3.141. Bốc “thuốc đặc trị” cho thị trường trái phiếu

(KTVN) – Những tiêu cực trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp gần đây cho thấy rất cần một hành lang pháp lý đủ mạnh để ổn định, ngăn chặn và kiểm soát tốt rủi ro. Qua đó, tạo động lực để công cụ nợ nói trên phát triển, bởi đây là kênh huy động vốn trung dài hạn cực kỳ quan trọng đối với doanh nghiệp.

Hành lang pháp lý và công cụ giám sát kiểm tra được cho là điểm yếu trong quan hệ giữa quản lý và vận hành thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Theo thống kê của FiinRatings, trong tương quan trên thị trường vốn, quy mô huy động vốn qua kênh trái phiếu của doanh nghiệp Việt Nam năm 2021 ở mức khoảng 715 nghìn tỷ đồng. Con số này cao hơn ước tính giá trị tín dụng trung và dài hạn cho vay mới của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam.

Trái phiếu doanh nghiệp đang ngày càng thể hiện rõ vai trò là kênh dẫn vốn trung, dài hạn trong nền kinh tế, trong đó, chủ đạo là phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Tuy nhiên, đi liền với đó, xuất hiện tình trạng doanh nghiệp lách luật khi phát hành trái phiếu riêng lẻ và cơ quan quản lý đã kịp thời thanh lọc trong thời gian gần đây.

Nguồn: FiinRatings.

Đó cũng là một trong những lý do chính khiến Bộ Tài chính phải nhanh chóng sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (Nghị định 153).

ĐIỂM YẾU NHẤT Ở KIỂM TRA VÀ GIÁM SÁT

“Càng ngày càng theo xu hướng thắt chặt” là bình luận của Luật sư Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty Luật ANVI) về những điều chỉnh trong dự thảo sửa đổi Nghị định 153.

Theo ông, nếu theo dự thảo sửa đổi Nghị định 153, doanh nghiệp phải đáp ứng khoảng 11-12 điều kiện mới được phát hành trái phiếu riêng lẻ: “Điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ cũng như điều kiện kinh doanh. Bây giờ không giảm mà lại tăng điều kiện, trong lúc đang cần giảm vay vốn ngân hàng”.

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, tăng điều kiện như vậy không khác gì khóa trái khả năng phát hành trái phiếu của doanh nghiệp. Như vậy, đang có xu hướng quay trở lại thời trước đây, khi chưa mở cửa, bắt bẻ đủ thứ ở khâu tiền kiểm nhưng buông hậu kiểm.

Sau một năm áp dụng Nghị định 153, vào tháng 12/2021, cơ quan quản lý tiến hành gửi dự thảo sửa đổi lần thứ nhất để lấy ý kiến các thành viên thị trường. Từ đó đến nay, trải qua 5 lần dự thảo sửa đổi nhưng ngay cả ở phiên bản gần nhất, các chuyên gia cho rằng: vẫn chưa kê đúng “thuốc” cho thị trường.

Theo nhiều chuyên gia, điểm yếu nhất của thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nói riêng và thị trường tài chính nói chung chính là kiểm tra, giám sát.

Về vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, cố vấn cao cấp Hội đồng quản trị SaigonRating nói với phóng viên Vneconomy: “Tại sao để xảy ra một sai phạm lớn như Tân Hoàng Minh, đến mức vướng vào vòng lao lý mà trước đó không có một cảnh báo gì cả? Nếu cơ quan quản lý kiểm soát một cách chặt chẽ thì việc lũng đoạn thị trường lên đến hơn 10.500 tỷ đồng của Tân Hoàng Minh sẽ không xảy ra”.

“Pháp luật để lâu ngày, trễ nải chẳng quan tâm, chẳng thúc giục, đùng một cái đưa roi ra quất, xử lỗi người ta thì rất khó. Tôi thấy Bộ Tài chính có cảnh báo rất nhiều về rủi ro thị trường trái phiếu. Nhưng quan trọng là phải chỉ ra được ai vi phạm thì không thấy có. Sau khi cảnh báo rồi mà vẫn vi phạm thì phạt với các mức độ khác nhau. Sau đấy mới xử lý hình sự thì đảm bảo là giảm thiểu được những cú sốc cho thị trường”, Luật sư Trương Thanh Đức bày tỏ quan điểm.

Còn với kênh trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, việc sử dụng vốn không đúng mục đích phát hành gần như phổ biến.

“Doanh nghiệp huy động hàng trăm hàng ngàn tỷ đồng cho một dự án có khi cả vài năm, tiền thu về phải làm việc gì đấy chứ. Không ai phát hành xong tiền lại để trong két chờ giải ngân. Vậy, tôi gửi ngân hàng thì cũng sai mục đích, đó là sai nhẹ. Thế còn doanh nghiệp tranh thủ dùng tiền đó để trả nợ hay đầu tư vào cái dự án bên cạnh thì sao? Đó chính là lý do cần kiểm tra, giám sát và cảnh báo sớm, xử phạt tùy theo mức độ trước khi xử lý hình sự. Doanh nghiệp sai phạm lớn, có nguy cơ mất vốn lớn thì xử lý mạnh tay. Còn nếu sai nhỏ thì cũng nên thấy rằng nguyên tắc kinh tế thị trường nó phải thế”, luật sư Trương Thanh Đức nêu vấn đề.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, một trong những “toa thuốc đặc trị” cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam là cơ chế kiểm tra giám sát cần được quy định cụ thể, rõ ràng hơn nữa. “Những vụ việc thao túng thị trường trong thời gian qua chứng tỏ sự kiểm soát của các cơ quan quản lý còn nhiều thiếu sót”, ông Hiếu nói.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định, không quá khó để giám sát bởi vì chúng ta đang ở trong thời đại kỹ thuật số. Điều quan trọng là Nhà nước phải có một sân chơi và luật chơi rõ ràng để tất cả doanh nghiệp phát hành đưa dữ liệu giao dịch về một đầu mối. Còn nếu Nhà nước không bắt họ minh bạch thông tin và đưa về một đầu mối cơ sở dữ liệu thì họ hoàn toàn có thể lũng đoạn thông tin… Bởi vậy, cần có công cụ kỹ thuật số để có thể tra cứu và kiểm soát được các giao dịch.

TĂNG CƯỜNG MINH BẠCH

Chia sẻ về những rủi ro chính khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, ông Nguyễn Minh Tuấn (Nhà sáng lập TOPI – Ứng dụng đầu tư và quản lý tài chính cá nhân) cho rằng, rủi ro đầu tiên và cũng lớn nhất là rủi ro đối tác. “Ai là người phát hành ra thị trường trái phiếu này? Ở Việt Nam, việc phân tích những thông tin này hoàn toàn thiếu. Những công ty xếp hạng tín nhiệm chỉ xếp hạng trái phiếu phát hành ra công chúng thôi. Thế còn những công ty phát hành riêng lẻ thì không bắt buộc phải có xếp hạng tín nhiệm”, ông Nguyễn Minh Tuấn nói.

“Đối với nhà đầu tư, dựa trên kết quả xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp, các phân tích đánh giá rủi ro của đơn vị xếp hạng tín nhiệm giúp nhà đầu tư có cơ sở để so sánh tương đối lãi suất và mức độ rủi ro liên quan đến các công cụ nợ do các doanh nghiệp trong cùng ngành hoặc các ngành nghề khác nhau phát hành. Xếp hạng tín nhiệm là cầu nối để giúp doanh nghiệp có thêm thông tin, góc nhìn sâu sát hơn về chi phí vốn huy động, nhà đầu tư hiểu rõ hơn về lãi suất và rủi ro đi kèm từ đó đưa ra các quyết định đầu tư hợp lý, giúp thị trường vốn vận hành trơn tru và hiệu quả.”.

(Ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch SB Law)

Theo ông, ở góc độ rủi ro về thị trường thì biến động của giá trái phiếu không nhiều. Nhưng trái phiếu lại có rủi ro về thanh khoản, nghĩa là mua đi bán lại hơi khó. Hiện nay, thanh khoản đang phụ thuộc hoàn toàn vào việc bên phân phối có mua lại trái phiếu cho nhà đầu tư hay không.

Ngoài ra, hiện trên thị trường Việt Nam có xu hướng nhà đầu tư cá nhân trực tiếp đầu tư trong khi họ thiếu kiến thức và thông tin về tất cả các sản phẩm tài chính; thiếu thông tin và bị hạn chế trong phân tích doanh nghiệp. Chính vì vậy, theo các chuyên gia, rất cần các cơ quan quản lý đưa ra giải pháp đồng bộ từ công cụ pháp lý đến phát triển các công cụ thị trường như xếp hạng tín nhiệm, kiểm toán, thẩm định giá… để thị trường phát triển lành mạnh và bền vững. Trong đó, cần chú trọng tạo ra văn hóa, thói quen, thông lệ xếp hạng tín nhiệm khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

BỔ SUNG CƠ CHẾ BẢO VỆ NHÀ ĐẦU TƯ

Tích hợp kinh nghiệm làm việc tại các thị trường tài chính của những nước phát triển như Mỹ, Đức…, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết ông rất bất ngờ khi Nghị định 153 không có quy định về người/tổ chức đại diện theo pháp luật của trái chủ. “Luật pháp, nghị định phải tăng cường bảo vệ nhà đầu tư hơn, để nhà đầu tư có địa vị pháp lý mạnh hơn. Nếu không có cơ sở pháp lý thì nhà đầu tư cá nhân họ chẳng có một cái địa vị gì để nói chuyện với nhà phát hành cả”, ông Hiếu lưu ý và cho biết thêm, thông lệ quốc tế như ở Mỹ, các nhà đầu tư có một hội đồng khi có sự cố gì xảy ra với đơn vị phát hành thì hội đồng đó làm mọi thủ tục để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Hội đồng đó do những nhà đầu tư bầu lên. Nó không phải là một cơ quan của chính phủ hay một hiệp hội, giúp theo dõi việc trả lãi, trả gốc, theo dõi tình hình tài chính, theo dõi việc tuân thủ các quy định của hợp đồng trái phiếu để bảo vệ cho nhà đầu tư. Bản thân mỗi nhà đầu tư họ không có khả năng làm những việc đó.

Nếu các công ty phát hành này sụp đổ, vỡ nợ hay khi nhà đầu tư bị lừa, bị chiếm dụng vốn, thì sẽ không có người đứng ra bồi thường cho họ. Việt Nam hiện chưa có một tổ chức nào làm việc này. Trong khi nhiều thị trường chứng khoán phát triển như Mỹ, Hồng Công, Đài Loan… thì mô hình quỹ và công ty bảo vệ nhà đầu tư đã hoạt động rất thành công.

Cơ chế bảo vệ nhà đầu tư được các mô hình này xây dựng dựa trên các yếu tố cơ bản là: Có quy định pháp luật cụ thể trong việc lập và điều hành quỹ đền bù, bảo vệ nhà đầu tư; có một cơ quan đóng vai trò quản trị và điều hành quỹ; có một cơ chế khởi kiện và tranh tụng tập thể. Qua đó, một tổ chức có thể được ủy nhiệm từ trước bởi các thành viên để chủ động đi kiện và tiến hành các biện pháp tố tụng khi có đủ các điều kiện cần thiết. Các công ty, tổ chức, hiệp hội bảo vệ nhà đầu tư trong cơ chế này là tổ chức xã hội hoặc thuộc Chính phủ, hoạt động phi lợi nhuận và có nguồn quỹ để bảo vệ nhà đầu tư.

Phan Linh

—————-

Kinh tế Việt Nam (Tài chính) 19-5-2022:

https://vneconomy.vn/boc-thuoc-dac-tri-cho-thi-truong-trai-phieu.htm

(425/2.015)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,458