3.208. Kẽ hở quản lý cổng thanh toán quốc tế tại Việt Nam: “Chợ đen” mua bán tiền Paypal – những thỏa thuận không dấu vết

Việc mua bán, trao đổi tiền trên cổng Paypal có thể diễn ra nhanh chóng, dễ dàng, không bị kiểm soát. Ảnh: Đình Trường

(LĐ) – Nhằm mục đích lách các quy định về tỉ giá, về phí chuyển khoản hay thậm chí là cả sự truy vết của cơ quan chức năng, thị trường ngầm mua bán, trao đổi tiềntrên cổng thanh toán quốc tế đã hình thành. Từ nhóm kín đến đời thực, những giao dịch không vết dấu diễn ra, trở thành thách thức thực sự cho công tác quản lý hoạt động này.

Nhộn nhịp chợ tiền Paypal 

Cổng Paypal là cổng thanh toán quốc tế phổ biến hàng đầu tại Việt Nam. Paypal hỗ trợ cho việc thanh toán, chuyển tiền qua mạng Internet. Khi sở hữu tài khoản Paypal, chỉ với một địa chỉ email, người dùng có thể chuyển tiền xuyên quốc gia, gửi cho bạn bè, người thân hoặc thanh toán online. Paypal cũng hỗ trợ người dùng rút tiền về tài khoản ngân hàng của mình.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, Paypal cũng có những quy định khắc nghiệt như: Nếu chuyển tiền với mục đích thương mại, bạn sẽ bị mất thêm một khoản phí giao dịch. Hoặc khi rút tiền từ Paypal về ngân hàng Việt Nam, bạn sẽ bị mất phí 60 ngàn đồng cho một lần rút. Ngoài ra, khi rút tiền về thẻ ngân hàng sẽ bị chênh lệch tỉ giá, thường thấp hơn so với tỉ giá ngoài thị trường. Và để nhận được tiền trong thẻ, thường sẽ phải chờ đợi từ 2 – 4 ngày làm việc, như thông báo của cổng thanh toán này.

Chính bởi các quy định kể trên và cả nhu cầu không muốn lưu lại vết trong các giao dịch rút tiền về ngân hàng, đã hình thành nên một thị trường “chợ đen” mua bán tiền trong tài khoản Paypal. Tại đây, việc mua bán diễn ra theo cách bắn tiền ngoại tệ từ tài khoản Paypal này sang tài khoản Paypal khác và nhận lại bằng chuyển khoản trực tiếp tiền VND không qua cổng hoặc tiền mặt. Tỷ lệ chuyển đổi ngoại tệ được hai bên tự thỏa thuận.

Nhiều năm qua, thị trường này âm thầm tồn tại và phát triển, đặc biệt trong giới kiếm tiền online. Theo khảo sát của PV, “chợ đen” mua bán tiền Paypal hoạt động nhộn nhịp nhất trong các hội nhóm kín trên Facebook. Có đến hàng chục hội nhóm tương tự nhau cùng phục vụ cho mục đích này như “Cộng đồng kiếm tiền Paypal”; “Trao đổi mua bán Paypal”; “Cộng đồng MMO – Kiếm tiền online Paypal”,…

Trong nhóm kín “Mua bán trao đổi tiền Paypal” có hơn 15 nghìn thành viên, có thể dễ dàng thấy các bài đăng mua bán tiền Paypal được đăng tải liên tục với những nội dung như: “Nhận thu mua tiền paypal, rate (tỷ giá) cao, ai cần liên hệ”; “Cần bán 140 USD paypal, rate 22”, “Bác nào có paypal bán cho mình, thu mua cả nhỏ lẻ”,…

Từ đó những người có nhu cầu sẽ tự trao đổi và mua bán với nhau. Hầu hết các giao dịch diễn ra trên mạng. Rất ít người chọn cách giao dịch trực tiếp bởi họ thấy không cần thiết. Và chuyển khoản online nhanh gọn là cách được nhiều người ưa chuộng.

Tuy nhiên, cũng vì là “chợ đen”, không gian giao dịch chủ yếu trên mạng nên các vụ việc lừa đảo (được các thành viên gọi là bị “scam”) cũng diễn ra tràn lan. Một vụ việc “scam” xảy ra khi một trong hai bên không thực hiện theo đúng thỏa thuận, nhận được tiền Paypal mà không chuyển tiền Việt hoặc ngược lại,… Từ đó, xuất hiện một bộ phận những người đứng ra làm trung gian cho các giao dịch, đảm bảo cho cả hai bên nhận được tiền. Nhưng các bài viết tố cáo bị lừa đảo vẫn diễn ra thường xuyên.

Từ chợ ảo đến đời thực 

Một ngày giữa tháng 12, trong vai một người có nhu cầu mua tiền trong tài khoản Paypal, phóng viên đã bắt mối với một đầu thu mua có tên S.P.

“Anh mua 100USD đúng không, rate 22.8” – người này ngay lập tức vào việc. Theo đó, để nhận được 100USD trong tài khoản Paypal, tôi phải chuyển cho người này 2,28 triệu đồng. Qua nhiều lần thuyết phục, chúng tôi lấy lý do rằng muốn giao dịch trực tiếp cho đảm bảo, người này mới chấp nhận gặp mặt để trao đổi.

Cuộc giao dịch diễn ra ngay tại một quán càphê nằm trên phố Xã Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội). S. chạc hơn 30 tuổi, khoảng 2 năm trở lại đây bắt đầu thu mua tiền Paypal để ăn chệnh lệch. Ngay sau khi nhận được tiền từ phía PV và hỏi địa chỉ email, S. tiến hành thao tác chuyển tiền trong ứng dụng Paypal trên điện thoại. Thông báo nhận tiền đến email của PV gần như tức thời. Cuộc giao dịch diễn ra chỉ trong vài phút.

“Nhận được ngay luôn đấy. Nó còn nhanh hơn cả ngân hàng. Paypal có chức năng chuyển tiền cho người thân, phải chọn chế độ đó thì sẽ không bị trừ phí” – S. cho hay.

Đầu mối này cũng cho biết việc mua bán tiền Paypal diễn ra hết sức phổ biến, trong các nhóm kín đã từng có người rao bán, thu mua những giao dịch hàng chục nghìn USD. “Giá thu mua thường dao động 21 – 22 (1USD được định giá 21.000 – 22.000VND), còn nếu người ta thu cao thì sẽ hơn 22 một chút. Còn người ta bán ra Paypal sẽ có giá trung bình thường sẽ là 22.7 trở lên. Còn tùy vào số lượng khi giao dịch nữa” – S. cho hay. Người này cũng cho biết hoạt động mua bán không phải không có những rủi ro. Bởi Paypal có thể sẽ phát hiện ra những giao dịch bất thường và khóa tài khoản.

Cuộc gặp kể trên là một trong rất nhiều giao dịch tiền Paypal đang diễn ra từng ngày. Những hoạt động mua bán, đổi chác ngoại tệ diễn ra tự do và không gặp bất cứ trở ngại nào. Tự quy định tỉ giá, nhận tiền nhanh chóng và không lưu lại vết khi tiền đã được chuyển qua hàng loạt bên trung gian. Đây chính là con đường mà nhiều người sử dụng để lách qua các quy định của cổng thanh toán quốc tế hay thậm chí là tránh việc lưu vết so với các giao dịch tiền chảy thẳng về tài khoản ngân hàng.

Ngày 16.12, trao đổi với PV Báo Lao Động, Luật sư Trương Thanh Đức (Đoàn luật sư TP Hà Nội) khẳng định: “Những kênh chuyển tiền mà chưa được Ngân hàng Nhà nước cấp phép rõ ràng là nằm ngoài pháp luật, là vi phạm quy định về cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán bất hợp pháp”.

Từng có nhiều có nhiều năm theo sát mảng tài chính ngân hàng, ông Trương Thanh Đức cho rằng để giám sát các giao dịch qua cổng thanh toán quốc tế buộc phải dùng đến công nghệ, kĩ thuật cao để lần theo dấu vết các giao dịch bất thường.

“Nếu chúng ta không đầu tư về mặt công nghệ, không quan tâm siết chặt quản lý thì các hoạt động chuyển và nhận tiền bất hợp pháp sẽ trở thành vấn nạn, sẽ trở thành nguy cơ rất lớn cho nền kinh tế” – ông Đức cho biết.

Theo danh sách được công bố, cổng thanh toán quốc tế Paypal vẫn chưa được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Những giao dịch trên cổng thanh toán này khi xảy ra rủi ro, người dân có thể không được bảo đảm quyền lợi bởi các cơ quan chức năng.

ĐÌNH TRƯỜNG – LAN HƯƠNG

—————-

Lao động (Kinh doanh) 17-12-2020:

https://laodong.vn/kinh-te/ke-ho-quan-ly-cong-thanh-toan-quoc-te-tai-viet-nam-cho-den-mua-ban-tien-paypal-nhung-thoa-thuan-khong-dau-vet-862958.ldo

(158/1.396)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.(TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,847