3.177. Củng cố niềm tin cho trái chủ

(DĐDN) – Với thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam hiện tại, vai trò của nhà đầu tư tổ chức, cá nhân rất quan trọng khi đây là thị trường quy mô còn nhỏ, được đánh giá còn dư địa lớn.

Việc tìm cách củng cố niềm tin cho các trái chủ trong bối cảnh thị trường chưa phát triển bền vững là vô cùng quan trọng.

Diễn đàn “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, bền vững” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức.

Bảo vệ trái chủ, nhà đầu tư

Tại Diễn đàn “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) hiệu quả, bền vững” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức hôm 19/5, TS. Cấn Văn Lực – Thành viên hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, đã nhắc lại 3 chủ trương quan trọng mà Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra tại Hội nghị về phát triển thị trường vốn ngày 22/4.

Thứ nhất, không để “con sâu làm rầu nồi canh”, nghĩa là doanh nghiệp nào làm sai, vi phạm, đương nhiên phải xử phạt; còn doanh nghiệp nào làm ăn chân chính thì phải tiếp tục tạo điều kiện để phát triển.

Thứ hai, không hình sự hóa quan hệ kinh tế.

Thứ ba, mục tiêu chính của chúng ta là làm lành mạnh hóa thị trường và không “bóp nghẹt”…

“Để lành mạnh hóa thị trường TPDN, quan điểm cơ bản là cần vừa kiến tạo phát triển cho thị trường, vừa kiểm soát được rủi ro, với trước mắt cần giải quyết dứt điểm các vụ việc vừa qua để củng cố niềm tin nhà đầu tư cũng như tránh tạo tiền lệ xấu”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Các chuyên gia cũng đồng thuận việc xử lý những vụ việc vi phạm thời gian qua đang cho thấy quyết tâm lành mạnh hóa của thị trường. Nhưng cần sớm rà soát, đánh giá rủi ro từ hoạt động cung cấp dịch vụ và phát hành trái phiếu riêng lẻ từ khối công ty chứng khoán lẫn thanh tra các doanh nghiệp phát hành và công ty kiểm toán.

Trái phiếu phát hành riêng lẻ thường có lãi suất cao nhưng rủi ro nhiều hơn so với trái phiếu phát hành ra công chúng – Ảnh: Q.Định

Bên cạnh đó, quan điểm không hình sự hóa các quan hệ dân sự kinh tế đã được Chính phủ khẳng định rất rõ. Thủ tướng Chính phủ đã đích thân khẳng định: “Những sai phạm trên thị trường chỉ là thiểu số. Việc xử lý là cần thiết, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích cho đại đa số các nhà đầu tư, doanh nghiệp chân chính”.

Như vậy, vấn đề còn lại thuộc về nhiệm vụ xây dựng, kiến tạo môi trường, cho một thị trường lành mạnh hóa và tạo vốn đầu tư trung và dài hạn cho doanh nghiệp đúng như chức năng của kênh TPDN. Nhà đầu tư đang mong chờ một sự đồng bộ nền tảng hạ tầng sớm nhất, giúp họ tiếp tục yên tâm lựa chọn góp vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp. Trong đó, hạ tầng về pháp lý là quan trọng.

Nhà đầu tư mong đợi gì?

Cũng theo TS. Cấn Văn Lực, cần sớm sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP về phát hành TPDN riêng lẻ, Nghị định 156/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán; rà soát Luật chứng khoán 2019 tiến tới sửa đổi, trong đó nâng chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp… Đặc biệt, cần cân nhắc mức độ phù hợp về quy định TSĐB, bảo lãnh phát hành, phân phối trái phiếu…

Bên cạnh đó, cần có quy định về định hạng tín nhiệm nhằm giúp nhà đầu tư dễ dàng xác định chất lượng doanh nghiệp, mức độ rủi ro của trái phiếu phát hành. Theo đó, cần xác định những trường hợp bắt buộc, trường hợp khuyến khích xếp hạng tín nhiệm; cần có quy định đảm bảo các công ty định hạng tín nhiệm có đủ năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp; nên xem xét cấp phép thành lập thêm 2-3 công ty định hạng khác, ngoài 2 công ty đã có; Làm rõ vai trò, trách nhiệm của tổ chức xếp hạng tín nhiệm và các trung gian tài chính liên quan.

Không những thế, cần có giải pháp tăng chất lượng TPDN được phát hành: xem xét quy định cụ thể hơn về quy mô, tần suất, điều kiện phát hành; hoạt động phát hành ra công chúng cần được hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn (đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ …).

Đặc biệt, cần hoàn thiện hạ tầng của thị trường TPDN như thiết lập thị trường thứ cấp tập trung đối với TPDN, qui định áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu… Đồng thời, tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ như là một chuẩn định hạng đối với TPDN.

Luật sư, chuyên gia kinh tế Trương Thanh Đức cũng nhấn mạnh rằng: Cần sớm đẩy mạnh, nhanh, hoàn thiện hạ tầng, đặc biệt là hệ thống pháp lý – không theo hướng thắt chặt mà cần đảm bảo thông tin công khai, minh bạch, chính xác, ra thị trường.

“Yếu kém nhất của thị trường TPDN là đã không công khai, minh bạch, lại không giám sát, kiểm tra kịp thời nên làm cho mọi người mất lòng tin. Do đó, chúng ta phải củng cố những cái đang có, không tăng thêm điều kiện, không có gì giám sát tốt bằng thị trường, nhà nước chỉ là một phần trong giám sát”, Luật sư Trương Thanh Đức nói.

Theo các chuyên gia, cần phát triển nền tảng nhà đầu tư chứng khoán đa dạng, chuyên nghiệp; khuyến khích phát triển các nhà đầu tư tổ chức như quỹ đầu tư, quỹ mở, quỹ hưu trí…; khuyến khích hình thức ủy thác đầu tư.

Có thể nói, tối ưu chính sách thay cho can thiệp hành chính là mục tiêu cần hướng đến, bao gồm việc tối ưu chính sách để hỗ trợ nhà đầu tư được kích thích, tham gia thị trường trong môi trường an toàn, với hàng hóa chất lượng. Tuy vậy, thị trường vẫn cần một thời gian nữa phát triển hiệu quả, mạnh mẽ, tương xứng với tiềm năng của mình, khi hành lang pháp lý, nền tảng giao dịch được hoàn thiện.

LÊ MỸ 

—————-

Diễn đàn Doanh nghiệp (Tài chính) 12-6-2022:

https://diendandoanhnghiep.vn/cung-co-niem-tin-cho-trai-chu-224112.html

(119/1.143)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,426