(ĐTCK) – Trong bối cảnh việc vay vốn ngân hàng gặp khó khăn bởi giới hạn tăng trưởng tín dụng như hiện nay, kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp càng trở nên quan trọng, cần được khuyến khích phát triển, thay vì lo ngại rủi ro mà siết chặt.
Trái phiếu địa ốc trở lại
Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 5/2022 có 1 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng trị giá 300 tỷ đồng của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG và 34 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với giá trị 23.805 tỷ đồng.
Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại đứng đầu về giá trị phát hành với 14.629 tỷ đồng, chiếm 60,68%; nhóm doanh nghiệp bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với 6.879 tỷ đồng, chiếm 28,53%.
Trước đó, trong tháng 4/2022 không có doanh nghiệp bất động sản nào phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Nguyên nhân chủ yếu là do thị trường e ngại rủi ro sau khi một số trường hợp vi phạm bị phát hiện và xử lý, đồng thời cơ quan quản lý có động thái sẽ siết chặt kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có 17 đợt phát hành ra công chúng với giá trị là 8.996 tỷ đồng và 160 đợt phát hành riêng lẻ với giá trị 104.828 tỷ đồng; giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng tăng 11% và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 23% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, nhóm doanh nghiệp bất động sản đứng ở vị trí thứ hai về giá trị phát hành với 37.395 tỷ đồng.
Dòng vốn trái phiếu không thể bị đứt gãy
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, dự thảo lần 5 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có nhiều quy định siết chặt cả nguồn cung và cầu trái phiếu. Nếu dự thảo được thông qua thì phần lớn doanh nghiệp trong nền kinh tế không thể phát hành trái phiếu theo hình thức riêng lẻ, không tiếp cận được với nguồn vốn trái phiếu có thể dẫn đến đình trệ hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Theo quan điểm của các chuyên gia VBMA, khi xử lý các vấn đề trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cơ quan quản lý cần phân nhóm doanh nghiệp để có giải pháp phù hợp. Những doanh nghiệp có phương án sử dụng vốn khả thi, có dòng tiền lành mạnh, có khả năng trả nợ cần được tạo điều kiện để huy động vốn trái phiếu.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có vai trò quan trọng hơn cả vốn trung và dài hạn của ngành ngân hàng dành cho doanh nghiệp bất động sản.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần FiinGroup đánh giá, trong 5 năm qua, vai trò của thị trường trái phiếu doanh nghiệp lớn dần, nếu không có kênh này thì kinh tế khó có thể tăng trưởng cao.
Đặc biệt, trong 2 năm 2020 – 2021 bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tổng quy mô 11 triệu tỷ đồng tín dụng ngân hàng không thể đáp ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn.
Số liệu của FiinRatings cho thấy, huy động vốn từ trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 là 715.000 tỷ đồng, trong khi giá trị cho vay mới trung và dài hạn của các ngân hàng thương mại là 700.000 tỷ đồng, còn huy động vốn cổ phần từ thị trường chứng khoán đạt 101.000 tỷ đồng.
Nhiều ý kiến nhận định, thị trường trái phiếu doanh nghiệp nếu bị đứt gãy sẽ gây ra hệ lụy lớn cho nền kinh tế. Riêng khối doanh nghiệp bất động sản, quy mô trái phiếu tính đến cuối tháng 4/2022 vào khoảng 487.000 tỷ đồng. Số liệu của FiinGroup chỉ ra rằng, 63% giá trị này, tương đương 305.000 tỷ đồng, sẽ đáo hạn trong giai đoạn 2022 – 2024.
Một báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, trong năm 2022, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vào khoảng 145.000 tỷ đồng; trong đó, trái phiếu bất động sản chiếm 43,2% (62.500 tỷ đồng), trái phiếu các tổ chức tín dụng chiếm 20,2% (29.000 tỷ đồng).
Năm 2023 và 2024, khối lượng trái phiếu đáo hạn tăng cao so với năm 2022, lần lượt là 271.000 tỷ đồng và 329.000 tỷ đồng. Trong 2 năm đó, trái phiếu bất động sản đáo hạn là 208.000 tỷ đồng, trái phiếu các tổ chức tín dụng đáo hạn là 207.000 tỷ đồng.
Giới phân tích nhìn nhận, giá trị trái phiếu đáo hạn lớn, nhu cầu tiếp tục huy động vốn để triển khai các dự án cũng lớn, nên kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp mà bị siết thì nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất – kinh doanh cũng như khả năng trả nợ đúng hạn.
Thách thức lớn nhất ở thời điểm hiện tại là năng lực tín dụng của các doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp niêm yết, trong khi phần lớn giá trị trái phiếu đang lưu hành thuộc về nhóm doanh nghiệp chưa niêm yết.
Trên thực tế, doanh nghiệp bất động sản khó vay vốn ngân hàng mới phải tìm đến thị trường trái phiếu, nhưng khi dự án được khiển khai tốt, được thị trường hấp thụ, doanh nghiệp có khả năng trả nợ trái chủ và hoàn tất các nghĩa vụ tài chính. Do đó, đánh đồng doanh nghiệp có khả năng kiểm soát tốt dòng trái phiếu với các doanh nghiệp huy động dưới chuẩn có nguy cơ dẫn tới bóp nghẹt tất cả các doanh nghiệp.
- Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế đánh giá, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có vai trò quan trọng hơn cả vốn trung và dài hạn của ngành ngân hàng dành cho doanh nghiệp bất động sản, vì vốn cho trái phiếu doanh nghiệp linh hoạt hơn vốn tín dụng ngân hàng. Nếu kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp bị siết chặt thì một loạt dự án mới sẽ không phát triển được, các dự án cũ không tiếp tục triển khai được.
Ông Nghĩa cảnh báo, trong bối cảnh có khoảng 540.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong giai đoạn 2022 – 2023, phần lớn là trái phiếu bất động sản, nếu siết quá mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể làm toàn bộ thị trường bất động sản đóng băng, một số ngân hàng thương mại sẽ gặp khó khăn. Khi đó, những hệ lụy đối với hệ thống ngân hàng và toàn nền kinh tế là rất lớn.
Bài học từ Trung Quốc cho thấy, sau khi hạ nhiệt lĩnh vực bất động sản tăng trưởng nóng bằng các biện pháp như siết điều kiện cho vay, tăng lãi suất, kiểm soát chặt chẽ trái phiếu…, thị trường địa ốc nước này rơi vào suy thoái với dự báo tỷ lệ vỡ nợ cao.
Mới đây, các nhà phân tích đã nâng dự báo tỷ lệ vỡ nợ cho ngành bất động sản Trung Quốc từ 19% lên 31,6%. Trước tình trạng u ám của thị trường bất động sản, ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc đã buộc phải có các giải pháp nhằm “kích” thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Thông tin cần đúng và minh bạch
Ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nêu quan điểm, phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không thể đòi hỏi điều kiện quá cao, quá chặt chẽ, quá an toàn, mà phải chấp nhận một mức độ rủi ro nhất định.
Cơ quan quản lý không nên tập trung vào các điều kiện bắt buộc như kết quả kinh doanh có lỗ, giới hạn giá trị phát hành, có tài sản bảo đảm, bảo lãnh thanh toán và giám sát việc sử dụng vốn đúng mục đích, bởi như vậy thì không còn là đặc điểm của trái phiếu riêng lẻ.
Các thông tin từ doanh nghiệp cần đúng và minh bạch, còn lại hãy để nhà đầu tư lựa chọn mức độ rủi ro.
“Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần phải được phát triển, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Vốn huy động qua thị trường chứng khoán gồm cả cổ phiếu và trái phiếu tương đương 26% tổng lượng vốn cung ứng ra nền kinh tế. Trái phiếu doanh nghiệp chiếm khoảng 22,7% tổng lượng vốn cung ứng cho nền kinh tế mỗi năm, còn huy động vốn qua phát hành cổ phiếu chỉ chiếm khoảng 3,5%. Chính phủ nên khuyến khích phát hành trái phiếu nhiều hơn, mạnh hơn để doanh nghiệp có vốn hoạt động. Vấn đề lớn nhất lúc này là phải tạo lập niềm tin cho thị trường bằng tính minh bạch”, ông Đức nói.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc siết chặt phát hành trái phiếu cần được xem xét một cách hợp lý, tránh gây sốc cho thị trường, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của nền kinh tế. Nghị định 153/2020/NĐ-CP nên được sửa đổi theo hướng yêu cầu các doanh nghiệp công khai, minh bạch thông tin nhằm đảm bảo cho thị trường phát triển bền vững và lấy lại lòng tin từ các nhà đầu tư.
—————-
Đầu tư Chứng khoán (Trái phiếu) 01-7-2022:
https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/can-thong-duong-cho-trai-phieu-doanh-nghiep-post300510.html
(257/1.689)