3.196.Tăng vốn 166.400 tỷ đồng cho DNNN: Nhiều trăn trở

(ĐV) – LS Trương Thanh Đức cho rằng, cách tăng vốn hợp lý và bền vững nhất tại các doanh nghiệp nhà nước là thoái vốn nhà nước.

Báo cáo tình hình bổ sung vốn điều lệ với DNNN đang hoạt động, Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2019 có 85 DNNN đang hoạt động được đầu tư bổ sung vốn điều lệ với tổng số vốn đầu tư trong năm là 21.182,98 tỷ đồng. Lũy kế hết năm 2019, vốn lũy kế đầu tư bổ sung là gần 81.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vẫn còn đến 44 doanh nghiệp cần phải bổ sung vốn điều lệ, trong đó có 24 doanh nghiệp thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, với tổng vốn cần bổ sung là hơn 163.000 tỷ đồng; 20 doanh nghiệp thuộc khối địa phương, cần bổ sung với số vốn hơn 3.300 tỷ đồng.

Tổng số vốn điều lệ của 44 doanh nghiệp còn phải bổ sung gần 166.400 tỷ đồng (tương đương 7,2 tỷ USD).

Bình luận về việc phải bổ sung vốn điều lệ cho các DNNN, Luật sư (LS) Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, cho rằng, ở đây đã sai từ gốc, đâm lao nên phải theo lao.

Cái sai ấy, theo ông Đức, chính là việc Nhà nước, thông qua các DNNN, tự đi kinh doanh, cạnh tranh thị trường với tư nhân, từ đó khiến thị trường bị méo mó, lệch lạc, cơ chế kém hiệu quả.

“Nhà nước chỉ nên xông vào gánh đỡ những lĩnh vực nào tư nhân không thể làm hoặc làm không hiệu quả, tư nhân chế khó, để phục vụ nhân dân, đất nước và xã hội, còn lại Nhà nước chỉ nên quản lý, điều hành và thu thuế.

Nếu DNNN cứ đi giành phần, nhận lấy miếng bánh ngon nhất thì không ổn”, LS Trương Thanh Đức bày tỏ quan điểm.

Theo Giám đốc Công ty Luật ANVI, công tác cổ phần hóa DNNN đã được thực hiện gần 30 năm, thế nhưng đến nay tốc độ cổ phần hóa vẫn diễn ra ì ạch, chưa đạt kế hoạch đề ra.

Theo LS Trương Thanh Đức, cách tăng vốn hiệu quả nhất cho các doanh nghiệp là thoái vốn nhà nước. Ảnh: Dân trí
Theo đó, lũy kế giai đoạn 2016 đến hết tháng 9/2020 có 178 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.503 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước là 207.116 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 178 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 37/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục Thủ tướng yêu cầu hoàn thành (đạt 28% kế hoạch).Nhận xét của LS Trương Thanh Đức có thể thấy rõ qua báo cáo của Chính phủ gửi tới kỳ họp 10, Quốc hội khóa XIV vừa qua.

Theo kế hoạch thì năm 2020 còn phải thực hiện cổ phần hóa 91 doanh nghiệp. Những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp thuộc danh sách phải thực hiện cổ phần hóa trong năm 2020 là: TP.Hà Nội cổ phần hóa 13 doanh nghiệp, chiếm 14% kế hoạch; TP.HCM cổ phần hóa 38 doanh nghiệp, chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa 6 doanh nghiệp; Bộ Công Thương cổ phần hóa 4 doanh nghiệp; Bộ Xây dựng cổ phần hóa 2 tổng công ty.

Đối với thoái vốn, lũy kế từ năm 2016 đến hết tháng 9/2020 thoái 25.669 tỷ đồng, thu về 172.917 tỷ đồng, việc triển khai thoái vốn nhà nước còn chậchaamtrong danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020, những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn với giá trị lớn là: Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; TP.Hà Nội (còn phải thoái vốn tại 28 doanh nghiệp).

Việc cổ phần hóa, thoái vốn chậm càng khiến DNNN hoạt động không hiệu quả, lỗ chồng lỗ, trong khi đây chính là khối doanh nghiệp không ít cơ quan quản lý nhà nước coi là “con đẻ”, dành cho những ưu tiên, ưu đãi dưới nhiều cách thức.

Trở lại với thông tin 44 DNNN cần tăng vốn điều lệ tới gần 166.400 tỷ đồng, vị luật sư cho rằng, cách hợp lý và tốt nhất là “lấy mỡ nó rán nó”, thực hiện thoái vốn nhà nước, lấy tiền đó để tăng vốn điều lệ cho doanh nghiệp.

Ông dẫn trường hợp tăng vốn cho các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước làm ví dụ. Việc tăng vốn đó là cần thiết và cấp bách để phục vụ nền kinh tế. Để thực hiện tăng vốn, việc đẩy mạnh cổ phần hóa hoặc tiếp tục thoái vốn nhà nước tại các ngân hàng này là cần thiết để đưa hoạt động của các ngân hàng theo thị trường và chịu sự điều tiết của các chính sách kinh tế chung. Đó mới là cách làm bài bản để các ngân hàng thương mại Việt Nam thực sự lớn mạnh trong giai đoạn hội nhập sắp tới.

Sau nhiều năm bàn cãi, cuối cùng cơ quan quản lý vẫn quyết định lấy ngân sách ra để tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước. Theo ông Đức, cách làm này thiếu sòng phẳng.

Tương tự, đối với việc hỗ trợ Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng vậy. Vị chuyên gia cho rằng, đáng lẽ phải xác định giảm dần tỷ lệ vốn nhà nước tại doanh nghiệp này, để thị trường tăng thay vì Nhà nước phải đi làm việc này.

Từ những phân tích ở trên, hai câu hỏi lớn được LS Trương Thanh Đức đặt ra trước yêu cầu tăng vốn cho các DNNN, đó là: Có hiệu quả không? Lấy tiền đâu để tăng?, không thể cứ giật gấu vá vai mãi.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, nguồn bổ sung vốn điều lệ năm 2019 cho các DNNN đang hoạt động chủ yếu từ Quỹ Đầu tư phát triển tại doanh nghiệp hơn 10.162 tỷ đồng; Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp hơn 540 tỷ đồng; ngân sách Trung ương hơn 3.200 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 3.000 tỷ đồng, nguồn khác là 4.216,97 tỷ đồng.

Tuy nhiên, LS Trương Thanh Đức khẳng định, lấy từ nguồn nào nêu trên cũng là tiền ngân sách.

“Tiền ngân sách là để an sinh, trợ cấp cho người dân, đảm bảo trật tự, phòng chống dịch bệnh, thiên tai… Bản thân những việc này đã thiếu tiền, tiền trả nợ cũng không có, giờ lại mang đi kinh doanh thì không có lý chút nào, kể cả kinh doanh có hiệu quả. Đó là chưa nói đến trường hợp có khi đầu tư xong còn xảy ra thất thoát, không hiệu quả”, vị luật sư nêu rõ.

Thành Luân

—————

Đất việt (Kinh tế) 09-12-2020:

https://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/tang-von-166400-ty-dong-cho-dnnn-nhieu-tran-tro-3423891/

(755/1.235)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.(TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,849