(VNB) -Theo Luật sư Trương Thanh Đức, việc ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của khách hàng cho ngành thuế là không hề mâu thuẫn với qui định bảo mật thông tin của chính ngân hàng.
Vào ngày 5/12 tới đây, Nghị định số 126 qui định chi tiết một số điều của Luật Quản lí thuế sẽ chính thức có hiệu lực.
Theo qui định tại đây, các ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan quản lí thuế để phục vụ cho mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp. Đồng thời, thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lí thuế theo qui định của pháp luật về thuế.
Đáng chú ý, hàng tháng, ngân hàng phải cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế bao gồm: tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo mã số thuế đã được cơ quan quản lí thuế cấp, ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản cho cơ quan quản lí thuế.
Qui định mới này được kì vọng sẽ giúp hạn chế việc kê khai không đủ, trốn thuế của những người có nghĩa vụ nộp thuế tuy nhiên lại vấp phải nghi vấn về việc có mâu thuẫn với việc bảo mật thông tin của ngân hàng hay không.
Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho biết qui định mới này không hề mâu thuẫn với các qui định về bảo mật thông tin khách hàng của các ngân hàng.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI. (Ảnh: Đầu tư Chứng khoán).
Theo ông, các thông tin mật, tối mật, tuyệt mật, đều cần phải có người xử lí, có người cung cấp, giải quyết khâu này khâu khác. Việc sinh ra qui định bảo mật là nhằm bảo đảm quyền lợi, an toàn của khách hàng còn đối với cơ quan quản lí nhà nước có thẩm quyền thì không có khái niệm đó.
“Thông tin về tài khoản tiền gửi chỉ bí mật với những người không có thẩm quyền, không có chức trách, nhiệm vụ. Còn những người như nhân viên ngân hàng, công an, viện kiểm sát, toà án, thi hành án, Ngân hàng Nhà nước,… đều có quyền được biết”, ông nói chi tiết hơn.
Ông Đức cho rằng qui định mới tại Nghị định 126 là rất cần thiết, thậm chí nhiều thông tin khác cũng cần được công khai minh bạch như thông tin nộp thuế của doanh nghiệp pháp nhân, cá nhân.
Về vấn đề thuế cần phải biết rộng rãi, hàng ngày chứ không nên theo lối cũ là “hỏi tới đâu, cung cấp tới đó”, ông nói thêm.
Chuyên gia cũng cho biết qui định về cung cấp thông tin này trên thực tế Luật đã có từ lâu rồi nhưng ở Nghị định 126 có một số điểm mới, khác là việc cung cấp điện tử, cung cấp thường xuyên.
Nghị định mới này cũng qui định rõ cơ quan quản lí thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của thông tin theo qui định của Luật Quản lí thuế và qui định của pháp luật có liên quan.
Sự thay đổi của các qui định quản lí thuế xuất phát từ việc xã hội ngày càng phát triển và các hình thức thu nhập của người dân ngày càng đa dạng. Nhiều nguồn thu từ các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới rất khó ghi nhận và kiểm soát dẫn đến tình trạng thất thu thuế.
Tại buổi họp báo về chống buôn lậu quí III của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, ông Vũ Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ thanh tra kiểm tra (Tổng cục Thuế), nói rằng chỉ tính riêng tại Hà Nội, đã phát hiện 18.304 trường hợp nhận 1.462 tỉ đồng từ YouTube, Google và Facebook.
Trong số đó, một cá nhân tên Trần Đức Phương đạt doanh thu 41 tỉ đồng từ Google, theo số liệu của các ngân hàng thương mại cung cấp. Tổng cục thuế đã mời ông Phương đến làm việc và truy thu 4 tỉ đồng tiền thuế. Theo Dân trí, trường hợp truy thu thuế này từng bị làm khó dễ do phía các ngân hàng thương mại không cung cấp thông tin, hoặc cung cấp cho có các thông tin cá nhân cho phía ngành thuế.
Ngoài ra, các dịch vụ cho thuê phòng, thuê nhà qua ứng dụng di động của các cá nhân trong 8 tháng đầu năm ước tính khoảng 5.000 tỉ đồng. Tiền thuế cơ quan chức năng thu về là 93 tỉ đồng.
Chính vì vậy, thời gian qua Cục Thuế TP HCM đã kiến nghị các ngân hàng cần cung cấp toàn bộ dữ liệu về thu nhập từ các cơ quan, tổ chức khác để truy thu các nghĩa vụ thuế cá nhân liên quan.
Diệp Bình
————-
VietnamBiz (Tài chính) 23-11-2020:
(325/906)