay ký quỹ/vốn chủ sở hữu luôn duy trì ở mức cao trên 55% và đến năm 2021 tăng lên hơn 129%.

“Việc đầu tư này khiến rủi ro về ‘bong bóng’ của thị trường ngày càng rõ rệt hơn, có thể tác động đến tính ổn định của toàn thị trường”, báo cáo trên viết.

Thực tế, thị trường chứng khoán chao đảo tuần qua một phần do các công ty chứng khoán thực hiện lệnh bán giải chấp.

Lãnh đạo một công ty chứng khoán cho hay: “Theo quy định hiện hành, tỷ lệ cho nhà đầu tư vay ký quỹ không được cao hơn 50%. Tuy nhiên, vừa rồi, một số công ty chứng khoán cho vay lên tới 80%, sau đó phải siết giảm tỷ lệ này, cộng thêm giá cổ phiếu giảm sâu, nên lệnh dừng ký quỹ liên tiếp xảy ra”.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Vũ Long, quyền Tổng giám đốc VNDirect cho hay, theo quy định hiện hành, dư nợ cho vay ký quỹ không vượt quá hai lần vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán. Tuy vậy, để đánh giá mức độ an toàn trong hoạt động cho vay ký quỹ, cần nhìn vào chính sách quản trị rủi ro của từng công ty chứng khoán.

“Dù quy mô dư nợ cho vay thấp, song danh mục cho vay có chất lượng thấp, hoặc rủi ro tập trung cao (tập trung vào một nhóm cổ phiếu, hoặc nhóm cá nhân…), thì mức độ rủi ro chung cũng sẽ khá lớn”, ông Long cho hay.

Trên thực tế, thời gian qua, bên cạnh một số công ty chứng khoán quản trị rủi ro cho vay ký quỹ tốt, thì vẫn nhiều công ty chứng khoán cho vay ký quỹ quá nhiều cổ phiếu đầu cơ, dẫn tới lệnh dừng ký quỹ và bán giải chấp diễn ra ồ ạt khi nhóm cổ phiếu này lao dốc.

Theo các công ty chứng khoán, lệnh dừng ký quỹ không chỉ là biện pháp quản trị rủi ro của công ty chứng khoán, mà còn là công cụ hỗ trợ các nhà đầu tư ngăn ngừa tổn thất lớn hơn và quản lý rủi ro. Tuy vậy, thực tế, nhiều thời điểm, lệnh dừng ký quỹ và bán giải chấp cổ phiếu như “đổ dầu vào lửa”, khiến thị trường thêm khủng hoảng.

Trái phiếu doanh nghiệp không có lỗi

Vụ việc Tân Hoàng Minh sẽ làm nhiều chủ thể thị trường phải nhìn lại mình và hệ thống pháp luật để bảo đảm tính tuân thủ

Vụ việc Tân Hoàng Minh sẽ làm nhiều chủ thể thị trường phải nhìn lại mình và hệ thống pháp luật để bảo đảm tính tuân thủ.

Trái phiếu doanh nghiệp không có lỗi khi có một số doanh nghiệp có hành vi vi phạm. Doanh nghiệp nào vi phạm, sẽ phải bị xử lý nghiêm minh, có thể tăng nặng mức xử phạt, nhưng không thể vì thế mà làm khó kênh phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI đã chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư liên quan đến những tác động mà ông đánh giá là rất tiêu cực từ quan điểm sẽ siết hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Theo luật sư Đức, cho tới thời điểm này, chính xác là từ năm 2020, cơ sở pháp lý cho trái phiếu doanh nghiệp đã khá đầy đủ, thậm chí là khá chặt chẽ với nhiều giới hạn.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa thừa nhận, có thể những tác động tới thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, tới hoạt động của doanh nghiệp đang tiêu cực hơn nhiều so với suy nghĩ của nhiều cơ quan quản lý nhà nước, nếu việc xử lý các sai phạm của doanh nghiệp không được cân nhắc theo nguyên tắc ổn định hệ thống ngân hàng, bảo đảm hoạt động bình thường của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp quy mô lớn.

Bên cạnh các điều kiện về bảo đảm tỷ lệ an toàn tài chính của doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp quy định không chào bán trái phiếu doanh nghiệp thông qua phương tiện thông tin đại chúng, chỉ chào bán cho ít hơn 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, hoặc chỉ chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Luật Chứng khoán cũng giới hạn đối tượng tham gia đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ chỉ gồm các nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; các đợt chào bán phải cách nhau ít nhất 6 tháng và việc chuyển nhượng trái phiếu bị giới hạn trong 1 – 3 năm…

Trách nhiệm của các đối tượng liên quan đến các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng khá rõ. Đại diện trái chủ phải giám sát việc thực hiện các cam kết của doanh nghiệp phát hành theo thỏa thuận (nếu có). Công ty phát hành sẽ quản lý, sử dụng vốn đúng phương án phát hành. Sở Giao dịch chứng khoán giám sát việc giao dịch tại Sở và việc thực hiện chế độ công bố thông tin, báo cáo đối với doanh nghiệp phát hành. Chủ sở hữu doanh nghiệp giám sát việc huy động, sử dụng vốn phát hành trái phiếu, thanh toán lãi, gốc trái phiếu.

Các nội dung trên được quy định rõ tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

“Nhiều người nói rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp gây ra rủi ro, cần phải thắt chặt hơn. Quan điểm của tôi là, hoàn thiện hệ thống pháp lý không có nghĩa là thắt chặt hơn, mà cần đảm bảo thông tin đến được thị trường một cách công khai, minh bạch, chính xác. Khi đó, điều kiện không chào bán trái phiếu doanh nghiệp thông qua phương tiện thông tin đại chúng có phù hợp với yêu cầu về công khai, minh bạch thông tin của doanh nghiệp phát hành không?”, luật sư Trương Thanh Đức thẳng thắn nêu vấn đề.

Theo đó, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, cần ứng xử với các hành vi vi phạm nghiêm minh, không để tái diễn tình trạng có vi phạm, nhưng không bị xử lý, gây mất niềm tin của nhà đầu tư với thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

“Rất có thể, vụ việc Tân Hoàng Minh và quyết định hủy bỏ 9 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ làm nhiều chủ thể thị trường, gồm cả nhà đầu tư, doanh nghiệp phát hành và cơ quan quản lý phải nhìn lại mình, nhìn lại hệ thống pháp luật để bảo đảm tính tuân thủ. Thị trường trái phiếu là thị trường có rủi ro với những người không có đủ năng lực. Nhiều người sẽ phải trả học phí để nâng cao năng lực của mình, nhưng phí đó là cần thiết cho sự phát triển dài hạn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp”, luật sư Trương Thanh Đức bày tỏ quan điểm.

  1. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế chia sẻ quan điểm, giai đoạn đầu của thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể sẽ có những “hỗn loạn” nhất định, cũng như sự xuất hiện ào ạt của các F0 (nhà đầu tư chứng khoán mới trên thị trường) thường mang lại cảm giác đáng lo ngại, nhưng chính họ tạo nên xung lực cho thị trường.

“Vấn đề là sự bình tĩnh để ứng phó, không thể vì một vài sự cố mà cho rằng thị trường này có vấn đề pháp lý. Điều quan trọng là cần xác định rõ, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu phải là kênh huy động chính của doanh nghiệp”, TS. Nghĩa nói.

Thực tế, doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang “sống” nhờ vốn vay ngân hàng, với tỷ lệ khoảng 80%, bất kể đó là vốn lưu động hay vốn dài hạn. TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, đây là biểu hiện của một thị trường tài chính kém phát triển.

Ở các nền kinh tế phát triển, như châu Âu, vốn cho doanh nghiệp vay chỉ chiếm khoảng 20% tổng vốn tín dụng của ngân hàng. 71% tín dụng ngân hàng đổ vào nhóm bất động sản nhà ở, phương tiện, xe cộ (cả cá nhân và thương mại). Đây là con số tính đến năm 2017 mà TS. Lê Xuân Nghĩa tổng hợp. Tỷ lệ này ở Mỹ cũng tương tự, dù thấp hơn một chút.

Trong quá trình phát triển, cho dù Việt Nam đi sau, phải chấp nhận doanh nghiệp còn phải dựa nhiều vào vốn vay ngân hàng, nhưng không chỉ là vốn, mà là năng lực quản trị dòng tiền, xây dựng thói quen quản trị nợ. Nhưng về lâu dài, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải tuân theo xu thế phát triển chung, đó là chỉ sử dụng tín dụng ngân hàng với vốn ngắn hạn, vốn lưu động, còn vốn dài hạn là được huy động từ vốn cổ phiếu, trái phiếu và quan trọng là tăng năng lực tích lũy vốn.

“Nhưng câu hỏi là doanh nghiệp sẽ ‘cai’ tín dụng ngân hàng như thế nào nếu thông điệp chính sách từ thị trường trái phiếu không rõ ràng, căn ke mục đích sử dụng vốn từ nguồn trái phiếu như với nguồn tín dụng ngân hàng rồi loay hoay tìm cơ chế kiểm tra, giám sát. Tình thế này còn khiến nhiều doanh nghiệp dừng lại kế hoạch phát hành trái phiếu”, TS. Lê Xuân Nghĩa đặt vấn đề.

Theo ông Nghĩa, bất cứ hành động nào của ‘khuôn viên’ ngành tài chính cũng phải cẩn trọng. Chúng ta cần tuân thủ nguyên tắc: xử lý con người, nhưng phải giữ được tài sản, không thể vì ‘đánh chuột’ mà ‘vỡ bình’. Chính giai đoạn này cho thấy, việc hoàn thiện hệ thống giám sát doanh nghiệp, giám sát và cảnh báo thị trường là cần thiết. Môi trường kinh doanh có thể bị hủy hoại không phải vì hành vi sai phạm của doanh nghiệp, mà là cách ứng xử của cơ quan quan lý nhà nước với các hành vi đó.

“Chìa khóa nằm ở tính minh bạch. Nếu minh bạch ngay được từ báo cáo tài chính của doanh nghiệp; minh bạch trong cơ chế giám sát độc lập, minh bạch trong xử lý các hành vi vi phạm, thì niềm tin của thị trường sẽ được tạo lập”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Đặc biệt, ông Nghĩa tiếp tục khuyến nghị đưa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trở thành cơ quan độc lập trực thuộc Chính phủ, thay vì thuộc Bộ Tài chính như hiện tại. Cùng với đó là đề xuất đẩy nhanh việc cho phép các công ty xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp của Việt Nam được liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài…

TL

—————

Đầu tư (Ngân hàng) 14-4-2022:

https://baodautu.vn/co-tuc-tin-dung-bat-dong-san-va-trai-phieu-hun-nong-mua-dhdcd-ngan-hang-d164588.html

(365/5.040)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,466