3.212. Đi xe công nghệ đắt hơn taxi

(TP) – Cước xe công nghệ nếu không có chương trình khuyến mãi hiện đắt hơn taxi truyền thống. Chuyên gia cho rằng, đây là bất lợi cho chính các hãng xe công nghệ, tuy nhiên quyền quyết định thuộc về người tiêu dùng.

Giá cước của xe công nghệ cao hơn taxi truyền thống. Ảnh: P.V

Như Tiền Phong đã đưa tin, sau Nghị định 126/2020/NĐ-CP (về hướng dẫn Luật Quản lý thuế) có hiệu lực, giá xe công nghệ đã tăng mạnh. Theo bảng giá mới của Grab, tại Hà Nội và Bắc Ninh giá GrabCar 4 chỗ tăng 2.000 đồng, từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2km đầu tiên và tăng thêm 1.000 đồng (từ 8.500 đồng lên 9.500 đồng cho mỗi km tiếp theo). Tương tự với GrabCar 7 chỗ sẽ áp dụng mức tăng từ 30.000 đồng lên 32.000 đồng cho 2km đầu tiên và từ 10.000 đồng lên 11.000 đồng cho mỗi km tiếp theo. Tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, giá cước tối thiểu của GrabCar cũng tăng thêm 2.000 đồng, từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2km đầu tiên và tăng thêm 500 đồng cho mỗi km tiếp theo. Giá GrabBike, GrabFood, GrabExpress cũng được điều chỉnh tăng. Bên cạnh đó, ứng dụng Baemin cũng tăng chiết khấu của tài xế từ 20% lên 27,273%.

Việc tăng giá này ngay lập tức đã gặp phải phản ứng của người tiêu dùng. Chị Nguyễn Kim Chung (Mỹ Đình, Hà Nội) cho hay, bình thường, cùng cự ly 3,7km (từ nhà mình sang nhà con gái), chị đi bằng GrabCar với giá 62.000 đồng/chuyến vào giờ thấp điểm, còn với taxi truyền thống chị chỉ mất khoảng 48.000- 50.000 đồng/chuyến. “Bình thường tôi cũng hay đi taxi công nghệ, nhưng nhiều lúc nhỡ nhàng tôi có đi taxi truyền thống. Qua vài lần đi, tôi thấy taxi truyền thống rẻ hơn nên bây tôi không chọn taxi công nghệ nữa”, chị Chung chia sẻ. Chị Nguyễn Thị Thúy Loan (Hoàn Kiếm, Hà Nội), trước đây tôi hay đi GrabCar đến mức được nâng hạng và rất hay có chương trình khuyến mãi. Nhưng gần đây, chị không chọn GrabCar nữa mà chọn hãng xe công nghệ Be vì hãng này chưa tăng giá.

“Giá cước của xe công nghệ cao hơn taxi truyền thống là tình huống bình thường của cơ chế thị trường và người tiêu dùng sẽ là người quyết định chọn loại hình nào. Tất nhiên, điều đó sẽ quyết định đến hiệu quả kinh doanh của các hãng xe”.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam

Giá cước của xe công nghệ là một “ma trận” các phép tính, khách hàng rất khó biết rõ giá cước thực của loại hình này. Tuy nhiên, nếu bỏ công tính toán cũng không khó để có kết quả. Đơn cử, với 1 cuốc xe 4 chỗ ngồi (Grabcar), khoảng cách 3 km ở giờ thấp điểm tại Hà Nội sẽ bao gồm các chi phí như sau: Khách hàng sẽ mất 27.000 đồng cho 2 km đầu tiên; 1 km sau, có giá 9.500 đồng nhưng khách sẽ tốn thêm 400 đồng/phút ngồi trên xe (giả sử di chuyển 1 km này mất thêm 2 phút, tương đương 800 đồng). Đồng thời, với cuốc xe này, khách xe mất thêm 2.000 đồng phí sử dụng nền tảng của Grab. Tổng cộng, cuốc xe này khách sẽ phải trả 39.300 nghìn đồng; tức, mỗi km là 13.100 đồng. Trong khi đó, cùng cuốc xe này, loại xe 4 chỗ của Taxi G7 (một hãng liên doanh phổ biến tại Hà Nội) có giá chưa đến 29 nghìn đồng, mỗi km chỉ hơn 9.500 đồng.

Vào giờ cao điểm, sự vượt trội về giá của xe công nghệ so với giá taxi truyền thống càng rõ hơn. Cùng quãng đường đi từ chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) về tòa nhà The Garden (quận Nam Từ Liêm), khoảng cách 3,7 km, phóng viên đặt Grabcar, hệ thống báo giá lên tới 109.000 đồng. Trong khi đó, nếu chọn đi taxi Mai Linh (một hãng Taxi truyền thống có thương hiệu vào loại tốt nhất hiện nay), giá chỉ 43 nghìn đồng (11.600 đồng/km), khách không tính phí giờ cao điểm.

Lựa chọn là của khách hàng

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, dưới góc độ thị trường, giá cước xe công nghệ mà tăng cao hơn taxi truyền thống là một bất lợi cho chính hãng xe công nghệ. Khách hàng sẽ lựa chọn đơn vị có giá cả phù hợp hơn, trong đó có taxi truyền thống chất lượng cũng không thua kém gì Grab. “Nếu Grab tăng giá thì sẽ ảnh hưởng đến tương lai của họ bởi vì các chủ xe hợp đồng sẽ có sự thay đổi”.

Ông Nguyễn Công Hùng – Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội nói, taxi truyền thống vẫn cơ bản áp dụng giá cước từ năm 2016 đến nay. Hiện nay, taxi truyền thống đang cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, phương tiện, đào tạo, cấp chứng chỉ cho lái xe và đang hoàn thiện các công nghệ, điều chỉnh giá mở cửa sao cho phù hợp với tình hình thực tế. Ông Hùng vẫn cho rằng, Grab hay các hãng xe công nghệ bản chất chỉ là các xe taxi thu tiền bằng phần mềm nên việc áp dụng các quy định của 126/2020/NĐ-CP như vừa qua là hoàn toàn công bằng.

Luật sư, chuyên gia kinh tế Trương Thanh Đức chia sẻ, Grab tăng giá là đúng luật và đó là quan điểm kinh doanh của họ. “Vừa qua tăng thuế thì đương nhiên giá họ sẽ tăng. Không chỉ Grab tăng, mà có cả một số taxi công nghệ khác cũng tăng. Tuy nhiên, chỉ có Be là không tăng vì có thể là họ cạnh tranh về giá”. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cũng cho rằng, hiện Nhà nước không có quy định về quản lý giá cước với xe hợp đồng. Hiện Grab và các hãng xe công nghệ vẫn được cho là xe hợp đồng nên Nhà nước không thể can thiệp việc họ tăng hay giảm. “Tuy nhiên, việc họ tăng giá ngay trong đợt nhà nước thu thuế như vừa qua là không nên nhưng họ vẫn cứ làm và không có cơ sở nào để xử lý được họ ngoài quyền lựa chọn của hành khách”.

NGUYỄN LINH

—————-

Tiền phong (Bạn đọc) 23-12-2020:

https://www.tienphong.vn/ban-doc/di-xe-cong-nghe-dat-hon-taxi-1768139.tpo

(174/1.125)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,597