3.122. Giải đáp những vấn đề “nóng” về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

(CAND) – Diễn đàn hỏi đáp trực tuyến về Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ được tổ chức với mục đích tiếp nhận, tiếp thu các ý kiến đóng góp của quần chúng Nhân dân; phát huy dân chủ, sức mạnh của Nhân dân trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật về đảm bảo ANTT, an toàn giao thông đường bộ; đồng thời, tăng cường trao đổi thông tin giữa cơ quan chức năng của Bộ Công an với Nhân dân.

Ngày 6/5, Bộ Công an tổ chức Diễn đàn hỏi đáp trực tuyến về Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an nhằm thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, để hoàn thiện các dự án Luật trình Quốc hội trong năm 2022.

Tham gia diễn đàn, trực tiếp giải đáp, trao đổi với độc giả và nhân dân có Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an và Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI; Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT.

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT và Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI trả lời các câu hỏi của bạn đọc gửi đến diễn đàn

Lợi ích từ việc ban hành 2 Luật

Trả lời câu hỏi của người dân về những bất cập của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Đại tá Đỗ Thanh Bình nêu rõ: Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đang điều chỉnh đồng thời 3 lĩnh vực ATGT, kết cấu hạ tầng và vận tải đường bộ.

Đây là 3 lĩnh vực khác nhau, nhưng lại được điều chỉnh trong cùng một Luật. Sau hơn 13 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã bộc lộ một số bất cập, Luật này không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Nếu tiếp tục kết cấu trong một luật như hiện nay thì không thể quy định được đầy đủ, rõ ràng và khó có sự liên kết chặt chẽ giữa các nội dung, chế định của từng lĩnh vực hoặc nội dung quá lớn, không phù hợp về phạm vi, đối tượng điều chỉnh và tên của luật.

Việc xây dựng và ban hành Luật TTATGT đường bộ và Luật Đường bộ là sự thể chế hóa quan điểm, đường lối chỉ đạo xuyên suốt, thống nhất của Đảng, là đòi hỏi tất yếu, khách quan của thực tiễn để đáp ứng yêu cầu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ trong tình hình mới.

Quá trình chuẩn bị từ năm 2019 đến năm 2022, Chính phủ đã nghiên cứu, thảo luận rất kỹ, thống nhất cao, ban hành 5 Nghị quyết về việc này. Đồng thời đã chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức nhiều cuộc hội thảo lấy ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đơn vị, địa phương, các tổ chức, cá nhân là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản và đã nhận được sự đồng thuận cao của việc xây dựng 2 Luật…

Đại tá Đỗ Thanh Bình trả lời bạn đọc tại diễn đàn

Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, việc ban hành 2 luật sẽ luật hóa một số quy định ở các văn bản dưới luật và bổ sung một số quy định mới, tạo ra một hành lang pháp lý để giải quyết những vấn đề cấp bách, bất cập thực tiễn đang đặt ra về TTATGT.

Đồng thời, sẽ cụ thể hóa trách nhiệm quản lý Nhà nước rõ ràng, rành mạch, cụ thể cho từng bộ, ngành, trong đó xác định Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý Nhà nước về bảo đảm TTATGT đường bộ, khắc phục những bất cập, hạn chế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và công tác tổ chức thực thi pháp luật, đảm bảo tính chuyên nghiệp, tránh chồng chéo.

Tạo bước chuyển biến cơ bản, bền vững, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đặt ra; cung cấp cơ sở khoa học cho việc lập quy hoạch, kế hoạch phát triển phương tiện tham gia giao thông cho phù hợp nhằm hạn chế ùn tắc giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Việc ban hành 2 luật sẽ có tác động tích cực về mặt xã hội, mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp như: Tạo được sự thuận lợi, an toàn; tạo thói quen tốt cho người dân, doanh nghiệp khi tham giao thông; góp phần quan trọng xây dựng nền giao thông văn minh.

Đây là mục tiêu, lợi ích cao nhất; phòng ngừa, hạn chế các loại tội phạm và vi phạm pháp luật lợi dụng phương tiện giao thông để hoạt động; đảm bảo được việc tuân thủ pháp luật; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp và các bên có liên quan tiếp cận thông tin phương tiện giao thông dễ dàng và thuận tiện hơn và không làm phát sinh chi phí cho người dân, doanh nghiệp và Nhà nước; nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật kỹ năng điều khiển phương tiện của người tham gia giao thông, an toàn, phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn giao thông.

Theo đó giảm chi phí xã hội giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông; giảm thiểu các thiệt hại về kinh tế, xã hội, môi trường thông qua việc xây dựng cơ chế để khắc phục các bất hợp lý về tổ chức giao thông, các “điểm đen” về tai nạn giao thông, các vị trí, đoạn tuyến, khu vực thường xảy ra ùn tắc giao thông.

Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông trả lời các câu hỏi của bạn đọc

Luật đảm bảo công khai minh bạch

Trao đổi về vấn đề Luật mới có đề cao tính giáo dục về văn hoá giao thông hay chỉ đặt nặng tính răn đe? Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết: “Quá trình xây dựng Luật TTATGT đường bộ, chúng tôi coi trọng cả 2 yếu tố này”. Dự luật quy định ngắn gọn để người tham gia giao thông biết quyền và nghĩa vụ khi tham gia giao thông. Dự luật chỉ 61 điều chuyên sâu về an toàn giao thông, quy định rõ hành vi cấm, được và không được làm. Nếu vi phạm thì phải chấp hành chế tài của Nhà nước. Luật đảm bảo công khai minh bạch, dễ hiểu dễ nhớ, với mục tiêu là quyền con người, bảo vệ tính mạng và tài sản (giảm thiểu tai nạn giao thông); để người dân tự phòng ngừa vi phạm; ứng dụng công nghệ phát hiện vi phạm. Không có luật nào xây dựng chỉ để phạt, nhưng nếu vi phạm bị phát hiện thì phải xử lý nghiêm minh. Đồng thời sẽ đặt nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, để khi không có lực lượng Cảnh sát thì người dân vẫn phải chấp hành luật, nếu không chấp hành thì phải chịu chế tài của Nhà nước”.

Điểm mới của dự thảo Luật đối với người điều khiển phương tiện

Đại tá Đỗ Thanh Bình nêu rõ, hiện nay, trình tự, thủ tục đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ được quy định tại Luật Giao thông đường bộ, Nghị định và Thông tư của Bộ Giao thông Vận tải cơ bản đã sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin, vận dụng kinh nghiệm các nước tiên tiến.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện, các quy định đã bộc lộ những nội dung còn chưa cụ thể, chưa sát với thực tiễn tình hình giao thông đường bộ tại Việt Nam để người tham gia giao thông tự giác thực hiện. Theo thống kê, từ năm 2009 đến tháng 12/2021, toàn quốc đã xảy ra 361.636 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 113.897 người, bị thương 356.149 người, chiếm hơn 97% số vụ, số người chết, người bị thương trong tổng số vụ tai nạn của các loại hình giao thông. Đáng chú ý nguyên nhân gây tai nạn giao thông do lỗi của người tham gia giao thông chiếm trên 90% số vụ.

Ban tổ chức tiếp nhận các câu hỏi của bạn đọc gửi đến Diễn đàn

Để khắc phục tình trạng trên, về người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, dự thảo Luật quy định nhiều điểm mới như: Người đủ 17 tuổi trở lên được đăng ký học lái xe, người học lái xe được lựa chọn cơ sở đào tạo lái xe, giáo viên dạy lái theo yêu cầu, được đào tạo hoặc lựa chọn hình thức tự học các kiến thức về pháp luật giao thông đường bộ; người được cơ sở đào tạo xác nhận đã hoàn thành chương trình đào tạo, được lựa chọn và đăng ký với cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe để tham dự kỳ sát hạch.

Kết quả đào tạo, sát hạch lái xe phải thông tin công khai, sửa đổi một số hạng giấy phép lái xe để phù hợp với Công ước Viên năm 1968. Tiếp tục khẳng định quan điểm của Chính phủ đối với hoạt động quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và quản lý sau khi cấp giấy phép là quản lý hành vi trực tiếp của con người để bảo đảm về kiến thức, kỹ năng điều khiển phương tiện, liên quan trực tiếp đến an toàn tính mạng, sức khỏe của người tham gia giao thông.

Lý giải về vấn đề phát triển hạ tầng, quản lý các loại hình vận tải để phù hợp với tình hình mới trong việc kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông, phòng ngừa giải quyết ùn tắc giao thông… dự thảo luật đề ra đã thể hiện ở những điểm nào, Luật sư Trương Thanh Đức cho biết: Mục tiêu cơ bản nhất của Luật Trật tự, an toàn giao thông là phòng ngừa, giảm thiệt hại gây ra do tai nạn giao thông, bảo vệ tính mạng sức khỏe cho người tham gia giao thông, bảo vệ quyền con người và góp phần giải quyết ùn tắc giao thông.

Do vậy, các chính sách quy định trong Luật đều bám sát theo mục tiêu đó với trọng tâm là các quy tắc, chế định liên quan việc chấp hành pháp luật, quản lý hành vi của người tham gia giao thông…

Quy định đấu giá, cấp biển số xe ô tô chống gian lận

Trao đổi về việc lựa chọn các hình thức cấp biển số xe theo quy định hiện hành (thông qua hệ thống đăng ký) hoặc lựa chọn việc cấp biển số xe theo sở thích (có thu phí) và lựa chọn việc cấp biển số xe thông qua hình thức đấu giá, Đại tá Đỗ Thanh Bình nhấn mạnh: Dự thảo quy định xe cơ giới tham gia giao thông phải được cấp biển, đây là điều kiện để tham gia giao thông, còn hình thức cấp biển do Chính phủ quy định.

Luật Quản lý tài sản công quy định tài nguyên số là một dạng tài sản công nên Chính phủ sẽ quyết định dưới hai hình thức. Một là vẫn duy trì hình thức cũ (bấm số ngẫu nhiên) để đảm bảo công khai minh bạch, bên cạnh đó có thể đấu giá biển số nếu người dân có nhu cầu.

Hiện nay việc đấu giá biển số không còn đưa vào dự thảo luật vì nó liên quan đến rất nhiều luật, cần phải sửa đổi bổ sung chứ không riêng luật Trật tự an toàn giao thông. Quy định cấm mua bán biển số trái phép hiện đã sửa, còn quy định về quyền và nghĩa vụ dân sự của người trúng đấu giá đang có nhiều ý kiến.

Đây là quyền tài sản đầy đủ hay là chỉ sử dụng thì việc này cần có thời gian xem xét. Bộ Công an sẽ báo cáo với Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét đề án thí điểm đấu giá biển số. Điều này phải sửa đổi cả Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách. Tinh thần của đề án là tất cả biển số đưa ra để cấp thì người dân đều được chọn bấm ngẫu nhiên, không có biển số xấu đẹp, nhưng sắp tới sẽ có biển số theo nhu cầu như biển số theo tên.

Bộ Công an đang trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết để xin ý kiến Quốc hội về việc thí điểm đấu giá biển số xe vì nội dung này liên quan đến nhiều luật chứ không riêng luật về giao thông. Hiện nay, người dân chỉ có một hình thức bấm biển số ngẫu nhiên. Chúng tôi đề nghị người dân được lựa chọn hoặc là bấm biển số ngẫu nhiên hoặc lựa chọn biển số. Nếu lựa chọn thì số đó sẽ được chuyển sang cơ quan phụ trách đấu giá trực tuyến công khai. Người nào trả giá cao hơn sẽ được tiếp nhận.

Khi Giấy phép lái xe tích hợp vào CCCD

Trả lời người dân liên quan đến Giấy phép lái xe (GPLX) tích hợp vào Căn cước công dân (CCCD), có cần trình Giấy phép lái xe nữa không hay chỉ cần trình CCCD?

Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT cho biết: Thời gian qua, việc GPLX được tích hợp vào CCCD nhằm khai thác có hiệu quả Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong việc liên kết các dữ liệu chuyên ngành khác với dữ liệu Quốc gia về dân cư.

Khi GPLX được kết nối vào CCCD sẽ giảm được một số thủ tục hành chính, giảm các bước thủ tục hành chính trung gian gây phiền hà cho nhân dân như: Thủ tục liên quan đến cấp mới, cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe, cơ quan có thẩm quyền có thể làm các thủ tục liên quan đến GPLX tại bất cứ nơi nào (thường trú, tạm trú) mà không cần làm các thủ tục xác nhận như trước đây; việc thay đổi nơi ở của công dân được cập nhật vào cơ sở dữ liệu dân cư.

Do vậy các vụ việc hành chính của công dân (bị xử phạt, thông báo vi phạm…) cũng sẽ rất thuận lợi cho người dân và công tác quản lý Nhà nước về TTATGT đường bộ. Theo khoản 1 Điều 41 Công ước Viên về giao thông đường bộ mà Việt Nam tham gia ký kết là thành viên, quy định: Người điều khiển phương tiện cơ giới phải có giấy phép lái xe; khoản 2 Điều 41 Công ước Viên, quy định: Quốc gia ký kết phải công nhận những lái xe sở hữu giấy phép lái xe quốc tế phù hợp với quy định Công ước.

Đồng thời, theo khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới. Những vấn đề quy định về giấy phép lái xe, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải nội luật hóa những nội dung mà Công ước Vienna về giao thông đường bộ quy định; kế thừa Luật Giao thông đường bộ 2008.

Vì vậy, theo Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, người dân khi điều khiển xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ phải mang theo giấy phép lái xe theo quy định là bắt buộc.

Tại Diễn đàn cũng đã nhận được nhiều câu hỏi của người dân, đã được đại diện Bộ Công an giải đáp cụ thể. Tập trung vào góc độ tiếp cận, xây dựng Luật; các chế định để đảm bảo tính công khai minh bạch trong xử lý các vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ…

Minh Hiền

—————

Công an Nhân dân (Hoạt động LL CAND) 06-5-2022:

https://cand.com.vn/Hoat-dong-LL-CAND/giai-dap-nhung-van-de-nong-ve-du-an-luat-trat-tu-an-toan-giao-thong-duong-bo-i652703/

(154/2.838)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,466