(TT) – Để chào mời, mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân, thị trường đã xuất hiện nhiều cách thức “lách” quy định về nhà đầu tư chứng khoán riêng lẻ.
Theo Bộ Tài chính, thời gian tới, việc phát hành TPDN riêng lẻ sẽ theo hướng tăng điều kiện phát hành, ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành, phân phối TPDN trên thị trường. Ảnh: TTXVN.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính gửi tới Thủ tướng Chính phủ, TPDN – kênh huy động vốn quan trọng đã đạt được những tiến bộ tích cực nhưng thị trường cũng ẩn chứa tiềm ẩn rủi ro.
Để chào mời, mua TPDN riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân, thị trường đã xuất hiện nhiều cách thức “lách” quy định của pháp luật về nhà đầu tư chứng khoán riêng lẻ.
Cụ thể: “Hô biến” nhiều nhà đầu tư cá nhân thiếu kinh nghiệm trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bằng hợp đồng mua kỳ hạn trái phiếu Chính phủ hoặc chứng khoán niêm yết trong thời gian 2 – 4 ngày; nhà đầu tư cá nhân sử dụng tài khoản vay ký quỹ để chứng minh danh mục chứng khoán niêm yết đang nắm giữ có giá trị trên 2 tỷ đồng nhưng thực tế số vốn tự có thấp hơn; cá nhân không trực tiêp đứng tên mua trái phiếu mà ký hợp đồng dân sự với công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại hoặc doanh nghiệp khác để mua TPDN riêng lẻ.
Về doanh nghiệp phát hành, trong số 358 doanh nghiệp phát hành TPDN riêng lẻ năm 2021, có 57 doanh nghiệp phát hành có kết quả kinh doanh lỗ trước khi phát hành; 45 doanh nghiệp có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 10 và 10 doanh nghiệp phát hành có tỷ lệ khối lượng phát hành gấp trên 5 lần vốn chủ sở hữu.
Một số doanh nghiệp phát hành để góp vốn, mua cổ phần, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn; hoặc phát hành để chuyển vốn “lòng vòng” nhằm lách quy định về giới hạn cho vay, đầu tư TPDN của tổ chức tín dụng đối với 1 khách hàng, nhóm khách hàng.
Theo Bộ Tài chính, trên thị trường còn có hiện tượng các doanh nghiệp chào bán công khai TPDN phát hành riêng lẻ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trái phiếu được chào bán là trái phiếu có lãi suất cao từ 11 – 12%/năm, thông tin chào bán do chính tổ chức phát hành trực tiếp chào mời trên thị trường sơ cấp hoặc do doanh nghiệp có liên quan chào bán lại trên thị trường thứ cấp.
Về tổ chức cung cấp dịch vụ, tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu là công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ tư vấn, rà soát, hỗ trợ xây dựng hồ sơ chào bán TPDN riêng lẻ đáp ứng quy định về điều kiện và hồ sơ chào bán trái phiếu theo Nghị định số 153/2020/NĐ-CP và có trách nhiệm rà soát, đảm bảo tính tuân thủ của hồ sơ. Tuy nhiên, có hiện tượng một số tổ chức tư vấn xây dựng hồ sơ chào bán có lợi cho doanh nghiệp để huy động vốn mà không cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin công bố cho nhà đầu tư.
Theo quy định tại Nghị định số 153, tổ chức đại lý phát hành, tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu có trách nhiệm rà soát chào bán cho đúng đối tượng nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và thực hiện đăng ký, chuyển nhượng trái phiếu cho đúng đối tượng nhà đầu tư. Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính cho biết, một số tổ chức đại lý phát hành, tổ chức đăng ký lưu ký cung cấp các dịch vụ để hợp thức hóa hồ sơ xác nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để chào mời nhà đầu tư cá nhân mua TPDN riêng lẻ.
Để thị trường TPDN vận hành an toàn, trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 153 về phát hành TPDN. Về lâu dài, Bộ sẽ nghiên cứu các vấn đề còn tồn tại theo quy định của Luật chứng khoán để sửa đổi cho phù hợp. Bởi phát triển thị trường TPDN là vô cùng cần thiết, không thể tách khỏi cái chung là thị trường chứng khoán.
Bộ Tài chính đang xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp về dự thảo nghị định sửa đổi nghị định 153 về phát hành TPDN. Định hướng chung là sẽ bổ sung các quy định mới để bảo đảm thị trường TPDN phát triển an toàn, bền vững.
Theo đó, doanh nghiệp sẽ không được phát hành TPDN có giá trị quá 3 lần vốn chủ sở hữu. Nếu phát hành vượt trên 1 lần vốn chủ sở hữu, phải có tài sản bảo đảm, bảo lãnh thanh toán của ngân hàng. Nghiêm cấm việc phát hành TPDN để cho vay, góp vốn, mua cổ phần, mua vốn góp doanh nghiệp khác, trừ trường hợp phát hành để đầu tư vào công ty con. Doanh nghiệp phát hành TPDN phải mua lại trái phiếu từ nhà đầu tư nếu có vi phạm pháp luật và vi phạm quy định về phát hành trái phiếu.
Chuyên gia ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết: Để thị trường TPDN phát triển ổn định và bền vững, cần phải kiểm tra “sức khỏe” của doanh nghiệp trước khi phát hành trái phiếu. Ngay ở Mỹ, Đạo luật Dodd-Frank về cải cách và bảo vệ người tiêu dùng đã dành nguyên một chương về xếp hạng tín nhiệm. Việt Nam nên nghiên cứu những điều khoản trong chương này để có thể áp dụng.
Ngoài ra, cần thành lập riêng một văn phòng trực thuộc Bộ Tài chính về xếp hạng tín nhiệm, để giám sát hoạt động của các công ty xếp hạng tín nhiệm đang hoạt động, nhằm đảm bảo việc tuân thủ các quy định về xếp hạng tín nhiệm, các phương pháp xếp hạng tín nhiệm.
Theo luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, vốn huy động qua thị trường chứng khoán bao gồm cổ phiếu và trái phiếu hiện tương đương 26% tổng lượng vốn cung ứng ra nền kinh tế. Trong đó, TPDN chiếm khoảng 22,7% tổng lượng vốn cung ứng cho nền kinh tế mỗi năm. Do vậy, thị trường TPDN còn rất nhiều dư địa phát triển. Có thể nói, thị trường TPDN là kênh huy động vốn trung và dài hạn rất quan trọng, góp phần phát triển hệ thống tài chính lành mạnh, cân đối hơn.
“Điều quan trọng cần ‘bắt đúng bệnh’ của thị trường TPDN nhằm đảm bảo thị trường này phát triển lành mạnh hơn, đó là thông tin phải được rõ ràng. Doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu nhưng phải công khai thông tin này cho nhà đầu tư. Doanh nghiệp cũng có thể phát hành trái phiếu khi thua lỗ nhưng phải thông báo cho nhà đầu tư đang lỗ bao nhiêu?… Ngoài website của mình, doanh nghiệp cũng cần công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng các thông tin về tình hình ‘sức khỏe’ của doanh nghiệp như khoản nợ, lỗ hay lãi… để nhà đầu tư giám sát”, ông Trương Thanh Đức đề xuất.
Minh Phương/Báo Tin tức
——————
Tin tức (Tài chính – Ngân hàng) 03-6-2022:
(228/1.332)