(DĐDN) – Theo Luật sư Trương Thanh Đức, thiết kế chính sách cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thì nên trao quyền trước rồi mới đòi hỏi nghĩa vụ, chứ không nên đi ngược là bắt bẻ các điều kiện.
Để siết lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt mục tiêu minh bạch, ổn định và hướng đến phát triển bền vững, những chủ trương giám sát và rà soát thị trường đã được đặt ra. Tuy nhiên, để muốn khơi thông dòng vốn, chuyên gia cho rằng không nên hướng vào thắt chặt cung cầu, mà phải làm sao để doanh nghiệp vẫn có thể tiếp cận vốn và nhà đầu tư lựa chọn được sản phẩm phù hợp.
Trong bối cảnh đang đòi hỏi giảm vay vốn ngân hàng, thì không có gì bằng phát hành trái phiếu (ảnh: Tuổi Trẻ)
Nguy cơ gây khó thị trường
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc công ty Luật ANVI, hiện nay, chúng ta đã có rất nhiều văn bản càng ngày càng theo xu hướng thắt chặt, đòi hỏi khắt khe, chặt chẽ hơn đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Nhất là sau một vài vụ lùm xùm gần đây, càng khiến nhiều người nghĩ thị trường này là rủi ro, nhưng thực tế cũng chưa có rủi ro gì đáng kể để phải thắt chặt hơn nữa.
Quy định pháp luật hiện có hai hệ thống luật gồm: Luật doanh nghiệp dành cho công ty đại chúng và phát hành riêng lẻ; hai là Luật chứng khoán dành cho công ty đại chúng và phát hành đại chúng. Còn Nghị định 153/2020/NĐ-CP là kết hợp giữa hai luật này và có rất nhiều vấn đề trộn lẫn.
Tuy nhiên, nếu không hiểu rõ, không làm rõ được mục tiêu, mong muốn của việc ban hành quy định pháp luật mà tiếp tục sửa đổi, thì không những không giảm điều kiện kinh doanh mà còn tăng gấp đôi điều kiện phát hành trái phiếu. Điều đó sẽ rất khó cho thị trường.
Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng trong bối cảnh đang đòi hỏi giảm vay vốn ngân hàng, thì không có gì bằng phát hành trái phiếu, bởi sự khác biệt giữa trái phiếu và cổ phiếu rất rõ ràng và cũng có những quy định hết sức cụ thể, không phải doanh nghiệp nào cũng được phát hành cổ phiếu và ngược lại.
Ví dụ, theo quy định chỉ có công ty cổ phần và công ty TNHH mới được phát hành trái phiếu, còn doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh không được phát hành. Đối với cổ phiếu thì chỉ công ty cổ phần còn các công ty doanh nghiệp khác thì không được phát hành cổ phiếu. Bên cạnh đó, người mua trái phiếu trở thành chủ nợ cho công ty vay, còn người mua cổ phiếu là đồng sở hữu với công ty – lời ăn lỗ chịu, mà nếu giá cổ phiếu tăng thì sẽ rất thắng, còn nếu công ty phá sản, giá cổ phiếu giảm thì có thể mất trắng. Đây là hình thức đầu tư “sống chết với doanh nghiệp”. Còn trái phiếu là hình thức cho vay, đến ngày đến giờ được thu hồi lại và nếu tình huống xấu xảy ra, như tòa tuyên bố, không trả lại được thì sẽ tính lãi quá hạn.
“Việc trả lãi trái phiếu là theo thỏa thuận, có thể trả 5% như ngân hàng, hoặc 15-20% cũng không trái luật, thậm chí đầu tư trái phiếu cũng không nên áp dụng luật trần lãi suất cho vay. Tuy nhiên những vấn đề này sẽ còn có nhiều tranh cãi.
Về bản chất pháp lý, trái phiếu là một chứng chỉ nhận nợ, đi vay lẫn nhau. Còn đi vay ngân hàng, khi xét về từng chủ thể doanh nghiệp thì không hề đơn giản, mà lãi suất cũng cao, lại phải có tài sản thế chấp phức tạp, vì vậy, không có lý do gì mà không thông qua kênh trái phiếu. Khi nhu cầu đó tăng lên, Nhà nước sẽ phải đáp ứng nhu cầu này cho doanh nghiệp để họ có vốn sản xuất kinh doanh. Đồng thời khi một trái chủ có nhu cầu chính đáng thì pháp luật cũng phải tạo điều kiện để thực hiện nhu cầu đó, điều quan trọng là rủi ro luôn song hành với lãi suất, chứ không thể đòi hỏi an toàn mà có lãi suất cao.
Thực tế không ai cho vay chuyên nghiệp bằng ngân hàng, nhưng ngân hàng mất vốn rất nhiều, nợ xấu rất nhiều, vậy làm sao có thể đòi hỏi doanh nghiệp phát hành riêng lẻ được an toàn như ngân hàng, thậm chí hơn ngân hàng là điều không tưởng, Luật sư Trương Thanh Đức nói.
Thiết kế quy định phù hợp
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital phân tích, về lý thuyết, mọi người nói trái phiếu không rủi ro hoặc rủi ro thấp hơn cổ phiếu, nhưng trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam thì điều này hoàn toàn ngược lại. Đầu tư vào trái phiếu hoàn toàn có rủi ro, bao gồm rủi ro từ đơn vị phát hành, phát hành trái phiếu riêng lẻ không có yêu cầu xếp hạng tín nhiệm, rủi ro về về giá trái phiếu dù biến động không nhiều, nhưng tính thanh khoản lại phụ thuộc vào nhà phân phối có mua lại hay không.
Nhiều ngân hàng đứng ra giới thiệu, bán trái phiếu như là của ngân hàng bảo lãnh thì đến nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng phải nhầm (ảnh: Song Lê)
Với những rủi ro đó thì lợi tức kỳ vọng của nhà đầu tư vào trái phiếu phải cao hơn ngân hàng, thông thường từ 2-3%, trong thời điểm lãi suất ngân hàng khoảng 5,5% thì lợi suất trái phiếu khoảng 7,5%, còn ở thời điểm hiện tại, khi các rủi ro về pháp lý đã xảy ra thì chắc chắn sẽ cao hơn.
Bổ sung thêm ý kiến, vị CEO cho rằng, khi Nghị định 153 hay những Thông tư sửa đổi sau này đều điều chỉnh các hành vi trên thị trường trái phiếu. Bởi vì, rủi ro khi phát hành riêng lẻ là người góp vốn lại là người hay đi gửi tiết kiệm. Trong giai đoạn đầu, khi thị trường vẫn ổn định đang trong đà tăng trưởng thì các doanh nghiệp phát hành khoảng 3-5 năm, nhưng sau đó sẽ đều có những đợt phát hành mới, phát hành thêm để đáo hạn những khoản nợ cũ và đó mới chính là vấn đề.
Mặt khác, các kênh phân phối đã chưa làm rõ vai trò của người mua trái phiếu phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp, mà thông thường họ sẽ chẻ nhỏ ra phân phối qua các kênh thông qua hợp đồng tiền gửi và những người đó hoàn toàn thiếu khả năng phân tích, đánh giá. Kể cả những nhà đầu tư chuyên nghiệp, việc đánh giá một trái phiếu doanh nghiệp ở môi trường mà các quy định về kế toán, kiểm toán như của Việt Nam hoàn toàn khó.
“Đây cũng là vấn đề khi mở ra một con đường làm kênh dẫn vốn của nền kinh tế, nhưng sẽ luôn có những “quái xế”, những người phóng nhanh vượt ẩu làm ảnh hưởng đến luồng giao thông, do đó phải chặn lại để không ảnh hưởng đến những người khác mới là bản chất của thị trường phát triển.
Hiện nay trên thị trường trái phiếu, sự giám sát đang rất yếu, nếu việc sử dụng vốn không đúng như hồ sơ của doanh nghiệp thì rủi ro đã hình thành ngay từ lúc đó, chứ không phải cứ liên tục phát hành trái phiếu để xử lý các khoản nợ; đến cuối cùng, hậu quả sẽ vô cùng lớn. Tôi nghĩ rằng, đứng ở góc độ luật đâu đó chưa phù hợp, nhưng vẫn cần đảm bảo an toàn hệ thống, để tránh các mô hình đa cấp, Ponzi gây ra hậu quả lâu dài với nền kinh tế”, ông Tuấn nêu quan điểm.
Luật sư Trương Thanh Đức nói thêm, doanh nghiệp phát hành cũng có nhiều sai sót, nhưng đó không phải là lỗi chính, mà chủ yếu là từ nhà phân phối – những người chỉ biết bán, hưởng hoa hồng và mang đến nhầm lẫn cho người mua – những người không có kiến thức về mặt tài chính. Đây là yếu tố quyết định dẫn đến rủi ro, khi nhiều ngân hàng đứng ra giới thiệu, bán trái phiếu như là của ngân hàng bảo lãnh thì đến nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng phải nhầm.
“Còn về điều kiện quan trọng nhất, là chúng ta thiết kế chính sách thì phải trao quyền trước rồi mới đòi hỏi nghĩa vụ, chứ không nên đi ngược là bắt bẻ đủ thứ tiền kiểm sau đó hậu kiểm là buông. Vậy hãy làm ngược lại.
Huy động vốn chỉ cần theo hai nghĩa vụ gồm: Một là, trước khi chào bán, doanh nghiệp phải công khai minh bạch đầy đủ mọi thông tin cần thiết, xấu dùng xấu, tốt dùng tốt, không cần thiết cứ phải có lãi, chỉ cần yêu cầu trung thực để chấp nhận rủi ro khi đầu tư. Hai là, sau khi phát hành, nghĩa vụ là tất yếu có vay có trả, những hành động gian lận, lừa dối, chiếm đoạt thì bị nghiêm trị, công cụ pháp luật hiện đã có đủ, chế tài có đủ, không cần phải sửa gì thêm. Nhưng dường như chúng ta đang bắt bẻ và đòi hỏi muốn trong sạch ngay từ đầu, mà cuối cùng lại làm bế tắc thị trường”, vị Luật sư nhấn mạnh.
DIỄM NGỌC
———–
Diễn đàn Doanh nghiệp 10-5-2022:
(990/1.698)