(GT) – Chuyên gia “hiến kế” đánh thuế cao với sở hữu nhiều nhà đất, đảm bảo công bằng, an sinh xã hội, chống đầu cơ, tích trữ đất.
Sở hữu nhiều nhà đất sẽ phải chịu thuế cao
Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng đề ra trong Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương được dư luận quan tâm.
Bởi trước đây, việc đánh thuế cao đối với người sử dụng nhiều nhà đất, người sử dụng căn nhà thứ 2,3…nhằm tăng thu ngân sách, giảm đầu cơ đất được Chính phủ đề cập đến từ lâu, nhưng khó đưa vào áp dụng vì các cơ quan quản lý nhà nước cho rằng thiếu chủ trương để thực hiện.
Một góc khu đô thị Hà Phong bỏ hoang
Nghị quyết 18 đưa ra được các chuyên gia bất động sản đánh giá cao và hy vọng những người nghèo, thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận nhà ở, đảm bảo an sinh xã hội.
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) nhìn nhận, Nghị quyết 18 năm 2022 được ban hành, đã phần nào tác động tích hơn với vấn đề đánh thuế cao với người có nhiều nhà, đất. Đồng thời, có ưu đãi với đối tượng thuộc nhóm yếu thế, dễ tổn thương như nông dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.
“Trước đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất, biệt thự bỏ hoang 3 tháng có thể áp thuế khoảng 5% trên giá trị hợp đồng, còn sau một năm biệt thự vẫn bỏ hoang sẽ bị tính thuế 10% trên tổng giá trị. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đề xuất xử phạt hành chính chủ sở hữu biệt thự, với mức phạt 10 – 20 triệu đồng/căn, đồng thời kiến nghị Chính phủ áp dụng thu thuế cao lũy tiến đối với người mua từ ngôi nhà thứ hai trở lên.”
Ông Võ cho rằng, việc đánh thuế nhà, đất cao sẽ giúp ngân sách nhà nước có được nguồn đóng góp lớn từ người dân.
Đồng quan điểm, chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cho rằng việc thu thuế cao đối với người sở hữu nhiều nhà, đất là quyết định đúng. Bởi thuế tài sản sẽ tạo nguồn thu ngân sách ổn định từ thị trường bất động sản, sau đó sử dụng nguồn vốn này để đầu tư phát triển hạ tầng nhằm gia tăng nguồn cung cho thị trường.
Theo ông Quang, pháp luật không thể cấm người dân sử dụng nhiều nhà, đất nhưng có thể can thiệp bằng cách đánh thuế cao đối với người sở hữu nhiều nhà, đất.
Dưới góc độ thị trường, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, quy định này áp dụng sẽ góp phần giúp cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, minh bạch; phòng chống đầu cơ và sử dụng lãng phí bất động sản; góp phần dịch chuyển dòng tiền thay vì đầu tư vào bất động sản sẽ chuyển sang đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, quy định này còn hướng các nhà đầu tư thứ cấp đi vào lựa chọn thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thay vì kinh doanh cá thể như hiện nay.
Đánh thuế luỹ tiến, càng sở hữu nhiều “gánh” thuế càng cao
Theo GS Đặng Hùng Võ, để đánh trúng, đúng đối tượng, thực hiện đúng chủ trương, tinh thần Nghị Quyết 18, đánh thuế tài sản với những người sở hữu nhiều nhà đất, không phải là tăng thuế tài sản mà là cải cách nó. Nghĩa là thuế này sẽ không đánh vào người nghèo, mà đánh vào những đối tượng đầu cơ, tích trữ nhiều nhà, đất, đặc biệt là những nhà đất bỏ hoang, không đưa vào sử dụng.
Theo đó, cần đánh thuế mạnh vào căn nhà thứ hai và những căn nhà có giá trị cao, cũng như tăng thuế đất lên một mức độ nhất định. Những việc này sẽ góp phần “đặc trị” hiện tượng “sốt đất”, giúp giá nhà, đất bình ổn lại.
Còn theo ông Trần Khánh Quang, để thực hiện việc đánh thuế cao đối với người sở hữu nhiều nhà đất thì cần quy định về hạn mức đất phù hợp, nằm trong giới hạn không phải đóng thuế cao. Những diện tích đất nằm ngoài giới hạn phải đánh cao, tương ứng.
Ông Quang đề xuất, việc thu thuế với người sở hữu nhiều nhà đất không dùng để ở hoặc không sử dụng để sản xuất, kinh doanh thì chịu mức thuế suất lũy tiến tùy theo số lượng nhà đất sở hữu. Còn với người chậm đưa đất vào sử dụng cũng bị đánh thuế cao nhằm triệt tiêu ý chí “ôm đất” phòng ngừa việc đầu cơ đất đai.
Ông Quang cũng cho rằng, cần phân biệt giữa người sở hữu nhiều bất động sản để sử dụng vào mục đích chính đáng và người sở hữu bất động sản để đầu cơ. Bởi vì không thể đánh thuế người sở hữu nhiều bất động sản vì nhu cầu sử dụng chính đáng của họ.
Song song với đó, cần xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai thật đầy đủ, thống nhất để có thông tin về từng người đang sở hữu những bất động sản nào, để đánh thuế tài sản thật trúng và thật đúng…
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cũng chia sẻ quan điểm, khi đánh thuế tài sản với nhà thì nhà đó cần được định giá theo thị trường, không phải theo giá quy định của cơ quan Nhà nước, và chỉ dựa vào giá để đánh thuế.
Theo ông Đức, tùy theo từng vị trí của tài sản mà các mức thuế được đề ra khác nhau. Ví dụ, không thể đánh đồng thuế một nhà miền núi ở Yên Bái rộng 5.000 m2 được bán ở mức giá 300 triệu đồng, với một căn nhà phố vài chục tỷ đồng ở trung tâm TP Hà Nội hay TP HCM. Hay cũng như không thể đánh đồng, giá trị 100 m2 chung cư với 100 m2 nhà đất, đây là hai giá trị khác nhau hoàn toàn về việc sở hữu tài nguyên.
Vị luật sư này cho rằng việc đầu tiên cần làm là có cơ sở dữ liệu nhà đất một cách toàn diện, thống kê, quản lý tài sản của người dân, để đảm bảo công bằng. Điều này, theo ông để tránh tình trạng người có 10 căn nhà nhưng nộp thuế có khi thấp hơn người chỉ có một nhà.
Bên cạnh đó, vị luật sư này cho rằng cần đánh thuế tài sản theo lũy tiến với mức khởi điểm rất thấp. Từ đó mới bảo đảm người càng sở hữu nhiều nhà càng bị đánh thuế cao.
———-
Giao thông (Bất động sản) 06-7-2022:
https://www.baogiaothong.vn/cach-nao-de-danh-thue-cao-voi-nguoi-so-huu-nhieu-nha-dat-d558254.html
(249/1.209)