(NQT) – TheLEADER Các doanh nghiệp đang phát triển trong một bối cảnh mới với quá nhiều biến động, rủi ro mà nguy hiểm nhất cần lưu ý là rủi ro pháp lý.
LS. Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI
Theo luật sư Trương Thanh Đức, nếu vướng phải các rủi ro khác, doanh nghiệp vẫn có thể vượt qua và làm lại nhưng với một số rủi ro về mặt pháp lý, doanh nghiệp có thể mất trắng nếu liên quan đến luật hình sự.
Rủi ro pháp lý nhẽ ra không đáng có nhưng doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận. Thay vì né tránh, cần đi sâu vào hiểu nguyên lý của vấn đề và tìm cách đối mặt, giải quyết.
“Bài học ở đây là nếu né nó có nghĩa là chưa giải quyết mà cũng tránh không được, cứ phải xông vào để giải quyết. Để hiểu luật thì phải chui vào rừng luật”, ông Đức nói.
Đó là lý do Hội các Nhà quản trị Doanh nghiệp Việt Nam (VACD) tổ chức chương trình Cafe quản trị tháng 5/2022 với chủ đề “Thách thức quản trị giai đoạn 2020 – 2025: Quản trị rủi ro pháp lý”.
Trong sự kiện, một vấn đề được ông Đức nêu ra là việc tuân thủ pháp luật hiện đang rất tốn kém. Doanh nghiệp đang phải chịu những gánh nặng chi phí về thủ tục hành chính, phí và lệ phí, chi phí đầu tư, chi phí cơ hội, chi phí tuân thủ và chi phí phi chính thức.
“Tôi nhận của khách hàng mấy trăm triệu đồng qua ngân hàng mà phải báo cáo Cục Phòng chống rửa tiền của Ngân hàng Nhà nước. Tôi không tưởng tượng được tại sao lại phải làm như thế”, ông Đức nói.
Bên cạnh đó, theo ông Đức, luật pháp hiện nay quá phức tạp, nhiều chồng chéo, mâu thuẫn, bất hợp lý và không rõ ràng.
Một ví dụ điển hình có thể kể đến là quy định về việc doanh nghiệp cho vay. Điều 7.3 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định, doanh nghiệp có quyền lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn.
Tuy nhiên, kết luận của Thanh tra Bộ Công thương 2019 về vụ Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) cho các đơn vị thành viên vay là trái quy định. Bản cáo trạng (2021) cũng nói rằng VEAM cho 3 cá nhân vay tiền hưởng lãi là đã vi phạm quy định tại khoản 1, điều 9, Luật Doanh nghiệp năm 2005 về hoạt động kinh doanh theo ngành nghề đã ghi trong giấy chứng nhận đăn ký kinh doanh. Nhiều cá nhân liên quan đã bị truy tố hình sự. Trong đó, cựu chủ tịch VEAM cũng phải chịu án hàng 11 năm tù, bồi thường gần 52 tỷ đồng.
LS. Trương Thanh Đức trong chương trình Cafe quản trị tháng 5/2022 của VACD
Trong khi có những rủi ro có thể dẫn đến các bản án hình sự, những thiệt hại lớn về tài sản thì cũng có những rủi ro phạm tội nhưng vô lý, thậm chí theo ông Đức, nếu vi phạm thì cũng vô hại và có thể tốt hơn cho doanh nghiệp và xã hội.
Một ví dụ có thể kể đến là Điều 14.1 của Bộ Luật lao động 2019 quy định hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 2 bản. Vị luật sư này đặt vấn đề: “Vậy còn 3 bản thì sao, tôi khẳng định là phạm luật”?
Dù Luật quy định các hợp đồng làm thành 2 bản nhưng trong suốt nhiều năm liền, ông Đức vẫn ký tối thiểu 4 bản khi làm hợp đồng vì mỗi bên cần ít nhất hai chữ ký của hai bộ phận là kế toán và giám đốc. Sau này ông cũng chỉ ký 2 bản vì xét thấy không cần thiết phải ký nhiều.
Hay khi tham dự buổi ra mắt Hiệp hội Blockchain gần đây, ông Đức để ý thấy văn bản được đọc lên vẫn căn cứ vào Luật quy định quyền lập hội ban hành năm 1957. Ông Đức cho rằng, đây là quyền “có sức sống mãnh liệt nhất” vì đa phần luật sẽ liên tục được cập nhật, thay đổi cho phù hợp với bối cảnh mới.
Một quy định khác mà doanh nghiệp nào cũng có thể “dính”, liên quan đến xử phạt về việc uống rượu, bia tại điều 30 & 34 của Nghị định 117/2020/NĐ-CP. Đa phần doanh nghiệp đều phạm luật nhưng đến nay cũng không bị xử lý theo luật.
Cụ thể, phạt 1-3 triệu đồng với hành vi uống rượu, bia ngay trước, trong hoặc giữa giờ làm việc, ép buộc người khác uống rượu bia. Phạt 3-5 triệu đồng đối với người đứng đầu công ty nếu không tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu bia; không tổ chức thực hiện quy định không uống rượu bia trong thời gian và tại nơi làm việc; không nhắc nhở, yêu cầu chấm dứt hành vi uống rượu, bia tại công ty; không tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện đúng quy định về không được uống rượu bia.
Hay một ví dụ khác có thể kể đến là quy định về việc phải có con dấu. Theo quy định tại khoản 2 điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ được toàn quyền quyết định về nội dung của dấu mình sử dụng mà không chịu ràng buộc bởi quy định pháp luật.
Tùng Anh
—————
Nhà quản trị (Diễn đàn Quản trị) 28-5-2022:
https://theleader.vn/quan-tri-rui-ro-phap-ly-trong-boi-canh-moi-1653717321949.htm
(853/1.008)