(DĐDN) – Xoay quanh câu chuyện trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), các chuyên gia cho rằng, thực trạng của thị trường này hiện nay, xuất phát từ điểm yếu kiểm tra và giám sát…
Số liệu thống kê từ Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam cho thấy, tổng giá trị TPDN phát hành tháng 4/2022 đạt 16.472 tỷ đồng giảm 23,2% so với tháng trước.
Lượng TPDN giảm mạnh trong tháng sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nướcthông báo hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng của các Công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, bao gồm Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP Cung điện Mùa đông, Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ khách sạn Soleil, đã khiến Chính Phủ và Bộ Tài chính liên tục đốc thúc các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ hơn việc phát hành cũng như giao dịch trái phiếu doanh nghiệp.
Tháng 4/2022, tổng giá trị phát hành TPDN chủ yếu đến từ các ngân hàng và không ghi nhận đợt phát hành nào đến từ các doanh nghiệp bất động sản – Ảnh minh họa
Cụ thể, tháng 4/2022, tổng giá trị phát hành TPDN chủ yếu đến từ các ngân hàng với mức phát hành đạt 14.940 tỷ đồng (tương đương chiếm 90,7%), và không ghi nhận đợt phát hành nào đến từ các doanh nghiệp bất động sản.
Trong khi, trên thực tế, TPDN đang ngày càng thể hiện rõ vai trò là kênh dẫn vốn trung, dài hạn trong nền kinh tế, và chủ đạo là phát hành TPDN riêng lẻ. Tuy nhiên, sau hàng loạt các vụ việc tiêu cực thời gian qua, Bộ Tài chính đã nhanh chóng sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế (Nghị định 153).
Bình luận về những điều chỉnh trong dự thảo sửa đổi Nghị định 153, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, những quy định được đưa ra càng ngày càng theo xu hướng thắt chặt.
Theo Luật sư Đức, nếu theo dự thảo sửa đổi Nghị định 153, doanh nghiệp phải đáp ứng khoảng 11-12 điều kiện mới được phát hành trái phiếu riêng lẻ: “Điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ cũng như điều kiện kinh doanh. Bây giờ không giảm mà lại tăng điều kiện, trong lúc đang cần giảm vay vốn ngân hàng”.
“Tăng điều kiện như vậy không khác gì khóa trái khả năng phát hành trái phiếu của doanh nghiệp. Như vậy, đang có xu hướng quay trở lại thời trước đây, khi chưa mở cửa, bắt bẻ đủ thứ ở khâu tiền kiểm nhưng buông hậu kiểm”, Luật sư Đức bày tỏ.
Theo các chuyên gia, điểm yếu của thị trường trái phiếu doanh nghiệp được cho xuất phát từ kiểm tra và giám sát – Ảnh minh họa
Thực tế, sau một năm áp dụng Nghị định 153, tháng 12/2021, cơ quan quản lý đã tiến hành gửi dự thảo sửa đổi lần thứ nhất để lấy ý kiến các thành viên thị trường, từ đó đến nay, trải qua 5 lần dự thảo sửa đổi nhưng ngay cả ở phiên bản gần nhất, các chuyên gia cho rằng: dự thảo vẫn chưa bắt đúng mạch của thị trường.
Đặc biệt, theo các chuyên gia, điểm yếu nhất của thị trường TPDN riêng lẻ nói riêng và thị trường tài chính nói chung chính là kiểm tra và giám sát.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, pháp luật để lâu ngày, trễ nải chẳng quan tâm, chẳng thúc giục, đùng một cái “đưa roi ra quất”, xử lỗi người ta thì rất khó. Tôi thấy Bộ Tài chính có cảnh báo rất nhiều về rủi ro thị trường trái phiếu. Nhưng quan trọng là phải chỉ ra được ai vi phạm thì không thấy có, sau khi cảnh báo rồi mà vẫn vi phạm thì phạt với các mức độ khác nhau. Sau đấy mới xử lý hình sự thì đảm bảo là giảm thiểu được những cú sốc cho thị trường.
Còn với kênh TPDN phát hành riêng lẻ, việc sử dụng vốn không đúng mục đích phát hành gần như phổ biến.
“Doanh nghiệp huy động hàng trăm hàng ngàn tỷ đồng cho một dự án có khi cả vài năm, tiền thu về phải làm việc gì đấy chứ. Không ai phát hành xong tiền lại để trong két chờ giải ngân. Vậy, tôi gửi ngân hàng thì cũng sai mục đích, đó là sai nhẹ. Thế còn doanh nghiệp tranh thủ dùng tiền đó để trả nợ hay đầu tư vào cái dự án bên cạnh thì sao? Đó chính là lý do cần kiểm tra, giám sát và cảnh báo sớm, xử phạt tùy theo mức độ trước khi xử lý hình sự. Doanh nghiệp sai phạm lớn, có nguy cơ mất vốn lớn thì xử lý mạnh tay, còn nếu sai nhỏ thì cũng nên thấy rằng nguyên tắc kinh tế thị trường nó phải thế”, Luật sư Đức đặt vấn đề.
Đồng tình với quan điểm của Luật sư Đức, thông tin với báo chí trước đó, TS Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng cũng cho rằng, tại sao để xảy ra một sai phạm lớn như Tân Hoàng Minh, đến mức vướng vào vòng lao lý mà trước đó không có một cảnh báo gì cả? Nếu cơ quan quản lý kiểm soát một cách chặt chẽ thì việc lũng đoạn thị trường lên đến hơn 10.000 tỷ đồng sẽ không xảy ra.
“Một trong những “toa thuốc đặc trị” cho thị trường TPDN của Việt Nam là cơ chế kiểm tra, giám sát cần được quy định cụ thể, rõ ràng hơn nữa. Những vụ việc thao túng thị trường trong thời gian qua chứng tỏ sự kiểm soát của các cơ quan quản lý còn nhiều thiếu sót”, ông Hiếu bày tỏ.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, không quá khó để giám sát bởi vì chúng ta đang ở trong thời đại kỹ thuật số. Điều quan trọng là Nhà nước phải có một sân chơi và luật chơi rõ ràng để tất cả doanh nghiệp phát hành đưa dữ liệu giao dịch về một đầu mối. Còn nếu Nhà nước không bắt họ minh bạch thông tin và đưa về một đầu mối cơ sở dữ liệu thì họ hoàn toàn có thể lũng đoạn thông tin… Bởi vậy, cần có công cụ kỹ thuật số để có thể tra cứu và kiểm soát được các giao dịch.
GIA NGUYỄN
——————
Diễn đàn Doanh nghiệp (Bình luận) 21-5-2022:
(455/1.180)