(VNF) – Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng thực tế, Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) không phải bây giờ mới bộc lộ sự bất cập, mà từ khi mới còn là Pháp lệnh Thuế TNCN với người có mức thu nhập cao.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI.
Mới đây, khi Bộ Tài chính trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để điều chỉnh, sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), có ý kiến cho rằng đúng ra việc này phải được thực hiện từ cách đây 2 năm (2020), khi CPI thời điểm ấy so với thời điểm luật có hiệu lực đã tăng lên đến 22%, vượt quá quy định của luật là khi CPI tăng đạt ngưỡng 20% phải điều chỉnh.
Cùng với đó, các chuyên gia cũng cho rằng, thuế suất và cách tính lũy tiến theo bậc không hợp lý
Dư luận cho rằng, chậm đề xuất sửa đổi, điều chỉnh Luật Thuế TNCN do Bộ Tài chính đang cố “gọt chân cho vừa giày”, khi những quy định và cách tính thuế đã không còn phù hợp với thực tế, cả mức sàn thu nhập chịu thuế lẫn giá trị tuyệt đối người phụ thuộc được hưởng đều thể hiện sự bất cập.
Bình luận về các quy định này, trao đổi với VietnamFinance, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng thực tế, luật thuế này không phải bây giờ mới bộc lộ sự bất cập, mà từ khi mới còn là Pháp lệnh Thuế TNCN với người có mức thu nhập cao. Vì vậy, nhà chức trách cần phải xem xét sửa đổi tổng thể, toàn diện, hoàn thiện để luật tốt hơn.
Theo luật sư Đức, bất cập được dư luận và cả giới chuyên gia luật nói đến nhiều nhất chính là cách tính thuế TNCN gây nhiều tranh cãi, nhất là vấn đề giảm trừ cho người lao động và người phụ thuộc.
Ông Đức cho biết, cách Bộ Tài chính làm hiện nay là lấy 9 triệu đồng nhân cho tốc độ gia tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI của năm 2019 so với 2013 là 23%, từ đó đưa ra con số 11 triệu đồng. Nhiều người cho rằng cách tính này không sát với cuộc sống của người dân.
“Về lý mà nói, cách tính này hiện nay đang làm đúng luật. Đúng luật nhưng lại chưa phù hợp, chưa sát với thực tế cuộc sống. Bởi luật quy định khi CPI tăng 20% so với thời điểm Luật Thuế TNCN có hiệu lực thi hành, hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh. Theo tôi, để chờ đến lúc ấy là thời gian quá dài, nên quy định này chưa kịp thời và gây thiệt cho người lao động.
Cần nói thêm, quan điểm của Luật Thuế TNCN là đánh thuế với người thu nhập cao, để hạn chế tối đa bất cân xứng thu nhập, chênh lệch giàu nghèo, củng cố nguồn thu ngân sách. Nhưng dường như Luật Thuế TNCN hiện hành chưa mang tinh thần như vậy”, ông Đức bình luận.
Theo quan điểm của ông Đức, về cơ bản, những ai có thu nhập đều thuộc diện kê khai và tính thuế. Nhưng với những người thu nhập thấp vẫn phải nộp thuế thì tính hiệu quả của luật sẽ không cao.
Ngoài ra, ông Đức cũng cho rằng một vấn đề gây tranh cãi, thậm chí bức xúc trong dư luận hiện nay đối với luật thuế này, là quy định về mức giảm trừ gia cảnh. Cụ thể, mức giảm trừ gia cảnh dành cho người lao động là 11 triệu đồng/tháng, còn người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng. Nhưng quy định này lại áp dụng chung cho cả nước, không phân biệt vùng miền. Cách tính cào bằng này liệu có làm nảy sinh nhiều bất cập.
Trong khi đó, theo quan điểm của ông Đức, lương của người lao động được phân chia rất cụ thể, thành 4 vùng khác nhau, với mức chênh lệch khá đáng kể. Giả thiết với cùng một mức thu nhập, nhưng ở các địa bàn khác nhau, mức giảm trừ gia cảnh với người phụ thuộc cũng nên khác nhau.
“Ở vùng sâu vùng xa, mức giảm trừ gia cảnh với người lao động 11 triệu đồng, người phụ thuộc 4,4 triệu đồng, tôi cho rằng là ổn. Tuy nhiên, ở vùng thành thị là nơi có mức sống cao, mọi thứ đều đắt đỏ, mức giảm trừ gia cảnh như vậy không đủ sống”, ông Đức nói.
Trên thực tế, ông Đức cho rằng chính sách thuế tại nhiều quốc gia cũng không cào bằng mức giảm trừ gia cảnh, một phần do họ xác định và khấu trừ được chi phí đầu vào của người dân nhờ thanh toán không tiền mặt phát triển.
“Theo tôi, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay chưa dựa vào mức sống tối thiểu hay thu nhập bình quân đầu người, cũng không hẳn là căn cứ vào lương cơ sở hay lương tối thiểu vùng. Chính vì vậy, dường như mức nào cũng nhận được phản biện, thắc mắc.
Tôi cho rằng trong lần sửa đổi thời gian tới đây sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép, ban soạn thảo cần làm rõ cơ sở của mức giảm trừ gia cảnh. Theo đó, nên thiết kế linh hoạt, gồm khấu trừ cố định tối thiểu như hiện nay, khấu trừ một số nhu cầu chi tiêu bắt buộc có hóa đơn, chứng từ”, ông Đức nói.
Đáng chú ý, ông Đức cho biết, trong bối cảnh hiện nay, không ít ý kiến cho rằng cần nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế từ 11 triệu đồng lên cao hơn, thậm chí 18-20 triệu đồng/tháng, bởi vật giá đã leo thang và mức 11 triệu đồng/tháng đã trở nên lạc hậu.
Cùng với đó, mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc hiện 4,4 triệu đồng/tháng cũng cần được nâng lên 50-70%, nghĩa là ở mức khoảng 6,5-7,5 triệu đồng/tháng.
Kỳ Thư
————-
VietnamFinance (Diễn đàn VNF) 10-8-2022:
(958/1.091)