3.185. Hợp tác xã ‘oằn mình’ vì giá xăng

(VNB) – Dịch Covid-19 được kiểm soát, kinh tế từng bước ổn định trở lại, những tưởng hoạt động của hợp tác xã (HTX) có thêm cơ hội hồi phục sau thời gian dài gặp khó khăn. Tuy nhiên, giá xăng liên tiếp tăng đang khiến nhiều HTX khó vực dậy sản xuất.

Từ 15h ngày 21/6, Liên Bộ Tài chính – Công Thương chính thức điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ và đưa giá xăng E5 RON 92 lên mức 31.300 đồng/lít (tăng 190 đồng), giá RON 95 là 32.870 đồng/lít (tăng 500 đồng).

Xăng dầu tăng gây tác động dây chuyền

Như vậy, từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu bán lẻ đã 13 lần tăng và chỉ có 3 lần giảm. Mặc dù từ ngày 1/4, chính sách giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu chính thức có hiệu lực, tuy nhiên, đà giảm của giá xăng dầu vẫn khá “nhỏ giọt”. Điều này đang ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX.

Ông Nguyễn Văn Thích, Giám đốc HTX Tân Long (Hậu Giang) cho biết cùng với với phân bón thì giá xăng dầu cũng đang ở mức cao. Dù là làm nông nghiệp nhưng HTX cũng có nhu cầu sử dụng xăng dầu để bơm rút hoặc thêm nước ở ruộng lúa.

Hiện, đa phần bà con, hộ thành viên HTX thực hiện theo hình thức ruộng ai nhà nấy bơm, tưới nước nên giá xăng dầu tăng cao khiến chi phí cũng đội lên. Bình quân mỗi công lúa (1.296m2), thành viên phải tốn gần 200.000 đồng tiền xăng dầu. “Đó là chưa tính đến khi mưa lũ xảy ra, việc bơm nước phải thực hiện nhiều hơn thì chi phí mua xăng dầu có thể tiếp tục tăng cao”, ông Thích nói.

Dù hoạt động theo chuỗi giá trị, ông Nguyễn Viết Vị, Giám đốc HTX thương mại dịch vụ Phước Thiện (Bình Phước) cho biết hơn 1.000ha chuyên canh mít ruột đỏ và một số cây ăn trái khác của các thành viên và hộ liên kết hiện giờ chỉ còn duy trì 60%. Nguyên nhân là do chi phí đầu tư quá lớn.

“Các loại máy móc như máy phun thuốc, máy phát cỏ, máy xới đất, xe chuyển hàng cỡ nhỏ… vẫn phải được vận hành bằng xăng dầu. Trung bình mỗi tháng, HTX dùng trên 10.000 lít xăng dầu thì chi phí đầu tư cho sản xuất không hề nhỏ, đó là chưa tính đến tiền công chăm sóc, tiền phân bón, thuê nhân công…”, ông Việt phân tích.

Giá xăng tăng đang tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX.

Để chia sẻ khó khăn với đơn vị vận chuyển, HTX Phước Thiện cũng phải chịu một phần chi phí vận chuyển. Mỗi thứ tăng một ít khiến chi phí sản xuất của HTX ngày càng đội lên dẫn đến thu nhập giảm. “So với cùng kỳ năm ngoái, HTX sụt giảm 40% lợi nhuận”, ông Nguyễn Viết Vị nói.

Giá xăng dầu tăng tưởng chừng chỉ ảnh hưởng đến các HTX sản xuất trực tiếp các mặt hàng ăn uống, nhưng ngay các HTX sản xuất các mặt hàng để dùng, phục vụ sản xuất cũng không thoát cảnh khó khăn.

Bà Phạm Thị Diễm Trang, Giám đốc HTX đan đát Hòa Tân (Kiên Giang) cho biết, giá xăng tăng khiến các đơn vị đánh bắt thủy sản “nằm bờ” nên nhu cầu mua các loại phên phơi thủy sản của HTX rất ít. Hoạt động của HTX cũng cầm chừng, thành viên vừa làm vừa xem giá xăng dầu có giảm thì tình hình mới khả quan. HTX cũng đang xem xét để chuyển sang đan lát mặt hàng khác nhằm duy trì nghề truyền thống.

Cần giải pháp phù hợp

Từ đầu năm đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh, nhu cầu vận chuyển hàng hóa cũng như nguyên vật liệu tiếp tục tăng do tình hình sản xuất, xuất – nhập khẩu hàng hóa của các HTX đã đi vào guồng quay sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Tuy nhiên, dù đã đi vào sản xuất bình thường nhưng nếu theo tốc độ tăng giá xăng, dầu như hiện nay thì hiện, chi phí cho xăng dầu đang chiếm hơn 35% chi phí đầu vào của các HTX. Trong khi để duy trì sản xuất, chi phí đầu tư cho xăng dầu chỉ nên ở mức 20-25% tổng chi phí đầu tư.

Trước thực trạng trên, đại diện các HTX cho rằng nếu các ngành chức năng không tiếp tục có công cụ kiểm soát, kìm hãm đà tăng giá xăng dầu thì không chỉ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX mà còn nhiều ngành nghề, đối tượng khác cũng bị ảnh hưởng.

“Trước đó, đại dịch Covid-19 dường như đã cuốn phăng mọi thành quả của nhiều HTX. Nếu hiện nay, giá xăng dầu không giảm thì HTX rất khó hồi phục sản xuất và dù có đầu tư thì sản xuất cũng như muối bỏ bể”, ông Nguyễn Văn Thích nói.

Để giảm áp lực từ việc giá xăng dầu tăng, từ ngày 1/4, mỗi lít xăng, dầu đã được giảm 50% thuế bảo vệ môi trường. Tuy nhiên theo các chuyên gia kinh tế, xăng, dầu là hàng hóa thiết yếu vì sử dụng trong cả sản xuất và tiêu dùng. Như vậy, xăng, dầu đã có thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng thì có cần thêm có thêm thuế tiêu thụ đặc biệt nữa không? Trong khi đây là mặt hàng thiết yếu không chỉ cho người tiêu dùng mà thiết yếu với cả các hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, HTX, doanh nghiệp.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), hiện nay ngoài giá thành sản xuất, giá xăng dầu trong nước còn chịu những thuế phí khác, trong đó có thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng.

Nếu muốn giảm gánh nặng chi phí và tháo gỡ cho các HTX, doanh nghiệp lúc này một cách thực sự, các ngành chức năng cần xem xét bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm các thuế còn lại.

Việc này về trước mắt có thể khiến ngân sách nhà nước giảm thu, nhưng về đường dài sẽ giúp ngân sách nhà nước tăng thu bởi sẽ được bù lại từ một số khoản thuế mà HTX, doanh nghiệp đang phải thực hiện. Làm được điều này, hiệu quả xuất kinh doanh của HTX, doanh nghiệp cũng được nâng lên, từ đó giúp ổn định nền kinh tế.

PGS.TS Hồ Thủy Tiên, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Tài chính – Marketing, cũng cho rằng xăng dầu là hàng hóa thiết yếu hằng ngày nên nếu thu thuế tiêu thụ đặc biệt thì cần được đánh vào những mặt hàng hay dịch vụ đặc biệt.

Chính vì vậy, việc bỏ thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu là cần thiết thay vì chỉ đơn thuần xem xét giảm tiếp 50% phí bảo vệ môi trường trong giai đoạn hiện nay. Có như vậy, HTX, doanh nghiệp mới giảm được chi phí đầu vào giảm, và người tiêu dùng cuối cùng sẽ được hưởng lợi từ quá trình sản xuất thay vì chịu các chi phí gia tăng của thị trường như hiện nay.

“Nhiều đơn vị cho rằng, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trước tình hình cấp bách như hiện nay, cần có giải pháp nhanh chóng để kìm giá xăng dầu. Còn việc cân đối tài chính quốc gia thì cần có chính sách khác phù hợp hơn”, PGS.TS Hồ Thủy Tiên nói .

Có thể thấy, giá xăng dầu đang ở mức quá cao so với sức chịu đựng người dân, HTX nên dù nhiều HTX đã thực hiện các biện pháp sản xuất khoa học, liên kết với các đơn vị cùng ngành để hạ thấp chi phí, thậm chí là tăng cước phí đối với các HTX vận tải. Tuy nhiên, các giải pháp này chỉ giảm được phần nào chi phí và cần vốn đầu tư lớn mới có thể duy trì lâu dài. Nếu giá xăng dầu giảm sẽ bớt gánh nặng chi phí cho HTX, nhất là chi phí vận chuyển. Do đó, việc các ngành chức năng cần nhanh chóng giảm các loại thuế phí để “hạ nhiệt” giá xăng dầu là điều cần thiết, nếu không các HTX sẽ khó duy trì sản xuất.

Huyền Trang

————-

VNBusiness (Hợp tác xã) 22-6-2022:

https://vnbusiness.vn/hop-tac-xa/hop-tac-xa-oan-minh-vi-gia-xang-1086221.html

(170/1.504)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.(TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,849