(1TG) – Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng hoàn thiện hệ thống pháp lý không có nghĩa là thắt chặt hơn, mà cần đảm bảo thông tin công khai, minh bạch, chính xác.
Không kìm hãm thị trường
Tại Diễn đàn phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp do VCCI tổ chức chiều 19.5, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT chia sẻ, nhiều lãnh đạo than rằng không có cách gì đưa tiền của dân vào sản xuất, kinh doanh, phát triển đất nước.
Theo ông Võ, việc huy động vốn từ trái phiếu doanh nghiệp thực chất cũng là một phương thức để đưa dòng tiền trong dân vào sản xuất kinh doanh. Việc ổn định thị trường cũng là một cách để nhà đầu tư có niềm tin hơn. Nếu cổ vũ được thị trường trái phiếu, kéo được tiền của tư nhân đầu tư vào là thắng lợi vô cùng. Tuy nhiên, để làm được điều đó thì cần rất nhiều vấn đề”, ông Võ nói.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT
Theo GS Đặng Hùng Võ, gần đây có những trường hợp nổi cộm gây rủi ro cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nên cơ quan quản lý Nhà nước đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật hiện hành để làm lành mạnh thị trường này.
“Thị trường nào cũng có rủi ro, nếu thị trường không có rủi ro, thì không thể phát triển mạnh mẽ. Vấn đề là chúng ta kiểm soát rủi ro này như thế nào? Phải đảm bảo được mọi điều kiện nghiêm chỉnh, không để người nào đó hô hào người dân mua trái phiếu để rồi tiền vào túi riêng của họ”, ông Võ nói.
Đồng quan điểm, ông Phạm Xuân Hòe, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Ngân hàng Nhà nước cũng cho hay sau những vụ việc “lùm xùm” trên thị trường tài chính xảy ra như vừa qua, thì các quan điểm về thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang chuyển từ thái cực mở sang quản lý chặt chẽ.
“Điều đó là chưa hợp lý với nguyên tắc thị trường và nếu cứ tiếp tục như vậy, Việt Nam sẽ khó có được một thị trường trái phiếu lành mạnh, hay đạt đến mục tiêu 20% GDP như các chuyên gia đề cập”, ông Hòe nói.
Vì thế, theo ông Hòe, tổng thể về cách tiếp cận của thị trường phải rất mở, đảm bảo theo nguyên lý kinh tế thị trường, để cân bằng vốn giữa thị trường dài hạn và ngắn hạn; đồng thời, phải cân bằng giữa rủi ro và phát triển thị trường.
Các chuyên gia thảo luận tại hội thảo
ĐBQH Phan Đức Hiếu cho rằng thị trường vốn là kênh có sự chia sẻ giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp, chứ không thể có an toàn tuyệt đối.
Theo đó, trong biện pháp can thiệp thị trường trái phiếu doanh nghiệp, việc giám sát để bảo đảm tuân thủ pháp luật là điều phải làm. Nhưng nếu đặt thêm các chính sách can thiện thì cũng phải tính đến việc “đôi khi thị trường bị vỡ do sự can thiệp”, do đó cần hết sức cân nhắc.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết nhiều người nói rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp gây ra rủi ro, cần phải thắt chặt hơn. Tuy nhiên, “quan điểm của tôi là, hoàn thiện hệ thống pháp lý không có nghĩa là thắt chặt hơn, mà cần đảm bảo thông tin đến được thị trường một cách công khai, minh bạch, chính xác”.
Thúc ép xếp hạng tín nhiệm
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng cần tập trung thúc ép xếp hạng tín nhiệm. Trước mắt sẽ quy định theo cách đánh đổi, nếu như anh có kết quả xếp hạng tín nhiệm sẽ không cần thêm điều kiện, hoặc có thêm 1-2 điều kiện. Bởi xếp hạng tín nhiệm đã bao trùm nhiều điều kiện về kiểm toán. Nếu không chấp nhận xếp hạng tín nhiệm, thì doanh nghiệp phải đánh đổi bằng việc đáp ứng hàng chục điều kiện, chứ không thể cào bằng, đúng vị trí, vị thế, chỗ đứng của nó.
Theo GS Đặng Hùng Võ, vấn đề đảm bảo cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển không nằm ở tài sản đảm bảo mà cần căn cứ vào mức tín nhiệm, sự phát triển, tiềm năng của nhà phát hành trái phiếu.
Ở các nước phát triển, nhà đầu tư đặt niềm tin vào doanh nghiệp. Người ta đầu tư vào Tesla ở Mỹ là người ta nhìn vào sự thông minh của ông chủ, nhìn vào triển vọng của doanh nghiệp chứ không phải nhìn vào việc ông ta có bao nhiêu tài sản.
“Chúng ta tư duy về điều này nên có góc nhìn tích cực hơn chứ không chỉ nhìn vào tài sản bảo đảm cho trái phiếu doanh nghiệp”, GS. Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI cũng cho rằng giải pháp đánh giá tín nhiệm bắt buộc là giải pháp mà các nước thường sử dụng.
“Ở đây có sự bất đối xứng thông tin, bởi có nhiều nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp mà không biết tình hình tài chính nhà đầu tư như thế nào. Thường ở các nước, họ bắt buộc phải định giá tín nhiệm qua các công ty định giá chuyên nghiệp, qua đó đánh giá cụ thể về những rủi ro có thể gặp phải là như thế nào”, ông Tuấn nêu.
Theo ông Tuấn, tài sản bảo đảm hiện nay về lý thuyết là tốt, nhưng thực sự giá trị của tài sản đảm bảo có sự thay đổi rất nhanh. Điển hình như bất động sản, đất đai, cứ hình dung nếu doanh nghiệp không trả được trái phiếu mà phát mại tài sản đó ở Việt Nam hiện nay là quy trình rất phức tạp. Do đó, định giá tín nhiệm là một giải pháp rất quan trọng và tiềm năng, tiếc là trong Dự thảo 5 sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP lại hơi mờ nhạt, chưa đậm nét.
Dẫn kinh nghiệm từ nước Mỹ, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Đạo luật Dodd-Frank đã dành nguyên một chương về xếp hạng tín nhiệm, chúng ta nên nghiên cứu những điều khoản trong chương này để có thể áp dụng cho Việt Nam.
Ông Hiếu cho rằng cần đặc biệt quan tâm đến Nghị định số 88/2014/NĐ-CP quy định về xếp hạng tín nhiệm ban hành năm 2014 cần bổ sung nhiều điều khoản, như: Quy định việc các Công ty xếp hạng tín nhiệm phải giải trình các phương pháp xếp hạng tín nhiệm sao cho phù hợp với thông lệ quốc tế; Thống nhất các ký hiệu cho các hạng mức tín nhiệm như AAA, BBB, CCC.
Tương tự như Mỹ, các hạng mức tín nhiệm có thể chia thành 2 nhóm: Đầu tư và Không đầu tư để các nhà đầu tư nhận đinh ngay mức độ rủi ro khi mua trái phiếu doanh nghiệp.
Lam Thanh
—————–
Một thế giới (Thị trường & Chính sách) 19-5-2022
https://1thegioi.vn/hoan-thien-phap-ly-khong-co-nghia-la-that-chat-hon-ma-phai-minh-bach-181987.html
(207/1.266)