3.149. Đề xuất xây dựng Nghị định sản xuất tại Việt Nam: ‘Bộ Công Thương đã biết sửa sai’

(VNF) – Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng việc đề xuất dự thảo Nghị định ‘Sản xuất tại Việt Nam’ cho thấy Bộ Công Thương đã biết sửa sai cách tiếp cận vấn đề và quy định hiện hành.

Đề xuất xây dựng Nghị định sản xuất tại Việt Nam: 'Bộ Công Thương đã biết sửa sai'

Luật sư Trương Thanh Đức

Như VietnamFinance đã thông tin, Bộ Công Thương mới đây đã đề xuất Chính phủ cho xây dựng Nghị định quy định cách xác định sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam (Nghị định “Sản xuất tại Việt Nam).

Đây được xem là động thái tiếp nối bản dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam được Bộ Công Thương “trình làng” một năm trước đó.

Xung quanh đề xuất Nghị định “sản xuất tại Việt Nam”, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI:

– Ông từng phê bình Bộ Công Thương tư duy sai khi dự thảo “Thông tư quy định cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam”. Vậy ông nhìn nhận như thế nào về việc đề xuất Nghị định ‘Sản xuất tại Việt Nam’? Liệu đây có phải là động thái “sửa sai” của Bộ Công Thương?

Luật sư Trương Thanh Đức: Đây đúng là một đề xuất tháo gỡ bế tắc, hay gọi thẳng ra đó là sự sửa sai cách tiếp cận vấn đề và quy định hiện hành. Việc dự kiến ban hành Thông tư về xuất xứ hàng hoá sản xuất và lưu thông trong nước trước đây là điều không thể và hoàn toàn không cần thiết, vì 3 lý do như sau:

Một là một sự bế tắc pháp lý không thể giải quyết về việc bắt buộc phải xác định hàng hoá “Made in Việt Nam” hay một nước nào đó.

Hai là pháp luật đã có quy định bắt buộc về nhãn hàng hoá, với những yêu cầu cụ thể, chính xác, rõ ràng hơn quy định về xuất xứ hàng hoá.

Ba là nội dung quy định của Thông tư muốn khả thi và phù hợp với thực tế thì sẽ buộc phải trái với quy định của nghị định, thậm chí trái luật.

Do vậy, Chính phủ cần phải xây dựng nghị định điều chỉnh vấn đề trên, không phải chỉ vì nó là văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn thông tư mà là sự thay đổi quan điểm xử lý vấn đề hoàn toàn khác trước đây.

Đó là ngoài những trường hợp có thể xác định rõ ràng xuất xứ hàng hoá là sản xuất tại Việt Nam tương tự như đối với hàng hoá xuất khẩu thì còn giải quyết đồng thời những trường hợp khó, thậm chí không thể xác định được xuất xứ hàng hoá là của Việt Nam.

– Dưới góc nhìn của một luật sư, ông đánh giá dự thảo Nghị định mới của Bộ Công Thương có điểm gì chưa đạt?

Hiện nay mới chỉ có đề xuất chính sách ở giai đoạn xây dựng dự thảo đề cương, chứ chưa đến giai đoạn xây dựng dự thảo nghị định, nên chưa thể bình luận cụ thể. Tuy nhiên, vẫn có thể nhận định pháp lý như sau:

Thứ nhất, đây không phải là một sáng kiến mới mà thực chất là sự sửa sai quy định hiện hành tại điểm c, khoản 1, Điều 10 về “Nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hoá” và Điều 15 về “Xuất xứ hàng hóa”, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/7/2017 của Chính phủ về “Nhãn hàng hoá”.

Cái sai của nghị định này là chỉ quy định duy nhất “xuất xứ hàng hoá phải được ghi trên nhãn hàng hoá”, mà không có trường hợp ngoại trừ “Đối với hàng hoá sản xuất tại Việt Nam để lưu thông trong nước, đã ghi địa chỉ của nơi sản xuất ra hàng hoá đó thì không bắt buộc phải ghi xuất xứ hàng hoá” như quy định tại đoạn thứ hai, Điều 17 về “Xuất xứ hàng hoá”, Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính phủ về “Nhãn hàng hoá” trước kia.

Thứ hai, việc ghi xuất xứ hàng hoá vẫn tương tự như quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP hiện hành với các cụ từ: “Sản xuất tại Việt Nam”, “Chế tạo tại Việt Nam”, “Nước sản xuất: Việt Nam”, “Xuất xứ: Việt Nam” và “Sản xuất bởi: Việt Nam”. Tuy nhiên, nội dung, ngay từ tên gọi của nghị định là “Quy định cách xác định sản phẩm, hàng hoá của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam”, chứ không chỉ còn là quy định về “xuất xứ hàng hoá” như Nghị định số 43/2017/NĐ-CP cũng như Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08-3-2018 của Chính phủ “Quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hoá”;

Thứ ba, quay trở lại việc không bắt buộc phải ghi xuất xứ hàng hoá được sản xuất và lưu thông trong nước với dự kiến chính sách “Trường hợp không chắc chắn về xuất xứ Việt Nam, cá nhân, tổ chức có thể lựa chọn thể hiện nguồn gốc hàng hóa theo cách khác trên nhãn hàng hóa”. Đây chính là việc khôi phục quy định cũ, thay thế cho việc phải ghi xuất xứ hàng hoá bằng cách ghi bằng các cụm từ sau: “Thiết kế tại Việt Nam”, “Thiết kế bởi [Tên Công ty/Tập đoàn]”, “Lắp ráp tại Việt Nam”, “Hoàn tất tại Việt Nam”, “Lắp ráp bởi [Tên Công ty/Tập đoàn]”, “Chế biến bởi [Tên Công ty/Tập đoàn]”, “Sản phẩm của [Tên Công ty/Tập đoàn]” và “Đóng gói và dán nhãn bởi [Tên Công ty/Tập đoàn]”.

– Ông có thể nêu một số góp ý, bổ sung cho dự thảo?

Tôi cho rằng cần giảm thiểu sự khác biệt về quy định xuất xứ hàng hoá xuất, nhập khẩu theo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP. Điều này sẽ góp phần tạo ra một hệ thống pháp luật thống nhất, đồng thời giảm bớt sự khó khăn trong việc thực thi của doanh nghiệp và nhận biết của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó Chính phủ nên xem xét, không nhất thiết phải ban hành một nghị định riêng mà có thể sửa đổi hoặc ban hành mới nghị định về nhãn hàng hoá, trong đó có một chương về Xuất xử hàng hoá.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần phải sửa sai từ “chế biến” trong quy định xuất xử hàng hoá “nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng trong trường hợp có nhiều nước hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất hàng hóa đó”.

– Ông có lo lắng rằng doanh nghiệp sẽ chịu phí tổn và sự phiền hà nếu dự thảo nghị định này được thông qua?

Chắc chắn để thực hiện những yêu cầu của pháp luật thì doanh nghiệp sẽ phải tốn kém không nhiều thì ít, mà ít nhất thì cũng phải mất thời gian nghiên cứu xem có phải thực hiện hay không, rồi sẽ phải thay đổi cách ghi trên sản phẩm và bao bì.

Tuy nhiên, đây không phải là quy định mới đặt ra thêm mà là chỉnh sửa quy định hiện hành cho hợp lý, khả thi hơn thì là điều hoàn toàn cần thiết.

Để bớt tốn kém cho doanh nghiệp, cơ quan soạn thảo cần đặt ra lộ trình năm ba năm mới bắt buộc phải thực hiện.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Ái Châu Tử

——————

VietNam Finance (Diễn đàn VNF) 03-10-2020: 

Đề xuất xây dựng Nghị định sản xuất tại Việt Nam: ‘Bộ Công Thương đã biết sửa sai’ (vietnamfinance.vn)

(1.080/1.326)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.(TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Truy quét hàng giả cuối năm.

Truy quét hàng giả cuối năm. (NLĐ) - Các cơ quan chức năng sẽ tập trung...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,853