(CP) – Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh, có hiệu quả thực sự, chúng ta cần tạo ra nhiều sản phẩm hơn nữa, từ đó thu hút các nhà đầu tư cá nhân tham gia trên cơ sở đa dạng hóa và giảm thiểu rủi ro.
Để thị trường phát triển lành mạnh, có hiệu quả thực sự, chúng ta cần tạo ra nhiều sản phẩm hơn nữa
Đây là quan điểm của PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính khi trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về giải pháp để phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) cũng như thị trường chứng khoán nói chung.
“Khoảng lặng” cần thiết để điều chỉnh
Giai đoạn 2017-2021, tốc độ phát triển bình quân của thị trường TPDN khoảng 46%, riêng trong năm 2021, con số này là 56%. Sang 3 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng của thị trường rất cao nhưng đến tháng 4 đã sụt giảm mạnh, trong đó TPDN bất động sản gần như “vắng bóng”.
Tuy nhiên, sự chững lại này chỉ mang tính chất tạm thời vì những xáo trộn trên thị trường làm cho các nhà đầu tư cũng như nhà phát hành có thời gian ngừng lại để nhìn nhận, kiểm tra điều kiện để từ đó có định hướng tham gia bền vững, hiệu quả hơn.
Cùng với đó, đây cũng là thời điểm các cơ quan quản lý nhà nước có những hoạt động chỉnh đốn thị trường nhằm loại bỏ những nhà phát hành không đủ điều kiện, không đủ tiêu chuẩn. Đồng thời, chọn lọc các nhà đầu tư, các trái chủ chuyên nghiệp, gắn bó với thị trường, giúp thị trường lành mạnh hơn.
Về những “lỗ hổng” trên thị trường TPDN thời gian vừa qua, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng đó là do cơ chế pháp lý và cơ chế quản lý. Về mặt pháp lý, các quy định của Nghị định 153/2020/NĐ-CP hiện nay kế thừa các quy định trước đây và đã có đổi mới (tương đối tương đồng với quy định của nhiều quốc gia phát triển trên thế giới).
Tuy nhiên, sự đổi mới còn chưa thật phù hợp với điều kiện phát triển của nền kinh tế và thói quen của thị trường trái phiếu mới hình thành tại Việt Nam. Vì thế, điều này khiến việc quản lý theo dõi còn nhiều bất cập.
Ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng việc chấn chỉnh cả về luật pháp, cơ chế kiểm tra, giám sát là điều cần thiết để thị trường TPDN có thể trở thành một kênh huy động vốn trung hạn, dài hạn cho nền kinh tế.
Đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường TPDN
Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng trong dài hạn, TPDN phải được định hướng là kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế theo đúng định hướng của Chính phủ và giảm áp lực cung ứng vốn cho tín dụng ngân hàng. Bên cạnh đó, nhu cầu vốn vay qua phát hành TPDN dự kiến sẽ ở mức cao, nhưng để đáp ứng được kỳ vọng và trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế thì còn nhiều việc phải làm, nhất là phải có quy định phù hợp với quy định chung.
Cần phải chú trọng phát triển thị trường OTC, quy định điều kiện bán chứng khoán lần đầu và quy định về mua đi bán lại của các DN niêm yết. Đây là những vấn đề rất quan trọng nhằm tạo ra dòng chảy vốn tốt hơn. Chính việc mua đi bán lại sẽ tạo thuận lợi cho các thành phần tham gia cũng như cơ quan giám sát.
Theo ông Đinh Trọng Thịnh, để thị trường phát triển lành mạnh, có hiệu quả thực sự, chúng ta cần tạo ra nhiều sản phẩm hơn nữa, từ đó thu hút các nhà đầu tư cá nhân tham gia. Thị trường TPDN chỉ thực sự trở thành kênh dẫn vốn trực tiếp nếu có sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân.
Bên cạnh các quy định về công khai, minh bạch thông tin cũng như các quy định về an toàn tài chính thì việc phát triển của các sản phẩm tài chính có mức lãi suất hấp dẫn, đồng thời mức độ rủi ro hợp lý là rất cần thiết.
Việc đưa các TPDN lên sàn giao dịch cũng là một giải pháp nhằm phát triển bền vững thị trường. Các sàn giao dịch sẽ khiến trái phiếu trở nên hấp dẫn hơn nhờ tính thanh khoản cao, các nhà đầu tư sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong các quyết định mua, bán hay nắm giữ trái phiếu. Hơn nữa, trong trường hợp xảy ra “biến cố” đối với trái phiếu, các thiệt hại có thể được san sẻ cho nhiều người.
Còn nhiều dư địa để phát triển bền vững
Về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng nhìn nhận khách quan thì thị trường trái phiếu hiện nay vẫn còn rất non trẻ, mới chỉ hơn 10 năm và chỉ phát triển tương đối nhanh, mạnh trong khoảng 5 năm trở lại đây. Vốn huy động qua TTCK gồm cả cổ phiếu và trái phiếu tương đương 26% tổng lượng vốn cung ứng ra nền kinh tế. TPDN chiếm khoảng 22,7% tổng lượng vốn cung ứng cho nền kinh tế mỗi năm, còn huy động vốn qua phát hành cổ phiếu chỉ chiếm khoảng 3,5%. Do đó, thị trường TPDN còn rất nhiều dư địa phát triển.
Việc để hệ thống tín dụng ngân hàng hiện phải chịu “gánh nặng” cung cấp tới 80% nguồn vốn cho DN là biểu hiện của một thị trường phát triển không cân đối. Do đó, cần xác định rõ, hướng tới về lâu dài TTCK và thị trường trái phiếu phải trở thành kênh huy động chính của DN. Yếu tố để tạo lập niềm tin cho thị trường vốn lúc này chính là tính minh bạch.
Chỉ khi minh bạch ngay từ công bố thông tin của DN khi phát hành và minh bạch trong cơ chế giám sát độc lập, xử lý các hành vi vi phạm thì niềm tin của thị trường sẽ được tạo lập và phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Do vậy, cần nâng cao hiệu quả thông tin về xếp hạng tín nhiệm đối với các DN phát hành. Căn cứ vào đó, nhà đầu tư có thông tin tham khảo và tự chịu trách nhiệm với quyết định đầu tư của mình.
Cần tăng cường công tác xếp hạng tín nhiệm đối với công ty phát hành theo hướng cho phép liên doanh với các công ty xếp hạng tín nhiệm quốc tế.
Bên cạnh đó, cần tập trung vào cải thiện công tác quản trị DN, cải thiện các quy tắc kế toán, kiểm toán; bảo vệ nhà đầu tư; củng cố trong việc phát hành trái phiếu ra công chúng, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ; phát triển các cơ quan đánh giá tín nhiệm tín dụng; phát triển đội ngũ nhà đầu tư chuyên nghiệp, có dữ liệu để nắm bắt rõ mối liên hệ giữa các tổ chức trong hệ thống để kiểm soát rủi ro, phát hiện rủi ro…
Về triển vọng thị trường, Trung tâm phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI vẫn có nhận định rất lạc quan về nhu cầu phát hành TPDN như môi trường lãi suất trong năm 2022 vẫn khá tích cực khi chính sách tiền tệ của Việt Nam đang có độ trễ so với các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới. Đồng thời, Chính phủ cũng đã nhấn mạnh 2022 và 2023 là hai năm phục hồi kinh tế. Điều này khiến áp lực lên chi phí tài chính khi DN phát hành trái phiếu chưa lớn.
Nhóm phân tích SSI cho biết số TPDN đáo hạn trong 2 năm 2022 và 2023 ước khoảng 540 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 36% lượng TPDN lưu hành, dẫn đến nhu cầu phát hành để đảm bảo vòng quay vốn của các DN khá cao.
Theo SSI, thời gian tới, hoạt động sản xuất kinh doanh được kỳ vọng sẽ sôi động hơn khi nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch. Do vậy, nhu cầu huy động vốn qua phát hành TPDN dự kiến vẫn rất dồi dào.
Tại Hội thảo về thị trường tài chính gần đây, chuyên gia Cấn Văn Lực nhận định, thị trường TPDN được dự báo sẽ phát triển nhờ một số yếu tố hỗ trợ như kinh tế Việt Nam trên đà hồi phục, môi trường lãi suất về cơ bản tăng không nhiều. “Thị trường nhiều khả năng sẽ không tăng quá nóng như 5 năm qua khi các quy định của cơ quan quản lý được ban hành theo hướng siết chặt hơn, tiến hành khởi tố một số vụ việc sai phạm để giảm bớt rủi ro, lành mạnh hóa thị trường. Các quy định và biện pháp mạnh tay này sẽ giúp thị trường phát triển lành mạnh và bền vững hơn, với điều kiện cơ quan quản lý cần có “nghệ thuật” điều hành hợp lý. Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý, tổ chức thực thi hiệu quả nhằm lành mạnh hóa thị trường, trong đó chú trọng tính minh bạch, chuyên nghiệp và kỷ luật thị trường”, chuyên gia Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Anh Minh
————–
Chính phủ (Chứng khoán) 01-6-2022:
(117/1.659)